NỘI DUNG :
John Sudworth
Thụy My
- RFI
BBC Tiếng Việt
.
===============================================
John Sudworth
BBC
News, Beijing
12/02/2020
Virus
corona: Covid-19 đe dọa phá hủy chính trị, kinh tế Trung Quốc
Vào
buổi sáng lạnh giá ở Bắc Kinh, trên một đoạn đường tẻ nhạt ở sông Thông Huệ,
người ta thấy một người cô đơn viết chữ khổng lồ lên tuyết.
Thông điệp nhắc về một bác sĩ vừa qua đời: "Tạm biệt Lý Văn Lượng!".
Tác giả dòng chữ dùng cả thân mình để vẽ thành dấu
chấm than trong câu viết.
Năm tuần trước đó, bác sĩ Lý Văn Lượng (1986-2020)
đã bị cảnh sát phạt vì tìm cảnh cảnh báo cho đồng nghiệp về nguy hiểm của một
loại virus mới, lạ tại bệnh viện của ông, ở Vũ Hán.
Rồi chính ông dính virus và chết. Các hình chụp dòng
tưởng niệm tuyết đã lan nhanh trên mạng internet Trung Quốc, chụp lại khoảnh khắc
cả nước sốc và giận dữ.
Vẫn còn nhiều điều ta chưa biết về Covid-19, tên
chính thức hiện nay của virus.
Trước khi nó lây nhiễm con người đầu tiên, có lẽ nó
đã ẩn bên trong sinh hóa của một loài động vật nào đó mà hiện không rõ.
Con vật này, có thể bị nhiễm sau khi virus bắt nguồn
từ một con dơi, được cho là đã được giữ tại một chợ ở Vũ Hán, nơi buôn động vật
trái phép.
Ngoài giả thiết này, giới khoa học vẫn còn đang cố gắng
định vị và không thể nói gì chắc chắn.
Nhưng có một điều chắc chắn: Sau hơn một tháng phát
hiện, Covid-19 đã làm lung lay gốc rễ xã hội và chính trị Trung Quốc.
Nó đã bộc lộ giới hạn của một hệ thống chính trị mà
tại đây, kiểm soát xã hội mới là giá trị cao nhất. Nó đục vỡ rào cản kiểm duyệt
bằng cơn bão buồn đau và phẫn uất.
Kết quả sắp tới phụ thuộc vào những câu hỏi mà chẳng
ai biết trả lời: liệu
chính phủ có thể kiểm soát bệnh dịch, và sẽ mất bao lâu?
Trên thế giới, dư luận có vẻ cũng không biết nên làm
gì với số ca nhỏ được phát hiện tại nước họ.
Tình cảm công chúng có thể ngả nghiêng, từ sợ hãi
sang chủ quan.
Bằng chứng từ Trung Quốc có lẽ cho hay rằng cả hai
phản ứng trên đều sai.
Cúm mùa đúng là có tỉ lệ tử vong thấp, khoảng 1%
nhưng vẫn xấu vì ảnh hưởng nhiều người toàn cầu.
Số người chết vì cúm mỗi năm vẫn lên tới hàng trăm
ngàn người.
Các ước đoán ban đầu cho rằng virus mới ít nhất sẽ
gây tử vong bằng cúm - vì thế chúng ta đang phải cố gắng ngăn không cho nó biến
thành đại dịch toàn cầu.
Nhưng lại còn một ước tính mới cho rằng nó còn ghê
hơn thế, sẽ giết 1% những ai bị nhiễm.
Với từng cá nhân, rủi ro lây nhiễm vẫn tương đối nhỏ.
Tất nhiên cần lưu tâm rằng mọi ước đoán chỉ mang tính trung bình; người già,
người ốm sẽ nguy nan hơn.
Tuy
nhiên, trải nghiệm hiện nay của Trung Quốc đề ra hai việc.
Thứ nhất, nó hé lộ viễn cảnh đáng sợ khi hệ thống y
tế đối diện với tình trạng lây nhiễm lan nhanh và rộng.
Thứ hai, nó cho ta thấy tầm quan trọng của thái độ
phải rất xem trọng việc kiểm soát lây lan các loại virus mới.
Đa số chuyên gia đồng tình rằng cách hay nhất dựa
vào minh bạch, niềm tin, có thông tin tốt, và hành động phù hợp, kịp thời của
chính phủ.
Nhưng trong một hệ thống độc đoán, với kiểm duyệt gắt
và nhấn mạnh vào ổn định chính trị, minh bạch và niềm tin thật khó kiếm.
Có
nhiều bằng chứng rằng giới chức ban đầu đã bỏ qua tín hiệu cảnh báo.
Đến cuối tháng 12, nhân viên y tế ở Vũ Hán bắt đầu
lưu ý triệu chứng lạ, gắn với mua bán động vật hoang dã trái phép.
Ngày 30/12,
bác sĩ Lý Văn Lượng đăng lo ngại trong một nhóm chat riêng, khuyên đồng nghiệp
cẩn thận.
Vài ngày sau, công an mời ông lên, bắt ký đơn thú tội.
Tivi nhà nước còn đưa tin tám người ở Vũ Hán bị điều
tra vì "đưa tin đồn".
Thực ra nhà chức trách đã biết về vụ lây lan. Vì một
ngày sau khi bác sĩ Lý đăng tin, chính Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO). Một ngày sau nữa, nguồn nghi ngờ, cái chợ, đã bị đóng cửa.
Nhưng nhà chức trách đã hầu như không làm gì để bảo
vệ dân.
Tại cuộc họp chính trị hàng năm ở Vũ Hán, lãnh đạo
không nói về virus.
Ủy ban Y tế Quốc gia thì tiếp tục nói số lượng lây
nhiễm chỉ hạn chế, và không có bằng chứng bệnh này có thể lây từ người sang người.
Ngày 18/1, Vũ
Hán cho tổ chức dạ tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình.
Hai ngày sau, Trung Quốc xác nhận đã xảy ra lây lan
từ người sang người.
Khi chính quyền đóng cửa thành phố Vũ Hán ngày 23/1,
đã quá muộn.
Tới lúc đó, dường như 5 triệu dân đã rời Vũ Hán để
đi nghỉ ăn Tết.
Dòng hashtag #Iwantfreedomofspeech được xem gần hai
triệu lần trước khi bị xóa
So sánh với Chernobyl
Một số người bắt đầu gọi đây là Chernobyl của Trung
Quốc.
Sự so sánh về thất bại thông báo tin xấu cho cấp
trên, và động cơ đặt quyền lợi ngắn hạn về ổn định trước an toàn công chúng, có
vẻ rõ ràng.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã khiến quần chúng
phẫn nộ, đến mức giới kiểm duyệt Trung Quốc dường như không chắc nên xóa cái
gì, cho phép cái gì.
Dòng hashtag #Iwantfreedomofspeech được xem gần hai
triệu lần trước khi bị xóa.
Biết tình cảm dân chúng, Đảng bắt đầu ca ngợi bác sĩ
Lý Văn Lượng, gọi ông là anh hùng dân tộc.
Trong lịch sử, các cuộc chiến, nạn đói và bệnh tật từng
lay đổ các vương triều. Chuyện này khiến các nhà cai trị hiện nay có trí nhớ lịch
sử rõ rệt về nguy hiểm của khủng hoảng bất ngờ.
Họ cũng sẽ hiểu Chernobyl đã làm gì với tính chính
danh của Đảng Cộng sản ở Liên Xô ngày đó.
Một dấu hiệu gợi ý rằng lãnh đạo nhận rõ rủi ro hiện
nay, chính là vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuần này, lần đầu tiên từ khi có khủng hoảng, ông Tập
đã ra ngoài phố gặp nhân viên y tế, thăm một bệnh viện và một trung tâm kiểm
soát virus ở Bắc Kinh.
Ngược lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường được cử tới tận
Vũ Hán, được phong làm trưởng nhóm lãnh đạo đối phó bệnh dịch.
Một số nhà quan sát nhận định ông Tập có lẽ khôn
ngoan khi đóng vai trò là giao phó trách nhiệm công tác.
Một nhà quan sát cho rằng ông Tập "rõ ràng lo
ngại khủng hoảng có thể làm ông sa cơ, vì thế ông đưa cấp dưới ra làm gương mặt
công chúng đại diện cho phản ứng của Đảng".
Cũng có dấu hiệu bộ máy kiểm duyệt tăng cường công
suất, và ông Tập ra lệnh giới chức "thắt chặt kiểm soát truyền thông mạng".
Có một số dấu hiệu là các biện pháp cách ly nghiêm
ngặt có thể có tác dụng. Ngoài tỉnh Hồ Bắc thì con số các ca nhiễm mới mỗi ngày
đang giảm.
Nhưng với nhu cầu tái khởi động nền kinh tế, đã đóng
băng cả tuần qua, Trung Quốc chỉ mới chầm chậm quay lại làm việc.
Trung Quốc khẳng định họ đang chiến đấu trên đà thắng,
đã học được kinh nghiệm.
Các câu hỏi về thất bại hệ thống bị bác bỏ, gọi đó
là thiên kiến của ngoại quốc.
Nhưng tầm mức của thảm họa có thể đe dọa thế giới
này đã bộc lộ điều quan trọng.
Hàng ngàn người mất người thân, hàng triệu người
đang bị cách ly, và các doanh nghiệp chịu thiệt hại tài chính, đã hỏi những câu
hỏi khó.
---------------------------------------------
Thụy My
- RFI
Đăng ngày: 12/02/2020 - 11:18
Trước
nạn dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán, vừa có tên chính thức là Covid-19,
Việt Nam theo dõi chặt chẽ những người từ vùng dịch đến. Riêng tại Thành phố Hồ
Chí Minh, đến ngày 12/02/2020 có 1.957 người nhập cảnh đang được giám sát.
Riêng tại Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân có 86 người
bị cách ly (trong đó có 79 người Trung Quốc, 6 người Đài Loan, 1 người Việt
Nam), và chưa người nào có triệu chứng bất thường.
Về phần hai bệnh
nhân đầu tiên người Trung Quốc ở Chợ Rẫy đã được xuất viện. Như vậy trong số
15 trường hợp dương tính tại Việt Nam đã có 6 người được coi là chữa khỏi.
Vĩnh Phúc, nơi có 8 công nhân đi tập huấn hai tháng ở
Vũ Hán trở về, là nơi tập trung nhiều ca nhất với 10 người bị lây nhiễm. Trong
đó có trường hợp cháu bé ba tháng tuổi bị dương tính qua bà ngoại lây nhiễm từ
người quen là công nhân từ Vũ Hán về. Hiện nay 38 học sinh ở Vĩnh Phúc có biểu
hiện ho, khó thở đang được theo dõi.
Báo chí trong nước cho biết nhiều trường đại học cho
sinh viên tiếp tục nghỉ sau Tết, có trường cho nghỉ đến đầu tháng Ba.
Trong nỗ lực đối phó dịch bệnh, Bộ Khoa học và Công
nghệ Việt Nam vừa phê duyệt đề tài cấp nhà nước về việc bổ sung thuốc trị HIV
trong điều trị nhiễm virus corona. Công thức Lopinavir/Ritonavir thường được
dùng để điều trị và phòng ngừa nhiễm AIDS (SIDA) sẽ được nhóm nghiên cứu thử
nghiệm trong 4 tuần để đánh giá hiệu quả về lâm sàng.
Về mặt kinh tế, theo Reuters, thiệt hại ước tính đối
với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khoảng 430 triệu đô la do các đường
bay với Trung Quốc bị ngưng. Cơ quan hàng không dân dụng cho biết lệnh cấm ảnh
hưởng đến 400.000 hành khách mỗi tháng ; ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet
Aviation và Jetstar Pacific có khoảng 72 tuyến bay nối Việt Nam và Trung Quốc.
Xuất khẩu thủy sản trong tháng Giêng giảm 12,5% so với
cùng kỳ năm ngoái, còn 644 triệu đô la. Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
(VASEP) cho biết nhiều công ty xuất cá tra, cá ngừ và tôm vẫn chưa được chi trả
vì các ngân hàng Trung Quốc chưa hoạt động trở lại. Chính quyền vận động giảm
phí lưu kho, xúc tiến tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Trên lãnh vực du lịch, chiếc tàu du lịch Diamond
Princess của Nhật hôm nay 12/02/2020 đã phát hiện tổng cộng 176 người bị nhiễm
virus corona, đến hôm nay vẫn bị cách ly tại cảng Yokohama. Tàu này từng ghé cảng
Quảng Ninh và Huế của Việt Nam, một số khách đã lên bờ du ngoạn. Có 21 hướng dẫn
viên người Việt đã tiếp xúc các hành khách trên tàu, nhưng đến nay vẫn chưa bị
cách ly.
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội
đồng thành viên công ty du lịch Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng
về việc này.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
-------------------------------------
BBC Tiếng Việt
10 tháng 2 2020
Du lịch
Hà Nội 'ngấm đòn' do tác động của virus corona
"Khách
hủy phòng rất nhiều," chị Nguyễn Thị Hoàn, quản lý dịch vụ homestay ở phố
Lương Ngọc Quyến, trung tâm Hà Nội, nói. "Không chỉ khách Trung Quốc mà cả
khách từ các nước khác cũng hủy hết."
Hà Nội có lẽ là một trong những nơi cảm nhận rõ
nhất tình hình sụt giảm mảng du lịch trong làn sóng bùng phát virus corona
hiện nay.
Hà Nội vắng khách
Các hoạt động đặt phòng, đón khách ở khu vực phố cổ
Hà Nội gần như đình trệ, chị Hoàn cho biết.
"Ngành homestay chỉ cao điểm trong vài tháng, từ khoảng tháng Mười đến
tháng Ba, tháng Tư, trời nắng là vắng khách. Năm nay, đang mùa cao điểm lại
dính vào dịch bệnh," chị Mai Vân, nhân viên quản
lý, điều phối công tác vệ sinh cho các điểm homestay ở khu vực phố cổ Hà Nội,
đồng tình.
"Mọi năm thời điểm này khách đăng ký kín tới 80-90%. Hiện nay chỉ đạt
5-10% công suất đặt phòng."
VIDEO
: Du lịch Hà Nội sau Tết đình trệ vì virus corona
Khách quốc tế tới Hà Nội rất đa dạng, gồm đủ loại
quốc tịch, từ khắp nơi trên thế giới, nhưng khách Trung Quốc thường chiếm khoảng
30%, nhiều hơn hẳn so với khách từ các nơi khác.
"Từ khi có dịch bệnh đến giờ, các host ở phố cổ hoàn toàn không
nhận khách Trung Quốc nữa," chị Vân cho biết.
Một nguồn du khách khác cũng giảm mạnh, là Việt kiều,
theo nhận xét của một người dày dạn hàng chục năm hoạt động trong ngành du lịch
ở Hà Nội.
"Hàng năm, Việt kiều về Việt Nam sau dịp Tết rất nhiều, nhưng năm
nay, có tình trạng Việt kiều bỏ về rất sớm," bà Phan Hồng Châu, giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng
(Esperantotur), chuyên về bán tour và bán vé máy bay, nói.
Việc mất đi những nguồn khách khổng lồ này đã trở
thành cú đánh mạnh mẽ giáng xuống các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch,
từ dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải, hàng không, công ty tours, cho tới
một số các công ty tài chính phục vụ theo và các ngành nghề khác, theo bà
Châu.
Cảm nhận rõ rệt nhất có lẽ không chỉ là các chủ
doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, mà cả những người làm công ăn lương.
"Kinh doanh dịch vụ homestay rất tốn kém. Không có khách đặt phòng
nhưng các chủ nhà vẫn phải trả rất nhiều khoản tốn kém, từ tiền thuê nhà, tiền
dọn dẹp, giặt giũ chăn ga, điện nước, đều tốn," chị Vân nói.
Còn người lao động, rất nhiều người do sợ bệnh dịch
mà từ chối không đi làm, chấp nhận nghỉ không có thu nhập để 'tránh nạn'.
"Nếu biết chắc chắn có nhà homestay nào nhận khách Trung Quốc thì
tôi sẽ không dám đến làm vệ sinh," chị Vân chia sẻ.
"Các chị em trong nhóm tôi quản lý họ cũng nghĩ vậy, họ e sợ có
khách Trung Quốc nên đều không đi làm."
"Vì tôi làm cả công tác quản lý, tôi biết rõ khách lưu trú là ai nên
tôi vẫn tới. Nhân viên không chịu đi làm thì các quản lý cấp trên phải đi, để
duy trì dịch vụ cho các host (chủ nhà)."
Các tour du lịch nước ngoài và trong nước
cùng 'ế khách'
Không chỉ bị sụt giảm nặng về lượng khách tới thành
phố, du lịch Hà Nội còn bị tổn thất nặng do tình trạng khách trong nước hủy
tour, đặc biệt là các tour đi Trung Quốc.
Trong lúc các tour đi châu Âu và Đông Bắc Á (Nhật,
Hàn Quốc) vẫn còn hoạt động ít nhiều, thì mảng du lịch Trung Quốc và trong nước,
là các mảng sôi động nhất, hoàn toàn đình trệ, bà Phan Hồng Châu cho biết.
"Lượng khách du lịch đi Trung Quốc năm nay ban đầu dự kiến rất đông
vì sản phẩm giá hợp lý và các hãng tour đưa ra các dịch vụ rất tốt," bà Châu nói. "Đáng tiếc
là do dịch virus corona, tất cả các tour đều hủy 100%."
"Sau đó, các đoàn liên quan đến tour nội địa cũng bị hủy rất nhiều.
Các đoàn trong tháng Hai đều xin hoãn, hủy. Bây giờ chúng tôi chủ yếu chỉ còn
phục vụ khách lẻ, còn các đoàn lớn hầu như là không đi nữa hoặc xin lùi thời
gian đi."
"Bây giờ,
nhân viên trực ở công ty chủ yếu là để trợ giúp khách hàng trong việc 'hoàn, hủy,
đổi' dịch vụ."
'Không quá bi quan'
"Nếu dịch cúm này được dập tắt sớm, trong khoảng Quý 1, đó sẽ là điều
may mắn cho ngành du lịch và ngành hàng không, là hai ngành theo tôi là bị ảnh
hưởng trực tiếp ở mức độ khủng khiếp," bà Châu
nhận định.
Tuy chưa biết đợt bệnh dịch này khi nào mới qua đi,
nhưng những người hoạt động trong ngành du lịch ở Hà Nội tỏ ra không quá lo lắng.
Ý thức được vấn đề sức khỏe cộng đồng là điều quan
trọng, các chủ kinh doanh dịch vụ homestay ở Hà Nội đều tỏ ra chủ động trong
việc phối hợp với khách và cả chính quyền địa phương, công an để theo dõi, kiểm
soát bệnh dịch.
Ngoài việc không nhận khách Trung Quốc, chị Hoàn
cho biết các host đều thẳng thắn trao đổi với khách để đảm bảo không tiếp nhận
những người từng quá cảnh hoặc tới thăm Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước
khi tới Hà Nội, và chấp nhận hoàn trả tiền cho các trường hợp muốn hủy phòng,
bởi, "an toàn là trên hết".
Đứng từ khía cạnh kinh doanh, bà Châu đánh giá rằng "hậu quả của dịch cúm sẽ rất nghiêm trọng".
Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ra lạc quan. "Biết đâu Quý 1 sụt giảm thì số lượng sụt giảm
đó sẽ bung lên vào sáu tháng cuối năm."
Bà nói thời gian vắng khách hiếm hoi như thế này
cũng là lúc tốt để công ty bà và các công ty du lịch khách dành thời gian đào tạo,
nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho nhân viên.
Còn với chị Hoàn, đây là lúc để chị tạm thời tự cho
mình nghỉ ngơi và tìm hiểu thêm những thứ mình yêu thích mà chưa có thời gian
theo đuổi.
No comments:
Post a Comment