Thursday, March 31, 2011

CHỐNG ĐÔ LA HÓA (Trần Vinh Dự)

Trần Vinh Dự
Thứ Năm, 31 tháng 3 2011

Không ai phủ nhận được tình trạng 3 đồng tiền ở Việt Nam là hết sức nghiêm trọng. Trong khi các giao dịch nhỏ hàng ngày được thực hiện bằng tiền đồng thì phần lớn các giao dịch có giá trị đều được thực hiện bằng vàng hoặc đô-la. Thí dụ, giá cả ở các siêu thị ở Việt Nam nhìn chung vẫn được niêm yết bằng tiền Việt, giá xe máy - ô tô thì nhiều khi được niêm yết bằng đô-la, còn giá nhà đất thì hầu như luôn luôn chỉ được niêm yết bằng vàng hoặc đô-la.

Đô-la hóa đem lại nhiều bất tiện cho nền kinh tế. Về phía quản lý nhà nước, hiện tượng này dẫn tới chuyện các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều khi bị mất tác dụng. Do đó, nó gây bất lợi lớn cho việc quản lý và điều hành nền kinh tế của chính phủ.

Andreas Hauskrecht của Indiana University và Nguyễn Thanh Hải của GTZ, Hà Nội có bài nghiên cứu khá thú vị về tình trạng đô-la hóa ở Việt nam. Trong bài viết năm 2004 này, hai tác giả này cho rằng tình trạng đô-la hóa gây bất ổn định cho hệ thống tài chính và khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các cú “shock” bên ngoài. Việc tăng các khoản cho vay bằng đô-la của các ngân hàng thương mại cũng làm nền kinh tế bị nhiều rủi ro mang tính hệ thống hơn. Hai ông này cũng cho rằng tình trạng đô-la hóa ở Việt nam sẽ ngày càng nghiêm trọng khi nền kinh tế phát triển và “mở” hơn.

Tại sao giá chợ đen luôn cao hơn giá chính thức

Về phía người tiêu dùng, do nhiều giao dịch quan trọng được thanh toán bằng đồng USD, dù muốn dù không họ vẫn phải đi mua USD để thực hiện các giao dịch này. Trong một nền kinh tế mà đồng tiền không được chuyển đổi như Việt Nam, người dân không thể tự động đem tiền Việt đến ngân hàng để đổi lấy USD mà họ phải chứng minh được là họ có nhu cầu chính đáng. Các nhu cầu chính đáng này bao gồm nhập khẩu hàng hóa, đi công tác nước ngoài, đi du học, đi chữa bệnh… (trong giai đoạn trước mắt thì ngay cả khi người dân có nhu cầu chính đáng cũng khó lòng mua được USD từ ngân hàng, nhưng đó lại là chuyện khác).

Vì khó (thậm chí không) thể mua được USD trong hệ thống ngân hàng, người dân buộc phải dựa vào thị trường tự do (còn được gọi là “chợ đen”). Đây giống như là một dạng nhu cầu hạng hai, không được thị trường cung ứng chính thức đáp ứng. Trong khi người có USD có thể vào ngân hàng bán bất cứ lúc nào với tỷ giá do NHNN ấn định, người mua USD không có “nhu cầu chính đáng” chỉ có thể dựa vào “chợ đen” mà thôi. Chính vì thế, giá USD trên chợ đen bao giờ cũng phải cao hơn tỷ giá do NHNN ấn định.

Không có thống kê chính thức về các nhu cầu thực nhưng không thuộc nhóm “nhu cầu chính đáng” là bao nhiêu, tuy nhiên, có thể nói rằng tự chúng không phải là tác nhân chính gây sức ép làm giảm giá tiền đồng. Tác nhân chính cho đến nay vẫn là việc tiền đồng đang bị định giá cao so với đô-la do lạm phát của VND cao hơn rất nhiều so với USD trong thời gian dài.

Chính vì nhân tố này mà thị trường luôn luôn hình thành kỳ vọng về sự mất giá tiếp theo của VND. Thí dụ, nếu lạm phát kỳ vọng của năm nay của VND là khoảng 15% và của USD là 3% thì, trong trường hợp mọi yếu tố khác không đổi, tiền đồng phải mất giá thêm khoảng 13% nữa mới lập lại cân bằng trên thị trường ngoại hối. Trong trường hợp NHNN không phá giá, thì thị trường chợ đen sẽ làm cái việc mà lẽ ra NHNN phải làm, đó là phản ánh tỷ giá cân bằng mới trong các giao dịch.

Giải pháp của chính phủ

Trước nhiều sức ép vĩ mô, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này đã kiên quyết tấn công vào thị trường “chợ đen” nhằm hạn chế tối đa các giao dịch ngoại tệ không chính thức qua việc ban hành Nghị quyết 11. Một động thái khác là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm vừa rồi mới đưa ra một hệ giải pháp 5 điểm nhằm chống đô-la hóa. Các giải pháp mà Bộ này nêu ra bao gồm:
1. Thực hiện các biện pháp vĩ mô để tăng dự trữ USD; chủ động trong điều hành tỷ giá, tránh tăng tỷ giá quá mạnh gây kích thích tâm lý dự trữ USD; thực hiện đa dạng hóa ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào USD; tiến tới mua bán ngoại tệ theo nhu cầu của người dân, sớm có chủ trương bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng như du học, chữa bệnh, đi công tác…
2. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là nguyên liệu đầu vào để hạn chế mức cầu về USD.
3. Nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các tiện ích gắn với việc giao dịch bằng tiền VND như dịch vụ thẻ, điểm thanh toán, cho vay tiêu dùng.
4. Triệt để thu đổi ngoại tệ từ các doanh nghiệp, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài khi mang ngoại tệ vào Việt Nam.
5. Quản lý chặt chẽ việc niêm yết hàng hóa trong nước bằng VND, cấm niêm yết bằng USD.

Trong số các giải pháp này, chỉ có giải pháp 1, 4, và 5 là nhà nước chủ động được. Giải pháp 4 không thể thực hiện bằng biện pháp hành chính, trừ phi nhà nước tiến hành kết hối bắt buộc với tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện kết hối thì việc này cũng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp chứ không thể buộc người dân cũng phải kết hối. Giải pháp 5 rất quan trọng nhưng nó đòi hỏi công tác quản lý thị trường phải hết sức nghiêm ngặt và tinh vi – điều mà tới nay nhà nước vẫn chưa làm được.

Có vẻ như nhà nước đang muốn hình thành hai gọng kìm chống lại tình trạng đô-la hóa. Đó là thủ tiêu thị trường chợ đen và cấm giao dịch trong nước niêm yết bằng đồng USD. Đây là hai công cụ mạnh giúp hạn chế tình trạng đô-la hóa. Tuy thế, đây chỉ là các giải pháp tình thế. Về dài hạn, lòng tin vào tiền đồng phải được vãn hồi trên cơ sở ổn định vĩ mô, đặc biệt là vấn đề lạm phát, và sự nhất quán cũng như minh bạch trong chính sách kinh tế của chính phủ.

----------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: