Monday, February 3, 2020

nCoV-VN : NGƯỜI TỪ TQ VÀO MÓNG CÁI, GIỚI BUÔN DỪNG BÁN KHẨU TRANG GÂY BẤT BÌNH (VOA Tiếng Việt)




03/02/2020

Giữa lúc dịch coronavirus chủng mới (nCoV) đang lây sang nhiều người hơn ở Trung Quốc và Việt Nam, việc tỉnh Quảng Ninh cho nhập cảnh và cách ly hàng trăm người đến từ Trung Quốc ở Móng Cái đang gây ra sự bất bình trong dư luận Việt.

Nhiều người từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu Móng Cái, Quảnh Ninh, tháng 2/2020

Cùng lúc, nhiều người cũng lên án giới buôn dược phẩm ở Hà Nội khi họ dừng bán khẩu trang để phản ứng lại biện pháp xử phạt của chính quyền đối với hành vi nâng giá mặt hàng đang khan hiếm trong đợt dịch.

Theo các báo Việt Nam hôm 2/2, trong đó có Thanh Niên và Tuổi Tẻ, chính quyền thành phố Móng Cái cho nhập cảnh nhiều người đến từ Trung Quốc.

Tuổi Trẻ viết rằng “100% người Việt Nam” nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái “phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình cách ly ngay từ khu vực cửa khẩu” để quản lý và theo dõi, giám sát sức khỏe trong 14 ngày.

Trong khi đó, Thanh Niên cho biết tính đến chiều tối 2/2, Móng Cái đã thực hiện cách ly “105 người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam” tại các khách sạn trên địa bàn.

Các bản tin cho biết thêm chính quyền địa phương “vận động” các khách sạn bố trí nơi ăn, nghỉ “miễn phí” các đối tượng tạm trú trong thời gian cách ly.

Ngoài ra, tin cho hay, địa phương này “đã hoàn thành việc xây dựng bệnh viện dã chiến” với quy mô 500 giường.

Trước tin tức này, công luận Việt Nam trong đó có một số nhà hoạt động như các ông Nguyễn Quang A, Vũ Quốc Ngữ, Lê Dũng Vova lên tiếng chỉ trích động thái hiện thời của nhà chức trách, cho rằng cách làm như vậy là không chuyên nghiệp.

Facebooker có lượng người theo dõi đông đảo Lê Dũng Vova nhận định với VOA rằng “nhiều khả năng” là chính quyền “ép” các khách sạn phải tiếp nhận những người nhập cảnh. Ông nói việc sử dụng khách sạn để cách ly là không phù hợp.

Ngoài ra, theo ông, “bệnh viện dã chiến” mà chính quyền và báo chí đề cập đến thực ra là các lều bạt “như để làm đám cưới hoặc lễ hội”. Ông tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp này:

“Để làm một khu cách ly đảm bảo đủ các yêu cầu để toàn bộ du khách ra một khu riêng có hạ tầng đầy đủ thì Việt Nam hiện chưa làm được. Cho nên thông tin trên báo chí thì chúng tôi rất lo ngại vì không có kênh nào giám sát độc lập, chỉ nghe địa phương báo lại, và chúng ta không có điều kiện để xác minh được”.

Với 21 năm kinh nghiệm làm nhà thầu xây dựng và từng là tư vấn quản lý cho hãng Delta, Mỹ, ông Dũng đưa ra ý kiến rằng cách ly đúng nghĩa phải là một khu vực riêng, biệt lập, có đầy đủ trang thiết bị chuyên môn.

Vì vậy, theo ông Dũng, sử dụng các cơ sở lưu trú thông thường sẽ không có tác dụng ngăn chặn bệnh dịch, chưa kể còn gây ra gánh nặng chi phí và có nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên ở các khác sạn đó và cộng đồng nói chung. Ông nói:

“Những chủ tư nhân đó họ sẽ phải chịu những thiệt hại trước hết là về sự an toàn con người của họ, chủ và nhân viên các khách sạn đó và gia đình họ. Thứ hai là tiền bạc, công sức để sau này phải xử lý, tẩy dịch rồi rất nhiều thứ nữa. Còn hệ lụy sau này khách khác ở những vùng khác, khách quốc tế đến đó cũng sợ, chưa chắc đã đến các khách sạn đó. Những thiệt hại đó rất nhiều”.

Cùng với nhiều người, Facebooker Lê Dũng Vova nhắc lại lời yêu cầu nhà nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Ông viết trên trang cá nhân rằng nếu Việt Nam tiếp tục mở cửa khẩu để dịch lây lan rộng, tất yếu các nước “sẽ lo sợ và cô lập Việt Nam”.

Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ chịu “thiệt hại kinh tế khôn lường”, ông viết, đồng thời đưa ra tiên liệu là “Nếu mở cửa khẩu 1 tuần nữa thì thôi, hết thuốc chữa và khỏi cần nói gì thêm nữa!”

Theo quan sát của VOA, trong thông báo mới nhất của chính phủ Việt Nam qua trang Facebook chính thức vào tối 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rằng các cơ quan liên quan phải cách ly tất cả những người nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.

Chỉ thị nhấn mạnh là các trường hợp nghi nhiễm nCoV sẽ “lập tức” bị cách ly “tuyệt đối” tại các cơ sở y tế. Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, họ “phải được coi như trường hợp mắc bệnh” và tiến hành khoanh vùng cách ly ngay, chỉ thị viết.

Việt Nam cũng đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng tất cả các hoạt động tập thể, tập trung đông người, các lễ hội, theo trang Thông tin Chính phủ.

Các nhà thuốc ở khu Hapulico, Hà Nội, ngừng bán khẩu trang hôm 3/2/2020

Giữa lúc dịch bệnh gây lo lắng trong xã hội, giới buôn dược phẩm tập trung ở khu chung cư Hapulico, Hà Nội, được xem là chợ thuốc lớn nhất miền bắc Việt Nam, mới đây đồng loạt ngừng bán khẩu trang, sau khi bị nhà chức trách xử phạt vì tăng giá bán khẩu trang gấp nhiều lần.

Hành động kể trên của giới buôn làm bùng lên những lời lên án kịch liệt từ nhiều người, coi đó là sự “lợi dụng khủng hoảng để trục lợi”, “vô đạo đức”, “vô lương tâm”.

Theo mô tả của báo chí trong nước, sự việc bắt đầu từ ngày 31/1, khi hàng trăm người phải chen lấn, tranh nhau mua khẩu trang, được xem là “đã bị tiểu thương đẩy giá lên rất cao so với thông thường”. Tiếp đến, nhà chức trách xử phạt 5 quầy thuốc vì tăng giá khẩu trang “lên cao gấp hàng chục lần”. Sang ngày 3/2, nhiều quầy thuốc đồng loạt treo biển hiệu với nội dung “không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi".

Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, doanh nhân Việt kiều Trần Quốc Quân, nhà báo tự do Lê Dũng Vova, nhà báo chính thống Mạnh Quân… bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân rằng hành vi của giới buôn tại chợ thuốc Hapulico “không chỉ sai về lí mà cả về tình”.

Ông Trần Quốc Quân, sinh sống ở Ba Lan, viết thêm rằng ở các nước dân chủ, có nền kinh tế thị trường đầy đủ - chứ không phải định hướng Xã hội chủ nghĩa - có luật rất nghiêm khắc chống độc quyền và đầu cơ.

Nhà báo kinh tế Mạnh Quân thuộc báo mạng Dân Trí khẳng định trong một bài viết trên trang cá nhân là các nhà thuốc đã sai. “Nếu đầu cơ vào những thời điểm thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh... thì nó rất nguy hiểm vì nó làm đảo lộn nền kinh tế, gây thiếu hụt giả tạo... và khiến hàng hóa đắt đỏ một cách không thể chịu đựng được”, ông phân tích.

Góp tiếng nói về vấn đề này, ông Lê Dũng Vova nhấn mạnh với VOA rằng khi người dân đang cần khẩu trang nói riêng và thuốc nói chung để chống dịch mà các nhà thuốc “gom hàng để trong kho, báo là hết rồi”, đó là sự phạm tội cả theo luật hành chính lẫn “luật lương tâm và đạo đức”.

“Kinh doanh không có đạo đức thì dẹp tiệm chỉ là sớm hay muộn”, ông nói.

Mặc dù vậy, cũng có một số tiếng nói cho rằng diễn biến của coronavirus ở Việt Nam chưa đến mức là một cuộc khủng hoảng, vì vậy, cách can thiệp của nhà chức trách vào chợ thuốc Hapulico là “phản nguyên tắc thị trường”. Nhưng những ý kiến dạng này chiếm thiểu số ít ỏi.

---------------------------

LIÊN QUAN
.
.
.
.
.
.






No comments: