Friday, February 21, 2020

COVID-19 : TỪ MỘT TRẬN DỊCH TOÀN CẦU ĐẾN MỘT LOẠI CÚM MỚI! (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
Feb 19, 2020

Bệnh dịch mới COVID-19 nay đã lan truyền rộng lớn hơn là bệnh SARS năm 2003. Nó có thể còn chưa lan ra toàn thế giới như bệnh cúm heo năm 2009, nhưng nó nguy hiểm hơn. Nó không giết những người bị mắc bệnh nhiều bằng bệnh Ebola năm 2014, nhưng nó lây lan nhanh hơn nhiều.

Thành ra ngay vào lúc mà Trung Quốc cho biết những trường hợp nhiễm bệnh mới có vẻ đang giảm dần, các chuyên gia về dịch bệnh học cho biết họ nay đang phải chuẩn bị cho một tương lai mà các trận dịch trước không cho bao nhiêu tiền lệ.

Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Hai, các chuyên gia y tế thế giới cho biết, việc Trung Quốc cô lập hóa toàn tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh này bắt đầu, đã cho thế giới vài tuần lễ để chuẩn bị. Nhưng nó cũng không ngăn chặn được siêu vi này với những trường hợp mắc bệnh mới xảy ra khắp nơi trên toàn thế giới, báo hiệu khả năng có thể xảy ra một trận dịch toàn cầu.

“Mỗi con siêu vi đều khác nhau.” Đó là nhận định của ông Howard Markel, sử gia chuyên về lịch sử y tế vốn chuyên nghiên cứu các trận dịch cúm trong quá khứ.

Và ông nói thêm: “Nếu việc tìm hiểu những trận dịch trong quá khứ dạy cho chúng ta được một chuyện thì đó là bất cứ những ai khoe rằng có thể tiên đoán được tương lai dựa trên quá khứ thì anh ta hoặc là một thằng ngu hoặc là nói láo vì chúng ta quả không biết.”

Con siêu vi này đã gộp lại trong nó nhiều yếu tố khiến cho chính những chuyên gia về y tế công cộng cũng phải lo sợ chứ không nói gì đến quần chúng. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, nó đã làm nhiễm bệnh hàng chục ngàn người. Con người chưa bao giờ gặp phải nó, thành ra hệ thống miễn nhiễm của cơ thể thiếu khả năng kháng cự, và hiện chưa có một vaccine chống lại nó hoặc là ngăn ngừa nó.

Một điều người ta biết chắc chắn là những trường hợp nhiễm bệnh mới sẽ còn tiếp tục xuất hiện. Hôm Thứ Bảy tuần trước, một du khách người Mỹ trên chiếc du thuyền đậu tại Cambodia được thử là có bệnh sau khi không có triệu chứng gì trong suốt hơn hai tuần con tầu bị chặn lại tại ngoài khơi. Điều này gây ra những lo sợ rằng những hành khách trên con tầu này, nay tứ tán khắp nơi có thể sẽ là hạt giống tạo ra những khu dịch bệnh mới.

Đó có lẽ là lý do mà cơ quan “Centers for Disease Control and Prevention” của Mỹ nay cho biết họ sẽ bắt đầu kiểm tra các bệnh nhân có triệu chứng bệnh cúm thường xem có siêu vi 2019-nCoV tại 5 thành phố chính tại Mỹ. Mục tiêu của hành động này là để xem bệnh này có lẻn vào nước Mỹ hay không bất chấp các cố gắng cô lập bệnh nhân và kiểm tra đi lại mà cho đến nay mới tìm ra chưa đầy 20 trường hợp bệnh tại Mỹ.

Những gì mà dịch bệnh mới này có chung với những trận dịch trong quá khứ đều là những sai sót của con người chứ không phải là những yếu tố sinh lý.

Năm 1892, chính quyền tại thành phố Hamburg, Đức, e sợ trước hậu quả mà trận dịch dịch tả (cholera) có thể tạo ra cho thành phố của mình, đầu tiên đã giấu diếm các trường hợp xảy ra cho phép bệnh dịch lan truyền một cách mau chóng. Trên 8,000 người chết tại Hamburg trong trận dịch này và nó chẳng bao lâu lan truyền sang đến New York. Tại Vũ Hán cũng vậy, các giới chức địa phương cũng bị tố cáo là đã che giấu nguy cơ của siêu vi này trong những tuần đầu tiên khi mà nó có thể bị ngăn chặn dễ dàng hơn.

Trong một công trình nghiên cứu vừa được công bố vào tháng này, các nhà khoa học Trung Quốc của Trung Tâm Kiểm Sóat và Phòng Chống Dịch Bệnh đã cảnh cáo rằng tuy rằng con số các bệnh nhân mới có thể giảm sút vào lúc này, nhưng nó có thể gia tăng trở lại khi các cơ sở kinh tế và trường học họat động trở lại khi những ngày nghỉ Tết được gia hạn hết hạn.

Các nhà nghiên cứu của trung tâm viết: “Một số người khổng lồ chẳng bao lâu nữa sẽ trở về làm việc và đi học. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một sự nổ bùng trở lại của dịch bệnh COVID-19 trong những tuần sắp tới.”

Về khía cạnh sinh học của con siêu vi này, các nhà nghiên cứu còn chưa biết bao nhiêu về nó. Một trong những yếu tố cơ bản chưa được biết là siêu vi này có thể lây lan sang người khác khi người bệnh còn chưa có một triệu chứng mắc bệnh nào hay không? Theo một mô hình điện toán về sự lan truyền của bệnh này do trường Đại Học London School of Hygiene & Tropical Medicine thực hiện thì nếu một tỷ lệ quan trọng những người mắc bệnh có thể truyền bệnh này trước khi bị nặng thì khả năng ngăn chặn nó lan truyền với những biện pháp hiện nay sẽ bị cắt giảm rất nhiều.

Theo ông Michael Osterholm, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Viện Đại Học Minnesota thì: “Thế giới sẽ có một cái nhìn chính xác hơn về dịch bệnh này trong vòng mấy tuần tới với các biện pháp theo dõi mới sẽ cho những nhận thức rõ hơn về sự lan truyền của bệnh này vào khoảng giữa Tháng Ba.”

Và ông nói thêm: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu. Nếu nó tràn ra trên khắp thế giới, nó có thể chỉ kém trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 một chút. Ba tuần tới sẽ là ba tuần lễ then chốt.”

Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 mà ông Osterholm nhắc tới là trận dịch đã lấy đi sinh mạng của 30 triệu người trên khắp thế giới. (Lê Mạnh Hùng)





No comments: