Thursday, March 31, 2011

TỰ DO DÂN CHỦ là KHÁT VỌNG CHUNG CỦA NHÂN LOẠI (Song Chi)


Song Chi

Tôi đến Brussels, thủ đô của nước Bỉ để tham dự cuộc hội thảo do ICORN (International Cities of Refuge Network) tổ chức cho các khách văn (guest writers) và người đại diện cho các thành phố thành viên của tổ chức này từ Thứ Năm 24.3 đến Chủ Nhật 27.3. Cùng tổ chức với ICORN là HALMA (the network of literary centres across Europe) and International PEN.

Cuộc hội thảo là một phần trong các hoạt động của The Passa Porta Festival 2011 tại trung tâm Brussels, thành ra khách mời được tham dự luôn.

Chủ đề của festival lần thứ ba này là “On the move”. (Moving, leaving, travelling, losing the way, and escaping…).

Trong hơn 4 ngày hàng ngàn người yêu văn chương sẽ có cơ hội tham dự những buổi gặp gỡ, thảo luận và những hoạt động lễ hội được tổ chức tại các điểm khác nhau.

Trong số những tác giả tham dự có Philippe Claudel (tiểu thuyết gia, đạo diễn phim người Pháp, giải thưởng Renaudot 2003, giải Goncourt 2007), Péter Esterházy (nhà văn người Hungary, giải Kossuth năm 1996), David Mitchell (tiểu thuyết gia người Anh, có đến 3 cuốn tiểu thuyết nằm trong danh sách đề cử giải Booker), Jean-Philippe Toussaint (tiểu thuyết gia, nhà làm phim người Bỉ, giải Medicis năm 2005), Sandro Veronesi (nhà văn Ý, giải Strega năm 2006), Douglas Kennedy (nhà văn Mỹ, giải văn chương tại Liên hoan phim Mỹ tại Deauville năm 2003, giải thưởng lớn (Grand Prix) của tạp chí Figaro cho tất cả các tác phẩm của ông, kỷ niệm lần thứ 25 Liên hoan Sách của tạp chí Figaro), Mathieu Amalric (diễn viên, đạo diễn Pháp, hai lần nhận được giải Cesar dành cho diễn viên xuất sắc nhất vào năm 2005, 2008, và giải đạo diễn dàn dựng tại Liên hoan phim Cannes 2010), Juli Zeh (nhà văn Đức) và Orhan Pamuk (nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, giải Nobel Văn chương 2006).

Nhưng phần chính của chúng tôi là tham dự cuộc gặp gỡ, hội thảo do ICORN tổ chức đã nói ở trên. Nói một cách vắn tắt, ICORN là một tổ chức hiện có khoảng 30 thành phố thành viên thuộc các quốc gia khác nhau của châu Âu, châu Mỹ và con số này vẫn đang tăng lên. Nếu một nhà văn, nhà báo bất đồng chính kiến gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khiến họ không thể tiếp tục sống tại đất nước mình, nếu hồ sơ của họ được ICORN thông qua và có một thành phố thành viên của ICORN đồng ý tiếp nhận, họ và gia đình sẽ được đến sống tại thành phố đó để có thể tiếp tục công việc sáng tác mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Bởi mục đích chính của ICORN là ủng hộ quyền tự do được bày tỏ của các văn nghệ sĩ. Người được ICORN bảo trợ, gọi là khách văn (guest writer), có thể là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả, người viết kịch bản sân khấu, điện ảnh hay là nhà làm phim ... Thực chất, họ là những người phải tị nạn chính trị và hầu hết không thể quay trở lại đất nước nơi họ đã ra đi.

Đến với hội thảo do ICORN, HALMA và International PEN tổ chức lần này, chúng tôi được gặp những khách văn từ khắp nơi trên thế giới, họ ra đi từ những quốc gia có những thể chế độc tài hoặc những vấn đề về chính trị xã hội khác nhau như Iran, Palestine, Arab, Bangladesh, Sri Lanca, Nigeria, Zimbabwe, Syria, Lybia, Yemen, Kenya, China , Cambodia v.v... và Việt Nam. Mở ngoặc ở đây: lúc đầu khi nhìn trong danh sách thấy ngoài một cái tên VN là tôi, còn có một cái tên chỉ ghi vắn tắt Việt Nam, guest writer của thành phố Stavanger, Norway; tôi mừng hụt, tưởng đâu tìm được một người VN khác. Sau mới biết hóa ra đó là một nhà văn, nhiếp ảnh gia, blogger người Sri Lanca (!) nhưng lại ghi như vậy vì anh này hiện vừa mới đến Stavanger, vợ con vẫn còn ở lại trong nước nên không muốn lộ danh tánh, gốc gác, sợ nguy hiểm cho người thân!

Nhiều bài tham luận đã được trình bày. Từ những tiếng nói, hoàn cảnh khác nhau của từng cá nhân, những hình ảnh, vấn đề khác nhau của từng quốc gia cũng được bộc lộ khá là đầy đủ. Có những quốc gia như Iran cho đến bây giờ thân thể phụ nữ vẫn là một đề tài cấm kỵ đối với báo chí truyền thông hay trong lĩnh vực sáng tác. Câu chuyện về một người phụ nữ bị ung thư ngực, chị phải đắn đo mãi giữa việc có nên kể về điều này để kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người hay là không được phép nói, và sau đó khi quyết định kể với một tờ báo mạng, chị đã bị khá nhiều người lên án hành động của mình, là một ví dụ nhỏ. Sau phần tham luận là những cuộc hội thảo về nhiều vấn đề xung quanh chuyện thị thực nhập cảnh và người nhập cư, vấn đề dịch thuật và xuất bản, sư di chuyển đến một vùng đất mới ảnh hưởng như thết nào đến việc sáng tác, về quyền tự do bày tỏ, biểu đạt v.v…

Có một sự thật không thể phủ nhận, dù hoàn cảnh của mỗi người và mỗi quốc gia có khác nhau đến đâu đi nữa, vẫn có những vấn đề giống nhau bởi nó là những vấn đề chung của nhân loại.

Về phía người dân, dù sống trong một quốc gia thuộc châu Phi, châu Mỹ, châu Á hay vùng Trung Đông...thì khát vọng tự do, dân chủ là khát vọng chung và lớn nhất. Con người không chỉ cần được ăn no mặc ấm, con người, khác với con vật, còn cần phải được sống tự do-tự do đi lại, tự do bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, hội họp, tự do bày tỏ v.v...và phải được tôn trọng như một Con Người. Không thể viện lý do “hoàn cảnh của nước ta khác nên khái niệm tự do dân chủ của ta cũng phải hiểu khác” hay “Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?, rằng “Nếu như hơn 30 năm trước đây, đại bộ phận người dânViệt Nam chỉ nghĩ đến có cái ăn để mà sống và ước mơ “ăn no mặc lành” thì bây giờ khái niệm “ăn ngon mặc đẹp” đã trở thành phổ biến ở Việt Nam”, rằng “Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được…” như lời ngụy biện của ông Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ công an trong bài “Hãy hiểu đúng về nhân quyền VN”! Và một khi những quyền tự do dân chủ, nhân quyền của con người không được thực thi đúng mà chỉ là những lời nói suông, thì quốc gia ấy là quốc gia độc tài, không có cách hiểu nào khác.

Về phía nhà nước, các quốc gia độc tài nào cũng có đường lối, chính sách giống nhau dù khác nhau về mức độ. Và họ luôn luôn tìm cách học lẫn nhau để tăng cường kiểm soát dân chúng và bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Một phụ nữ là guest writer người Trung Quốc nhắc đến việc Trung Quốc đã và đang đổ hàng đống tiền để kiểm soát internet, tìm cách sản xuất ra những software mới hàng ngày để chặn tường lửa hoặc đánh phá các trang web mà nhà nước Trung Quốc cảm thấy bất lợi cho chế độ…Và thực tế là họ đã thu được kết quả ở một chừng mực nào đó, trong từng giai đoạn nếu người ta vào google và gõ một số từ khóa như “democracy, human rights hay Liu XiaoBo, jasmine revolution..." sẽ không có thông tin nào hiện ra! Nhiều nước độc tài khác rất muốn học theo kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực này! Nhưng mặc dù vậy, mọi người vẫn có cách để vượt tường lửa, chia sẻ thông tin với nhau và kêu gọi biểu tình theo gương cách mạng hoa nhài từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, bắt đầu từ những cuộc đi bộ và mỉm cười-smile and walk, ôn hòa hàng tuần vào chiều Chủ Nhật!

Thêm một điểm chung nữa trong thời đại thông tin toàn cầu của ngày nay đó là sự thay đổi ở nhiều quốc gia độc tài đã và đang bắt đầu từ thế giới kỹ thuật số và từ internet. Các nhà văn nhà báo, nhà bất đồng chính kiến đến từ những quốc gia khác nhau đều nói về món quà internet đối với nhân loại trên con đường tìm kiếm tri thức, tìm kiếm tự do. Tất nhiên không phải ở quốc gia nào internet cũng có thể làm được điểu kỳ diệu nếu số lượng người sử dụng còn quá ít, nhưng cần phải kết hợp thêm những phương tiện khác. Người đấu tranh dân chủ ngày hôm nay cần phải tự mình làm được nhiều việc: có thể viết, chụp hình, quay phim, sử dụng internet thành thạo, biết thêm một, hai ngoại ngữ khác là một lợi thế để có thể tiếp cận thông tin trong và ngoài nước và ngược lại, truyền tải thông tin đến với người dân và với thế giới. Có nhiều con đường để đấu tranh giành lại quyền tự do, dân chủ cho nhân dân và một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước; nhưng có lẽ, sự lựa chọn của đa số mọi lực lượng yêu nước, yêu tự do, dân chủ hiện nay trên thế giới gần như giống nhau-đó là nâng cao dân trí: cung cấp thông tin, cung cấp sự thật cho người dân để họ hiểu ra vấn đề và đứng lên đòi hỏi sự thay đổi, là đấu tranh bất bạo động mà hình ảnh “đi bộ và mỉm cười” là một ẩn dụ.

Việt Nam hiện nay đang có hàng triệu bloggers-những nhà dân báo mà trình độ, tấm lòng cho đến chất lượng thông tin, bài viết của nhiều người trong số họ còn hơn hẳn giới làm báo chuyên nghiệp, và hàng chục trang web “lề trái” trong đó có những trang lượng truy cập hàng ngày cao hơn nhiều so với báo chí nhà nước. Tôi tin rằng đôi khi trong chính những nhà dân báo thầm lặng này cũng có lúc cảm thấy…thất vọng, mỏi mệt, bi quan khi có cảm giác như những sự thật, những lời nói tâm huyết mà mình đưa ra không đến được với số đông người dân hoặc nếu có đến, cũng như “nước đổ đầu vịt”. Bởi người dân hình như đã quá chai lì, vô cảm hoặc quá sợ hãi mà không tỉnh thức. Nhưng hãy đừng thất vọng. Mưa dầm thấm lâu. Những gì mà những người cầm bút dù có tên hay không tên nhưng đều giống nhau ở tấm lòng và khát vọng về một sự thay đổi triệt để và toàn diện, một vận hội mới cho đất nước và dân tộc, đã và đang làm hôm nay, không hề là vô ích. Chúng ta đang đi trên con đường chung mà người dân của các quốc gia độc tài khác cũng đang đi, với những phương pháp, cách thức cũng như nhau. Và Việt Nam chắc chắn phải thay đổi, dù sớm hay muộn.

Một sự tình cờ, ngày Chủ Nhật 27.3 khi không tham dự chương trình nào nữa, tôi ra phố,đi dạo loanh quanh cho biết Brussels, thành phố lần đầu tôi đến, và bắt gặp một đoàn biểu tình chống phá thai. Đoàn biểu tình khá đông, đi thành hàng dài phải đến cả ngàn người trong đó có khá nhiều linh mục, nữ tu, người lớn và trẻ con, trẻ con rất nhiều. Có những biểu ngữ về quyền được sinh ra, về hình ảnh các bào thai, những đứa trẻ sơ sinh…Mỗi người-dù người lớn hay trẻ con, đều cầm trên tay một bông hồng, họ đi biểu tình một cách ôn hòa, trật tự. Dù bản chất hai chuyện rất khác nhau, nhưng bỗng nhiên tôi cứ mong một ngày nào đó, ở VN cũng sẽ có một cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, đòi thay đổi chế độ nhưng với một cung cách ôn hòa, người người đi trên đường với một bông hồng trên tay như vậy. Nếu giả sử nhà nước VN có sắt máu đến độ ra lệnh cho công an, quân đội đàn áp dân chúng thì không lẽ những người lính lại có thể cầm súng hoặc cho xe tăng tiến lên nghiền nát những con người, trong đó có cả người già và trẻ con, với những bông hoa trên tay?
.
.
.

No comments: