Friday, February 14, 2020

KHỦNG HOÀNG VIRUS CORONA CÓ THÁCH THỨC SỰ TỒN VONG CỦA CHẾ ĐỘ BẮC KINH? (RFI)




NỘI DUNG :

Trọng Thành  -  RFI
.
Thùy Dương  -  RFI
.
Tú Anh  -  RFI
.
Thùy Dương  -  RFI
.
===================================================
.
Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 14/02/2020 - 11:40

Theo báo cáo mới vào hôm nay 14/02/2020 của chính phủ Trung Quốc, có tổng cộng 6 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã chết vì Covid-19. Thông báo được chính quyền đưa ra một tuần sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh và bị cảnh sát bắt vì tội « loan truyền thông tin sai lệch ». Bác sĩ Lý sau đó đã được phục hồi danh dự.

Cũng theo số liệu chính thức, tính đến 24h ngày 11/02, có 1.716 nhân viên y tế được xác định nhiễm virus.

Còn theo báo cáo chính thức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, từ hôm qua đến hôm nay, số ca mới bị xác định nhiễm virus là 5.090, và có thêm 121 người chết vì virus corona mới, nâng tổng số tử vong vì virus lên thành 1.380 người và tổng số ca bị lây nhiễm lên thành gần 64.000.

Số người tử vong và bị nhiễm virus trong một ngày mà chính quyền Bắc Kinh công bố như vậy giảm nhiều so với số liệu của ngày hôm qua. Trong bối cảnh đó, chính quyền Mỹ chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh.

Reuters hôm nay cho biết, một đại diện của Nhà Trắng, cố vấn kinh tế chính của phủ tổng thống Mỹ, Larry Kudlow, phát biểu với báo giới là Washington thất vọng về việc Trung Quốc thiếu minh bạch về số liệu và các con số Bắc Kinh đưa ra đã khiến họ ngạc nhiên.

Trung Quốc chọn thuốc của Cuba để chống dịch

Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đã chọn Interferon Alfa 2B để chống dịch bệnh Covid-19. Interferon Alfa 2B là một loại thuốc do Cuba sáng chế ra từ những năm 1980. Tuy Interferon Alfa 2B chưa phải là phương thuốc thần kỳ có thể tiêu diệt virus corona mới, nhưng việc Trung Quốc chọn Interferon Alfa 2B cũng đủ để làm chính phủ Cuba thấy rất tự hào.

Từ Cuba, thông tín viên RFI Domitille Piron giải thích thêm :

« Interferon Alfa 2B, đó là tên của loại thuốc chống virus. Đây là một trong số 30 loại thuốc chống virus được Ủy Ban Y Tế quốc gia Trung Quốc chọn để chống lại virus corona mới.

Hoạt chất này là một trong những hoạt chất đầu tiên được ngành công nghệ sinh học Cuba phát triển trong những năm 1980, nhờ có sự hợp tác với Mỹ.

Interferon Alfa 2B được sử dụng để chữa các bệnh nhiễm trùng do các loại virus gây ra, nhất là virus HIV, siêu vi papillon ở người nhiễm HPV, cũng như một số bệnh ung thư và bệnh gan.

Có thông tin là 1.500 bệnh nhân đã được chữa khỏi virus corona nhờ loại thuốc chống virus này của Cuba. Thông tin này là sai. Bởi vì loại thuốc này chỉ tăng cường hệ miễn dịch, nhưng không thể chữa được virus corona mới.

Interferon Alfa 2B là một dược phẩm do Cuba sáng chế , nhưng từ nay thuốc sẽ được công ty có vốn của nhà nước Chang-Heber sản xuất tại Trung Quốc.

Việc hợp tác giữa Cuba và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học và bào chế dược phẩm phát triển từ 15 năm nay, và Cuba rất muốn tăng cường quan hệ hợp tác nói trên, bởi hiện tại nhờ đó mà Cuba có được khoản vay 210 triệu đô la và riêng ngành công nghiệp Cuba thu được số tiền tương đương 30 triệu đô la/năm.

Việc Trung Quốc sử dụng Interferon Alfa 2B để chống dịch bệnh do virus corona mới gây ra khiến chính phủ Cuba hài lòng và trên các mạng xã hội, La Habana đã hồ hởi nhắc lại chính Cuba là nước sáng chế ra loại thuốc này ».

--------------------------------------
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 14/02/2020 - 14:16

Virus corona làm rung chuyển Trung Quốc. Cuối tháng 1/2020, chỉ sau vài ngày công bố dịch, Bắc Kinh phải ra lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, rồi tỉnh Hồ Bắc hơn 50 triệu dân, để ngăn chặn, nhưng dịch tiếp tục lan rộng. Số người nhiễm, người chết tăng vọt hàng ngày. Giữa tháng 2/2020, Bắc Kinh vẫn lúng túng trước làn sóng bất bình trong nước. Nhiều người dùng hình ảnh con virus nhỏ đe dọa chế độ độc tài cộng sản.

Khủng hoảng virus corona có thực sự thách thức sự tồn vong của chế độ Bắc Kinh? Khủng hoảng dịch bệnh do virus corona Covid-19 làm lộ rõ những khuyết tật trầm trọng của hệ thống chính trị Trung Quốc, đặc biệt là tình trạng thông tin về thực trạng dịch bệnh bị bưng bít khiến ngành y tế trở nên thụ động, bộ máy chính quyền quan liêu hóa cao độ, một mặt răm rắp thực thi chỉ thị từ trung ương, mắt khác bịt tai, nhắm mắt trước các đòi hỏi của xã hội dân sự tại chỗ. Ba tuần lễ sau khi dịch lan ra khắp Trung Quốc, lo sợ trước virus mới, hàng loạt địa phương, trong đó có nhiều thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng bị ''phong tỏa một phần'', để phòng dịch.


Hiện chưa rõ virus corona tác hại đến đâu đối với xã hội Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người dự đoán tổn thất kinh tế nặng nề sẽ làm mất tính chính danh của chế độ độc tài toàn trị, vốn được xây dựng dựa trên những hứa hẹn sẽ mang lại sự thịnh vượng cho dân chúng. Lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình sẽ mất đi ''mệnh Trời''. Trung Quốc đang đứng trước một cuộc thay đổi lớn. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đưa ra góc nhìn khác, với dự đoán. Đó là chế độ toàn trị Trung Quốc sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này, và gia tăng được khả năng kiểm soát đối với toàn xã hội.

Cuộc họp chưa từng có của Bộ Chính Trị

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo mạng Pháp Challenge.fr (ngày 11/02/2020), nhà sử học François Godement, chuyên gia về Trung Quốc và vùng Đông Á, thừa nhận trước hết là, đối diện với cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có, thoạt tiên lãnh đạo tối cao Trung Quốc tỏ ra thận trọng. Ngày 25/01, ''trong cuộc họp của Ban thường vụ Bộ Chính Trị (cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản), một video lần đầu tiên cho thấy 7 thành viên đều lên tiếng. Dường như, với hình ảnh này, ông Tập Cận Bình muốn đột ngột chứng tỏ với công chúng cơ chế lãnh đạo tập thể của hệ thống quyền lực Trung Quốc. Đây là một điều hiếm có và có thể là sự thừa nhận cho một tình thế mong manh nhất định'' từ phía người nắm quyền tối cao.

Tạp chí về các điều tra kinh tế nổi tiếng Tài Tân (Caixin) tung ra hàng loạt bài viết mô tả tình trạng thê thảm tại các bệnh viện tại Vũ Hán, nhiều báo khác cũng đồng loạt lên tiếng phê phán dữ dội. Kiểm duyệt báo chí được nới lỏng một phần trong khoảng thời gian từ ngày 23/01 đến 03/02. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, lãnh đạo tối cao Trung Quốc khẳng định ''phải gia tăng kiểm soát các phương tiện truyền thông và internet'', phê phán trên báo chí cũng trở nên ít mạnh mẽ hơn nhiều so với trước. Mục tiêu của ban lãnh đạo Bắc Kinh là ''không để khủng hoảng y tế trở thành một khủng hoảng chính trị'', mà để làm được điều này, kiểm soát truyền thông là khâu quyết định.

Sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về hiểm họa virus với bạn bè, đồng nghiệp, có thể nói trên các mạng xã hội tại Trung Quốc dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng có. Trong đêm thứ Năm qua ngày thứ Sáu 07/02, hơn một tỉ rưỡi lượt người vào xem các thông tin về cái chết của người bác sĩ, được coi là ''anh hùng'' dân tộc.

Nắm lại truyền thông

Ngày 10/02, lần đầu tiên truyền hình đưa hình ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp xúc với dân chúng tại một khu phố cổ ở Bắc Kinh, với khẩu trang phòng dịch. Cùng với sự xuất hiện trở lại của Tập chủ tịch, nhiều quan chức lãnh đạo ngành y tế và lãnh đạo đảng tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán bị cách chức. Lãnh đạo tối cao Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính quyền Bắc Kinh tổ chức điều tra về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông Tập Cận Bình dường như đang lấy lại thế thượng phong.

Làn sóng bất bình dâng cao tại Trung Quốc về tình trạng bệnh viện tại Vũ Hán quá tải, phương tiện xét nghiệm không đủ, khiến nhiều bệnh nhân không được công nhận nhiễm virus, buộc phải ở nhà, nhiều người qua đời mà không được coi là nạn nhân của virus Covid-19, nguy cơ lây lan ra cộng đồng khôn lường. Ngày 13/02/2020, chính quyền Trung Quốc quyết định thay đổi cách tính, khiến số người được coi là nhiễm Covid-19 tăng vọt lên 15.000 chỉ trong một ngày (tăng gấp 10 so với hôm trước).


Thực hư về số lượng người bị nhiễm và chết vì virus corona mới tại Vũ Hán là bao nhiêu? Rất nhiều người nghi ngờ con số thống kê của chính quyền Trung Quốc, vì không có các nguồn độc lập để kiểm chứng. Tuy  nhiên, cho dù sự thay đổi gây bất lợi trước mắt cho hình ảnh của chính quyền, ngay cả việc thay đổi cách tính, dẫn đến số lượng nạn nhân tăng vọt, cũng rất có thể sẽ được Bắc Kinh sử dụng như một biện pháp tuyên truyền, nhằm phê phán năng lực điều hành, quản lý phòng chống dịch của chính quyền địa phương, hợp thức hóa việc cách chức một số lãnh đạo địa phương, được sử dụng làm dê tế thần, để xoa dịu dư luận.

Covid-19 có giống Tchernobyl ?

Về ảnh hưởng của dịch virus corona mới đến sự tồn vong của chế độ toàn trị Trung Quốc, nhật báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Sylvie Kauffman, so sánh cuộc khủng hoảng do virus Covid-19 tại Trung Quốc hiện nay, với thảm họa hạt nhân Tchernobyl, được coi là đã dẫn đến sự sụp đổ của nước Liên Xô cộng sản. Bài viết mang tựa đề ''Pour l’instant, la gestion du coronavirus par la Chine relève plus d’Orwell que de la glasnost'' (tạm dịch là Trong hiện tại, cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng virus corona gần với tiểu thuyết giả tưởng của Orwell về chế độ toàn trị, hơn là giai đoạn Glasnost/minh bạch hóa thời Gorbachev).

Nhà báo Le Monde trước hết ghi nhận rất nhiều điểm tương đồng giữa dịch Covid-19 hiện nay với thảm họa hạt nhân Tchernonyl năm 1986. Cùng sự che giấu thông tin từ phía chính quyền, cùng một lối tuyên truyền bất chấp sự thật, cũng mối hoài nghi trong một bộ phận người dân. Số phận bi tráng của bác sĩ Lý Văn Lượng - người lên tiếng cảnh báo, bị chính quyền trừng phạt, và chỉ được phục hồi ít ngày trước khi chết, và đúng vào lúc dịch bệnh đã trở nên một vấn đề quốc tế - được so sánh với cái chết thảm thương của 12 nhân viên cứu hỏa, được điều đến nhà máy Tchernobyl, mà không hề được trang bị phương tiện bảo hộ… Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng và sự bất minh của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh có thể dấy lên một làn sóng phẫn nộ ghê gớm tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng các phản ứng dây chuyền có thể thách thức đến tận gốc rễ uy thế của chế độ cộng sản toàn trị, tương tự như thảm họa Tchernobyl năm xưa.

Nhiều năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, cựu tổng thống Mikhail Gorbatchev nhận xét, ''nguyên nhân thực sự của sự sụp đổ của Liên Xô 5 năm sau đó, có phần do thảm họa Tchernobyl nhiều hơn là do chính sách cải tổ Perestroika''.

''Minh bạch dưới sự quản lý của Đảng''

Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị Le Monde nhấn mạnh đến sự khác biệt cao độ về chiến lược quyền lực của hai nhà lãnh đạo Gorbatchev và Tập Cận Bình. Theo nhiều nhà quan sát, chiến lược của lãnh đạo tối cao Trung Quốc, ngược hẳn với Gorbatchev, luôn luôn tìm cách thâu tóm quyền lực đến mức tối đa, dập tắt mọi tiếng nói phản kháng, khi nào tình hình cho phép. ''Cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay thậm chí còn mang lại cho ông ta một cơ hội'', để trắc nghiệm các phương tiện và gia tăng khả năng kiểm soát xã hội, đặc biệt với các biện pháp như cô lập, phong tỏa hoàn toàn một bộ phận dân cư lớn.

Bộ máy chính quyền, thông qua các công nghệ tân tiến thời kỹ thuật số, đang dần dần được áp dụng tại Trung Quốc, rất có khả năng sẽ ngày càng đặt xã hội Trung Quốc dưới sự kiểm soát toàn diện hơn, sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Chính quyền sẽ chứng minh với đông đảo dân chúng là họ rất minh bạch, tuy nhiên, đây là ''sự minh bạch được quyết định từ bên trên'', ''sự minh bạch do Đảng quản lý''. Kịch bản này càng có nhiều khả năng trở thành hiện thực bởi, ngược hẳn với Liên Xô cách nay ba thập niên, Trung Quốc hiện nay là một cường quốc đang lên.

-----------------------------
.
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 14/02/2020 - 16:05

Virus corona từ « tâm chấn Hồ Bắc » tiếp tục lan rộng, Airbus đánh gục Boeing, Putin trấn áp thế hệ trẻ Nga hơn thời Brejnev, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp giảm kỷ lục. Miền bắc Syria trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Erdogan dọa hay làm thật ? Đó là một số chủ đề chính trên báo Pháp ngày 14/02/2020.

Nguy cơ vượt tầm kiểm sóat

Đại họa siêu vi Covid-19 từ Trung Quốc mà truyền thông quốc tế tiếp tục gọi là virus corona vẫn là thời sự số một. Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn hy vọng khống chế dịch bên trong Trung Quốc, nhưng đã xuất hiện một số ổ dịch mới ở Việt Nam và Singapore. Le Figaro đề tựa đáng sợ: Thế giới bên bờ đại dịch. Giới chuyên gia có lý do lo ngại dịch lan nhanh khắp địa cầu.

Số liệu do bộ Y Tế Trung Quốc thông báo hôm thứ Năm gây ra cơn sốc: thêm 15.152 người bị lây, 254 nạn nhân từ trần trong 24 giờ. Với 447 ca nhiễm virus ở 24 nước, không kể du thuyền Diamond Princesse đang bị cách ly tại Yokohama, cũng như thông tin có ba người chết tại Bắc Triều Tiên đã làm cho nhiều chuyên gia lo ngại dịch Covid-19 biến thành đại dịch.

Cho dù Trung Quốc tìm cách trấn an, kiểm duyệt thông tin, nhưng không thể che giấu hết sự thật. Ian Lipkin, nhà dịch tễ học người Mỹ vừa trở về từ Vũ Hán mô tả: Tình hình y tế ở Vũ Hán rất kinh khiếp. Như con tàu Titanic đang bị đắm, nhưng không có đủ áo phao. Số bệnh nhân được công bố thấp hơn sự thật, chưa kể là chúng ta chưa rõ khả năng đột biến của siêu vi Covid-19 như thế nào.

Không xác quyết như đồng nghiệp thiên hữu, nhật báo độc lập Le Monde cũng rất bi quan: Trung Quốc xét lại chính sách y tế, cách chức một số lãnh đạo địa phương cấp tỉnh, cấp thành, huy động lực lượng y sĩ, y tá trên toàn quốc tăng viện cho Vũ Hán, chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện, nhấn mạnh những « kết quả tích cực ». Nhưng, theo Le Monde, cái khó của Bắc Kinh là làm sao trấn an được dân trong nước và cộng đồng quốc tế ? Lo sợ bị trừng phạt, chính quyền ở các địa phương khác thi đua cách ly, phong tỏa chận dịch làm cho kinh tế tê liệt thêm. Cuối cùng, Bắc Kinh không khống chế được dịch, mà cũng không kiểm soát được cán bộ địa phương có thi hành đúng chính sách hay không. Giám đốc đặc trách tình trạng y tế khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Michael Ryan, thận trọng: Còn quá sớm để có thể dự báo là dịch bệnh đang ở giai đoạn nào ? Khởi điểm, đang diễn tiến hay ở hồi kết.

Thống kê mập mờ

Bắc Kinh thay thế quan chức và thay đổi phương pháp định bệnh.

Thống kê mập mờ, chẩn đoán lạ lùng, chỉ đạo thay đổi liên tục càng làm công luận tin chắc là đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ lo bảo vệ quyền lực hơn là sinh mạng người dân.

Ở trang ý kiến, Le Figaro nhắc lại một thí dụ cụ thể về hậu quả của chính sách nói dối. Chuyện xảy ra cho Liên Xô vào năm 1986 mà sau này, năm 2007, cựu chủ tịch Mikhail Gorbatchev chia sẻ với Le Figaro : « Hơn bất cứ một sự kiện nào khác, vụ Tchernobyl đã mở cánh cửa cho tự do ngôn luận làm chế độ độc tài không thể tồn tại được ». Tại Trung Quốc, cái chết thảm thương của bác sĩ Lý Văn Lượng biến ông thành anh hùng dân tộc và lời kêu gọi thống thiết của 10 giáo sư Y khoa « chấm dứt chế độ hạn chế tự do ngôn luận » là những tín hiệu chế độ độc tài đã lung lay. Chế độ này tồn tại nhờ bạo lực, nhưng bộ máy tuyên truyền đã nứt rạn.

Đồng điệu với Le Figaro, nhật báo thiên tả Liberation, với hai phóng viên Valentin Cebrron và Liu Zhi Fan tại Bắc Kinh cho biết chính phủ Trung Quốc đang tìm cách ngăn chận những tiếng nói khác biệt trong lúc trên mạng xã hội tràn đầy những lời công kích. Nạn nhân mới nhất là giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhang Ru), đại học Thanh Hoa vừa bị WeChat phong tỏa tài khoản. Thành ngữ được dân mạng sử dụng nhiều nhất hiện nay là « hết nước mắt để khóc », để nói lên buồn rầu bất lực và bất bình chế độ lợi dụng lòng nhiệt thành của các tình nguyện viên, bất chấp hiểm nguy, để phục vụ tuyên truyền chính trị.

Cách chức một số lãnh đạo ở Hồ Bắc thay thế bằng người thân cận cũng là một cách để Tập Cận Bình kiểm soát chiếc nôi công nghiệp này.

Thống kê « mập mờ » của Trung Quốc cũng là đề tài bình luận trên La Croix. Nhật báo Công Giáo trích nhận xét của một chuyên gia về thống kê học Trung Quốc, Victor Shih, « trong vòng ba tuần, Bắc Kinh thay đổi năm lần chỉ đạo về thống kê dịch virus corona. Không hiểu vì lý do gì. Người ta cũng không biết bằng cách nào Nhà nước Trung Quốc thu thập thông tin ».

Với góc nhìn kinh tế, nhật báo Les Echos chú ý đến hệ quả đối với châu Âu. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Ủy Ban Châu Âu dự báo khá tin tưởng. Kinh tế châu Âu vững chắc nhờ vào nền tảng tốt, nhưng siêu vi Covid-19 là lưỡi kiếm treo lửng lơ trên cổ.

--------------------------------
.
Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 10/02/2020 - 15:34

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra vẫn là chủ đề được báo chí Pháp quan tâm khai thác. La Croix tập trungđề cập đến sự hợp tác của các nhà khoa học trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị và bào chế vac-xin.

Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : « Hệ thống Tập Cận Bình bị virus corona thách thức » và nhận định cách nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế đang bị chỉ trích và đã trở thành một thách thức chính trị lớn cho chính quyền Cộng Sản.
Cứ mỗi buổi sáng, số liệu thống kê của chính quyền Trung Quốc về số người chết vì virus corona lại khiến công luận lo sợ, nhất là con số tổng kết mà Bắc Kinh công bố ngày 09/02/2020. Với 811 người chết tại Hoa lục, nạn dịch corona đã khiến nhiều người Trung Quốc thiệt mạng hơn cả đại dịch SARS năm 2002-2003. Một nhà ngoại giao cấp cao, hiện có mặt tại Bắc Kinh, nhận định : « Đó là ngưỡng mà Bắc Kinh không hề muốn thấy, vì sợ rằng dân chúng nói là tiến bộ của Trung Quốc cuối cùng cũng chỉ được đến thế sau 17 năm ».

Les Echos nhận định chế độ Cộng Sản Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức chính trị nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng Thiên An Môn cách nay 30 năm. Tập trung nhiều quyền lực trong tay hơn so với bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình phải « đứng mũi chịu sào », cho dù đã sắp xếp để thủ tướng Lý Khắc Cường lãnh đạo Ủy ban phụ trách cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau cái chết của vị bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng, 1 trong 8 bác sĩ đầu tiên đã báo động về dịch bệnh, rồi bị bắt vì tội « phát tán thông tin sai lệch ». Làn sóng phẫn nộ bùng lên rộng khắp trên các mạng xã hội. Cái chết thương tâm của bác sĩ Lý cũng cho công chúng thấy chế độ Trung Quốc hoạt động không tốt, ngày càng chuyên quyền, độc đoán và quản lý đất nước bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Trong bối cảnh đó, một số nhà trí thức Trung Quốc đã viết nhiều bức thư ngỏ, kêu gọi tự do ngôn luận. Rất có thể họ sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt.

Les Echos nhấn mạnh ý đồ giấu giếm thông tin của chính quyền địa phương không phải là một hiện tượng mới xuất hiện của chế độ Cộng Sản. Tập Cận Bình đã củng cố luật im lặng (omerta), buộc các công chức phải tuyệt đối trung thành, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Vì thế, không một quan chức nào dám ho he, vì sợ bị ủy ban thanh tra, cơ quan chống tham nhũng chính tại Trung Quốc, trừng phạt.

Trung Quốc hiện đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa virus, nhưng theo Les Echos, những ngày tới đây sẽ mang tính quyết định đối với công tác quản lý dịch bệnh, bởi vì đây là thời điểm hơn 8 triệu người dân Bắc Kinh trở lại làm việc. Trên nguyên tắc, hôm nay thứ Hai (10/02), các nhà máy sẽ mở cửa trở lại sau hai tuần ngưng sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, để đề phòng dịch bệnh, một số hãng dự kiến đến tuần sau mới mở cửa trở lại.

Điều mà công luận chờ đợi là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm xói mòn vị thế chính trị của Tập Cận Bình ở mức độ nào. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Baptiste Hồng Kông lưu ý tại Trung Quốc, dân chúng thường quy trách nhiệm cho nhà chức trách địa phương hơn là cho chính quyền trung ương. Thêm vào đó, người dân Trung Quốc, trong hoàn cảnh bị cách ly và sợ hãi virus như hiện nay, sẽ rất khó để cùng phối hợp để phản kháng.

Trên các mạng xã hội hiện nay, nhiều người liên hệ khủng hoảng virus corona với khủng hoảng hạt nhân Tchernobyl, dự báo chủ tịch Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức nào. Tuy nhiên, giáo sư Cabestan nhận định Tập Cập Bình giống lãnh đạo Léonid Brejnev hơn là Mikhail Gorbatchev, ông ta sẽ ngả về các biện pháp tăng cường kiểm duyệt, trấn áp hơn là tiến hành cải cách chính trị.

Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?

« Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ? » là một câu hỏi được đặt ra trong mục Ý tưởng và Thảo luận của báo Les Echos. Tác giả Charles-Edouard Bouée điểm lại những phát minh công nghệ đã được Trung Quốc huy động để phòng ngừa và chiến đấu với virus corona mới : một thiết bị bay không người lái được trang bị caméra cảm ứng bay đến đậu bên ngoài từng nhà để đo thân nhiệt của người dân, những máy bay tự hành phun xịt chất khử trùng tại nơi công cộng hoặc giải tán đám đông.

Meituan, một công ty bán hàng trực tuyến đã điều chỉnh công nghệ, sử dụng dịch vụ giao hàng « không tiếp xúc trực tiếp », nhất là thực phẩm, để khách và nhân viên giao hàng không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau, tránh nguy cơ lây lan virus.

Những người còn nhớ đại dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc hồi năm 2002-2003, thấy đã có những sự thay đổi đáng kể trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay. Các hãng công nghệ lớn và chính phủ Trung Quốc hiện nay đã có khả năng triển khai những sức mạnh công nghệ đến mức khó tin.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh ngày càng gây nhiều chết chóc. Tác giả cho rằng nhiều thiết bị công nghệ hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng. Kết hợp thiết bị thu tín hiệu hồng ngoại và trí thông minh nhân tạo, tập đoàn Baidu Trung Quốc đã cho ra đời thiết bị đo thân nhiệt của khách đang di chuyển trong sân bay, với mức độ sai lệch chỉ là 0,05 độ C. Mạng xã hội Wechat thì phát triển phương thức khám bệnh với bác sĩ « ảo », cho phép chẩn đoán gần như chắc chắn những người nhiễm virus corona. Robot được sử dụng để lau chùi, vệ sinh, khử trùng và phân phát bữa ăn tại những khoa có bệnh nhân đang bị cách ly cho nhiễm virus.

Robin Li, nhà sáng lập tập đoàn Baidu, đã tuyên bố với các cộng sự là Big Data và trí thông minh nhân tạo không chỉ cho phép tăng hiệu quả của công tác quản lý đô thị và các sáng chế y khoa trong các giai đoạn có dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp và thúc đẩy những ngành này phát triển. Tác giả lưu ý là nếu vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến thêm một bước trong việc làm chủ công nghệ, khiến các nước khó đuổi kịp chính quyền Cộng Sản hơn.

Thế nhưng, sức mạnh và mục đích sử dụng của các công nghệ này cũng khiến nhiều người lo sợ là sẽ có sự chệch hướng. Những hình ảnh được Hoàn Cầu thời báo phát đi, theo đó, một phụ nữ lớn tuổi ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, bị thiết bị bay tự hành phát đi những câu bất nhã, buộc bà phải quay về nhà đeo khẩu trang và rửa tay. Video lan truyền nhanh chóng trên mạng internet và bị chỉ trích rất dữ dội, bởi vì nếu những thiết bị kiểu này có thể kiểm soát dịch bệnh thì cũng có thể kiểm soát dân chúng trong những hoàn cảnh bình thường không có nạn dịch. Tác giả kết luận những tiến bộ kỹ thuật đều đi kèm với nỗi sợ hãi về việc quyền tự do cá nhân bị xâm phạm.

--------------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.




No comments: