26/02/2020
Cuộc đời tôi có nhiều lầm lẫn
Lầm nơi, lầm lúc, lầm người
Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời
Là đã ngốc nghe và tin Cộng sản!
Lầm nơi, lầm lúc, lầm người
Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời
Là đã ngốc nghe và tin Cộng sản!
***
Tuần qua, tôi đến Songkhla (địa danh cực Nam
của Thái, giáp giới với Mã Lai) để tìm lại cố nhân. Khi phi cơ chao
cánh, chuẩn bị đáp xuống phi trường Hat Yai, tôi chợt thấy Vịnh Thái
Lan. Tự trời cao, nhìn những con tầu bé li ti bên dưới khiến tôi không
khỏi trạnh lòng nhớ đến chiếc thuyền vượt biên mỏng mảnh của mình
(vào mấy mươi năm trước) khi đang hoang mang giữa vùng biển lạ xa này.
Sau nhiều lần bị cướp – cuối cùng – chúng tôi
cũng tắp vô được một xóm chài, vào giữa đêm khuya. Dân làng túa ra
lục xoát, nặn bóp, cướp (cạn) thêm lần nữa dù chả ai còn gì ngoài
cái thân xác không hồn – tơi tả và mệt lả.
Hai mươi bốn mạng được cho ở tạm trong một
đồn cảnh sát địa phương (thuộc quận Hua Sai) trong khi chờ Cao Ủy Tị
Nạn đến tiếp nhận. Trong thời gian này, cả ghe được chia sẻ mọi thứ
(cơm nước, áo quần, mùng mền…) bởi dân chúng quanh vùng và chính
những nhân viên đang làm việc ở nơi đây.
Riêng tôi, kẻ duy nhất nói được dăm ba câu
tiếng Anh ngọng nghịu, có dịp tiếp chuyện với viên sỹ quan trưởng
đồn vài bận. Tôi không nhớ tên ông nhưng không quên những ly cà phê, và
mấy điếu thuốc lá mà mình đã được mời với tất cả chân tình, cùng
những câu an ủi cứ lập đi lập lại rất nhiều lần cũng chân thành
không kém: “Don’t worry. Don’t worry … Everything will be fine, Everything
will be fine…”
Sau vài hôm ở Hua Sai, chúng tôi được đưa vào
trại tị nạn Songkhla. Nơi này, nếu nói hơi quá ra một chút, diện
tích chỉ bằng độ chừng vài ba cái sân đá banh nối dài thôi. Tuy thế,
suốt những năm tháng hồi đầu thập niên 1980 luôn chứa lúc nhúc hàng
chục ngàn người Việt Nam tị nạn Cộng Sản. Hết đợt này đi thì đợt
kia đến. Những làn sóng người bất kể gian nguy, cứ ùn ùn đâm xầm ra
biển, lao vào cái chết, và vô số đã chìm lỉm dưới lòng đại dương
hay làm mồi cho cá. Những kẻ may mắn sống sót thì tràn ngập khắp
các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Nhân loại kinh ngạc rồi chau mày. Tình huống
thật bất ngờ, ngoài sự dự liệu của bất cứ ai. Cao Ủy Tị Nạn Liên
Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR) hốt hoảng
trước một cuộc bỏ phiếu bằng thuyền chưa từng thấy trong lịch sử.
Bằng cách nào mà cơ quan này có thể cung cấp cho cả triệu thuyền
nhân nước sạch để uống, áo quần cũ để thay, và mỗi ngày hai bữa ăn
(dù vô cùng đạm bạc) không phải là một nỗ lực tầm thường. Tôi sẽ
nhớ mãi những chén cơm ăn với muối ở trại tị nạn Songkhla, cũng như
nhớ mấy ly cà phê cùng mấy điếu thuốc Samit ở đồn cảnh sát Hua Sai,
cho đến khi nhắm mắt.
Tôi lặn lội trở lại chốn xưa nhưng không có
dịp để nói lên một lời cảm tạ vì người cũ chả còn ai nữa. Thuở
ấy, tôi chưa bước vào tuổi ba mươi. Bây giờ thì sắp sửa thất tuần.
Bốn mươi năm đã qua rồi. Cố nhân, có lẽ, đều đã hoá ra người thiên
cổ.
Trôi nổi nhưng không chìm
Lẽ ra tôi cũng không viết những dòng chữ vừa
rồi, nếu không tình cờ đọc được một cái stt ngắn của FB Lê
Xuân Hoàng, viết về nghĩa cử cao đẹp của nhà tỷ phú Bill
Gates trước thảm họa coronavirus:
“Mĩ thịnh vượng nhờ có nhiều tỉ phú phát minh đồ mới và khi giàu rồi thì
nghiên cứu giáo dục, y tế, tổ chức xã hội. Họ tự chủ về y tế hệt như độc lập về
quân sự. Đa số nhà lãnh đạo của họ đều đề cao tinh thần độc lập, tính thực tế;
và vì thế họ coi UN hay WHO chỉ là miếng xốp khô khát tiền chứ chưa bao giờ làm
được việc chi cho nhân loại.”
Ai cũng có thể nói như thế (nếu thích) nhưng
riêng thôi thì không. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi đã được nuôi sống
gần cả năm trời, qua hai ba cái trại tị nạn ở Songkhla, và ở Galang
(Nam Dương) rồi được lo lắng chu đáo bởi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc
mãi cho đến khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Rõ ràng, tôi là một trong số những người kẻ
cực kỳ may mắn. Vô số người khác đã không có được sự trợ giúp tận
tình tương tự, dù cũng rất cần. Hơn mười năm trước, từ Hà Nội, một
công dân VN đã gửi đơn tố cáo (“V/v
Bắt giữ người và xe máy trái pháp luật, lập hồ sơ giả, biên bản giả ép mẹ tôi
đi tù”) đến UB Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cùng đôi lời khẩn khoản:
Kính mong các quý cơ quan, ân nhân… hết sức
lên tiếng cứu giúp mẹ tôi đang tuyệt thực trong nhà tù cộng sản, lên tiếng cứu
giúp một người dân khiếu kiện lâu năm bị đàn áp và bắt bớ vô tội vạ.
Hà Nội, 17/6/2009 Nguyễn Thị Hương
Ông Phạm Đỉnh, chủ nhiệm trang Thông Luận – một
trong những cơ quan thông tin ngoài nước đã đăng lại toàn văn tờ đơn trên – đã
viết vài dòng “phụ chú” về tờ đơn thượng dẫn như sau: “Đơn tố cáo này của
cô Hương … chắc chắn nó sẽ không đến được người nhận, Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ có
những quan tâm lớn khác, nhưng đây chính là điều bi đát trong hoàn cảnh đất nước
hiện nay: người dân oan ức
không còn biết cầu mong ở ai khi mà chính nhà cầm quyền là kẻ cướp! Họ
chỉ còn hy vọng mỏng manh ở một công lý rất xa xôi.”
Nguyễn Phú Trọng phát biểu
Cô Hương không phải là người Việt đầu tiên,
cũng chả phải là kẻ cuối cùng, “chỉ còn hy vọng mỏng manh ở một công lý
rất xa xôi” như thế. Mới đây – sau vụ thảm sát ở Đồng Tâm – một nhóm
nhân sỹ cũng đã gửi thư đến U.N, yêu cầu “cử ngay một phái đoàn điều tra của
LHQ đến Việt Nam càng sớm càng tốt để tìm hiểu cụ thể, nhằm đưa ra nhận định
khách quan và trung thực về sự kiện đẫm máu mà chúng tôi vừa tố cáo.”
Một trong những vị soạn thảo thư gửi đến Tổng Thư
Ký LHQ là G.S Tương Lai. Ông là một tên tuổi quen thuộc trong giới đối
lập VN hiện nay, và là người đã dự đoán trước (từ năm 2017) rằng “sẽ
còn nhiều lươn lẹo, mưu mẹo ở Đồng Tâm.” Cũng chính nhân vật này,
khi còn đảm nhiệm chức vụ Viện Trưởng Viện Xã Hội Học Việt Nam, đã viết
bản báo cáo (“Về
Vụ Nổi Dậy Ở Thái Bình”) với những nhận định rất khách quan,
cùng những lời lẽ hết sức chí tình: “Sự kiện Thái Bình, nếu với cái
nhìn tỉnh táo, sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể nhìn rõ thực trạng chính trị,
xã hội, kinh tế, văn hóa của nông thôn nước ta, do vậy mà có những chủ trương
đúng sách lược, đưa nông nghiệp và nông thôn đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa
và hiện đại hóa.”
Sau Thái
Bình đến Cống Rộc, Văn Giang, Dương Nội, Cồn Dầu, Thủ Thiêm, Lộc Hưng, rồi
kế tiếp là Đồng Tâm … Và đến đây thì G.S tương Lai (cùng quí
bạn đồng hành) thôi không “báo cáo” với Đảng và Nhà Nước nữa. Họ
viết thư
gửi LHQ với những dòng chữ đượm nhiều cay đắng: “Sự kiện bạo lực thảm
khốc mà chúng tôi vừa tố cáo đang huỷ hoại nền tảng văn hoá của đất nước chúng
tôi, làm băng hoại đạo lý truyền thống của dân tộc chúng tôi.”
Dân tộc này còn có vô số những “sự kiện bạo lực
thảm khốc” hơn rất nhiều (Cải Cách Ruộng Đất, Quỳnh Lưu Nổi Dậy, Vụ
Án Ôn Như Hầu, Thảm Sát Mậu Thân …) nhưng chưa bao giờ có một điều tra
nào cả – từ LHQ. Bởi thế, tôi e rằng bức thư thượng dẫn của nhóm
nhân sỹ VN khó có hy vọng nhận được phản hồi tích cực từ vị Tổng
Thư Ký của tổ chức này – như nhận xét của nhà báo Phạm Đỉnh, từ
năm 2009: “Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ có những quan tâm lớn khác, nhưng đây chính là
điều bi đát trong hoàn cảnh đất nước hiện nay: người dân oan ức không còn biết
cầu mong ở ai khi mà chính nhà cầm quyền là kẻ cướp!”
Tuy nhiên, vấn đề – theo tôi – không liên hệ chi
nhiều đến vai trò của LHQ. Điều quan trọng, và đáng mừng, là
dù muộn nhưng cuối cùng thì mọi người dân Việt – từ một cô nông dân
chân lấm tay bùn đến những vị nhân sỹ hay trí thức khoa bảng – đã nhận diện được … bọn
cướp nước hiện nay. Khi mọi
người đều đã “nhất trí” thế rồi thì vấn đề còn lại chỉ là sự
đồng tâm, và quyết tâm thôi. Khi dân tộc Việt đã có được cả ba thì
ngoại lực (đến từ bất cứ đâu) chỉ còn là vấn đề thứ yếu.
Tưởng
Năng Tiến
2/2020
2/2020
No comments:
Post a Comment