Thursday, February 27, 2020

TRUNG QUỐC GIAM GIỮ NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ THEO ĐẠO HỒI 'KHÔNG CÓ LÝ DO (Phan Ba dịch)




Phan Ba  dịch từ báo Deutsche Welle

Một tài liệu bị rò rỉ chứng minh rằng chính quyền Trung Quốc đang giam giữa người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi trong các trại chỉ vì niềm tin của họ. Làn sóng Đức đã gặp người tố giác và thăm thành viên gia đình của các tù nhân.

Một cái cầu thang hẹp, hết sức bình thường, dẫn xuống nhà thờ Hồi giáo được chiếu sáng dưới tầng hầm trong khu phố Sultan Murat của Istanbul. Bên dưới, hơn một chục người đàn ông mặc áo khoác mùa đông đang cầu nguyện trên những tấm thảm màu xanh nhạt.

Tại đây họ có thể cầu nguyện an toàn. Điều này sẽ không thể có ở quê hương họ, ở tỉnh Tân Cương phía Tây Trung Quốc. Vì những đàn ông này là người Duy Ngô Nhĩ. Khoảng mười triệu thành viên của dân tộc Turk theo Hồi giáo này sống ở Tân Cương. Người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã bị phân biệt đối xử, hành hạ và theo dõi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bởi giới lãnh đạo cộng sản.

Trại giam ở Tân Cương

Họ nói rằng bởi vì có một nguy cơ an ninh xuất phát từ những người này. Chẳng hạn như năm 2009, khi các cuộc biểu tình bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ chống lại người Hán đã nổ ra tại thủ phủ Urumqi, khiến ít nhất 140 người thiệt mạng. Hay vào năm 2014, khi những kẻ đánh bom tự sát của người Duy Ngô Nhĩ tấn công một khu chợ và giết chết hàng chục người. Bắc Kinh dựa vào mối đe dọa khủng bố này.

Trại cải tạo trên thực tế”

Từ cuối năm 2016, chính phủ bắt đầu hành động càng ngày càng nghiêm khắc hơn đối với người Duy Ngô Nhĩ: Kể từ đó, một mạng lưới rộng lớn gồm những trại lao động và nhà tù đã xuất hiện.

Ước tính có ít nhất một triệu người bị giam giữ ở đó. Họ thực sự là đã biến mất khỏi đời sống hàng ngày theo nghĩa đen. Nhiều người được cho là đã bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy. Bất cứ ai được thả ra khỏi trại đều tiếp tục bị giám sát theo từng bước chân một.

Chính phủ Trung Quốc nói về những chuyến tự nguyện đi vào các “trung tâm dạy nghề”. Những trung tâm này được thiết lập với mục đích chống lại “những ý tưởng cực đoan” và truyền tải “những kỹ năng có giá trị” cho người Duy Ngô Nhĩ. Trong thực tế, người Duy Ngô Nhĩ buộc phải từ bỏ tôn giáo của họ và học tiếng Quan thoại ở đó. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng họ bị tẩy não.

Trong một báo cáo tình hình bí mật hồi tháng 12 năm 2019, Bộ Ngoại giao Liên bang [Đức] tại Berlin đã mô tả những trung tâm đó là “các trại cải tạo trên thực tế” với “các khóa đào tạo tư tưởng hệ hà khắc”.

Danh sách tù nhân của Karakax

Sau những tiết lộ của cái được gọi là “China Cables” (“Cáp Trung Quốc”) vào tháng 11 năm 2019 – lúc đó, hệ thống trại giam rộng lớn ở Tân Cương được chứng minh lần đầu tiên – một tài liệu bí mật khác chứng minh quy mô khổng lồ của bộ máy đàn áp Trung Quốc. Làn sóng Đức [Deutsche Welle – DW], cùng với các đối tác truyền thông của mình là Đài Phát thanh Bắc Đức [Norddeutscher RundfunkNDR], Đài Phát thanh Tây Đức Köln [Westdeutscher Rundfunk Köln – WDR] và ​​Nhật báo Nam Đức [Süddeutsche Zeitung – SZ], đã kiểm tra, dịch và phân tích tài liệu này.

Nó cho thấy chính quyền Trung Quốc không chỉ nhắm vào những người bị nghi ngờ có quan điểm cực đoan. Trên thực tế, hầu hết người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ chỉ vì tôn giáo và văn hóa của họ.

Những tín đồ người Duy Ngô Nhĩ lưu vong trong ngôi nhà thờ Hồi giáo dưới tầng hầm ở Istanbul đã xác nhận điều này. Khi được hỏi ai có người thân đã biến mất vào trong các trại, các bàn tay đã nhanh chóng giơ lên. Không có ngoại lệ.

Những người đàn ông ấy với lấy điện thoại di động của họ và cho xem hình ảnh: vợ, con, cha mẹ. Tất cả đều biến mất không một dấu vết. Một người giơ lên bức ảnh cho thấy một người phụ nữ trẻ, mảnh khảnh: con gái ông. “Tôi thậm chí không biết con tôi có còn sống hay không.”

Danh sách tù nhân: trang 1 của 137 trang

Tài liệu mới là một danh sách tù nhân và bao gồm tên của hơn 300 tù nhân bị bắt giam từ năm 2017 đến 2018. Tất cả đến từ quận Karakax ở Tân Cương. Không chỉ những người bị bắt giam bị liệt kê ra trong đó mà còn có hơn 1.800 người thân, bạn bè và láng giềng với số chứng minh và dữ liệu cá nhân khác của họ. Ngay cả việc thực hành tôn giáo của họ cũng được ghi lại.

Chính quyền ở Tân Cương có một bộ dữ liệu khổng lồ. Thực tế, mọi chuyển động của người Duy Ngô Nhĩ đều được kiểm soát, ví dụ như từ camera an ninh với phần mềm nhận dạng khuôn mặt và những ứng dụng giám sát mà người dân buộc phải cài đặt trên điện thoại di động của họ. Và thông qua một mạng lưới dày đặc của những đồn cảnh sát và gián điệp.

Như tài liệu cho thấy, những lý do tầm thường nhất cũng đủ để bị nghi ngờ: một bộ râu, một lần cầu nguyện, mạng che mặt. Đơn xin hộ chiếu.

Nhiều chuyên gia đã kiểm tra tài liệu – một tệp PDF không có con dấu hoặc dấu niêm chính thức – và đã kết luận độc lập với nhau rằng tài liệu này là xác thực.

Bắt giữ “không có lý do cụ thể”

DW nhận được tài liệu này từ một người cung cấp thông tin sống ở Na Uy. Abduweli Ayup cũng là một người Duy Ngô Nhĩ, đã học đại học ở Mỹ và bị giam cầm ở Trung Quốc trong 15 tháng. Ông đã cố gắng thành lập những trường dạy ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Abduweli Ayup (bên phải trong hình) đã trao danh sách Karakax cho DW và các công ty truyền thông khác.

Anh ấy cũng tự biết rằng anh đang đặt gia đình ở Tân Cương vào vòng nguy hiểm qua việc công bố danh sách này. Bản thân anh ấy cũng đã nhận được những lời đe dọa nặc danh.

“Toàn bộ điều này là nguy hiểm,” anh thừa nhận. “Nhưng ai đó phải nói với cả thế giới những gì đang diễn ra ở đây.” Khi nhìn thấy tài liệu, anh nhanh chóng nhận ra rằng việc giam giữ không dựa trên nghi ngờ khủng bố. “Tôi nghĩ: Họ chỉ đơn giản là bắt người mà không có lý do cụ thể”, Ayup nói trong một cuộc phỏng vấn với DW trong một khách sạn ở Na Uy.

Ayup bắt đầu tìm kiếm người thân của các tù nhân Karakax. Anh tìm được tổng cộng 29 người, hầu hết họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh gọi điện từng người một.

Những cuộc gọi làm anh bị sốc, anh nhớ lại. Nhiều người đàn ông và phụ nữ ở đầu dây bên kia đã không liên lạc với gia đình của họ ở Tân Cương từ nhiều năm nay. Bởi vì một cuộc gọi từ nước ngoài là nguy hiểm và có thể gây sự chú ý của chính quyền.

Vì vậy mà cuối cùng Ayup với giọng nói nhỏ nhẹ là người đã thông báo tin buồn qua điện thoại. “Tôi phải nói với họ rằng người thân của họ đã bị bắt, và rồi họ bắt đầu khóc”.

“Điều đó đã làm tan nát trái tim tôi”

Điện thoại cũng reo vang ở Rozinisa Memet Tohti tại Istanbul. Cô là một bà nội trợ ở độ tuổi 30 và có ba đứa con. Khi cô biết rằng tên người em gái út của mình nằm trong danh sách tù nhân của Karakax, điều đó đã làm tan nát trái tim cô. “Tôi không thể ăn hay ngủ sau đó.”

Rozinisa Mehmet Tohti phát hiện ra số phận của em gái út thông qua danh sách bị rò rỉ

Tohti cho xem ảnh: một phụ nữ trẻ và chồng của cô ấy, đang bế một em bé, mỉm cười ngại ngùng trước ống kính. Một gia đình đang đi chơi trong công viên. Rồi một người đàn ông lớn tuổi với chiếc mũ len và khuôn mặt nghiêm trang – cha của Tohti. Cô dịu dàng chạm vào từng bức ảnh. Cô cầm những bức ảnh ấy trên tay trong suốt cuộc phỏng vấn.

Rozinisa Tohti biết từ một người bạn của gia đình, người đã đến thăm Istanbul, rằng ba thành viên gia đình đã bị bắt vào năm 2016. Vì lý do an ninh, cô không còn liên lạc với những người họ hàng khác ở Tân Cương.

Vì vậy mà cho đến khi có cuộc gọi của Ayup, cô không hề biết rằng người em gái út cũng phải chịu chung số phận ấy trong tháng 3 năm 2018. Cô cố cầm nước mắt khi nói về điều đó. Tohti không thể hiểu tại sao. Người em gái chỉ điều hành một cửa hàng bánh ngọt với chồng và không theo đạo.

Một đứa con quá nhiều

Người ta có thể đọc được những lý do cho việc bắt giữ cô em gái út trong danh sách bị rò rỉ.

Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị giam giữ trong các trại cải tạo như vậy

Ở tỉnh Tân Cương, các gia đình ở nông thôn có thể có tối đa ba đứa con và ở thành phố là hai. Tuy nhiên, nhiều người Duy Ngô Nhĩ không tuân thủ theo các quy định kế hoạch hóa gia đình do Bắc Kinh đưa ra. Cũng như cô em gái út của Tohti: cô ấy có một đứa con quá nhiều. Hiện nay có thể cô ấy đã được phép ra khỏi trại. “Cô ta hiện không gây hại gì”, người ta viết ở một cột trong danh sách. Và thêm vào đó: “Nên thả cô ta ra và sau đó để cho địa phương giám sát.”

Rozinisa Memet Tohti lo sợ cho gia đình cô. Cô nghe rất nhiều tin đồn. Rất nhiều điều khủng khiếp. Ví dụ, các tù nhân bị đánh đập và bị biệt giam nếu như họ chỉ nói chuyện với nhau.

Rằng ngay cả con của những người bị giam giữ, những đứa được mang vào trong những trại trẻ mồ côi được xây dựng đặc biệt cho việc này, đã được dạy dỗ về ý thức hệ một cách nghiêm ngặt.

Và một tin đồn khác cũng đang được lưu hành. Một tin đồn mà những người thân khác của tù nhân cũng đã nghe được. Đó là về buôn bán nội tạng. Người ta cho rằng chúng được lấy từ các tù nhân trong trại và sau đó được bán lại ở Trung Quốc. Không thể kiểm chứng điều này được.

Trại cải tạo số 1: DW đã xác định được hai trong số bốn trại cải tạo được nhắc tới trong danh sách tù nhân.

“Sẵn sàng chiến đấu đến cùng”

Cũng không thể xác minh được những gì người đàn ông ăn mặc sang trọng tường thuật lại, người mà DW gặp trong một cửa hàng nhỏ ở Istanbul. Mành được kéo xuống, không ai nên biết đến cuộc trò chuyện này. Đối với chính phủ Trung Quốc, những gì ông ấy nói chính là những gì tốt nhất để hỗ trợ cho luận điểm của họ, rằng người Duy Ngô Nhĩ tạo nên một mối đe dọa cực đoan.

Theo người đàn ông này, ông ấy đã sang Syria sáu tháng vào năm 2015, để học một khóa huấn luyện quân sự.

Cùng với 50 đến 60 người Duy Ngô Nhĩ khác, ông đã học được từ Quân đội Syria Tự do (FSA) cách sử dụng súng trường tấn công và pháo. Mục đích là để trở về Tân Cương và bắt đầu cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản. Cụ thể, nhóm của anh ta có kế hoạch tấn công các cơ sở quân sự của Trung Quốc. Ông ấy “sẵn sàng chiến đấu đến cùng”.

Kế hoạch hiện đang ngừng lại vì một số thành viên trong nhóm của ông đã bị bắt, một vài người ở Thổ Nhĩ Kỳ, một số khác ở châu Âu. Người đàn ông cho biết ông vẫn đang chờ cơ hội để thực hiện kế hoạch.

Một nguồn tin Syria xác nhận với DW rằng người Duy Ngô Nhĩ đã được đào tạo với FSA. Theo báo cáo, có hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã gia nhập cái được gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Theo thông tin mà nhà chức trách Đức có được, cũng có thể có “mối liên hệ” giữa các nhóm ly khai Duy Ngô Nhĩ, Taliban ở Afghanistan và mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Điều này xuất phát từ trong một báo cáo tình hình bí mật của Bộ Ngoại giao Liên bang [Đức] vào cuối năm 2019 mà DW hiện đang có.

Bắt bớ theo gia tộc

Nhưng đại đa số người Duy Ngô Nhĩ không liên quan gì đến tất cả những điều này – và bị lôi vào cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố của chính phủ Trung Quốc chỉ vì văn hóa và tôn giáo của họ.

Giống như người em vợ của một người đàn ông, người cũng đã nói chuyện với DW ở Istanbul nhưng muốn ẩn danh vì sợ bị trả thù. Đó là về người em trai út của vợ anh, tên của anh ta cũng nằm trong danh sách bị rò rỉ.

Người bị giam giữ là một sinh viên hiền lành, chưa bao giờ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, người đàn ông nói. “Họ bắt giam anh không cần bất cứ lý do nào.” Em vợ của anh ta “hoàn toàn bình thường”. Nhưng, anh ta nói thêm, nếu ngay cả một người như anh ta cũng bị bắt, thì không người Duy Ngô Nhĩ nào thực sự có được an toàn.

Cộng tác: Esther Felden và Nina Werkhäuser






No comments: