Bùi Văn Phú
08/02/2020
Châu Á năm nay đón tết chẳng vui gì vì Trung Quốc
đang trải qua một mùa xuân kinh hoàng, nhất là cho dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ
Bắc. Nỗi kinh hoàng lan toả ra cả nước trong ngày tết linh thiêng của một dân tộc
thì mới chỉ có người dân Việt Nam Cộng hoà kinh qua cách đây 52 năm, Tết Mậu
Thân.
Tết Canh Tý có “Cô Vi” xông đất, chẳng mang lại
hương hoa tốt lành mà gây bao sợ hãi. Cô tới từ đâu thì chưa rõ lắm, từ chợ hải
sản thú vật nhếch nhác bẩn thỉu hay từ phòng thí nghiệm, hay dửng dưng từ trời
cô xuống cõi trần hù thiên hạ một phen?
Thành phố Vũ Hán với hơn chục triệu dân được cô xông
đất đầu tiên khiến nơi đây phải bế quan toả cảng. Ngày đầu năm âm lịch đường phố
như bãi tha ma, im lìm vắng lặng.
Từ cái rốn của thế giới, Cô Vi lan toả, gieo rắc lo
lắng khắp nơi: Việt, Hàn, Úc, Phi, Đài, Anh, Nhật, Mỹ, Thái và hai chục quốc
gia khác. Ghé nơi nào cô làm giao động dân tình nơi đó. Nhưng làm sao không cho
cô ghé bây giờ? Đóng biên giới hay đeo khẩu trang, đóng cửa trường hay đi di tản?
Bên châu Á, chỗ nào có bóng dáng cô là thiên hạ lo bịt
miệng, bịt mũi. Ở Hong Kong, Trung Quốc ra đường như lạc vào hành tinh khác vì
chỉ thấy những khuôn mặt bịt kín chừa đôi mắt. Mà không biết khẩu trang, dù có
hiện đại đến mấy, có ngăn chặn được cô hay không. Dù chẳng ngăn cô được nhưng
người châu Á cũng ùn ùn tìm mua khẩu trang đến độ không còn mảnh nào. Ngay cả
nhiều nơi ở California cũng không còn hàng để bán. Con buôn đã thu mua hết để gửi
về Trung Quốc hay sao? Hơn một tỉ người mà dùng hàng nào thì hàng đó có giá
ngay.
Buôn bán làm ăn với Trung Quốc là có lời ngay trước
mắt nên đã từng nghe nói: “Chỉ cần mỗi ngày một người Trung Quốc uống một lon
Coca Cola thôi là đủ giúp cho nền kinh tế Mỹ rồi”.
Ngược lại từ hơn hai chục năm qua người Hoa đã bị tư
bản bóc lột, làm gia công cho thiên hạ tiêu dùng hàng giá rẻ. Toàn cầu hoá là
thế. Xã hội chủ nghĩa cũng phải đầu hàng, không còn giương cao ngọn cờ kêu gọi
công nhân vùng lên chống tư bản bóc lột.
Nhưng bây giờ hơn một tỉ người đang lo sợ Cô Vi và nếu
không thể tiếp tục làm gia công thì kinh tế Trung Quốc sụp trước, kéo theo Hoa
Kỳ, Anh, Pháp, Úc sụp theo.
Cô Vi mà hôn mắt, hôn môi ai là người đó ho, sốt rồi
khó thở và có thể tắt thở luôn. Ở Trung Quốc đã có ba vạn người được hôn nhẹ và
hơn 600 người đã chết vì cô. Đó là con số nhà nước đưa ra, còn theo giới chức y
tế quốc tế thì có thể cao hơn nhiều.
Cô Vi lang thang khắp Trung Quốc, rồi bay ra nước
ngoài nên Tết Ta hải ngoại năm nay không đông vui như những năm trước. China
town ở San Francisco, ở Oakland vắng vẻ. Diễn hành đón tết của người Hoa ở San
Francisco vào tối thứ Bảy 8/2 này chắc sẽ rất thưa. Nhìn chung vì thói quen ăn
uống các thứ động vật và khạc nhổ bừa bãi trong nếp sống của người Hoa lục địa
làm nhiều người e ngại, nhất là vào những lúc có các bệnh truyền nhiễm.
Cô Vi đã thăm xứ Cờ Hoa, đi theo những người mới ghé
qua quê hương của Bác Tập. Nước Mỹ có thành phố Seattle, tiểu bang Washington
là trạm dừng đầu tiên của cô sau khi vượt Thái Bình Dương. Rồi cô qua Arizona,
California, Illinois, Massachussett và Wisconsin. Mỗi nơi cô thăm một bạn,
Arizona cô thăm hai.
Cô có nhiều bạn ở California và đã thăm sáu người.
Cô thăm ai người đó bị cách ly khỏi gia đình và bạn bè, chỉ còn được làm quen,
tâm sự với bác sĩ, y tá trông như những phi hành gia đến từ hành tinh khác. Sáu
bạn ở California có bốn người từ thung lũng hoa vàng miền Bắc California, hai bạn
khác từ vùng Los Angeles và Little Saigon Quận Cam.
Tổng thống Donald Trump, “bạn” của Chủ tịch Tập Cận
Bình, nhưng cũng sợ Cô Vi nên cấm người nước ngoài vào Mỹ nếu đã du lịch Trung
Quốc trong những ngày qua. Công dân Mỹ hay thường trú nhân mà thăm Trung Quốc gần
đây, trở lại Mỹ sẽ bị kiểm dịch và được yêu cầu tự cách li hai tuần lễ. Nhiều
cơ quan, công ti, trường học cũng đã thi hành chính sách này.
Hình như Cô Vi không có bạn Việt tại Mỹ nên dân tình
Mít trong ngày đầu năm không xôn xao, lo lắng. Diễn hành, hội chợ ở Little
Saigon Quận Cam vẫn đông vui. Trên Thung lũng Hoa vàng cũng thế, vẫn thi hoa hậu,
vẫn rong chơi hội chợ. Đêm giao thừa và ba ngày tết pháo vẫn nổ rền vang trừ
tà. Chùa chiền, nhà thờ đêm giao thừa đông thiện nam tín nữ đền cầu nguyện, xin
xâm, hái lộc.
Mồng Chín Tết San Jose vẫn còn hội xuân ngoài bãi đậu
xe trong khu thương mại Eastridge, tuy ít khách du xuân, không phải vì không muốn
gặp Cô Vi mà là vì trùng ngày với Super Bowl của Mỹ, có đội 49ERS của San
Francisco vào chung kết với đội Chiefs của Kansas City từ tiểu bang miền quê
Missouri.
Xa lộ cũng vắng xe không phải muốn tránh Cô Vi. Giờ
đó nhiều người ở nhà, hay vào quán rượu xem trận vô địch bóng cà-na lần thứ 54
của nước Mỹ. Nhiều người Việt đã hoà mình vào nếp sống Mỹ nên dăm ba gia đình,
bạn bè tụ họp nhau vừa ăn tết vừa xem đấu bóng và hồi hộp theo dõi từng đường
banh.
Mới ra sân được vài phút, Chiefs đã gác 49ERS ba điểm
đầu tiên, 3-0, làm nhiều ủng hộ viên thất vọng, trong đó có tôi, từng yêu đội
nhà suốt 40 năm qua. Rồi 49ERS lấy lại phong độ, đến cuối hiệp hai gác Chiefs
20-10.
Giờ giải lao, mọi người hào hứng chờ đợi màn biểu diễn
của J. Lo, cô ca sĩ gốc Mỹ Latinh Jennifer Lopez. Âm nhạc, giọng hát và cách biểu
diễn của cô cùng với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đã cho khán giả mười lăm phút
giải trí thật tuyệt vời.
Một thăm dò trên toàn nước Mỹ hỏi ý kiến khán giả sẽ
theo dõi Super Bowl 54th họ mong đợi gì. Dân California mong
49ERS thắng. Missouri mong Chiefs thắng. Còn lại 50 tiểu bang khác chỉ lo J.
Lo… rớt áo ngực.
Hai hiệp sau đội nhà chơi quá tệ. Kết quả thảm bại với
Chiefs thắng 31-20, làm tiêu tan hy vọng có diễn hành chiến thắng trên đường phố
San Francisco vào ngày thứ Tư 5/2.
Thế là hết một tuần vui với tết Việt, với thể thao Mỹ.
Ngày mai trở lại đi cày tiếp.
Sau mỗi trận đấu vô địch lại có ý kiến đề nghị công
bố ngày thứ Hai sau Super Bowl là ngày nghỉ toàn quốc, vì mỗi năm có vài triệu
người không vào làm việc trong ngày thứ Hai vì cần nghỉ ngơi cho lại sức. Trận
chung kết cả nước có hàng trăm triệu người xem, ăn nhậu vui chơi mà ngày mai phải
đi làm thì oải quá. Cũng có đề nghị chuyển trận đấu sang ngày thứ Bảy, nhưng đến
nay vẫn không có thay đổi sau hơn nửa thế kỷ với truyền thống này.
Giống Việt Nam mấy năm gần đây có bàn việc chuyển
ngày đón tết ta sang cùng ngày tết tây. Nguyên do vì không còn phù hợp với nền
kinh tế hiện tại, vì muốn tách khỏi ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, vì ăn tết
ta nghỉ quá nhiều làm lãng phí thời gian làm việc cũng như tiền bạc.
Là một người Mỹ gốc Việt tôi thấy không nên đổi ngày
mừng đón tết ta vì mỗi năm gia đình, bạn bè xum họp đón tết cùng xem thể thao Mỹ
là nét giao thoa đẹp giữa hai nền văn hoá.
Tết đã hết. Super Bowl cũng đã sang mùa. Đời sống
bình thường trở lại. Nhưng nhiều gia đình Việt đang lo vì thân nhân về quê ăn tết
sắp qua lại, không biết có mang theo Cô Vi hay gặp trở ngại gì khi đến sân bay
Mỹ.
Đã gần một tháng từ khi bệnh dịch được công bố,
thành phố Vũ Hán vẫn bị bỏ hoang. Một bác sĩ trẻ tuổi lên tiếng cảnh báo từ sớm
về nguy cơ của loại siêu vi mới, bị công an khiển trách vì cho là đưa tin thất
thiệt, vừa qua đời ở Vũ Hán. Hàng trăm công dân Mỹ đã được di tản về hai căn cứ
không quân ở California, bị cách ly gia đình hai tuần.
Cô Vi mới phất phơ vài nơi trên đất Mỹ. Mọi sinh hoạt
vẫn bình thường như mỗi năm có dịch cúm. Giới chức y tế nói không có gì phải
lo, chẳng phải đeo khẩu trang, chỉ nhớ nguyên tắc giữ vệ sinh cá nhân là đừng
đưa tay dụi mắt, mũi và cần rửa tay thường xuyên là tránh được lây nhiễm Cô Vi
hay cúm đang có vào mùa đông lạnh giá.
Tết Canh Tý với Cô Vi (nCoV – corona virus) thật là
một cái tết khó quên cho nhiều người, nhiều gia đình ở nhiều nơi trên thế giới.
No comments:
Post a Comment