Friday, February 28, 2020

COVID-19, THUỐC THỬ CHO CÁC BẠN. . .BÒ (Lý Bá - RFA)




Lý Bá (Nguồn: RFA)
February 27, 2020

Như một phép thử miễn phí trên diện rộng, cứ mỗi sự kiện lớn lại là dịp để người ta quan sát thấy một mâu thuẫn lớn trong tư duy của phần lớn người Việt. Đó là vừa đa nghi (không phải hoài nghi theo nghĩa tích cực), vừa cả tin đến mức gần như tự động đưa cái thừng cho người khác xỏ mũi.

Một người đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 đi qua tấm biển cảnh báo dịch bệnh ở xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc hôm 13 Tháng Hai, 2020. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Người Việt trong nước mang tiếng thiếu thông tin và không có tự do ngôn luận đã đành, người Việt sống già đời ở các nước phương Tây phát triển vượt bậc lại cũng ngáo ngơ không kém.

Đơn cử vụ dịch do virus COVID-19 đang hoành hành ở nhiều nước từ trước Tết Nguyên Đán 2020 đến giờ.

Đeo bịch muối trước mũi để diệt virus

Người ta đồn từ những tin nhỏ không gây hại mấy cho ai, trừ cho chính người cả tin như ăn chay, lên chùa tụng kinh làm công quả sẽ hồi hướng được nghiệp tốt, bảo vệ sức khỏe cho chủ nhân, nói nôm na là cứ gõ mõ tụng kinh thì chấp tất virus.

Một người đàn ông đeo khẩu trang phòng dịch trước cửa đền Ngọc Sơn, Hà Nội, hôm 9 Tháng Hai, 2020. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Trend lên chùa tụng kinh vừa bị bóc mẽ thì đến trend uống nước tiểu của chính mình, với quảng cáo “bệnh gì cũng tiêu tan, ung thư cũng dứt.” (May quá) ít người can đảm uống vào rồi khen với nhau: thanh thanh, hậu ngọt, thần dược tự nhiên, bị đau khớp vai do làm việc nặng không thuốc thang gì cả chỉ ngâm nga nước tiểu mà một tuần sau đã đỡ!

Căng dây chằng chả uống gì thì một tuần nghỉ ngơi nó cũng tự bớt sưng đau. Nhưng óc phản biện của những người này hình như không có, họ thích những gì ngược với lời khuyên của khoa học hiện đại.

Thế rồi bàn dân thiên hạ nghe trong phòng thí nghiệm người ta thử tráng lớp màng muối vào lớp lọc của khẩu trang y tế thì hiệu quả diệt virus tăng lên, bèn có thịt gắp thịt có rau lườm rau, đùng đùng nổi lên trend xé một lỗ trên lớp lọc khẩu trang y tế đang dùng, đổ vô đó một bụm muối. Người “khoa học” hơn thì làm theo hướng dẫn rất chi tiết là hòa tan hai chén ăn cơm muối vô nửa chén nước, nhúng khẩu trang vô rồi phơi khô, cứ vậy hai lần. Bất biết tỷ lệ muối-nước như vậy đã bão hòa, muối không thể tan nổi.

Có người Đông Tây y kết hợp, vừa nhúng nước muối hoặc đổ muối vô, vừa trộn với tỏi hoặc một lát chanh kẹp giữa lớp lọc khẩu trang. Có bài báo vội vã còn dẫn chứng hẳn hoi là tinh thể muối sắc nhọn sẽ đâm chết, xé rách con virus. OK! Tôi hiến dâng các quý vị thêm bí quyết nữa: kẹp thêm tí ớt và con gà là đủ món ăn chơi, muối đâm gà mổ, chiêu thêm ngụm bia cuốn trôi tất cả. COVID chứ ông nội nó vid cũng chạy gãy giò.

Những người sẵn tiền, hay lướt mạng và sùng ngoại thì mê mẩn cái “thẻ diệt virus” tương truyền của Nhật. Thẻ này bán khoảng 200,000 VND/chiếc, giống cái thẻ sinh viên hay nhân viên vẫn đeo trước ngực, nhưng được quảng cáo là có chứa chất diệt virus phát tán trong khoảng 3 m xung quanh người đeo. Y như vòng phép thuật Tôn Ngộ Không vẽ dưới đất quanh chỗ Tam Tạng ngồi, virus ngửi thấy linh khí tỏa ra chỉ có nước quỳ bên ngoài gào thét năn nỉ nhưng tuyệt không có đường dụng võ.

Tội nghiệp báo chí và các cơ quan y tế giải thích khô miệng virus là gì, kháng sinh không thể diệt virus ra sao, chỉ có vắc-xin mới giúp cơ thể tự đề kháng giết virus như thế nào… nhưng vẫn rất nhiều người Việt mua cháy cả thẻ.

Thích nghe “chuyên gia điện đi sửa ống nước” hơn các chuyên gia hàng thật
Còn các trend nho nhỏ như xịt tinh dầu tràm, đốt bồ kết khắp nhà để diệt virus thì không tính tới. Tinh dầu tràm bán đắt hàng đến nỗi có người bán hết sạch hàng ế mấy năm nay trong vòng vài ngày, mà còn nhiều khách năn nỉ thôi hết tinh dầu thì gom giùm lá tràm để họ tự nấu tinh dầu cũng được!

Trên cõi Facebook, dưới status của những người nôi nổi trên cõi mạng là những comment đầy thành kính: “Em chỉ tin anh/chị trong chuyện này,” “Anh/chị nói gì em cũng nghe,” “Chờ mãi mới thấy anh/chị lên tiếng.” Bất chấp đó là những người mà chuyên môn là ngành ngân hàng, chụp ảnh, hay thậm chí bán hàng tiêu dùng online, chỉ cần có một thời gian sáng tác ra các status lấy lòng đám đông thì nhân dân Facebook phong thánh hết. Có chuyện lại ngửa cổ chờ thánh phán, gật lấy gật để như gà mổ thóc. Dân gian Việt có câu “Thợ điện đi sửa ống nước” rất đúng với những vị thánh này.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang phòng dịch ở Hà Nội hôm 8 Tháng Hai, 2020. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Dân ta cả tin những vị thánh sống kể trên, tin bất chấp, nhưng số liệu, dữ kiện thực tế thì cương quyết không tin. Cơn dịch tối nguy hiểm làm chết gần 2,500 người chỉ trong vòng chưa đến 30 ngày, ai cũng sợ cuống và lo bảo vệ sinh mạng. Với lối sống gần gũi của người Việt Nam, với sự lan tỏa của mạng xã hội ở Việt Nam, và với sự rảnh của nhiều người Việt Nam thì một người hắt xì hàng xóm cũng biết và lập tức báo y tế địa phương để yêu cầu cách ly, phun sát trùng, huống chi một hay nhiều người tử vong vì COVID-19 mà giấu được hàng xóm ư? Giấu được nơi làm việc, khu dân cư ư? Vậy mà vẫn rất nhiều người quả quyết Việt Nam đang giấu dịch, đang dối trá con số và nguyên nhân tử vong. Khi bị truy vấn cơ sở đâu, bằng chứng đâu thì “chuyên gia điện chuyên sửa ống nước” đưa ra câu trả lời duy nhất “Giờ này mà còn tin ở cộng sản à?”

Cộng Sản thì không sợ chết?

Tôi đang sống ở Việt Nam. Chẳng cần tới cái năm 2020 này, người nào biết đọc, biết đối chiếu thông tin cũng đã không ai tin vào những thiên đường hồng hào của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng không tin vào chủ nghĩa Cộng Sản là biểu hiện có lý trí; còn không tin vào bất cứ quan sát, con số, dữ liệu, dữ kiện, tình hình thực tế khách quan nào lại là biểu hiện lý trí âm vô cực.

Thời buổi bùng nổ thông tin, dễ dàng tìm ra gốc và đối chiếu thông tin như thời này thì việc truy vấn một thông tin không có gì quá khó, trừ phi nó là tài liệu tuyệt mật quốc gia.

Nhớ những vụ trước như ở địa phương miền Bắc nọ, một thiếu niên mở cửa xe sai nên bị ngã ra đường, tình cờ lúc đó một phụ nữ chở con nhỏ đi đến. Chẳng cần biết ất giáp, bố của thiếu niên nọ lao đến tát cô kia một phát cháy má.

Chỉ một đêm dân mạng lùng luôn ra địa chỉ, số xe của ông ta và cử người đến tận nhà nói chuyện phải quấy, đòi ông ta xin lỗi người phụ nữ kia. Hai giờ sáng vài ngày sau đó, ông ta đi trốn vẫn bị chụp hình lại rõ cả số xe. Sau đó, với bằng chứng sờ sờ không chối cãi được, gia đình ông ta phải đến tận nhà năn nỉ cô gái bỏ qua và công khai buổi nói chuyện đó lên mạng. Nếu không, với tinh thần Lục Vân Tiên “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha,” anh bố côn đồ đó khó sống yên ổn ở địa phương.

Ở Sài Gòn, chỉ một nhân viên giao thức ăn nhanh bị bùng tiền hàng, ức quá viết vài câu lên mạng xã hội, lập tức dân mạng cũng tìm ra ngay cô gái bùng hàng, gây áp lực khiến cả nhà cô này phải tới tận nơi xin lỗi và hoàn tiền.

Những câu chuyện tương tự đầy rẫy trên mạng xã hội. Vậy tại sao trong những sự kiện quan trọng hơn, đặc biệt khi nó liên quan đến chính phủ hay nhà nước Việt Nam, vẫn có rất nhiều người cả tin đến mức ngu si vào các thần tượng, vứt phéng mọi khả năng truy tìm và phản biện thông tin, biến mình thành bò?

Công an đeo khẩu trang bảo vệ đứng canh tại một điểm ngoài xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, hôm 13 Tháng Hai, 2020. Đây là địa phương có nhiều người bị nhiễm COVID-19 nhất và đang bị cách ly. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Chính phủ bưng bít thông tin thì sẽ luôn có những người tay trong tuồn thông tin ra bằng mọi cách. Cái minh chứng Wikileak còn sờ sờ ra đó.

Ở Việt Nam, đến những lá đơn của phu nhân các quan chức cao cấp gởi Trung Ương Đảng tố ông nọ ông kia, đến những biệt thự riêng tư của các quan chức tham nhũng ở đâu chỉ cần lên “lề trái” là biết hết, xác nhận được hết, thì khó gì một người chết vì dịch lây nhiễm mà cả họ, cả tỉnh đồng tình im hơi? Im để cả nhà họ nhiễm bệnh, không được cách ly và chữa chạy, rồi chết hay sao?

Quan điểm chính trị tuy có ảnh hưởng trong chuyện này (như trong mọi chuyện khác) nhưng không thể áp đảo. Trong việc này không thể suy diễn Việt Nam bắt chước Trung Quốc giấu dịch, vì thực tế chính phủ và ngành y Việt Nam đã hành xử rất khác Trung Quốc. Bài học giấu dịch của Trung Quốc khiến Vũ Hán vỡ trận đã diễn ra trước khi con virus COVID-19 tuồn được vào Việt Nam, đó là cái gương tày liếp và sát cạnh, nên đã không có sự bắt chước giấu dịch nào cả. Cộng Sản hay trừ sản thì cũng sợ chết như nhau cả.

Còn nói như các “lề trái” thì xin hỏi lại: các tư bản đỏ Việt Nam mới hưởng thụ vinh hoa phú quý được vài chục năm nay, lẽ nào họ giấu dịch để họ cũng có thể chết, để các doanh nghiệp và người dân cày cuốc cho họ tham nhũng cũng chết?

Đừng rống lên ò ò một cách đầy tự do

Bài viết này chỉ nhằm nhắc lại với quý vị độc giả. Trên trái đất có rất nhiều con đường. Chớ bịt mắt đi theo cái lề nào cả. Dù nó được định danh với bất cứ tên gọi thời thượng nào. Dù nó được những người nổi tiếng nào tung hô và hiệu triệu. Dù nó nghe có vẻ bùi tai và có lý, hút hàng ngàn like share trên mạng xã hội, khiến bạn tự dưng nảy ra ý nghĩ nếu mình không like share nhanh nhảu lên với người ta thì mình bị lạc hậu.

Hãy kiểm tra, đối chiếu và nghi ngờ, hãy hỏi tại sao, khi nào, ở đâu, ra sao, ai cung cấp thông tin. Hãy hỏi và đọc thật nhiều nguồn tin khác nhau, cùng với các câu hỏi như trên và kiểm tra tính hợp lý của chúng. Bạn không phải là bò, đừng chìa dây cho lề trái hay lề phải, lề trên hay lề dưới xỏ mũi dắt đi mà vẫn rống lên ò ò đầy tự do và hãnh diện. (Lý Bá, nguồn: RFA)





No comments: