Wednesday, February 5, 2020

NƯỚC MỸ NÀO SAU DONALD TRUMP ? (Nguyễn Gia Kiểng)




02/02/2020

Cho tới nay nước Mỹ vẫn vững vàng sau những sai lầm lớn vì quá giầu mạnh, tương tự như một võ sĩ dở nhưng quá khỏe nên vẫn chịu được đòn và sau cùng vẫn thắng. Thế giới chứ không phải Mỹ gánh chịu hậu quả. Nhưng thế giới đã thay đổi.

Ai cũng biết Donald Trump có tội nhưng ai cũng biết trước là ông sẽ được trắng án vì Đảng Cộng Hòa có đa số trong Thượng Viện. Ảnh minh họa một phiên xử luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng Viện Mỹ 

Nước Mỹ bắt đầu một năm mới và một thập niên mới với vụ án Donald Trump. Đây là lần thứ ba trong lịch sử mà Thượng Viện Mỹ biến thành tòa án để xét xử tổng thống và truất phế nếu thấy có tội. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên mà một tổng thống Mỹ bị xử án ngay trong nhiệm kỳ đầu. Một biến cố lịch sử đặc biệt quan trọng đồng thời cũng là một trò hề vì công lý hoàn toàn vắng mặt. Các thẩm phán, chính xác là các thượng nghị sĩ đảm nhiệm vai trò bồi thẩm, không xét xử theo luật pháp và lương tâm mà theo thẻ đảng. Ai cũng biết Donald Trump có tội nhưng ai cũng biết trước là ông sẽ được trắng án vì Đảng Cộng Hòa có đa số trong Thượng Viện.

Tóm lược : Donald Trump bị truy tố vì lạm dụng chức vụ tổng thống cho lợi ích cá nhân, khi buộc tổng thống Zelensky của Ukraine phải bôi bẩn cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, nếu muốn có hỏa tiễn chống xe tăng Javelin và được tháo khoán số tiền viện trợ 391 triệu USD mà Ukraine đang rất cần để đương đầu với cuộc xâm lăng từ Nga. Đây là một tội nghiêm trọng mà chính các cộng sự viên của Trump đã xác nhận. Môt tội khác của Trump là đã cản trở mọi cuộc điều tra của quốc hội về những hành động của ông, điều mà quốc hội có quyền và ông không được chống lại. Donald Trump không cung cấp tài liệu nào mà còn cấm các cộng sự viên hợp tác với quốc hội. Đây cũng là một vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng. Dầu vậy Donald Trump có bị coi là có tội và bị truất phế hay không là do Thượng Viện Hoa Kỳ biểu quyết với đa số 66/100 và chắc chắn ông sẽ được biểu quyết Not Guilty, nghĩa là vô tội. Không những thế số phiếu bênh vực Donald Trump có thể còn lớn hơn số phiếu buộc tội ông bởi vì Đảng Cộng Hòa đang có đa số 53/47 tại Thượng Viện và các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đều đã cho biết trước là họ sẽ ủng hộ Trump. Như vậy Donald Trump không những sẽ không bị truất phế mà còn được một cơ hội để khoe khoang chiến thắng, điều mà ông đã bắt đầu làm.

Sự nhảm nhí ở đây là "thể thức dân chủ". Có tội hay không có tội là tùy ở một biểu quyết phe phái chứ không phải vì đã thực sự làm đúng hay sai.

Luật pháp, lẽ phải và danh dự

Các thượng nghị sĩ Cộng Hòa có đáng bị lên án vì đã biểu quyết trái với sự thực và lẽ phải không ? Chắc chắn là có bởi vì họ thừa biết là Trump có tội. Điển hình là trường hợp của thượng nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch ủy ban pháp lý Thượng Viện. Ông này tuyên bố một cách lúng túng rằng "theo tổng thống Trump thì ông ấy không có tội". Lindsey Graham cũng chính là người từng hùng hồn buộc tội và đòi truất phế Bill Clinton cách đây 20 năm vì tội trai gái trong Nhà Trắng, một tội tuy đáng khinh và lên án nhưng vẫn nhẹ hơn nhiều so với Donald Trump. Tuy vậy các thượng nghị sĩ dân chủ cũng không đủ tư cách để lên án và khinh thường các đồng viện Cộng Hòa vì họ cũng đã biểu quyết bênh vực Bill Clinton.

Tại sao Donald Trump lại từ chối cung cấp các tài liệu mà Hạ Viện đòi hỏi và không những thế còn cấm các cộng sự viên điều trần trước Hạ Viện ? Chắc chắn là vì sự thực không có lợi cho ông, nhưng tại sao Trump có thể ngang ngược như vậy dù Hạ Viện theo luật pháp và hiến pháp có quyền đòi hỏi các tài liệu và triệu tập các nhân chứng ? Lý do là vì luật pháp Mỹ tuy quy định các quyền của Quốc hội nhưng lại không quy định các biện pháp trừng phạt nếu tổng thống không tôn trọng những quyền này. Luật pháp của Mỹ, và của các nước Anglo - Saxon nói chung, là luật pháp thực nghiệm không rõ ràng như luật pháp thành văn ; nó dựa trên giả thuyết là những người lãnh đạo nói chung –chưa nói tổng thống- đều là những người lương thiện và có danh dự tối thiểu và các thẩm phán đều xét xử theo luật pháp và lương tâm. Nhưng Donald Trump không lương thiện và các thượng nghị sĩ Mỹ đóng vai trò thẩm phán trong trường hợp này cũng không xét xử theo luật pháp và lương tâm mà theo thẻ đảng. Họ thừa biết Trump có tội nhưng họ vẫn biểu quyết Trump vô tội.

Hạ Viện có thể làm gì được Trump ? Cùng lắm là kiện lên Pháp Viện Tối Cao nhưng chính Pháp Viện Tối Cao ngày nay cũng đã xuống cấp. Có mọi triển vọng nó cũng sẽ biểu quyết theo phe phái và phe hữu khuynh ủng hộ Trump đang chiếm đa số. Hơn nữa thủ tục này đòi hỏi nhiều thời giờ trong khi cuộc bầu cử tổng thống đã gần kề. Bế tắc.
Câu hỏi quan trọng nhất và giải thích sự bế tắc này là tại sao các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa lại phải ủng hộ Donald Trump đến độ bất chấp luật pháp, lẽ phải và danh dự như vậy ? Đó là vì Trump đã tranh thủ được một số cử tri nòng cốt -khoảng 20% cử tri Mỹ- ủng hộ ông một cách cuồng nhiệt và phần lớn sẽ tẩy chay các ứng cử viên bị coi là chống Trump. Chống Trump tương đương với chấp nhận thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới và các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa trước hết nghĩ đến cái ghế của họ, không khác các đối thủ Dân Chủ của họ. Đạo đức không còn trong chính trị Mỹ.

Tại sao Donald Trump ?

Trump đã làm gì để có được khối cử tri không điều kiện này ? Câu trả lời khó tưởng tượng nhưng đúng lả ông ta đã nói bậy và làm bậy một cách thẳng thừng và vì thế đã thu hút được cả một khối đông đảo người Mỹ đang cuồng nộ vì cảm thấy bị bỏ rơi và khinh thường. Không một nước nào đã thay đổi về tâm lý và cấu trúc nhân xã (social fabric) bằng Hoa Kỳ trong 40 năm qua với cuộc cách mạng vi tính và tự động, nhất là sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) chiếm vị thế độc tôn.

Phong trào toàn cầu hóa và sự chuyển dịch công nghiệp sản xuất sang các nước đang phát triển đã gạt một số đông người ra ngoài lề xã hội. Không phải vì họ lâm vào cảnh thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ rất thấp, chưa tới mức 5% được coi là lành mạnh trong một nước bình thường. Họ có thể tìm được việc làm một cách tương đối dễ dàng nhưng công việc không bền vững và không được đánh giá cao, tạo cho họ mặc cảm là những người thua kém và không cần thiết.

Sự ngạo mạn không kềm chế của chủ nghĩa phóng khoáng cũng đã đồng hóa chính trị với tài chính, biến đồng tiền thành giá trị cao nhất, khuyến khích sự tranh giành triệt để và chia rẽ xã hội thành hai loại người, một bên thành công hãnh tiến và một bên thất bại lầm lũi. Trong vòng 40 năm tài sản của nhóm 1% những người giầu nhất đã gia tăng 21.000 tỷ USD trong khi tài sản của khối 50% những người ở "nửa dưới" đã giảm 900 tỷ USD và chênh lệch giầu nghèo vẫn tiếp tục tăng lên. Những người thất bại lầm lũi đó, phần lớn là những người được gọi là "da trắng ít học" (non college whites), chiếm thành phần chủ yếu những người ủng hộ Trump. Họ cảm thấy mất nước ngay trên quê hương mà ông cha họ đã tạo dựng ra. Tôn giáo của họ cũng dần dần biến thành niềm tin lạc hậu của một thiểu số, các giáo đường ngày xưa chật ních bây giờ vắng dần. Và họ cũng không thể tranh cãi để thuyết phục được ai vì không có kiến thức và cũng không có tiền trong một xã hội mà tiền đồng nghĩa với lý. Trump đã là cứu tinh của họ.

Đúng là Trump đã nói bậy và làm bậy.

Ông ta phát ngôn bừa bãi, bất chấp sự kiện và lý luận, nói dối hoặc nói sai sự thực hơn 15.000 lần trong ba năm, chửi các đối thủ chính trị bằng ngôn ngữ hạ cấp thay vì tranh luận, nói người Kurd, đồng minh Mỹ, là khủng bố hơn cả ISIS, gọi các nước nghèo ở Nam Mỹ là các hố phân v.v. Trong các phát biểu Trump chỉ khẳng định bằng những tính từ dao to búa lớn, như tuyệt vời (wonderful), vĩ đại (tremendous), ngoại hạng (exceptional), chưa từng có (unprecedented, never before) v.v. chứ không trình bày và phân tích. Đây là một đặc tính của những người thiếu văn hóa. Mỗi tính từ đều là một kết luận và những người thiếu văn hóa đi tới kết luận bằng cảm xúc chứ không qua suy nghĩ và lý luận nên họ không thể trình bày. Có lẽ chính vì thế mà Trump được những người da trắng ít học nhiệt tình ủng hộ. Ông giống họ và cùng trình độ với họ ; sự kiện ông đắc cử tổng thống khiến họ lấy lại được tự tin và giải tỏa cho họ mặc cảm thua kém. Trump cũng có khiếu mỵ dân khi lấy những thái độ như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính mà trong thâm tâm một người sống trác táng như ông chắc là không quan tâm. Sau cùng lý do quan trọng nhất khiến Trump tranh thủ được thành phần da trắng ít học là ngôn ngữ kỳ thị đối với những người di dân da mầu, nó gián tiếp bày tỏ niềm tin rằng người da trắng là một chủng loại tinh anh, lý do tự hào duy nhất còn lại của họ.

Không thể kể hết những thiệt hại Trump gây ra cho nước Mỹ và thế giới vì làm bậy. Ông đã làm tê liệt liên minh các nước dân chủ vào giữa lúc phải đương đầu với mối nguy Trung Quốc, một nước lớn đang mạnh lên và công khai phơi bày giấc mộng làm bá chủ thế giới nhưng vẫn ngoan cố duy trì chủ nghĩa toàn trị và trắng trợn chà đạp nhân quyền. Trump đã khiến gần hết khối Hồi giáo Trung Đông trở thành thù địch với nước Mỹ, nhất là Iraq mà Mỹ đã tốn rất nhiều tiền của và sinh mệnh để tranh thủ làm một đồng minh.

Nước Mỹ chưa bao giờ bị cô lập như bây giờ, ngay cả với những đồng minh truyền thống và cũng chưa bao giờ chia rẽ nội bộ thành hai phe thù ghét nhau như bây giờ, gần như một tình trạng nội chiến. Mỹ yếu đi đến nỗi không giải quyết nổi số phận của chế độ Muduro đã hoàn toàn phá sản tại Venezuela. Từ chỗ là biểu tượng đẹp của thế giới dân chủ hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới hiện nay còn xấu hơn cả Trung Quốc. Nhưng cũng chính vì thế mà Trump được lòng thành phần hữu khuynh tự coi là bị hắt hủi. Mỹ bị cô lập càng tốt vì đó chính là điều họ muốn, Mỹ yếu đi cũng không sao vì không còn là đất nước của họ nữa, họ muốn một nước Mỹ của riêng họ.

Căn bệnh mang tên "chủ nghĩa thực tiễn"

Tuy vậy Donald Trump chỉ là triệu chứng chứ không phải là căn bệnh. Nước Mỹ đã bệnh hoạn từ lâu rồi. Từ gần 30 năm qua, chính xác là từ năm 1992, Mỹ đã chỉ có những tổng thống tồi dở, khai thác và lợi dụng dân trí thấp thay vì cố gắng nâng cao.

Bill Clinton, một thanh niên bệ rạc trốn lính, với chủ trương chỉ làm kinh tế (economy, stupid) đã bỏ các biện pháp trừng phạt Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn, mở thị trường Mỹ và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc mạnh lên chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba đang tàn phá các chế độ cộng sản. Bill Clinton sau cùng góp phần quyết định gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2001 và 2008, một kỷ lục đối với một người chủ trương chỉ làm kinh tế. George W. Bush tuy lương thiện nhưng là một con số không về chính trị, chỉ được bầu nhờ uy tín của cha. Barack Obama đã là một đại họa. Quyết định rút quân hấp tấp khỏi Iraq của ông (vào lúc mà tình hình đã ổn định và Mỹ đã thắng dù sau khi phải trả giá rất đắt) đã khai sinh ra lực lương ISIS khiến vùng Trung Đông chìm trong khói lửa, làm hơn 400.000 người chết và hơn ba triệu người phải di tản. Obama nhát như thỏ, không dám tấn công chế độ Bachar al Assad như đã cam kết khi chế độ này dùng vũ khi hóa học để tàn sát dân chúng nổi dậy, cũng không dám can thiệp khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Scarborough của Philippines dù Philippines và Mỹ có liên minh quân sự, vì vậy mà sau đó Philippines sáp lại với Trung Quốc.

Trong gần 30 năm qua người Mỹ đã được chọn lựa tổng thống giữa một người giỏi và một người dở -giữa Bush Cha và Clinton, giữa Al Gore và Bush Con, giữa McCain và Obama- và họ luôn luôn chọn người dở. Sau cùng chính trị Mỹ đã xuống cấp đến nỗi họ chỉ còn chọn lựa giữa hai người tồi dở Hillary Clinton và Donald Trump.

Trump xét cho cùng đã chỉ phơi bày một cách rõ nét những tật nguyền có sẵn của nước Mỹ.

Trước hết người Mỹ, ngay cả các chính trị gia Mỹ, rất ít quan tâm đến thế giới. Guồng máy nhà nước, đặc biệt là cơ quan trung ương tình báo CIA, có nhiều chuyên viên giỏi nhưng các chính trị gia, những người lấy quyết định, lại hiểu biết rất ít về thế giới. Đó là một mâu thuẫn đặc biệt của nước Mỹ : một bộ máy nhà nước mạnh và tốt điều khiển bởi các cấp lãnh đạo tồi dở. Và vì địa lý, nhất là địa lý nhân văn, là cốt lõi của chính trị nên kiến thức chính trị của họ cũng rất sơ sài. Geoge W. Bush lúc ra ứng cử tổng thống không biết tổng thống Pakistan là ai dù tình hình Pakistan lúc đó đang rất sôi động và Pakistan là một đồng minh chiến lược của Mỹ. Quá phân nửa thượng nghị sĩ Mỹ không có hộ chiếu vì không bao giờ ra nước ngoài. Sự yếu kém về văn hóa chính trị này khiến nước Mỹ đã phạm những sai lầm rất lớn. Phần trên bài này đã đưa một số thí dụ. Một thí dụ khác là cho tới bây giờ Mỹ chỉ coi các nước Châu Mỹ La Tinh như là một sân sau để cho các công ty Mỹ mặc tình khai thác.

Sự thiếu hiểu biết về thế giới và chính trị nói chung của người Mỹ và các cấp lãnh đạo chính trị có một nguyên nhân : người Mỹ rất thực tiễn. Đây là một điểm tế nhị cần được nhìn một cách điềm tĩnh. Người Mỹ đáng quý ở chỗ họ thực thà, thông minh và cần mẫn nhưng họ quá thực tiễn. Họ quan tâm trước hết tới những gì có lợi, nghĩa là có tiền, ngay tức khắc trong khi địa lý cũng như tư tưởng chính trị không đem lại lợi nhuận nhanh chóng. Thực tiễn là một tính tốt và có lợi nhưng nếu đẩy xa quá thì dễ đồng nghĩa với ích kỷ và thiển cận, và thực tế là chủ nghĩa thực tiễn của người Mỹ đã được đẩy đi hơi xa, nếu không muốn nói là quá xa. Phối hợp với sự thiếu hiểu biết về thế giới nó trở thành một mối nguy cho thế giới và chính nước Mỹ.

Năm 1945 chính quyền Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử xuống Nhật, mở đầu một kỷ nguyên vũ khí nguyên tử trong đó loài người có thể bị tiêu diệt, chỉ để chấm dứt sớm hơn một cuộc chiến mà kết quả đã hoàn toàn chắc chắn. Cho đến nay chưa thấy chính trị gia Mỹ nào tỏ ý hối tiếc quyết định "thực tiễn" kinh khủng này. Riêng tổng thống Harry Truman thì đến lúc chết vẫn tin rằng mình hoàn toàn đúng. Trước đó tại Yalta, nếu Franklin Roosevelt cứng rắn hơn trước một nước Nga đã kiệt lực vì chiến tranh thì Đông Âu, hay ít nhất Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước Baltic, đã không bị nộp cho Stalin, phong trào cộng sản đã không bùng lên mạnh mẽ và có lẽ Trung Quốc cũng không bị cộng sản hóa. Cũng chỉ đã có các chính trị gia Châu Âu phiền lòng vì nhượng bộ không cần thiết này.

Năm 1973 Mỹ ký hiệp định Paris và quyết định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa dù chế độ cộng sản Hà Nội đã kiệt quệ. Cựu ngoại trưởng John Kerry không phải là người duy nhất nói rằng tuy vào năm 1973 tình hình Việt Nam đã thuận lợi nhưng vào lúc đó người Mỹ đã lấy quyết định rồi. Cũng tương tự như Obama đã làm tại Iraq sau này. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa không chỉ là một thảm kịch cho miền Nam Việt Nam mà còn kéo theo hàng loạt các nước Lào, Campuchia, Angola, Afghanistan, Nicaragua vào quỹ đạo cộng sản và làm cả thế giới dân chủ chao đảo và hoảng hốt. Cũng vì chủ nghĩa thực tiễn mà Bill Clinton đã giúp Trung Quốc mạnh lên và chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba.

Chủ nghĩa thực tiễn trên quy mô quốc gia là một thảm kịch cho thế giới và nó cũng khiến chính trị Mỹ trở thành tồi tệ. Người dân, ngoài những tiêu chuẩn hời hợt như trẻ đẹp và duyên dáng, chỉ bầu tổng thống theo tình hình kinh tế trước mắt, nhiều khi chỉ là một tình trạng tạm thời của chu kỳ kinh tế không liên quan đến hành động của tổng thống ; một người như Bill Clinton cũng có thể đánh bại được một tổng thống tài ba như Bush Cha vì tình hình kinh tế đang khó khăn. Các nghị sĩ và dân biểu, Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, cũng vì chủ nghĩa thực tiễn mà nghĩ tới cái ghế của mình trước hết và chạy theo thay vì hướng dẫn dư luận. Họ kiếm phiếu thay vì chống lại cái sai và phục vụ cái đúng cho nước Mỹ.

Chủ nghĩa thực tiễn về bản chất không có gì là sâu sắc. Nó chỉ là một cách hành động giản dị và ngắn hạn, nhưng ngày nay các vấn đề của thế giới và mọi quốc gia đã trở thành phức tạp, sự giản dị không chấp nhận được nữa. Một thí dụ là chính trường hợp Donald Trump. Ông Trump huênh hoang là đã thành công vì đã làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn gần 3% mỗi năm trong ba năm liền (2,5% năm 2017, 2,9% năm 2018, 2,3% năm 2019) và nhiều người tin ông. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực không giản dị như vậy. Theo chính những số liệu này thì trong ba năm kinh tế Mỹ đã tăng trưởng gần 8%. Với một GDP sấp sỉ 20.000 tỷ USD điều này có nghĩa là nước Mỹ đã giầu thêm thêm 1.600 tỷ USD. Trong cùng ba năm đó khối nợ công đã tăng lên gần 3.000 tỷ USD, như vậy thực ra kinh tế Mỹ đã sút giảm chứ không tăng trưởng. Điều khác biệt là khối tăng trưởng 1.600 tỷ USD có tác dụng ngay tức khắc trong khi khối nợ thêm 3.000 tỷ USD là một gánh nặng cho mai sau.

Cho tới nay nước Mỹ vẫn vững vàng sau những sai lầm lớn vì quá giầu mạnh, tương tự như một võ sĩ dở nhưng quá khỏe nên vẫn chịu được đòn và sau cùng vẫn thắng. Thế giới chứ không phải Mỹ gánh chịu hậu quả. Nhưng thế giới đã thay đổi. Sau Thế Chiến II GDP của Mỹ bằng 52% GDP thế giới, ngày nay tỷ lệ này chỉ còn là 25%, trọng lượng kinh tế của Mỹ liên tục giảm, sẽ chỉ còn là 16% kinh tế thế giới vào năm 2030 theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Mỹ vẫn còn mạnh nhất nhưng không còn mạnh đến độ muốn làm gì cũng không sao.

Liệu Mỹ có thể thích nghi với tình huống mới này không ? Câu trả lời là không nếu chính trị Mỹ vẫn như hiện nay. Mỹ chỉ đứng vững nhờ giầu mạnh nhất thế giới chứ không phải là một dân tộc gắn bó, trái lại nó chia rẽ một cách đáng sợ. Trong 50 bang chỉ có sáu (6) bang được gọi là các Swing States nghĩa là các bang có thể bầu theo chương trình và nhân cách của các ứng cử viên, các bang khác hoặc chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa hoặc chỉ bầu cho đảng Dân Chủ bất kể chương trình nào và ứng cử viên nào. Sự chia rẽ này tự nó đã rất bệnh hoạn lại đột ngột gia tăng mức độ hung hăng kể từ khi Trump lên cầm quyền và công khai mạt sát đảng Dân Chủ. Thêm vào đó là sự chênh lệch giầu nghèo ngày càng thách đố và Mỹ lại là nước cho mua bán súng tự do. Tương lai có thể rất nguy hiểm.

Một truyện thuyết mới, nhưng bằng cách nào ?
Xét cho cùng thì việc Donald Trump đắc cử thay vì Hillary Clinton đỡ hại hơn. Ít ra Trump cũng đã là một cảnh báo để nước Mỹ trấn tĩnh lại. Với Hillary Clinton chính trị Mỹ sẽ tiếp tục chìm sâu thêm trong sự giả dối và tầm thường cho đến khi không còn chữa chạy được nữa.

Nhưng chữa chạy như thế nào ?

Hầu như tất cả các nhà tư tưởng có uy tín của Mỹ đều đồng ý trên một điểm : phải thức tỉnh dân Mỹ và khôi phục lại các giá trị đạo đức mà những Người Cha Lập Quốc (Founding Fathers) đã lấy làm nền tảng dựng nước, đồng thời phải dành cho Bình Đẳng một chỗ đứng ngang hàng với Tự Do. Nước Mỹ (cũng như mọi quốc gia trên thế giới nhưng khẩn cấp hơn) đang rất cần một truyện thuyết mới trong đó quốc gia không chỉ được nhìn một cách giản đơn như một thị trường hay một đấu trường mà như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.

Và bằng cách nào ?

Họ cũng đều đồng ý rằng phải phát động một cuộc thảo luận mạnh mẽ về truyện thuyết mới này tại khắp nơi. Họ đã bắt đầu từ vài năm nay rồi và đã nhân lên cố gắng sau thắng lợi của Donald Trump, trong các trường đại học, các viện nghiên cứu và các câu lạc bộ trí thức, cũng như trên các mạng xã hội.

Cho đến nay kết quả của những cố gắng tuy còn khiêm tốn nhưng đã có hiệu quả ngày càng lớn. Các bài thuyết trình rất có giá trị của các nhà tư tưởng đầy uy tín được đưa lên YouTube sau vài năm chỉ được vài chục ngàn lượt coi so với vài triệu, thậm chí vài chục triệu, lượt coi của các bản nhạc và các trận bóng đá trong cùng thời gian. Tuy vậy mức độ quan tâm đang gia tăng nhanh chóng. Patrick Deneen, giáo sư Đại học Notre Dame và một trong những nhà tư tưởng chính trị có uy tín nhất tại Mỹ, mới đây được mời thuyết trình tại Đại học Chicago nhân dịp ra mất cuốn sách Why Liberalism failed (Tại sao chủ nghĩa phóng khoáng đã thất bại) của ông. Gần 200 người đã tham dự. Deneen hài lòng và nhắc lại rằng trước đây khi ông tới phòng họp này để giới thiệu cuốn The odyssey of political theoy (Cuộc phiêu lưu tư tưởng chính trị) chỉ có sáu (6) người tham dự. Kết quả còn khiêm tốn nhưng khích lệ.

Những cố gắng này cũng đã bắt đầu giúp các trí thức chính trị Mỹ nhân diện ra một nguyên nhân quan trọng khác của sự băng hoại của nền chính trị Mỹ : chế độ tổng thống. Chế độ này trút dần nội dung, sau cùng vô hiệu hóa và làm tan nát các chính đảng. Nước Mỹ thực ra không còn chính đảng đúng nghĩa. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thực ra chỉ là hai chợ trời chính trị. Chính vì thế mà đã có những hiện tượng như Bill Clinton và Donald Trump. Các chính đảng đúng nghĩa cần cho một sinh hoạt chính trị lành mạnh bởi vì chúng chính là những môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến chính trị, đồng thời cũng là những lò đào tạo ra nhân sự chính trị cần có. Quan trọng hơn chúng là những cỗ xe chuyên chở tư tưởng và kiến thức chính trị tới quần chúng, vai trò mà các nhà tư tưởng, các trường đại học và các câu lạc bộ không thể đảm nhiệm. Sẽ không có lối thoát cho nước Mỹ nếu chế độ tổng thống vẫn được duy trì nguyên vẹn.

Nước Mỹ không thiếu những người ưu tú để nhận ra những gì cần làm và với tiềm năng bao la nó chỉ có thể khá hơn sau cú sốc Donald Trump để đương đầu với những thử thách mới.

Nguyễn Gia Kiểng
(02/02/2020





No comments: