Tuesday, February 25, 2020

THÊM 3 NƯỚC ÂU CHÂU XÁC NHẬN CA NHIỄM VIRUS CORONA (tổng hợp)




NỘI DUNG :

ZING.VN
.
Người Việt Online
.
Thanh Niên 
.
Tuổi Trẻ Online

===========================================
.
ZING.VN
06:29 26/02/2020

Một trong những quan chức hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo công chúng rằng các chuyên gia y tế dự đoán virus corona mới sẽ lây lan ở Mỹ.

Giới chức y tế Mỹ hôm 25/2 khuyến cáo công dân nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó với sự lây lan virus corona tại nước này trong lúc dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở IranHàn Quốc và Italy, làm dấy lên lo sợ rằng kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn thương.

Số người chết tại Iran đã tăng lên đến 16 - cao nhất ngoài Trung Quốc - với 95 ca nhiễm. Italy cũng ghi nhận ca tử vong thứ 11 trong 322 ca nhiễm - ổ dịch lớn nhất châu Âu. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với gần 1.000 ca nhiễm và 11 ca tử vong.

CDC ngày càng lo ngại về sự lây lan trong nước Mỹ

Các chuyên gia y tế nói rằng diễn biến dịch ở Iran, Italy và Hàn Quốc có chung một mô hình. Seoul và Rome đã tăng cường các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của virus.

Tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Hệ miễn dịch và Bệnh hô hấp Quốc gia thuộc CDC, nói với các phóng viên rằng dữ liệu về sự lây lan của virus trong một tuần qua đã khiến CDC ngày càng lo ngại về sự lây lan trong nước Mỹ.

"Chúng tôi nghĩ sẽ có sự lây nhiễm trong cộng đồng tại Mỹ", tiến sĩ Messonnier nói với CNN hôm 25/2.
"Vấn đề ở đây không phải là chuyện đó có diễn ra hay không, mà là chính xác khi nào chuyện đó sẽ diễn ra và bao nhiêu người ở nước này sẽ mắc bệnh nặng".
"Sự gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày có thể nghiêm trọng", bà Messonnier nói, đồng thời cảnh báo người dân Mỹ cần chuẩn bị cho khả năng tác động của virus có thể xấu, với việc đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện công cộng và người lao động buộc phải ở nhà.

Cũng trong hôm 25/2, CDC cho biết số ca nhiễm virus, gây ra bệnh được đặt tên chính thức là Covid-19, đã lên đến 57 ca ở Mỹ, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản.

Thị trưởng San Francisco ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo CNN, Thị trưởng San Francisco London Breed đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố để ứng phó tốt hơn trước nguy cơ virus xuất hiện. Tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức.

Bà Breed tái khẳng định vẫn chưa có ca nhiễm tại thành phố nhưng họ đang xem xét tình hình một cách nghiêm túc. Tuyên bố trên sẽ giúp thành phố chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kế hoạch, tăng cường nhân sự và đảm bảo việc hoàn trả chi phí trong tương lai.

Tại Ấn Độ, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thăm, ông nói dịch bệnh lần này là "vấn đề sẽ biến mất", song các chuyên gia lo ngại dịch bệnh sẽ phát triển thành đại dịch, với sự lây lan nhanh ở châu Âu và Trung Đông.

CDC đang áp dụng cách tiếp cận song song, vừa nỗ lực khống chế virus, vừa triển khai các chiến lược giảm thiểu tác động đối với cộng đồng, theo bà Messonnier.

"Chúng tôi cũng đã kích hoạt việc kiểm dịch lần đầu tiên ở quy mô này tại Mỹ, và ủng hộ Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế - Nhân sinh trong việc đưa công dân trở về từ các vùng có nguy cơ cao", bà nói.

Trong 57 ca nhiễm virus, 40 người là hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật, 3 người trở về từ Trung Quốc và 14 trường hợp tại Mỹ. Trong 14 ca này, hai ca là lây từ người sang người.

Việc virus lây từ người sang người, cũng như việc đã có các tử vong, gây lo ngại vì đây là 2 trong 3 tiêu chí để tuyên bố đại dịch, bà Messonnier nói.

"Khi sự lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở nhiều nước hơn nữa, thế giới đang tiến gần hơn đến việc đáp ứng tiêu chuẩn thứ ba: sự lây lan trên toàn cầu của virus", bà cảnh báo.
"Khi ngày càng có nhiều nước chứng kiến sự lây nhiễm trong cộng đồng, việc ngăn chặn virus thành công ở biên giới chúng ta sẽ ngày càng khó khăn".

Ở Mỹ, các bệnh viện và nhân viên cấp cứu trong nhiều năm đã chuẩn bị cho trường hợp một dịch cúm lây lan nhanh, có thể gây tử vong, xảy ra. Những cuộc diễn tập đó đã giúp các bệnh viện ở tuyến đầu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Các bệnh viện khác đang nâng cao cảnh giác. CDC đã nói chuyện với Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, nơi cập nhật thông tin về dịch bệnh hàng ngày cho gần 5.000 bệnh viện thành viên. Các bệnh viện đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, xem xét việc sử dụng hệ thống thuốc từ xa (telemedicine) để bệnh nhân có khả năng lây nhiễm không phải đến bệnh viện nếu không cần thiết, và duy trì nguồn cung khẩu trang và găng tay.

CDC đã tổ chức 17 cuộc gọi khác nhau đến hơn 11.000 công ty và tổ chức, bao gồm sân vận động, trường đại học, lãnh đạo tôn giáo, nhà bán lẻ và các tập đoàn lớn. Giới chức y tế Mỹ đang nói chuyện với cơ quan y tế thành phố, hạt và tiểu bang về việc sẵn sàng hủy bỏ các sự kiện tụ tập đông người, đóng cửa trường học và thực hiện các bước khác.

"Chúng tôi muốn chắc chắn rằng công chúng Mỹ đã được chuẩn bị", bà Messonnier nói.

Tình hình đang ngày càng trở nên đáng lo ngại tại Iran, nơi hiện có tỷ lệ tử vong vì virus cao nhất toàn cầu. Điều này cung làm dấy lên lo lắng rằng số liệu thống kê tại nước này không phản ánh chính xác tình hình, gây hoài nghi về sự minh bạch của chính quyền.

"Đây là một vị khách xui rủi, không mời mà đến. Với ý chí của Thượng đế chúng ta sẽ vượt qua được virus", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trên truyền hình

Thứ trưởng y tế Iran và một thành viên quốc hội nằm trong số những người nhiễm virus.

Afghanistan, Iraq, Kuwait, Bahrain và Oman tuần này ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên, tất cả đều từng đi đến Iran. Bahrain cho biết nước này hiện đã có 24 ca dương tính.
Iran đã hủy bỏ các chương trình âm nhạc và thi đấu bóng đá trên toàn quốc, đóng cửa trường học ở mọi cấp tại nhiều tỉnh thành. Nhiều người Iran lên mạng xã hội cáo buộc giới chức che giấu sự thật.


VIDEO :
Ngày 24/2, khi phát ngôn viên chính phủ Iran tự tin khẳng định rằng họ “không có vấn đề gì” với dịch Covid-19, thứ trưởng y tế Iraj Harirchi đứng cạnh ông liên tục lau mồ hôi.

-------------------------

Người Việt Online
February 25, 2020

WASHINGTON, D.C. (NV) – Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) hôm Thứ Ba, 25 Tháng Hai, đưa ra các hướng dẫn sơ khởi về những điều nên làm cho các trường học và cơ sở thương mại trong trường hợp virus COVID-19 trở thành dịch ở Hoa Kỳ.

Bác Sĩ Nancy Messonnier trong một cuộc họp báo tại Bộ Y Tế. (Hình: Samuel Corum/Getty Images)

Bác Sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung Tâm Bệnh Truyền Nhiễm và Hô Hấp Quốc Gia, trực thuộc CDC, nói rằng các trường học nên nghĩ tới việc chia học sinh thành từng nhóm nhỏ hoặc đóng cửa trường, theo bản tin của CNBC.

Hôm Thứ Ba, CDC gia tăng nỗ lực báo động để công chúng Hoa Kỳ khởi sự các biện pháp đối phó với tình trạng dịch bệnh có thể xảy ra trong nước, vốn khởi sự từ Trung Quốc và cho đến nay đã làm ít nhất 80,000 người nhiễm bệnh cùng 2,700 người thiệt mạng trên toàn thế giới, chỉ trong chưa đầy hai tháng.

“Chúng tôi kêu gọi công chúng Hoa Kỳ cùng làm việc với chúng tôi để chuẩn bị đối đầu với biến chuyển có thể là xấu này,” theo CDC.

Bác Sĩ Nancy Messonnier nói các trường học có thể chuẩn bị kế hoạch chia học sinh các lớp ra thành từng nhóm nhỏ, hay đóng cửa trường và dùng cách dạy học qua Internet.

“Đối với người lớn, các cơ sở thương mại có thể thay thế các cuộc họp tận mặt bằng các cuộc điện đàm hay dùng hệ thống họp qua màn hình và mở rộng chương trình cho nhân viên làm việc từ xa,” theo Bác Sĩ Messonnier.

Nhân viên làm việc tại trung tâm điều hành trường hợp khẩn cấp của CDC ở Atlanta, Georgia. (Hình: AP Photo/John Amis)

Bà nói rằng các cộng đồng địa phương và các thành phố nên cần “sửa đổi, hoãn lại hay hủy bỏ các cuộc tụ tập đông người.” Các bệnh viện nên chuẩn bị có các cách phân loại bệnh nhân khác đi, có thêm dịch vụ chẩn bệnh qua điện thoại, truyền hình và tạm hoãn các cuộc giải phẫu không cấp thiết, cũng theo Bác Sĩ Messonnier.

“Nay là lúc để cho các cơ sở thương mại, các bệnh viện, cộng đồng, trường học và tất cả mọi người khởi sự việc chuẩn bị đối phó với dịch bệnh,” bà Messonnier kêu gọi.

“Tôi hiểu tình trạng này có thể quá ghê gớm và thay đổi hẳn đời sống hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, đây là điều chúng ta cần khởi sự nghĩ tới, ngay lúc này. Các bậc cha mẹ phải nghĩ đến việc phải làm gì nếu trường học hay nơi giữ trẻ phải đóng cửa,” Bác Sĩ Messonnier nói. (V.Giang)

-------------------

VnExpress  26/02/2020

Dân Trí   26/02/2020

------------------------------------------

Thanh Niên 
00:08  26/02/2020

Văn phòng Sức khỏe công cộng Liên bang Thụy Sĩ ngày 25.2 xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh COVID-19 ở nước này.

Nhiều người đeo khẩu trang ở Rome, Ý.  Reuters

Giới chức Thụy Sĩ cho hay thông tin chi tiết ca nhiễm virus Corona mới đầu tiên sẽ được cung cấp sau, không nói rõ ca nhiễm được phát hiện từ đâu, theo Reuters.
Trong khi đó, Đài truyền hình Thụy Sĩ đưa tin giới chức ở vùng Ticino, thuộc phía nam nước này và giáp với Ý đã xác nhận ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở khu vực của họ.

Tương tự, Áo xác nhận 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên khi dịch COVID-19 dường như lây lan từ Ý. Hai bệnh nhân là người Ý, sống ở tỉnh biên giới Tyrol, gần đây đi đến Lombardy, một trong 2 vùng thuộc tâm dịch COVID-19 tại Ý, theo Đài ORF dẫn lời tỉnh trưởng Tyrol Guenther Platter xác nhận.

Cùng ngày, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cũng xác nhận nước này có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Ông Plenkovic cho biết thêm bệnh nhân là một người trẻ tuổi, đang được điều trị tại một phòng khám ở thủ đô Zagreb và đang được cách ly. Bộ trưởng Y tế Croatia Vili Beros xác nhận bệnh nhân từng lưu trú tại thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, từ ngày 19-21.2.

Tính đến ngày 25.2, Ý ghi nhận 7 người tử vong vì COVID-19, đa số là người cao tuổi hoặc có tiền sử bệnh án, và số ca nhiễm tăng lên hơn 280, theo Bộ Y tế Ý.

Tâm dịch COVID-19 được xác định là thị trấn Codogno với dân số 15.000 người tại vùng Lombardy. Khoảng 50.000 người tại Codogno cùng một số thị trấn khác ở Lombardy và Veneto, miền bắc nước Ý đã bị cách ly nhằm ngăn chặn virus Corona mới lây lan. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan xuống phía nam nước Ý, tới thành phố Tuscany và Sicily, với một số ca nhiễm mới được ghi nhận. 

----------------------------------

Tuổi Trẻ Online
26/02/2020 06:34 GMT+7

TTO - Sau khi ổ dịch tại Daegu (thành phố lớn thứ 4 tại Hàn Quốc) bùng phát, việc ra vào thành phố được kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều để phòng dịch COVID-19 lây lan.

Chính phủ Hàn Quốc đưa khu vực Daegu-Gyeongbuk vào diện quan tâm kiểm soát đặc biệt.

Lo lắng

Theo anh Trần Non Nước, nghiên cứu sinh cuối năm 2 ngành Sinh học tân tiến, Viện Khoa học Kỹ thuật Daegu-Gyeongbuk ở thành phố Daegu (Hàn Quốc), lúc này trên nhiều đường phố ở Daegu vắng hoe, vì mọi người đều hạn chế ra đường. Các trường học đều đã dời lịch bắt đầu học kỳ mới mùa xuân cho tới 9-3, theo thông báo từ Bộ giáo dục Hàn Quốc để phòng dịch bệnh. "Ai ở khu này đi ra ngoài đều bị hạn chế. Hoặc người ở ngoài khu vực này nếu vào trong cũng bị quản lý", anh Nước nói.

Viện Khoa học Kỹ thuật Daegu-Gyeongbuk của anh Nước nằm cách ổ dịch của nhà thờ Sinchon ở Daegu của giáo phái Tân Thiên Địa (nơi có bệnh nhân "siêu lây nhiễm" số 31) tầm 40km, nên nhà trường cũng đã triển khai những biện pháp phòng dịch cho sinh viên.

Tại trường này hiện có 5 lưu học sinh người Việt đang theo học, 4 người ở KTX, trong đó có anh Nước, 1 người ở ngoài. Những lưu học sinh như anh Nước đều chủ động ở tại phòng hoặc làm việc trong phòng thí nghiệm của trường, hạn chế tối đa ra ngoài nếu không cần thiết.

Vì sao dịch lây nhanh ở Hàn Quốc?

Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu y sinh, anh Nước cho rằng sở dĩ dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh ở Hàn Quốc chủ yếu vì ở đây người dân phần lớn di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt.

Vào những giờ tan tầm, nhất là lúc cao điểm, trên các phương tiện này đều đông nghẹt người. Khoảng cách giữa người này với người kia gần như sát sạt nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Chưa kể là mặc dù ở Hàn Quốc, khoảng cách giữa cách thành phố khá xa, nhưng hạ tầng giao thông tốt nên việc đi lại giữa các thành phố cách nhau khoảng 200km cũng chỉ mất khoảng 2-3 tiếng, do đó dịch cũng lây lan nhanh và khó kiểm soát hơn.

Ngoài ra, tình hình thời tiết lạnh giá lúc này ở Daegu và cả Hàn quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nhiệt độ ban ngày khoảng 15 độ C, nhưng ban đêm hạ xuống chỉ còn 2-5 độ C. Thường thì phải tới cuối tháng 3 nhiệt độ mới tăng lên trên 20 độ. Do đó theo anh Nước, với tình hình này, có thể phải tới giữa hoặc cuối tháng 3 trở đi mới mong dịch giảm bớt.

Thêm một lý giải khác cho thấy lý do vì sao dịch COVID-19 lây nhanh ở Hàn Quốc từ anh Trịnh Vạn Ngữ, nghiên cứu sinh năm 4 ngành y sinh học Viện Khoa học y sinh SoonChunHyang ở thành phố Cheonan, cũng rất đáng chú ý.

Theo anh Ngữ, những thông tin tại Hàn Quốc cho biết giáo phái Tân Thiên Địa là một giáo phái kiểu dị giáo. Họ cho rằng không cần tới viện, bệnh sẽ được Chúa trời chữa khỏi nên tự do đi lại khắp nơi, do đó khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Một số thông tin tại Hàn Quốc cũng nói giáo phái này đang muốn mở thêm chi nhánh tại Vũ Hán. Nhà chức trách đã vào cuộc để tìm hiểu có hay không mối liên hệ giữa giáo phái này và thành phố tâm dịch của Trung Quốc.

Thành phố Cheonan (cách Seoul khoảng 90km) nơi anh Ngữ đang sống và học tập cách Daegu khoảng 200km. Theo anh Ngữ, những ngày này người dân hạn chế ra đường, tới nhà hàng, quán ăn, thường xuyên đeo khẩu trang mỗi lúc ra ngoài.

Tại viện nghiên cứu của anh Ngữ, từ 3 tuần trước đã cho kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày, cảnh báo hạn chế ra ngoài, tụ tập và tất cả những ai từng di chuyển đến vùng tâm dịch Daegu trong tháng 2 đều phải báo cáo rõ lịch trình. Trước khi chính phủ Hàn Quốc chính thức phát thông báo về việc dời lịch bắt đầu học kỳ mới tới 9-3, Trường đại học SoonChunHyang và viện nghiên cứu của anh Ngữ đã quyết định lùi lịch học cách đây mấy tuần.

Nghiên cứu sinh tại Nhật nghi ngại các ca nhiễm không rõ nguồn

Trong khi tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc, chính phủ đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất thì tại Nhật, chưa có cảnh báo nào như vậy được đưa ra.
Theo chia sẻ của Nguyễn Trương Đức Hoàng, nghiên cứu tại Đại học Hiroshima, TP Hiroshima (Nhật Bản), tại đây cho đến nay vẫn chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào nên nhìn chung dư luận ở nơi anh sống cũng không quá bất an.

Theo anh Hoàng, tâm lý người dân Nhật đang chia thành nhiều nhóm.

Tại những vùng gần các nơi đã công bố có trường hợp mắc bệnh như Tokyo, Osaka, người dân bắt đầu lo lắng và tự trang bị những biện pháp ngăn ngừa khi đến nơi công cộng. Song ở những vùng chưa ghi nhận có người nhiễm nào như Hiroshima thì người dân có vẻ "bình tĩnh" hơn.

Cách truyền thông Nhật đưa tin về những người bệnh COVID-19 mới phát hiện cũng khiến những người làm nghiên cứu y sinh như Hoàng không khỏi nghi ngại. Mỗi ngày truyền thông đều công bố số ca nhiễm mới, song lại không thông tin rõ về nguồn lây nhiễm, và các ca đó ở những nơi xa nhau.

Theo Đài NHK tối 23-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lệnh cho lực lượng chuyên trách chống dịch của chính phủ phải chuẩn bị ứng phó với tình thế nghiêm trọng khi số ca nhiễm không rõ nguồn gốc lây bệnh tăng lên tại nhiều nơi trong cả nước.

Báo chí tại Nhật cho tới nay vẫn không công bố những vùng nào ở Nhật có thể là vùng nguy cơ nên hạn chế đi lại để phòng lây nhiễm. Thực tế ghi nhận những ca nhiễm lẻ tẻ nhưng lại ở các nơi cách xa nhau càng khiến những người có chuyên môn như anh Hoàng lo ngại về khả năng dịch bệnh đã lan rộng hơn các số liệu thống kê chính thức.

Ngay tại Hiroshima là nơi chưa ghi nhận ca bệnh nào, các sản phẩm như khẩu trang và nước rửa tay nhanh cũng khó tìm mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hai loại mặt hàng này cũng rơi vào tình trạng khan hiếm chung trên toàn nước Nhật.

VIDEO :
TTO - Hôm nay 25-2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đích thân tới thành phố Daegu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất nước do dịch bệnh COVID-19.







No comments: