Thursday, February 6, 2020

NGƯỜI THẮNG KẺ THUA SAU CUỘC CHIẾN LUẬN TỘI TT DONALD TRUMP (VOV.VN)




NỘI DUNG :

VOV.VN
.
Dân Trí
.
==========================================

VOV.VN
Thứ 6, 06:29, 07/02/2020

Tổng thống Donald Trump là người chiến thắng rõ ràng nhất sau tuyên bố vô tội của Thượng viện trong cuộc chiến luận tội, nhưng câu hỏi là với giá nào?

*
Tổng thống Trump ngày 5/2 (giờ Mỹ) được Thượng viện tuyên vô tội trong phiên xét xử luận tội và ông thậm chí càng “đắc ý” khi Thượng viện từ chối triệu tập bất cứ nhân chứng nào theo yêu cầu của đảng Dân chủ và áp đảo sự ủng hộ trong quan điểm của dư luận.

Thượng viện tuyên vô tội cho Tổng thống Trump với cả 2 điều khoản luận tội. Ảnh: Top10News

Đó là một chiến thắng hơi lạ lùng đối với ông Trump, bởi tỷ lệ ủng hộ ở thời điểm hiện nay trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông là thấp hơn so với những người tiền nhiệm Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush, hay Jimmy Carter ở bất cứ thời điểm nào trong nhiệm kỳ của họ. Đây là trường hợp xảy ra ngay cả khi nền kinh tế mạnh mẽ, và đất nước dù không hoàn toàn là hòa bình, nhưng cũng không hứng chịu những thương vong hay mối đe dọa lớn từ nước ngoài.

Đối mặt với tình huống tương tự năm 1998-1999, Tổng thống Bill Clinton đã đảm bảo được không chỉ tuyên bố vô tội, mà còn cả chiến thắng chính trị trước các đối thủ của mình. Tổng thống Trump thì ngược lại, có tỷ lệ ủng hộ dưới mức trung bình và con đường tới con đường tái tranh cử được xây dựng trên những chiến lược của một đội ngũ hơn là sự ủng hộ.

Tuy nhiên, trong khi vị thế của ông Trump vẫn còn mơ hồ, thì cuộc luận tội và tuyên bố tha tội cũng cho thấy còn có những “người thắng - kẻ thua” khác.

Chiến thắng cho Nancy Pelosi và đảng Dân chủ ở Hạ viện

Để hiểu về kịch bản luận tội, cần phải hiểu nó từ khía cạnh của những người ra quyết định chủ chốt – Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những Hạ nghị sỹ Dân chủ hàng đầu khác.

Theo quan điểm của bà, như mùa thu năm ngoái, luận tội là một vấn đề chứ không phải là một cơ hội. Báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller có bao gồm cả những bằng chứng rõ ràng về cản trở công lý, nhưng lại bị đặt câu hỏi liệu đó có phải là những gì ông đã kết luận hay không.

Điều này khiến các nghị sỹ “ngồi ghế an toàn” của đảng Dân chủ tại Hạ viện thúc đẩy việc luận tội, thậm chí cả khi các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của dư luận đối với luận tội là dưới mức trung bình.

Rất nhiều học giả ủng hộ luận tội ở thời điểm đó nói rằng nếu đảng Dân chủ đoàn kết trong trường hợp này, họ có thể đảo chiều dư luận về phía mình. Bà Pelosi lúc đầu rõ ràng là không làm được điều đó. Nhưng sau đó khi câu chuyện Ukraine bùng nổ, một nhóm các thành viên tuyến đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện công khai kêu gọi luận tội mạnh mẽ hơn. Lúc này tỷ lệ ủng hộ luận tội trong các cuộc thăm dò đã cải thiện hơn trước.

Dù vậy, các thành viên tuyến đầu - và bà Pelosi - lo ngại về thông điệp của đảng Cộng hòa rằng đảng Dân chủ đã bị “ám ảnh” về việc luận tội tới mức họ sẽ chẳng làm được điều gì.

Chiến lược mà Hạ viện áp dụng (luận tội Tổng thống Trump, và làm điều đó trên các cơ sở hẹp, và tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng hơn là kiện tụng một cách mở rộng về các bằng chứng) được xây dựng xung quanh các mối lo ngại chính trị đó.

Và nếu bạn đồng tình với những cơ sở của bà Pelosi thì chiến lược của bà đã có hiệu quả. Bà đi từ vị thế phải đối mặt với các sức ép cơ bản để làm một điều không mấy được ủng hộ tới vị thế mà bà và các đồng nghiệp Dân chủ làm những điều được ủng hộ và sau đó tiếp tục thúc đẩy nó, ngay cả khi các Thượng nghị sỹ Cộng hòa có nhiều lá phiếu chống lại việc triệu tập các nhân chứng.

Nhiều người không đồng tình với quan điểm của bà Pelosi về các vấn đề này, thậm chí với nhiều người, những nỗ lực luận tội giống như một sự thất bại. Nhưng bà đã đạt được mục tiêu mà bà đặt ra, xác định tầm vóc của bà như một nhà chiến thuật lão luyện.

Thất bại của quy tắc pháp luật

Các Thượng nghị sỹ Cộng hòa đã cho thấy rõ sự thờ ơ đối với câu hỏi ‘Tổng thống Trump đã làm gì’.

Họ lắng nghe lập luận của luật sư Alan Dershowitz (trong nhóm cố vấn pháp lý của Tổng thống Trump) rằng chẳng có gì là lạm dụng quyền lực nếu không vi phạm các quy chế cụ thể. Nhưng sau đó họ cũng không quan tâm về những kết luận của Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) nói rằng việc giữ lại khoản viện trợ Ukraine là bất hợp pháp.

Họ quyết định không muốn nghe từ các nhân chứng mà đảng Dân chủ đề nghị như John Bolton, Mick Mulvaney, hoặc bất cứ ai khác với các thông tin liên quan.

Nhiều người lo ngại rằng việc luận tội rốt cuộc sẽ chỉ dẫn tới việc tha tội và xói mòn thêm quy tắc pháp luật. Điều này cũng đã được đảng Dân chủ tính đến từ trước khi Hạ viện bắt đầu hành động. Mọi chuyện đều chưa thể chắc chắn cho tới khi nó diễn ra, và rốt cuộc những người lo ngại từ đầu đã hoàn toàn đúng.

Dù vậy, vẫn khó có thể thấy chiến thuật nào khác của đảng Dân chủ có thể đem lại kết quả tốt hơn. Bản chất của vấn đề là gần như mọi thành viên GOP đều đã quyết định đứng về phía Trump do dù có xảy ra điều gì.

Thất bại cho các Thượng nghị sỹ GOP ở “ghế nguy hiểm”

Cory Gardner đã chiến thắng sít sao trong cuộc đua Thượng viện ở bang dao động có khuynh hướng “xanh” (ủng hộ Dân chủ) Colorado năm 2014.

Đó là vấn đề nghiêm trọng với Gadner, bởi ông sẽ tái tranh cử năm 2020. Tuy nhiên, trong thời gian ở Thượng viện, ông không có động thái nào xây dựng danh tiếng về sự ôn hòa hay thể hiện sự độc lập với Tổng thống Trump. Cuộc chiến luận tội có thể là cơ hội để làm điều đó, nhưng Gardner một lần nữa muốn làm một chiến binh trung thành và tránh làm những điều rủi ro. Cách tiếp cận ít bảo thủ là điều có thể hiểu được, nhưng ông sẽ khó có thể tái đắc cử ở một bang có khuynh hướng xanh mà không vấp phải bất cứ rủi ro nào.

Martha McSally của bang Arizona và Susan Collins của bang Maine có lợi thế ở các khu vực cử tri bảo thủ hơn so với Gardner nhưng cũng vẫn rơi vào tình huống tương tự ông này.

Quyết định “trái đường” của Mitt Romney khi bỏ phiếu kết tội Trump lạm dụng quyền lực chỉ cho thấy rõ hơn rằng, một số thành viên GOP đang ở “ghế nguy hiểm” đã không thể hiện được sự dũng cảm hay độc lập. Tất nhiên, ông Romney có lý do để hành động như vậy. Ông có một “thương hiệu” chính trị cá nhân tách biệt với Trump và không phải đối mặt với cuộc bầu cử ở một bang không thân thiện với Trump cho tới năm 2024.

Nhìn chung, sự tương quan ngày càng gia tăng của bầu cử Thượng viện với chính trị quốc gia là khá hữu ích đối với GOP. Nhưng 3 thành viên đặc biệt kể trên này lại đang bất lợi vì điều đó, đặc biệt khi sự trung thành với đảng Cộng hòa buộc họ phải nhiều lần rơi vào tình thế phải làm những điều không nhận được sự ủng hộ của cử tri như phản đối triệu thêm nhân chứng.

Chiến thắng cho Hạ nghị sỹ Adam Schiff

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff là khách mời thường xuyên trên các kênh truyền thông trong một khoảng thời gian.

Vai trò kép của ông trước hết là thành viên hàng đầu Ủy ban điều tra và thứ hai là nhà quản lý luận tội hàng đầu đã tạo cho ông sự nổi tiếng rộng rãi hơn. Dù ông không thể thuyết phục được tất cả các Thượng nghị sỹ Cộng hòa triệu tập thêm nhân chứng, nhưng ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận. Trong các cuộc tranh luận hàng giờ đồng hồ, Schiff đã thể hiện rõ ràng ông không chỉ là thành viên hàng đầu nhóm luận tội mà còn là người hùng biện xuất sắc của đảng Dân chủ.

Sự thể hiện của Adam Schiff được những người quan sát đảng Dân chủ đánh giá cao và điều này rất có lợi cho tương lai chính trị của ông ở không gian chính trị đông đúc ở California. Không khó hình dung ra ông chạy đua vào ghế Thượng viện của bà Dianne Feinstein khi bà nghỉ hưu, hoặc ông có thể đóng vai trò hàng đầu trong ban lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện giai đoạn tới./.

Hoàng Phạm/VOV.VN

-----------------------------------
.
Dân Trí
Thứ Năm 06/02/2020 - 20:05

Nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Turning Point USA Charlie Kirk khẳng định Chủ tịch Hạ viện Mỹ có thể đã phạm luật khi xé bản sao Thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Trump.


"Bà Pelosi có thể đã vi phạm Tiêu mục 18 của Bộ luật Mỹ 2071, Điều 2017 (a) khi xé bản sao Thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Trump. Sự vi phạm này có thể bị phạt tù giam lên đến 3 năm"ông Kirk khẳng định.

Tuyên bố của ông Kirk nhận được sự chú ý trên mạng xã hội Twitter và được một số đảng viên Cộng hòa như Carl Higbie, Dan Bishop và thậm chí là Donald Trump Jr., con trai Tổng thống Trump, chia sẻ lại.

Trong một tuyên bố với trang PolitiFact, người phát ngôn của ông Kirk trích dẫn điều luật liên bang mà ông này đề cập cùng với bản tóm tắt của Bộ Tư pháp Mỹ.

"Mọi tài liệu xuất phát từ văn phòng Tổng thống đều là tài liệu chính phủ, theo quy định của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống 1978" – người này khẳng định.

Đạo luật cũng quy định mọi cá nhân có quyền giám sát tài liệu chính phủ không được phép che giấu, loại bỏ, cắt xén, làm sai lệch hoặc phá hủy nó "một cách cố ý và bất hợp pháp".

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao Thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật phản bác rằng tuyên bố của ông Kirk là không chính xác, là một sự áp dụng luật chưa đúng.

"Đó chỉ là bản sao Thông điệp liên bang, vì thế thật vô lý khi đề nghị truy tố bà Pelosi" - chuyên gia luật Heidi Kitrosser, từ Trường ĐH Minnesota (Mỹ), khẳng định.

Ông Douglas Cox, chuyên gia luật tại Trường ĐH Luật TP New York (Mỹ), khẳng định bản sao Thông điệp liên bang 2020 mà bà Pelosi được Tổng thống Trump phát không phải là tài liệu hay tài sản của chính phủ, mà là "tài sản cá nhân".

Theo quy định của Hạ viện, các thành viên quốc hội được khuyến khích lưu giữ hồ sơ hoặc trao tặng chúng cho một tổ chức nghiên cứu để nghiên cứu lịch sử, ông Cox nói. Không giống các ủy ban quốc hội, các thành iên không bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc lưu giữ hồ sơ văn phòng của họ.

"Họ có thể giữ riêng, có thể phá hủy hay xé chúng" – ông Cox khẳng định.

Theo Cao Lực
Người lao động




No comments: