Friday, February 7, 2020

VIRUS CORONA 2019 : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT (Diễn Đàn Khai Phóng)




Tập thể Diễn Đàn Khai Phóng 
07/02/2020

DĐKP giới thiệu: Chuyện y học vốn không phải là nội dung chính của trang mạng DĐKP. Tuy nhiên đứng trước tình trạng xôn xao hiện nay, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải tham gia việc cung cấp tin tức, cho nên đã nhờ vài bằng hữu có kinh nghiệm trong nghề y khoa, vi trùng học, dịch tễ học, tâm lý học thu thập tin tức. Từ đó, bài viết sau đây là một tóm tắt dễ hiểu từ các bài viết hoặc phỏng vấn của các chuyên gia đáng tin cậy trên trang mạng của WHO, Viện Robert Koch, Der Spiegel, Focus, Die Zeit, Die Welt. Hy vọng nội dung này sẽ bổ ích cho bạn đọc, nhất là góp phần vô hiệu hóa những tin bịa đặt (Fake news) đầy rẫy trên mạng vốn chỉ gây thêm tâm lý sợ hãi không cần thiết.

Lưu ý về thuật ngữ dùng trong bài này: vi-rút là Virus, khác với vi khuẩn là Bacteria.

Vi-rút Corona 2019-nCoV, Nguồn: CHIP.DE

1- Vi-rút Corona 2019-nCoV từ đâu đến?

Vi-rút xuất hiện năm nay ở Vũ Hán có tên là Corona 2019-nCoV, từ nay gọi tắt là Corona-2019. Đó là loại vi-rút thuộc gia đình Corona, vốn dĩ đã được phát hiện từ thập niên 1960 với nhiều triệu chứng khác nhau. Vài chủng loại rất nguy hiểm trong gia đình vi-rút này đã xuất hiện vài lần trong 20 năm qua, thí dụ dịch SARS Corona-CoV năm 2002 từ Trung Quốc làm 800 người trên toàn cầu tử vong, MERS Corona-CoV năm 2012 từ Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia), kéo dài từng đợt trong vòng 4 năm và chỉ riêng 2016 có 800 người chết. Giống như vài loại vi-rút nguy hiểm trong 20 năm qua như cúm gia cầm (bird flu) xảy ra nhiều lần hoặc cúm lợn (swine flu) năm 2009/2010/2019, các vi-rút họ Corona đều có xuất xứ từ thú vật, đặc biệt là thú vật hoang dã như dơi, cầy hương (civet). Chúng đã có sẵn và tồn tại trong súc vật, nhưng không phát bệnh nhờ tính miễn dịch cao (antibody) của các súc vật đó. Vì một lý do nào đó (do tiếp xúc, hoặc bị cắn, hoặc ăn thịt chưa nấu chín v.v…), vi-rút này chuyền qua người vốn dĩ chưa có tính miễn dịch, nên hoành hành gây bệnh và lây lan qua những người chung quanh.

Lúc ban đầu, chính quyền Trung Quốc chủ quan cho rằng, Corona-2019 chỉ xảy ra ở chợ súc vật do đường truyền nhiễm từ súc vật sang người. Trung Quốc đã trả giá đắt cho sự phỏng đoán hời hợt đó, cộng thêm chính sách bưng bít thông tin vì lý do chính trị càng làm cho tình trạng thêm tồi tệ. Chỉ trong vòng hai tuần, đường truyền nhiễm mạnh mẽ nhất được chứng minh là giữa người với người. Giả thuyết này được minh chứng rõ ở các nước bên ngoài Trung Quốc, thí dụ 10 bệnh nhân ở Đức đều bị nhiễm do sự lây truyền trong vòng gần gũi.

Người ta chỉ mới biết cấu trúc DNA của chủng loại vi-rút Corona-2019, nhưng nhiều tính chất của chúng vẫn còn nằm trong bí ẩn, thí dụ mức độ lây lan, diễn biến phát bệnh thế nào, chúng có sản xuất phụ chất hay không, phụ chất gì, dược chất nào có thể kìm hãm vi-rút v.v… Không có gì chắc chắn về nguồn gốc vi-rút, người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng, vi-rút Corona-2019 ở Vũ Hán được cho là xuất hiện lần đầu ở một chợ bán súc vật, nó chuyền từ dơi sang người – trực tiếp hoặc qua trung gian một con vật khác – và lây lan mạnh mẽ, vì những biện pháp phòng chống ban đầu không hiệu quả, nhất là chính quyền Trung Quốc không phản ứng cương quyết ở “thời gian vàng”, tức là trong vòng 15 ngày sau những ca nhiễm đầu tiên. Các nước trên thế giới, trừ Trung Quốc, đã hiểu đúng tầm quan trọng của “thời gian vàng” này và đưa ra biện pháp kịp thời ngay từ vài ca nhiễm đầu tiên, cho nên tỉ lệ lây lan thấp.

Cũng có người cho rằng, vi-rút Vũ Hán do sự rò rỉ từ phóng thí nghiệm sinh học ở đó vốn nằm trong kế hoạch nghiên cứu vũ khí sinh học của chính quyền Trung Quốc, nhưng điều này chưa ai kiểm chứng với luận cứ khoa học, cho nên chúng ta cứ tạm xem đó là những phỏng đoán mang tính hư cấu, để hạ hồi phân giải. Trong lúc loài người đang lo âu vì đại dịch, việc tìm kiếm và phổ biến đường lây nhiễm để có biện pháp phòng ngừa, là chuyện cần thiết hơn mọi mục đích chính trị khác. (Dù rằng ai cũng đoán ra, Trung Quốc và nhiều nước khác đang thi đua nghiên cứu các loại vũ khí bí mật, kể cả vũ khí sinh học. Nhưng nó có liên quan đến tai họa hiện nay hay không, lại là chuyện khác).

Một giả thuyết mới hôm nay (6.2.2020, xem FOCUS.DE) về nguồn gốc vi-rút corona 2019: Động vật bò sát có vảy (scale animal) pengolin cũng có thể là ổ vi-rút, chuyền sang một động vật có vú trước khi lây qua người. Thịt các loài bò sát này là món ẩm thực đặc sản rất đắt tiền và được ưa chuộng ở các nước châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc và Nam Dương, nơi có những chợ thú vật hoang dã ngày nào cũng đông người.

2- Vi-rút Corona 2019-nCoV có nguy hiểm không?

Nói tóm tắt: chúng cực kỳ nguy hiểm. Giáo sư Clemens Wendtner không giấu diếm rằng, “khác với SARS và MERS, vi-rút 2019-nCoV lây nhiễm cực nhanh. Chỉ cần một lần bắt tay, hoặc cùng làm việc trong phòng với người bệnh là có thể bị lây nhiễm, nếu không phòng bị. […] Nhưng dù sao, diễn biến bệnh tình thường không khắc nghiệt. Sự tấn công của vi-rút trong máu cũng giao động theo thời gian”. Khác với SARS và MERS vốn đã có thuốc chữa và vắc-xin, dù mới còn trong giai đoạn thử nghiệm, Corona-2019 vẫn còn hàm chứa nhiều ẩn số. Hàng trăm viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới đang khẩn trương thử nghiệm, nhưng ít ai có hy vọng sẽ tìm được vắc-xin hoặc thuốc chữa trong vòng vài tháng tới. Với những phương thuốc có sẵn, kinh nghiệm chữa trị và sự săn sóc cẩn thận của bác sĩ cũng chỉ làm suy yếu vi-rút chứ không tiêu diệt được chúng. Điều hy vọng lớn nhất là, sức đề kháng của những cơ thể khỏe mạnh có thể tiêu diệt vi-rút khi chúng đã bắt đầu suy yếu, sau khi được chữa trị bằng thuốc hoặc nhờ những yếu tố khác.

Điều khó khăn cho việc đề phòng là, thời gian ủ bệnh có thể từ 1-14 ngày. Đó là thời gian người bệnh đã lây nhiễm vi-rút, nhưng chưa có triệu chứng gì đáng ngờ xuất hiện ra bên ngoài, cho nên việc lây lan càng dễ xảy ra hơn vì không ai chú ý đề phòng.

Chỉ số phát tán của Corona-2019 được cho tối đa là 2,68 (mỗi người bệnh có thể lây lan ra tối đa 2,68 người chung quanh. Ở cúm mùa influenza, chỉ số này là 1,3). Về mặt lý thuyết, điều này có nghĩa là sau 10 thế hệ sinh sôi nẩy nở, 20.000 người có thể lây bệnh corona trong vòng vài ngày (tính theo cấp số nhân 2,68 và tốc độ sinh sản của vi-rút), nếu không có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đó là chuyện đã xảy ra ở Vũ Hán. Thực tế là hiện nay ở tỉnh Hồ Bắc, mỗi ngày có trên 2.000 ca lây nhiễm dựa trên báo cáo chính thức, nhưng các nhà vi trùng học Đức phỏng đoán rằng, trên thực tế có thể gần 8.000 ca mỗi ngày!

Căn cứ vào số liệu của chính quyền Trung Quốc cung cấp, WHO (World Health Organization) cho biết tỉ lệ tử vong trên số người lây nhiễm là 2,1% (hơn 420 người chết trên 20.000 ca lây nhiễm). Chúng ta nhớ lại trận dịch cúm sau thế chiến I đã làm 25 triệu người chết trong vòng 3 năm (từ đầu 1918 đến cuối 1920), tỉ lệ tử vong lúc ấy cũng “chỉ” nằm đâu đó ở 2,5-3%. Trong mối tương quan ấy, tỉ lệ tử vong lần này với 2,1% là một tỉ lệ không thể xem thường. Tuy nhiên, ít ai không nghi ngờ rằng, chính quyền Trung Quốc đã cố ý cung cấp số liệu lây nhiễm thấp hơn thực tế. Ngoài ra, nhà vi trùng học Christian Drosten phát biểu công khai trên truyền hình WDR: “Nhiều chuyên gia cho rằng, có rất nhiều trường hợp lây nhiễm với diễn tiến chậm và không hề được đăng ký”. Các nhà vi trùng học Đức phỏng đoán rằng, tại thời điểm ngày 2 tháng 2/2020, số ca lây nhiễm tổng cọng ở Hồ Bắc có thể là 70.000 thay vì chính thức chỉ có 20.000. Như thế, tỉ lệ tử vong có thể nằm đâu đó dưới 1%. Dù sao, tỉ lệ tử vong thực tế từ 0,5% đến 1% cũng là một tỉ lệ vô cùng đáng sợ.

Tóm lại, với tốc độ lây nhiễm rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao và chưa ai tìm được vắc-xin cũng như thuốc chữa, Corona-2019 là loại vi-rút đáng gờm. Đối tượng nhiều rủi ro nhất dẫn đến tử vong là người già, trẻ em và những người đã có bệnh từ trước. Mỗi người nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho từng cá nhân. Tuy nhiên, không nên vì thế mà rơi vào tâm lý hoảng loạn, lại càng không nên tin vào những tin dỏm mang tính chất giật gân.

3- Vi-rút Corona 2019-nCoV phát tán thế nào trên toàn cầu?

Con đường lây lan của vi-rút Corona 2019-nCoV. Nguồn: Dirk Brockmann

Giáo sư Dirk Brockmann, chuyên gia nghiên cứu diễn biến các đại dịch, đã dùng việc mô hình hóa để đưa ra những phỏng đoán rất chính xác về Ebola, Zika, cúm lợn. Lần này, ông cũng dùng phương pháp đó để phác họa mô hình phát tán Corona-2019. Với dữ liệu của 51.000 đường bay và 4.000 phi trường, mô hình này dựa trên mật độ giao thông hàng không trên thế giới hiện thời với Vũ Hán, cộng thêm nhiều yếu tố khác, từ đó Brockmann đưa ra một chỉ số tương đối về nguy cơ có người nhiễm bệnh trong các nước ngoài Trung Quốc. Sau đây là kết quả của những nước có chỉ số cao nhất:

Thái Lan                                   1,921   %
Đài Loan                                  1,250   %
Hồng Kông                              1,173   %
Singapore                                 0,545   %
Nam Hàn                                  0,526   %
Macau                                       0,501   %
Nhật                                           0,461   %
Mỹ                                              0,395   %
Pháp                                          0,242   %
Mã Lai                                       0,202   %
Úc                                               0,180   %
Nam Dương                              0,154   %
Phi Luật Tân                             0,146   %
Đức                                             0,139   %
Việt Nam                                   0,131   %
Nga                                             0,129   %
Ấn Độ                                         0,127   %
v.v… và v.v…

Đó là tin mừng cho Việt Nam, nhưng không vui chút nào cho Thái Lan. Tất nhiên, đó là một chỉ số tương đối có tính phỏng đoán dựa trên phép tính xác xuất, nhưng cũng đưa ra được một sự so sánh tương đối giữa các nước về nguy cơ nhiễm bệnh. Thí dụ, nếu có 1.000 con bệnh từ Vũ Hán lên tàu bay, thì Thái Lan có nguy cơ sẽ tiếp nhận 19 người bệnh, Đài Loan 12, Hồng Kông 11, Nhật 4, Úc 2, Đức 1, Việt Nam 1 v.v… Đối với Việt Nam, còn phải tính đến nguy cơ biên giới đường bộ. Tuy nhiên, với khoảng cách 2.000 Km từ Lạng Sơn Lào Kai đến Vũ Hán, chỉ số nói trên cũng không có dao động đáng kể.
Tùy theo khả năng xử lý nạn dịch của từng quốc gia, với những “bệnh nhân Vũ Hán” ấy, con số thực tế lây nhiễm ở nước đó có thể khác xa tỉ lệ nói trên sau thời gian vài tuần. Điều này không thuộc phán đoán của phương pháp Brockmann. Mục đích của Dirk Brockmann là cung cấp dữ liệu tổng quát cho chính chủ các nước để họ đưa ra biện pháp cần thiết ngay từ những ngày đầu.

4- Vi-rút Corona 2019-nCoV lây từ người này sang người kia thế nào?

Corona-2019 có độ lớn chỉ vài trăm nano mét, tức là thuộc loại nhỏ, khó sàn lọc. Mỗi loại vi-rút có một đường truyền nhiễm khác nhau giữa người và người. Riêng đối với Corona-2019, theo hiểu biết y khoa hiện nay (tháng giêng 2020), có 4 đường truyền nhiễm chính yếu sau đây, trong đó đường số 2 và 3 là quan trọng nhất.

a) Bay trong không khí: Corona-2019 thuộc loại nặng, cho nên khả năng bay trong không khí rất thấp, mặc dù trong một số trường hợp, chúng cũng có thể bay qua không khí để đến đối tượng lây nhiểm. Tin mừng: trong môi trường không khí, Corona-2019 chỉ sống được trong vòng 5 phút, và ở nhiệt độ dưới 30˚. Nhiệt độ không khí càng cao thì tuổi thọ của chúng càng giảm.

b) Dính nước bọt: Đây là khả năng lớn nhất, thường xảy ra nhất. Vi-rút Corona-2019 hòa lẫn với nước bọt trong cổ họng và thoát ra ngoài khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc những động thái vô ý khác. Nước bọt là môi trường sinh sống của Corona-2019, cho nên nó sống dai dẳng trong đó khi nước bọt chưa hoàn toàn bốc hơi. Khi nước bọt người bệnh bám được vào vùng miệng, mũi hoặc mắt, vi-rút sẽ vào đường cổ họng và bắt đầu tấn công cơ quan hô hấp.

c) Lây qua các chỗ tiếp xúc: Corona-2019 ở người bệnh không những chỉ có trong cổ họng hay phổi, mà mỗi nơi trên cơ thể đều có thể ẩn chứa vi-rút. Thông qua con đường đó, vi-rút sẽ bám vào các vật dụng bên ngoài và lây sang người khác khi được tiếp cận. Việc bắt tay, hôn hít, tiếp xúc với các tay cầm trên xe công cộng, thiết bị Gyms, keyboards dùng chung, thành lan-can, thang máy, vật dụng trong căng-tin v.v… đều là những môi trường truyền nhiễm cần tránh.

d) Đường tiêu hóa: Mới đây, các bác sĩ ở Vũ Hán phát hiện Corona-2019 trong phân người bệnh, cho nên việc truyền nhiểm qua đường tiêu hóa cũng là một khả năng mới. Tuy nhiên, vì hiện tượng này còn quá mới, chưa ai đưa ra một kết luận chắc chắn. Chí ít, người ta đã tìm thấy triệu chứng tiêu chảy và sốt ở một vài bệnh nhân.

Riêng đối với người Việt Nam, phong cách ăn uống cũng là một nguồn lây bệnh rất đáng kể. Việc dùng đũa riêng của mỗi người để gắp thức ăn trong một dĩa thức ăn chung vẫn còn là thói quen khá phổ biến. Chỉ cần một người đã nhiễm vi-rút nhưng chưa có triệu chứng để nghi ngờ trong thời gian ủ bệnh, cả gia đình có thể bị nhiễm bệnh sau một bữa ăn.

5- Các triệu chứng khi nhiễm bệnh

Những triệu chứng sau đây chỉ căn cứ vào các hiểu biết ban đầu hiện nay, vì corona-2019 vẫn còn là một bí ẩn đối với y học. Sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-14 ngày, các triệu chứng dễ thấy khi vi-rút bắt đầu tác hại rất đa dạng:

Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân có những triệu chứng của cảm lạnh đi kèm với ho, hắt hơi, thở gấp, toàn thân mệt mỏi.

Một số ít hơn thì bị viêm họng. Một số trường hợp ít hơn nữa thì có triệu chứng tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn.

Trường hợp nặng hơn sẽ dẫn đến việc nhiễm trùng đường hô hấp bên trong đến nhiễm trùng phổi, khó thở.

Cần có thêm thông tin ở Vũ Hán để kết luận về các ca tử vong. Bước đầu có thể kết luận rằng, đa số các ca tử vong là do viêm phổi, sinh ra khó thở hoặc nghẹt thở, chức năng của phổi suy sụp, không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể dẫn đến tử vong. Nhưng yếu tố nào dẫn đến sự hủy hoại chức năng của phổi thì vẫn còn là điều bí ẩn.

Việc quan sát hiện tượng ở các nước ngoài Trung Quốc cho thấy là, ngay cả khi triệu chứng hết sức tồi tệ, tử vong chỉ xảy ra ở những người có sức đề kháng (immune) yếu, hoặc những người đã có bệnh nặng từ trước. Vì thế, điều quan trọng khi nhiễm bệnh là phải bình tĩnh để không ảnh hưởng đến sức đề kháng của bản thân. Chú ý: Có vài ca khỏe mạnh ở Vũ Hán vẫn tử vong, nhưng đó là những người nghiện thuốc lá kinh niên, chức năng của phổi vốn đã suy yếu trước đó.

6- Các biện pháp phòng ngừa trong thời gian có dịch

Nguyên tắc tổng quát là cách ly người bị nghi lây nhiễm. Đây chủ yếu là nhiệm vụ của nhà nước trên bình diện rộng. Nhưng từng cá nhân cũng nên lấy nguyên tắc đó làm chuẩn để hành xử trong môi trường chung quanh, kể cả trong gia đình. Hãy cách ly đến mức tối đa những gì có thể cách ly được!

Ngoài ra, những biện pháp sau đây sẽ tăng thêm hiệu quả:

a) Khi đi từ một môi trường có người bệnh, hoặc trong vòng 2 tuần có tiếp xúc với người nào đã lây bệnh, thì cần đi khám bác sĩ. Trong trường hợp có triệu chứng đáng ngờ, dù rất thấp, nên cách ly để tránh bệnh lây lan.

 b) Mang khẩu trang và mắt kiếng: Là việc đầu tiên nên làm khi có tiếp xúc với người khác, mặc dầu tác dụng của khẩu trang trong việc phòng ngừa cũng rất hạn chế. Nhân viên y tế thường dùng khẩu trang chuyên nghiệp, có độ lọc cao nhưng khó thở. Dân thường cũng có thể sử dụng loại khẩu trang thương mại, độ lọc tuy thấp nhưng có thể ngăn chận được phần nào các giọt nước bọt từ người khác.

c) Giữ vệ sinh tay: đây là biện pháp quan trọng hàng đầu trong việc phòng ngừa truyền nhiễm trong thời gian có dịch. Tay là nơi tiếp xúc nhiều vật thể bên ngoài, nơi có thể đã mang sẵn mầm bệnh từ người khác (xem đường truyền nhiễm mục 4.3 ở trên). Khi đưa tay chùi miệng, mũi hoặc mắt, vi-rút sẽ theo đường đó vào cơ thể. Cho nên, rửa tay càng nhiều lần trong ngày càng tốt, ít nhất là sau mỗi lần có tiếp xúc với một vật thể bên ngoài. Nên rửa tay với thuốc sát trùng, hay ít nhất với xà phòng trong vòng 10 giây, tốt hơn nữa là với nước ấm trên 50 độ. Xin tham khảo danh sách các loại dung dịch và phương cách sát trùng do Viện Robert Koch đề nghị. Chú ý: hạn chế đến mức tối đa việc đưa bàn tay lên vùng miệng, mũi và mắt!

d) Giữ khoảng cách với người chung quanh: Với tất cả mọi người, nên luôn giữ khoảng cách ít nhất 1 mét. Trong thời buổi nạn dịch, chắc chắn mọi người đều thông cảm với cách hành xử thiếu thân thiện đó. Bắt tay, ôm nhau lúc chào hỏi, va chạm thân thể là điều tuyệt đối cấm kỵ. Nếu có vì thế mà mang tiếng kỳ thị thì cũng đành chịu. Ở các nước người da trắng hoặc da đen, cách hành xử đó đối với người châu Á bị phê phán là phân biệt chủng tộc. Nhưng thử hỏi, đứng trước một người châu Á chưa quen, làm sao họ biết đó là một người Việt Nam lành mạnh, hay một anh Trung Quốc vừa đến từ Vũ Hán? Chắc hẳn bạn cũng sẽ phản ứng như họ. Vì lý do sức khỏe, ngay cả người Trung Quốc lục địa cũng “kỳ thị” đồng hương đến từ Vũ Hán!

Cần lưu ý rằng, ở những vùng lạnh thường xảy ra cảm cúm mùa đông (flu, influenza), các triệu chứng giữa cảm cúm và Corona 2019 đôi khi không khác nhau, vì thế khi có triệu chứng đáng ngờ, không ai có thể phỏng đoán là cúm mùa hay corona, mà cần được xét nghiệm bởi bác sĩ chuyên môn.

Lưu ý quan trọng: Không bao giờ sử dụng trụ sinh khi nghi ngờ bị nhiễm Corona thuộc mọi chủng loại. Trụ sinh chỉ có tác dụng đến vi khuẩn (bacteria), chứ với vi-rút thì chẳng ăn nhằm gì, thâm chí đôi lúc có hại, vì trụ sinh thường gây ra phản ứng phụ đến hệ miễn nhiễm của cơ thể. Ngoài ra, WHO cũng đưa ra khuyến cáo không nên dùng Vitamin C, không hút thuốc, không uống trà thảo dược truyền thống.

Trên đây là những biện pháp phòng ngừa trong thời gian nạn dịch đã nổ ra. Nhưng một vấn đề quan trọng hơn là làm sao để tránh chuyện nạn dịch bùng phát trong tương lai? Điều này đòi hỏi cố gắng của từng người. Như trên đã nói, nhiều vi-rút nguy hiểm đã có sẵn trong thiên nhiên và sống chung hòa bình với những thú vật hoang dã vốn đã có tính miễn nhiễm. Nạn dịch chỉ bùng phát sau khi vi-rút đã lây qua người, từ đó phát tán qua người khác và cứ thế tiếp tục bùng phát thành nạn dịch.

Cho nên, việc hạn chế hoặc bỏ hẳn thói quen ăn uống động vật hoang dã sẽ góp phần giảm nguy cơ lây bệnh từ thú vật qua người. Có nhất thiết phải tìm cho bằng được các đặc sản “đẳng cấp” như dơi, chuột đồng, rắn, ếch nhái, heo rừng, vốn dĩ là những món khoái khẩu của các tay nhậu anh chị? Gia cầm thì chắc hẳn không thể thiếu được trong bữa cơm gia đình, nhưng tốt nhất vẫn là ăn những món ăn đã nấu chín. Các nhà vi trùng học cho biết, họ chưa thấy một chủng loại vi-rút nào có thể sống sót ở nhiệt độ trên 70. Việc nấu chín thức ăn và nước uống sẽ triệt tiêu mầm mống sinh bệnh ngay từ lúc đầu. Trung Quốc đã học thuộc bài này và vừa ra lệnh cấm việc buôn bán các động vật hoang dã, ít ra là trong thời gian đang có dịch.

***

 (Sẽ tiếp tục bổ sung và cập nhật về tâm lý cộng đồng và sự lộng hành của tin dỏm)

Tài liệu tham khảo

Christian Drosten (Ulrike Römer của WDR – Đài Tây Đức – phỏng vấn chuyên gia vi trùng học hàng đầu của Đức): Corona-Virologe: Normalbürger müssen keine Angst haben.

Christian Drosten (Nike Heinen phỏng vấn): Coronavirus – Dieses Virus ist überraschend anders. ZEIT ONLINE ngày 2.2.2020.

ECDPC – European Centre for Disease Prevention and Control – https://www.ecdc.europa.eu/en/novel-coronavirus-china

Kristina Kreisel phỏng vấn GS Dirk Brockmann thuộc Viện Robert Koch: Corona-Pandemie: Diesen Weg nimmt das Virus – und was Deutschland erwartet (Focus ngày 3.2.2020).

Tagesschau.de ngày 3.2.2020: Corona-Virus: Das sollten Sie wissen.

Kira Welling: Coronavirus 2019-nCoV: Was ihn von Sars und Mers unterscheidet. (Praxistipps.Chip.de ngày 3.2.2020).

Clemens Wendtner (nhà vi trùng học hàng đầu của Đức): Er behandelt Infizierte: “Coronavirus ist hoch ansteckend – anders als Sars” (Focus.de ngày 4.2.2020).






No comments: