Friday, February 28, 2020

CHÍNH GIỚI HOA KỲ, HÒA THƯỢNG QUẢNG ĐỘ & CHẶNG ĐƯỜNG 25 NĂM (VOA Tiếng Việt)




27/02/2020

Một tuần sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher đến Hà Nội khánh thành Tòa đại sứ vào tháng 8/1995, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị xử 5 năm tù giam và 5 năm quản chế tại Tp. Hồ Chí Minh về tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Kể từ đó, Washington lên tiếng và gây áp lực mạnh hơn với Hà Nội về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, cũng như trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ… Hai mươi lăm năm sau, trước giác linh của vị Tăng thống, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ thắp hương viếng ngài trong tiếng chuông vang ở chùa Từ Hiếu.

Vào ngày 19/08/1994, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, một trong những lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) viết thư cho Tổng Bí thư Đỗ Mười “nêu rõ những sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân,” theo tài liệu của Dân biểu Chris Smith.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher và Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hà Nội, ngày 06/05/1995. Ông Christopher là viên chức chính phủ cao cấp nhất của Hoa Kỳ thăm Việt Nam sau 20 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Ngày 04/01/1995, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị bắt cùng với 5 tu sĩ khác vì cho rằng ông đã “xúi giục Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban lợi dụng danh nghĩa “Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp” tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo tăng ni, phật tử chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,” và tổ chức “trương cờ, băng rôn, khẩu hiệu mang danh GHPGVNTN, lợi dụng việc cứu trợ nhằm phô trương lực lượng, công khai hóa các hoạt động của GHPGVNTN, theo báo Công an Nhân dân.

Áp lực từ Quốc hội

Ngày 10/01/1995, Dân biểu Bill Bradley ở New Jersey, đã viết ngay một bức hối thúc Ngoại trưởng Christopher can thiệp với Hà Nội để trả tự do cho Hoà thượng Thích Quảng Độ, cũng như Tăng thống Thích Huyền Quang, người bị bắt trước đó không lâu. Dân biểu Bradley nêu rõ rằng chính quyền Hoa Kỳ phải nêu vấn đề nhân quyền khi tiến tới bang giao với Việt Nam.

Cũng hôm 10/01/1995, Thượng Nghị sĩ John McCain, John Kerry kêu gọi Tổng Bí thư Đỗ Mười “trả tự do ngay lập tức” cho các vị hòa thượng của GHPGVNTN.

Các bức thư của Nghị sĩ Hoa Kỳ gửi cho lãnh đạo Việt Nam yêu cầu trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, tháng 01/1995.

Ngày 23/01/1995, các Thượng Nghị sĩ Orrin Hatch, Tom Daschle, Charles Robb, Robert Kerrey viết thư cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu quan ngại về việc các lãnh đạo của GHPGVNTN bị bắt và yêu cầu Hà Nội tôn trọng nhân quyền.

Dân biểu Chris Smith, chủ tọa buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam do Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức ngày 08/11/1995, nói: “Chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Warren Christopher đến Việt Nam để thượng kỳ tại Tòa đại sứ mới, chính quyền Việt Nam lại liên tiếp xử phạt những người bất đồng chính kiến, trong đó có các vị tu sĩ Phật giáo…”

Mãi cho đến 09/02/1998, ông Thích Quảng Độ mới được đặc xá vì chính quyền nói ông đã “ăn năn, hối cải” nhưng có thông tin rằng phía Hoa Kỳ đã gây áp lực để ông được trả tự do.


Trước đó, vào ngày 11/03/1998, Tổng thống Hoa Kỳ ra quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản Jackson- Vanik đối với Việt Nam, một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được hưởng Quy chế tối huệ quốc (MFN) dành cho các công ty Hoa Kỳ làm ăn ở Việt Nam.

Sau này, các dân biểu Lorreta Sanchez, Chris Smith, Alan Lowenthal… đã lần lượt đến viếng thăm ông, tìm hiểu những cáo buộc cho rằng ông bị quản thúc trong khoảng thời gian dài gần hai thập niên tại Thanh Minh Thiền Viện ở Tp. Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Quảng Độ và Dân biểu Alan Lowenthal

Dân Biểu Alan Lowenthal đã liên tục lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ từ lúc ông trở thành Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2013 và là thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos. Vào tháng 4/2018, Dân Biểu Lowenthal nhận ‘bảo trợ’ cho tù nhân lương tâm Thích Quảng Độ.

Sau khi hay tin ông qua đời, Dân biểu Chris Smith, đồng Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos, hôm 25/02/2020 ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Độ “là nhà vô địch dũng cảm cho nhân quyền tại Việt Nam và là một trong những tù nhân lương tâm bị giam giữ lâu năm nhất thế giới.”

Trong 25 năm qua, dân biểu Smith đã chủ tọa tất cả 11 phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam, theo thông báo hôm 25/02/2020.

Các cuộc thăm viếng ngoại giao

Năm 1998, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tự do Tín ngưỡng Quốc tế (IRFA), yêu cầu Bộ Ngoại giao hàng năm phải lập báo cáo về tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở các nước, ngoài việc thành lập hai tổ chức có trách nhiệm giám sát tự do tôn giáo ở khắp thế giới là Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại Giao và Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF), một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng.

Kể từ năm 2001 cho đến nay, các báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều nhắc đến Hòa Thượng Thích Quảng Độ như nhà tranh đấu cho tự do tôn giáo và dân chủ hàng đầu ở Việt Nam.

“Tháng 3/1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ lần đầu được thăm Tăng thống Thích Huyền Quang ở Quảng Ngãi sau 18 năm, nhưng chỉ sau 3 ngày gặp gỡ, cả hai ông đều bị công an thẩm vấn. Ông Thích Quảng Độ bị đưa về lại Thanh Minh Thiền Viện ở Tp. Hồ Chí Minh. Đến tháng 6/2001, chính quyền áp dụng lệnh quản chế 5 năm đối với ông dù ông đã được phóng thích từ năm 1998.”

Báo cáo năm 2010 viết: “Tháng 3, một người nước ngoài sau khi phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ để thực hiện một bộ phim đã bị tạm giữ và bị công an thẩm vấn.”

Từ trái sang: Nick Snyder, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kathleen Peoples, Viên chức Chính trị của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại HCMC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Thượng tọa Thích Quảng Độ

Ngày 17/8/2012, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear đến thăm Tăng thống Thích Quảng Độ và lắng nghe nhận định của ông về thực trạng các sinh hoạt tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, điều mà Giáo hội cho là “liên tục bị chính quyền Việt Nam đàn áp, sách nhiễu.”

Cuộc gặp này diễn ra sau khi một số dân biểu Mỹ đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ, dân biểu Frank Wolf, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cách chức đại sứ David Shear với tố cáo rằng ông Shear đã thất bại trong sứ mạng cổ vũ nhân quyền tại Việt Nam.

“Lần đầu tiên kể từ năm 1998 cho đến nay, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Thích Quảng Độ bắt đầu được cư trú tại một ngôi chùa [chùa Từ Hiếu] trực thuộc Giáo hội,” báo cáo tự do tôn giáo năm 2018 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.

Hòa thượng Thích Quảng Độ (trái) trong phiên tòa ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 15/08/1995. Photo ViendongDaily.

Nhận định về những chuyến viếng thăm của hầu hết các vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch Tăng Đoàn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại, nói với VOA:

“Sự thăm viếng thỉnh an như vậy mang một ý nghĩa hết sức quan trọng vì ai cũng hiểu rằng các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là những tiếng nói đối lập, là những nhà bất đồng chính kiến. Các vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tất nhiên cần phải tìm hiểu nguyện vọng của toàn dân chứ không chỉ dựa vào thông tin do chính phủ của Việt Nam cung cấp.”

Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Trung Đạo ở Massachusetts nhận định với VOA:

“Từ sau năm 1975, ông Thích Quảng Độ đã trở thành một biểu tượng và chúng ta cũng không ngạc nhiên khi hầu hết đại sứ Hoa Kỳ, và cả các nhà ngoại giao châu Âu, các tổ chức phi chính phủ đều đến thăm Hòa thượng, vì ngài không chỉ là tiếng nói của Phật giáo mà còn là tiếng nói chung các tôn giáo ở Việt Nam.”

Đại sứ Daniel Kritenbrink, Tăng thống Thích Quảng Độ, và Tổng Lãnh sự Mary Tarnowka tại Thanh Minh Thiền Viện năm 2018. Photo US Embassy Hanoi

Hôm 24/02/2020, khi hay tin Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink ra tuyên bố viết: “Hoà thượng Thích Quảng Độ là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo và nhân quyền, và ông luôn tận tâm theo đuổi công lý bằng các hình thức phi bạo lực.”

“Tôi có vinh hạnh được gặp Hoà thượng Thích Quảng Độ vào năm 2018 và tôi rất ấn tượng với lòng trắc ẩn và sự tận tâm của ông đối với vấn đề đa nguyên tôn giáo,” Đại sứ Kritenbrink cho biết thêm.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour đã đại diện chính phủ Hoa Kỳ đến viếng tang lễ của ông, chia buồn sự mất mát lớn lao của GHPGVNTN.

“Chúng tôi xin bày tỏ lòng thành kính đến Ngài Tăng thống Thích Quảng Độ, người góp công sức rất lớn cho cộng đồng Phật giáo, cống hiến cả đời minh cho sự nghiệp đấu tranh vì tự do tôn giáo,” bà Damour nói trong cuộc gặp với đại diện của Tăng đoàn GHPGVNTN tại lễ tang hôm 24/02.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Marie Damour dẩn đầu phái đoàn đến viếng lễ tang Tăng thống Thích Quảng Độ, 25/02/2020 Photo Facebook US Embassy Hanoi.

CPC có hay không, không quan trọng?

Việt Nam bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách sách cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC) năm 2004 vì Hà Nội không đáp ứng đề nghị của Washington về việc thả một số người bị giam cầm vì tín ngưỡng và một số yêu cầu khác.

Cuối năm 2006, trước khi Tổng thống George W. Bush tới Hà Nội dự APEC, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vì cho rằng Việt Nam đã có những tiến bộ về tôn giáo.
USCIRF ra báo cáo rằng sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ hai tháng sau khi được đưa ra khỏi danh sách CPC, chính phủ nước này “phát động một cuộc trừng phạt những người đấu tranh và bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, bao gồm nhiều chức sắc tôn giáo…”


Trong cuộc phỏng vấn với Đài Phật giáo Việt Nam ngày 15/11/2006, Hòa Thượng Thích Quảng Độ nói rằng việc Washington đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC chỉ là một thỏa thuận giữa hai bên, và CPC chỉ là một “món hàng’, trong đó “Hoa Kỳ và Việt Nam có quyền lợi tương quan,” và Hà Nội thỏa sức “trả giá.” Tuy nhiên, Hòa thượng nhấn mạnh “không vì thế mà mình phụ lòng tốt của người ta [phía Mỹ].”

Hòa thượng Thích Quảng Độ nhấn mạnh rằng ông “không tâm đến CPC” vì nó có hay không, không quan trọng. Nhưng dường như ông muốn Washington gây áp lực với Hà Nội nhiều hơn.

Kể từ năm 2006 cho đến nay USCIRF hàng năm đều đề nghị Bộ Ngoại Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Tổ chức này đưa ra kết luận rằng Việt Nam đã cải thiện những điều kiện tự do tôn giáo trong hơn 40 năm từ khi Cộng sản nắm quyền - ngay cả trong thời gian được đưa ra khỏi danh sách CPC, nhưng các vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn khiến nước này hội đủ các tiêu chí của IRFA để phải bị đưa vào lại CPC.”

Năm 2019, Dân biểu Smith giới thiệu lại Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (HR 1383) để trừng phạt các hành vi vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và giúp ưu tiên tự do tôn giáo, tự do internet và quyền lao động.

Tuyên bố ngày 25/02/2020 của Dân biểu Smith viết: “Đạo luật H.R.1383 giúp đảm bảo Hà Nội hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ ưu tiên nhân quyền trong mối quan hệ song phương.”







No comments: