Monday, February 24, 2020

TỔNG THỐNG DONALD TRUMP ĐI ẤN ĐỘ NHẰM TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUÂN SỰ SONG PHƯƠNG (RFI)




NỘI DUNG :
Thụy My  -  RFI
.
Vineet Khare  -  BBC
.
VOA Tiếng Việt
.
====================================
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 24/02/2020 - 15:13

Ngày 24/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, kéo dài hai ngày. Ông Trump và phu nhân Melania được tưng bừng đón tiếp tại Ahmedabad, quê nhà của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với cuộc mít-tinh trên 100.000 người, và hàng ngàn người đón chào trong suốt lộ trình.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) đón tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân vận động Sardar Patel Gujarat, thành phố Ahmedabad, ngày 24/02/2020. REUTERS/Francis Mascarenhas

Sự kiện mang tên « Namaste Trump » (Xin chào ông Trump) nhằm đáp lễ cuộc mít-tinh lớn « Howdy Modi » tổ chức tại Houston, Texas nhân dịp thủ tướng Ấn đến Hoa Kỳ tháng Chín năm 2019.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình :

« Thành phố Ahmedabad đón tiếp tổng thống Mỹ như một hoàng đế : một loạt 28 tấm biển khổng lồ được triển khai trên nhiều kilomet dọc theo lộ trình của ông Donald Trump, trước khi 3.000 nghệ sĩ biểu diễn tại một sân vận động 110.000 người.

Thủ tướng Narendra Modi áp dụng chính sách ngoại giao nặng phần trình diễn mà ông đã nhiều lần dùng đến khi công du phương Tây, với mục đích kích thích tinh thần dân tộc của cử tri. Việc đón tiếp này còn nhằm hâm nóng quan hệ kinh tế giữa hai nước : Washington chỉ trích nhiều hàng rào thuế quan của Ấn Độ, và Mỹ đánh thuế vào nhôm thép nhập khẩu từ Ấn.

Ngược lại, hợp tác quân sự giữa hai bên tăng tiến : Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ nhì của Ấn Độ, và ngày mai (25/02) ông Donald Trump tại New Delhi sẽ ký hợp đồng bán 24 chiếc trực thăng tác chiến trị giá hơn 2 tỉ euro. Rõ ràng Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Mỹ, vốn đang tìm cách ngăn chận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á. »

AFP cho biết thêm, dọc theo lộ trình ở Ahmedabad, có những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống ; bò, khỉ và chó hoang đều bị quét sạch trên các con đường trước khi ông Trump đến. Còn chính quyền thành phố Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, nơi Donald Trump đi thăm vào buổi chiều, đã cho đổ một lượng nước lớn xuống sông Yamuna chảy quanh đền này để làm bớt mùi khó chịu, do dòng sông bị ô nhiễm nặng.

********

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.


--------------------------------------------------------------
.
Vineet Khare
BBC Hindi
24 tháng 2 2020

Ấn Độ chuẩn bị đón chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới nền dân chủ đông dân nhất thế giới vào hai ngày 24 và 25/2.

Hàng chục ngàn người dự kiến ​​sẽ xếp hàng trên đường phố để chào đón ông Trump tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat - bang nhà của Thủ tướng đương nhiệm nước chủ nhà, ông Narendra Modi.

Ông Trump sẽ dự lễ khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở bang này, với sự tham gia của hơn 100 ngàn người. Sân vận động này dự kiến được đầu tư hơn 13 triệu đô la Mỹ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp cao.

Ông Modi cũng đang đối mặt với những chỉ trích, ở cả trong và ngoài nước, về Quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir, và đạo luật công dân gây tranh cãi mà theo đó nhanh chóng cấp quyền công dân cho người dân thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số không theo đạo Hồi từ ba quốc gia láng giềng.

"Chuyến thăm này sẽ là một tin tức tốt lành cho ông ấy", Tanvi Madan, giám đốc dự án nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, Hoa Kỳ, nhận định. "Ông ấy sẽ xuất hiện trong tấm ảnh chụp chung với một nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể nói là vậy."

Nhưng Ấn Độ vốn không được đề cập đến nhiều trong chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Vậy ông Trump, người vốn được cho là không thích thú gì lắm với các chuyến công du dài ngày, muốn đạt được những gì trong chuyến công du này?

1. Nhằm thu hút cử tri Mỹ gốc Ấn?

Chuyến thăm Ấn Độ được nhiều người xem là một chuyến công du thú vị, đến một đất nước nơi ông Trump dự kiến ​​sẽ không phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa, nhưng lại dễ dàng cho ông để giành được một số điểm cộng về chính trị trong nước.

Một trong những mục tiêu của chuyến đi là vẽ ra trước cử tri Mỹ một hình ảnh tốt đẹp về ông Trump khi ông tìm cách tái cử. "Các hình ảnh sẽ được sử dụng trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, để tạo ấn tượng rằng, vị Tổng thống này đang được hoan nghênh trên toàn thế giới", bà Madan phân tích.

"Rằng ông ấy đã làm cho nước Mỹ vĩ đại và được tôn trọng, nhất là khi một số cuộc thăm dò cho thấy rằng, trên trường quốc tế, mức độ tôn trọng đối với Hoa Kỳ đã giảm xuống."
Cử tri người Mỹ gốc Ấn có thể là nhóm được đặc biệt chú ý. Hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn sống ở Mỹ, số lượng như vậy là tương đối nhỏ, nhưng họ lại là một lực lượng chính trị đang lên ở quốc gia này.

Cử tri người Mỹ gốc Ấn thường bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử vào năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, theo cuộc khảo sát quốc gia về những người Mỹ gốc Á.

"Người Mỹ gốc Ấn không tin vào chính sách cắt giảm thuế và thu hẹp vai trò của chính phủ. Họ ủng hộ việc thúc đẩy chi tiêu cho các phúc lợi xã hội", Karthick Ramakrishnan, Giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Riverside, người điều hành cuộc khảo sát nói trên, cho hay.

Ông Trump đã tìm cách kiếm cảm tình của người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử sắp tới, vào năm 2020 này. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông đã xuất hiện cạnh ông Modi trong một sự kiện lớn ở Houston, Texas, có tên "Howdy Modi" và đưa ra tuyên bố: "Quý vị chưa bao giờ có một người bạn tốt nào làm Tổng thống tốt hơn Tổng thống Donald Trump".

Theo ông Ramakrishnan, những nỗ lực của ông Trump trong việc tiến đến gần Ấn Độ có thể giúp làm tăng số lượng ủng hộ ông trong những nhóm cử tri hãy còn lưỡng lự.
"Tôi nghĩ rằng, sự ủng hộ sẽ có thể tăng lên trong ngắn hạn, nhưng có lẽ không đến mức như nhiều đảng viên Cộng hòa hy vọng," ông nhận định.

2. Thảo thuận mậu dịch

Một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ sau nhiều tháng đàm phán dự kiến ​​sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm lần này của ông Trump và đây sẽ là một chiến thắng chính trị lớn với ông nếu thỏa thuận này thành hiện thực.

Thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ hiện dừng ở con số 160 tỷ Mỹ kim. Nhưng hy vọng về một thỏa thuận như vậy đã chòm xuống trong nhiều tuần qua, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử. Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cũng là những vấn đề được quan tâm khác.

Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục lại hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nước này xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.

"Ngay cả một thỏa thuận thương mại với quy mô hạn chế cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng với ngành công nghiệp ở cả hai quốc gia, rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ nghiêm túc trong mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và họ có thể vượt qua các vấn đề [khác biệt]", Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Độ (USIBC), bà Nisha Biswal nói.

Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng: "Từ những gì tôi đã nghe được từ cả hai chính phủ, tôi không mấy lạc quan."

3. Yếu tố Trung Quốc

Trung Quốc đã trở thành một phần trung tâm tạo nên 'thương hiệu chính trị' của ông Donald Trump. Và nhiều quan ngại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, cách Trung Quốc hành xử ở Biển Đông và sự không đáng tin cậy của các đối tác Trung Quốc cũng được Ấn Độ chia sẻ.

"Tôi không nghĩ chuyến thăm này có thể diễn ra nếu giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ không có sự tương đồng chiến lược về Trung Quốc, nhất là những quan ngại của họ trước các hành động và ý định của Trung Quốc trong khu vực", bà Madan bình luận.

Một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ hẳn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Ấn Độ, nhưng mối quan hệ quá gần gũi giữa hai gã khổng lồ này cũng có thể làm Ấn Độ bị cho ra rìa trong cuộc chơi.

Ngược lại, phía Mỹ đặt câu hỏi, liệu mục tiêu tự chủ chiến lược của Ấn Độ có thành một trở ngại cho mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Hoa Kỳ.

Các câu hỏi cũng xoay quanh việc, liệu Ấn Độ có thể trở thành một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á, hay sẽ bị hút sâu hơn vào các vấn đề chính trị trong nước và tiểu khu vực. Và với sự thù nghịch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump cũng có thể tìm thấy một người bạn ở ông Modi, người được coi là sẵn lòng chỉ trích Trung Quốc.

4. Thỏa thuận quốc phòng

Truyền thông loan tin cho thấy, các thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump.

Điều này có thể gồm việc bán máy bay trực thăng cho hải quân. Trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán Hệ thống Vũ khí Phòng không tích hợp với trị giá 1,8 tỷ đô la.

Khi Ấn Độ cố gắng đa dạng hóa các đối tác bán vũ khí cho mình, nước này nhận ra rằng, Mỹ vẫn chưa phải là đối tác cung cấp vũ khí lớn như Nga và Pháp, một nhà phân tích cho biết

"Ấn Độ và Mỹ đã trở nên rất gần gũi với nhau do những lý do chiến lược. Ngay trong những năm ông Trump cầm quyền, đã diễn ra nhiều đối thoại quốc phòng và ngoại giao", bà Madan nói.

Còn với ông Trump, bất kỳ cơ hội nào, dù nhỏ, để bán các sản phẩm của Mỹ cũng là dịp để ông khẳng định với những người ủng hộ rằng, ông đang thúc đẩy việc làm và các sản phẩm 'Made in America'.

5. Quan hệ Trump-Modi

Ông Trump được nhiều người coi là nhà lãnh đạo "biết thương thảo", người luôn coi trọng các mối quan hệ cá nhân hơn so với địa chính trị. Bản thân ông tin rằng, khả năng tiếp cận với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã giúp ông có được khả năng như vậy.

Và chuyến thăm lần này sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trong vòng có 8 tháng.

Họ gọi nhau là 'bạn'. Hình ảnh họ ôm nhau xuất hiện trên truyền thông. "Tuy chúng ta chưa được Ấn Độ đối xử tốt nhưng tôi lại rất thích Thủ tướng Modi", ông Trump nói với các phóng viên vài ngày ngay trước chuyến đi.

Đối với ông Trump - và cả ông Modi nữa - thể hiện tính cách thân thiện và nồng nhiệt ở một mức độ nào đó có thể giúp họ giải quyết những khác biệt khi các cuộc đàm phán gặp khó khăn.

Cuối cùng, đó có thể không phải là một chuyến đi được thực hiện với một mục tiêu rõ ràng, ông Joshua White thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins nói.

Đối với ông White, nhiều khả năng tính cách bốc đồng đã khiến ông Trump quyết định thực hiện chuyến đi, để bắt tay và tạo dáng chụp ảnh, còn "bộ máy quan liêu sẽ tìm xem những gì có thể đạt được trong chính sách"

------------------------------------
.
VOA Tiếng Việt
24/02/2020

Được hơn 100.000 người nhiệt liệt chào đón tại lễ khai mạc sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở Ấn Ðộ hôm 24/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hứa hẹn “một thỏa thuận thương mại phi thường” và một hợp đồng bán “thiết bị quân sự đáng gờm nhất hành tinh” tại cuộc mít tinh lớn nhất mà ông có ở nước ngoài, theo Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Đệ nhất phu nhân Melania Trump (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Người dân Ấn Độ đã đeo mặt nạ và đội nón có chữ “Namaste Trump” (“Chào ông Trump”) để chào đón tổng thống Mỹ tại sân vận động khổng lồ Motera mới xây tại thủ phủ chính trị của Thủ tướng Narendra Modi, thành phố Ahmedabad ở miền tây của Ấn Độ.

Ông Modi là một người theo chủ nghĩa dân tộc đã tái đắc cử vào năm ngoái và đã chuyển đất nước sang cánh hữu bằng các chính sách mà các nhà chỉ trích cho là độc đoán và gây chia rẽ dân tộc. Thủ tướng Modi đã ca ngợi mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ như là bằng chứng cho vị thế toàn cầu của bản thân.

Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ mô tả chuyến thăm của Trump là một cách để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường.

“Các bạn đã tạo một vinh dự lớn lao cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ các bạn mãi mãi. Kể từ ngày này trở đi, Ấn Độ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Trump nói trong những tràng pháo tay vang dội.

Cuộc mít ting "Namaste Trump" tại Ấn Độ vào ngày 24/2/2020.

Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia lớn trên thế giới có tỷ lệ ủng hộ cá nhân dành cho ông Trump trên 50%. Quốc gia này đã xây dựng mối quan hệ với Hoa Kỳ trong những năm gần đây khi mối quan hệ của Washington trở nên căng thẳng với Pakistan - kẻ thù của Ấn Độ.

“Trong lúc chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, Hoa Kỳ mong muốn cung cấp cho Ấn Độ một số thiết bị quân sự tốt nhất và đáng gờm nhất trên hành tinh”, Tổng thống Trump nói thêm.

Ông Trump cho biết hai nước sẽ ký các thỏa thuận mua bán trực thăng quân sự trị giá 3 tỷ USD và Mỹ sẽ trở thành đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, vốn lâu nay vẫn dựa vào thiết bị của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, Reuters đưa tin rằng Ấn Độ đã thông qua việc mua 24 trực thăng của công ty Lockheed Martin của Mỹ trị giá 2,6 tỷ USD.

Vẫn theo tường thuật của Reuters, Thủ tướng Modi đã ôm chầm ông Trump khi ông rời khỏi chiếc Air Force One cùng với Đệ nhất phu nhân Melania.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Trump sẽ đi thăm đền Taj Mahal ở Agra và có các cuộc họp chính thức ở Delhi.

Các vũ công dân gian Ấn Độ với những chiếc ô đầy màu sắc đã nhảy múa dọc theo thảm đỏ trong khi các tay trống, kèn và các nghệ sĩ khác biểu diễn ngay tại phi trường để chào đón ông Trump và phái đoàn Hoa Kỳ.

Đám đông xếp hàng dọc theo lộ trình đoàn xe của ông Trump và nhiều người tranh thủ dùng điện thoại để chụp ảnh.

Thủ Tướng Modi thảo luận với TT Trump có Đệ nhất phu nhân dự thính

Trước chuyến thăm, hai bên đã không giải quyết một số khác biệt còn lại về nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại kỹ thuật số và đề xuất thuế quan mới. Ông Trump nói ông sẽ thảo luận về mối quan hệ kinh tế với ông Modi, và mô tả thủ tướng Ấn Độ là một nhà đàm phán cứng rắn.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các thoả thuận thương mại lớn chưa từng có. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn đầu của việc thảo luận về một thỏa thuận thương mại phi thường nhằm giảm bớt rào cản đầu tư giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ”, Reuters dẫn lời ông Trump nói.
“Tôi lạc quan về khả năng hợp tác với nhau. Thủ tướng và tôi có thể đạt được một thỏa thuận tuyệt vời, tốt đẹp cho cả hai nước chúng ta – cho dù ông ấy là một nhà đàm phán rất cứng rắn”.

Hai bên đã tranh cãi về yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thị trường gia cầm và sữa của Ấn Độ, việc kiểm soát giá của Ấn Độ trên các thiết bị y tế như ống đỡ động mạch, và các quy tắc lưu trữ dữ liệu địa phương nghiêm ngặt mà các công ty công nghệ Mỹ nói là sẽ làm tăng chi phí kinh doanh.

Chính phủ của ông Modi đã tìm cách khôi phục các nhượng bộ thương mại mà ông Trump đã rút vào năm 2019 và tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường Hoa Kỳ cho dược phẩm và nông sản Ấn Độ.

Ông Modi đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump và đang dồn hết sức lực cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ, mặc dù triển vọng cho một thỏa thuận thương mại được xem là khá mong manh.

Trong khi đó, ông Trump - người đang trong chiến dịch tái tranh cử năm nay - thường xuyên ca ngợi ông Modi về sức thu hút đám đông của thủ tướng Ấn.

Năm ngoái, ông Trump đã tổ chức một cuộc tuần hành mang tên “Howdy Modi” (“Ông khoẻ không, Modi?”) ở Houston, thu hút khoảng 50.000 người, chủ yếu là người Mỹ gốc Ấn. Vào thời điểm đó, ông Trump đã ví ông Modi với Elvis Presley vì sức hút đối với đám đông.

Đoàn tùy tùng của ông Trump bao gồm con gái Ivanka và con rể Jared Kushner cũng như các thành viên trong nội các của ông, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

*
              VOA Tiếng Việt




No comments: