Wednesday, March 30, 2011

THIẾU TIỀN và THIẾU CẢ NIỀM TIM (Trần Phong)

Trần Phong
Gửi tới BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 11:52 GMT - thứ tư, 30 tháng 3, 2011

Vào 6 giờ sáng, hàng trăm công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội đã dậy rất sớm để tranh thủ mua rau rẻ hơn của những người đi chợ ven đường.
“Mất giấc ngủ nhưng tiết kiệm được ít nhất 120.000 đồng một tháng”, cô Huệ, một công nhân may nói.
Huệ cho biết chỉ sau Tết, giá rau mà Huệ phải mua tăng gấp đôi.
“Trước kia mua có 6.000 đồng/kg cải, hiện đã phải mua đến 11.000 một kg.”

Chóng mặt vì sốt giá
Huệ cũng nói nếu không khéo đi chợ, với 50.000 đồng cô không thể mua đủ thức ăn cho mình và cô bạn làm cùng trong một ngày kéo theo việc hai người sẽ không đủ tiền trả nhà trọ khi nhận lương.
Sau Tết, lương công nhân như Huệ được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng. Nay vì giá tăng nhanh quá, cô nói mình không dám mua dù chỉ một thỏi son vì không đủ tiền.

Các công nhân kĩ thuật máy ở khu công nghiệp Kim Chung đang phải loay hoay với mức tăng giá vùn vụt của nhiều loại mặt hàng.
“Giá nhà trọ cũng tăng từ 600 ngàn đồng cho một phòng 2 người ở lên 1 triệu đồng. Với công nhân như anh em, với việc tăng 200 ngàn đồng/tháng là thêm một khoản khó khăn”, Nghĩa, một công nhân xây dựng chia sẻ.
Anh cho biết, từ Tết đến giờ, dù ở nhà có công việc cũng không dám về quê ở Nghệ An vì không đủ tiền vé tàu.
“Cầm 2 triệu tiền lương, trả tiền nhà, tiền ăn, điện nước thì số còn lại không biết tiêu gì, mua gì vì quá ít ỏi.”
Nghĩa và các bạn nam khác phải vạch cả kế hoạch để không phải mua hoa tặng bạn gái ngày mùng 8/3 vì không đủ tiền.

Tại Nam Định, cách Hà Nội khoảng 100 km, trong các doanh nghiệp Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc, cuộc sống của 14.000 công nhân may mặc cũng không khá hơn gì.
Theo một cán bộ Công Đoàn ở Nam Định, “Đa số công nhân địa phương có vẻ “dễ thở” hơn do chủ động sinh hoạt tại gia đình. Nhưng với hàng ngàn công nhân khác xa nhà như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa…thì việc phải trang trải cuộc sống với mức lương trung bình từ 1,5-1,8 triệu đồng quả là khó xoay sở”.

Nhà nông và công chức
Thống kê của Chính phủ Việt Nam cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2011 là 2,17 % cao nhất trong 34 tháng vừa qua và tăng gần 14% so với cùng kì năm ngoái.
Điều này đồng nghĩa với giá cả ở 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhất tăng lên.
Giới công chức Việt Nam cũng không khá gì hơn và đang gồng mình sống trong tình trạng khó khăn.
Chính phủ nói chỉ số CPI tháng 3/2011 của Hà Nội tăng 2,41%, của TP. HCM là 2,2 % cao hơn mức trung bình cả nước làm chất lượng cuộc sống thị dân ảnh hưởng rõ ràng.
Tuy nhiên so với những khó khăn của nông dân ở nông thôn phải đối mặt thì chưa ăn thua gì.
Tại một xã vùng xa ở Đông Anh, Hà Nội, nhiều người dân quay trở lại cách tự túc về thực phẩm như tình trạng tăng giá năm 2008.

Bữa cơm công nhân tại một cơ sở đóng giày gần Hà Nội

Điều ghi nhận được là “Trong nhà trồng được rau gì, ăn thứ rau ấy. Nuôi được con gì ăn thịt con đấy. Bước chân ra chợ đã thấy mình không đủ tiền hoặc là phải bán thóc”, theo lời một nông dân.
Một nhà nông, ví dụ có khoảng 6 sào lúa và 3 sào trồng cà chua và khoai tây, tổng thu 3 triệu đồng trong thời gian bốn tháng.
Nhưng trong một gia đình có năm người thì chia ra mức sinh hoạt chỉ chưa đầy 200 ngàn /người/tháng.

Chị Thu, một nông dân trồng rau cho biết dù giá rau có tăng nhưng người nông dân như chị không được lợi gì.
“Giá rau tăng một nhưng nhiều thứ khác tăng hai. Một xe rau nặng chỉ bằng được được tiền xăng xe từ quê chở rau ra phố bán.”
Về chi phí cho cô con gái học ở Hà Nội, chị nói:
“Trước kia là 2 triệu đồng, bây giờ con điện về nói nhà trọ, giá ăn bình dân thì không đủ nếu cho nó dưới 2,5 triệu đồng.”

Từ sau Tết nguyên đán, thịt lợn, rau, trái cây đều tăng từ 8-14% nhưng đa số nông dân không được lợi gì.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, “Đó chỉ là mức cân bằng giá giữa các mặt hàng nhưng phần chênh lệch lại tập trung trong tay những người làm thương mại chứ không phải nông dân. Người chịu khổ nhiều nhất khi lạm phát tăng chính là người nông dân”.

Năm 2008, để ứng phó với tình trạng lạm phát Chính phủ Việt Nam đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản trong đó có giải pháp giảm chi tiêu Ngân sách nhà nước.
Thông tin Chính phủ sẽ cắt giảm 1,4 triệu biên chế cán bộ công chức khi thực thi Luật cán bộ công chức năm 2008 làm nhiều người lo lắng.
Chính phủ Việt Nam cho rằng mỗi năm phải chi gần 650 tỉ đồng cho các “biên chế thừa” như tạp vụ, lái xe hai hành chính văn thư là không cần thiết.
Tuy nhiên, biện pháp trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì sẽ làm ảnh hưởng cuộc sống của ít nhất 3 triệu dân bởi những người ăn theo 1,4 triệu cán bộ công chức.

Một câu hỏi nhiều cán bộ công chức đặt ra, liệu trong tình hình này, Chính phủ có cắt giảm biên chế.
Một chuyên viên chính của Bộ Kế hoạch Đầu tư xin được giấu tên nói:
“Thay vì cắt giảm biên chế, nhà nước cần giảm chi tiêu trong lĩnh vực tài chính công và thắt chặt hơn nữa quản lý tài chính công. Cần phải thấy rõ là tham nhũng là một trong những tác nhân chính của lạm phát.”
Người này cũng cho biết trong các nhóm giải pháp kìm chế làm phát, một số ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng cho rằng nên cắt giảm biên chế trong năm 2011 để tiết kiệm ngân sách.
Theo ông, “Chính phủ cần phải thấy rằng công chức nhà nước cấp thấp và nông dân là hai đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của bão giá và lạm phát.”
Vẫn chuyên viên này nhận định:
“Trước mắt kinh nghiệm và bài học năm 2008 đối phó với khủng hoảng kinh tế của Việt Nam vẫn còn,”
“Nhưng tôi nghi ngại nhiều đến sự tan vỡ của một loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mối tương quan hai chiều giữa lạm phát và thiếu vốn hoạt động luôn xảy ra. Cũng cần phải nhớ rằng sự tan vỡ của các doanh nghiệp năm 2008 kéo theo cả triệu lao động thất nghiệp.”

Sau lần đó, nay nhiều người dân cũng đang đặt câu hỏi liệu cách Chính phủ Việt Nam ứng phó và đưa ra những giải pháp kiềm chế lạm phát lần này có hiệu quả không và nếu không thì các hệ lụy xã hội sẽ ra sao.

----------------------
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả Trần Phong, hiện sống tại Hà Nội.
.
.
.

No comments: