Wednesday, February 26, 2020

DỊCH COVID-19 TIẾP TỤC LAN RỘNG (tổng hợp)




NỘI DUNG :

Thanh Niên Online
.
Dân Trí (Theo South China Morning Post)
.
=========================================
.
BẤM ĐƯỜNG LINK ĐỂ XEM SỐ THỐNG KÊ MỚI NHẤT

                               *****************

Thanh Niên Online
06:08 - 27/02/2020

Số ca nhiễm cũng như tử vong vì dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng và có thêm nhiều quốc gia phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm qua 26.2 ghi nhận thêm 52 ca tử vong vì dịch Covid-19 do vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2), theo Tân Hoa xã. Đây là con số thấp nhất trong hơn 3 tuần qua và nâng tổng số người thiệt mạng tại Trung Quốc đại lục tính đến cuối ngày 26.2 lên 2.715. Số ca nhiễm mới cũng giảm, từ 503 trường hợp của ngày trước đó xuống còn 406 trong ngày 25.2, nhiều tỉnh không xuất hiện ca nhiễm mới trong những ngày gần đây. Chỉ có 5 ca xuất hiện ngoài tỉnh Hồ Bắc, con số thấp nhất trong hơn 1 tháng.

Trong khi tình hình có vẻ khởi sắc ở Trung Quốc đại lục, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tính đến tối qua, thế giới đã có 2.770 người chết, số ca nhiễm vượt 81.260.

Hàn Quốc xét nghiệm tín đồ Shincheonji

Tại châu Á, mọi sự tập trung đang đổ dồn vào Hàn Quốc. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) xác nhận đã có 284 ca nhiễm mới trong ngày 26.2, nâng tổng số ca trên toàn quốc lên 1.261.

Trong số nhiễm mới có 134 người ở TP.Daegu, ổ dịch có liên quan đến giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa). Ca tử vong thứ 12 ở nước này cũng là người có liên hệ với nhà thờ Shincheonji ở Daegu.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng quốc tế đầu tiên trên đất Mỹ về liệu pháp điều trị tiềm năng cho SARS-CoV-2 đang được triển khai ở Trung tâm y khoa Đại học Nebraska. Dự kiến sẽ bao gồm 400 bệnh nhân đến từ 50 khu vực trên thế giới. Phân nửa số bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc remdesivir, số còn lại dùng giả dược.

Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc cũng xác nhận trường hợp lây nhiễm đầu tiên ở một binh sĩ 23 tuổi đóng tại căn cứ Carroll, nằm gần một trung tâm người khuyết tật đang bị dịch Covid-19. Số ca nhiễm tại Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng thêm sau khi KCDC tiến hành xét nghiệm y tế đối với khoảng 212.000 tín đồ Shincheonji, theo báo The Korea Herald.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thông báo “45 du khách được phép rời khỏi du thuyền Diamond Princess” đã xuất hiện các triệu chứng như sốt và được yêu cầu đi xét nghiệm, theo Kyodo News.

Thêm nhiều nước có dịch

Reuters ngày 26.2 dẫn nguồn tin cho hay Brazil đã phát hiện người đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2, báo hiệu dịch Covid-19 lan đến Mỹ Latin. Algeria cũng xác nhận ca nhiễm đầu tiên và trở thành quốc gia châu Phi thứ hai xuất hiện dịch, sau Ai Cập.

Ở Trung Đông, Bộ Y tế Iran cho biết đã có thêm 4 người chết vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 19. Số ca nhiễm tại nước này tăng lên 139. Hiện Iran đang có số người chết vì dịch Covid-19 cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục.

Kuwait, Iraq, Bahrain, Oman, Li Băng, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Afghanistan cũng đều phát hiện các ca nhiễm ở những người vừa đến Iran.

Bên cạnh đó, Hy Lạp ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, còn Pháp xác nhận ca tử vong đầu tiên ở công dân nước này, theo AFP. Trước đó một ngày, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Croatia và Áo đều tuyên bố các trường hợp nhiễm đầu tiên. Ý cũng thông tin về 32 ca nhiễm mới ở Lombardy và Veneto, bao gồm 4 trẻ em. Từ hai khu vực trên, dịch Covid-19 đã lan đến 7 vùng khác, bao gồm Sicily ở tận phía nam, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn nước Ý lên hơn 350.

Còn ở Mỹ, giới chức y tế thừa nhận nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại nước này là “không thể tránh khỏi”, theo bà Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm bệnh hô hấp và miễn dịch quốc gia thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia Bruce Aylward, trưởng đoàn WHO ở Trung Quốc, cảnh báo các nước khác trên thế giới “không sẵn sàng” trước dịch bệnh.

“Các bạn cần phải chuẩn bị tinh thần đối phó dịch Covid-19 trên diện rộng… và phải làm ngay”, ông Aylward nhấn mạnh. Hiện có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2.

-----------------------------------------------

Dân Trí (Theo South China Morning Post)
Thứ Năm 27/02/2020 - 06:41

Bùng phát ở Trung Quốc cuối năm 2019, hiện dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19) gây ra đã lan tới 6 châu lục trên thế giới, ngoại trừ Nam Cực.

Thống kê dịch Covid-19
                Tổng quan            Việt Nam         Thế giới
Số ca nhiễm
Tử Vong
Bình Phục
Việt Nam
16
0
15
Trung Quốc
77345
2592
22401
Thế Giới
79774
2628
22634
Cập nhật lần cuối: 19:23 24/02/2020. Nguồn: Bộ Y Tế

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tính đến cuối ngày 26/2, dịch Covid-19 chính thức lan ra 6 châu lục với những diễn biến đáng lo ngại ở cả châu Á, châu Âu. Covid-19 chính thức xuất hiện ở châu Nam Mỹ với việc Brazil ngày 26/2 thông báo ca nhiễm bệnh đầu tiên.

Tại châu Phi, Algeria cũng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào hôm qua. Ai Cập cũng không còn "miễn nhiễm" với loại virus chủng mới gây viêm phổi.

Tại châu Á, trong khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc có xu hướng được kiểm soát, dịch lại bắt đầu bùng phát mạnh ở Hàn Quốc. Từ 51 ca cuối tuần trước, hiện Hàn Quốc đã ghi nhận gần 1.300 ca nhiễm và 12 người tử vong, trở thành điểm nóng nhất về dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Ở Trung Đông, biện pháp ứng phó của Iran với dịch Covid-19 đang gây lo ngại khi nước này có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, có thời điểm lên đến 16%. Theo số liệu thống kê của chính phủ Iran, tính đến ngày 26/2, nước này có ít nhất 139 ca nhiễm và 15 ca tử vong vì Covid-19.

Tại châu Âu, Italia có thể coi là điểm nóng nữa của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm tăng vọt lên 400 ca tính đến cuối ngày 26/2 và 12 ca tử vong. Một số quốc gia trong khu vực như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ đều thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên hoặc các ca nhiễm mới đều là người có liên quan đến Italia. Các ca nhiễm đầu tiên ở Bắc Phi (Algeria) và ở Mỹ Latinh (Brazil) cũng bắt nguồn từ Italia.

Tại châu Úc, tính đến ngày 22/2, Úc ghi nhận tổng cộng 22 trường hợp nhiễm Covid-19.

Tại Bắc Mỹ, ít nhất 59 người Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Canada cũng ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho rằng, vấn đề không phải là liệu Covid-19 có trở thành đại dịch không mà chỉ là vấn đề thời gian "khi nào".

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng còn quá sớm để công bố Covid-19 là đại dịch. "Sử dụng từ đại dịch một cách vội vã không hề có lợi, thậm chí nó còn khiến khuếch đại nỗi sợ hãi và kỳ thị, làm tê liệt các hệ thống. Nó có thể phát đi tín hiệu rằng chúng ta không thể ngăn chặn được virus nữa, điều đó không đúng", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Mặt khác, giới chức WHO cũng khuyến cáo các nước cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó bởi Covid-19 đang “gõ cửa” từng nước. Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Tedros cũng nhấn mạnh đến việc lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở bên ngoài vượt qua Trung Quốc. "Sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm ở Italia, Iran và Hàn Quốc gây quan ngại sâu sắc. Hôm 25/2, lần đầu tiên số ca nhiễm mới bên ngoài vượt số ca nhiễm mới ở Trung Quốc", ông Tedros nói.

Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay đã lan ra khoảng 40 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến gần 2.800 người thiệt mạng, hơn 80.000 người nhiễm bệnh.

Minh Phương
Theo SCMP





No comments: