Wednesday, March 30, 2011

TRIỆT ĐỂ VÀ NỬA VỜI (BS Hồ Hải)


BS Hồ Hải
Thứ ba, ngày 29 tháng ba năm 2011

Như vậy là đã sắp tròn 3 con giáp của một thời kỳ mới của đất nước và dân tộc Việt. Thời kỳ thống nhất và độc lập theo cái nghĩa mà mọi người đang được hưởng, sau một trăm năm bị xâm lược và 30 năm nội chiến. Đất nước và dân tộc Việt đã có một bộ mặt mới - bộ mặt của người Việt làm chủ vận mệnh mình. Cho nên cũng cần một thống kê đầy đủ những cái mà nhà nước đương nhiệm đã làm được gì triệt để, và những gì còn nửa vời, để có cái nhìn lại đúng và chưa đúng, cũng như một ghi nhận lịch sử cho mai hậu.

Đầu tiên là những sự kiện mà chính quyền làm rất triệt để hòng giúp một nhà nước non yếu và đói nghèo sau nội chiến đứng vững trước phong ba bão tố đang rình rập.

1. Sự kiện quản lý hành chánh khắc khe bằng chế độ hộ khẩu và tem phiếu, bằng một chủ nghĩa thế tục tả khuynh cực đoan, ngay sau ngày 30/4/1975 là sự kiện mà dù con kiến cũng không thể lọt qua, nhưng con voi cũng có thể chui qua một khe hở được tính bằng micrometre, để rồi mọi tha hóa bắt đầu. Và nó vẫn còn hiện hữu đến ngày hôm nay.

2. Để thực hiện một chủ nghĩa thế tục tả khuynh cực đoan, một hình thái xã hội đơn nguyên hình thành. Dưới chiêu bài đi theo thực tiễn đã được ông tổ Lenin đã vạch ra, một cuộc thanh trừng những đồng bào bên kia chiến tuyến bằng nhiều biện pháp:

+ Đối với những người nằm trong hệ thống chính quyền miền Nam bị thất bại trong nội chiến, họ bị cầm tù với mỹ từ rất đẹp "học tập, cải tạo". Đối với thân nhân và nhân dân của cả nước nói chung và miền Nam nói riêng, được xét lý lịch, và xếp hạng thành 15 hạng người khác nhau, một thế giới đại đồng kiểu mới. Một sự phân hóa về tư tưởng và thù hận bắt đầu. Dẫn đến một dân tộc không còn đòan kết và yêu thương nhau mãi mãi, mà không có biện pháp nào có thể hàn gắn được trong hiện tại và tương lai.

+ Đối với thành phần tư sản, trong đó có cả những người đã từng góp phần cho việc thống nhất tổ quốc và những người đứng bên kia chiến tuyến, một cuộc thanh trừng kinh tế có tính lịch sử, bằng cách cải tạo công thương nghiệp rất triệt để vào năm 1976. Nó đã góp phần vào sự kiệt quệ kinh tế và buộc phải đi đến cỡi trói vào cuối thập niên 1980, khi không còn viện trợ của đồng minh cánh tả. Việc cải tạo công thương nghiệp đã làm cho sự chia rẻ dân tộc đi đến đỉnh cao. Nó như bát nước tràn ly góp thêm vào công cuộc thanh trừng và phân lọai làm 15 hạng người. Lịch sử dân tộc chưa bao giờ có những việc rất phi nhân bản này. Nó đã cho ta thấy rằng, không phải làm cách mạng lúc nào cũng tốt.

Cả hai điều trên làm hình thành trong xã hội Việt Nam đương đại một sự phân hóa giai cấp triệt để nhất qua mọi thời, trong một cái gọi là "chủ nghĩa đại đồng" không giai cấp. Ban đầu là phân hóa giai cấp trong tư tưởng. Kế đến là phân hóa giai cấp trong kinh tế. Một giai cấp tư sản mới hình thành với cái gọi là "tư sản đỏ". Giai cấp tư sản đỏ có quyền lực chính trị lớn hơn giai cấp tư sản của chủ nghĩa thế tục hữu khuynh cấp tiến đang "giãy chết". Và một cái gọi là "Chủ nghĩa tư bản thân hữu" xuất hiện ở Việt Nam. Một từ mới bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ Việt, mà chưa bao giờ được nghe thấy.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu ban đầu chỉ là quyền lợi chính trị. Khi phải cỡi trói vì cùng đường, nó đã biến thành tòan diện hơn, vì một nhóm người được phép cầm quyền theo hiến pháp, đã được hưởng lợi cả kinh tế sau cỡi trói với cái gọi là "đổi mới". Nó đã làm hình thái xã hội Việt Nam đương đại còn có cái tên đúng với bản chất là chủ nghĩa phong kiến tài phiệt kiểu mới.

3. Quyền lực thứ tư - thông tin truyền thông - đã được chủ nghĩa tư bản thân hữu sử dụng rất triệt để để phục vụ cho hai việc đã nêu trên. Hậu quả của nó là, tạo ra một xã hội phồn vinh giả tạo. Phồn vinh ảo. Giả tạo thật. Và năm nay - Tân Mão 2011 - buộc phải làm sao thật ra thật, ảo ra ảo.

4. Từ ba điều trên đã làm xã hội Việt Nam đương đại có một bộ mặt văn hoá mới trong cuộc sống thường nhật: phi nhân tính gần như triệt để.

5. Một việc nhỏ làm được triệt để là đội mũ bảo hiểm khi ra đường bằng xe gắn máy. Thực chất của việc này là để phục vụ cho thành phần thân hữu của cái chủ nghĩa tư bản thân hữu.


Thế còn việc nửa vời thì sao? Khó lòng liệt kê ra hết. Nhưng có một điều đứng về mặt duy vật luận, thì bản chất của những việc nửa vời là chủ yếu phục vụ vì quyền lợi cho giai cấp thân hữu của chủ nghĩa tư bản thân hữu đang tồn tại.

1. Đầu tiên là mọi nghị quyết, quyết định nhà cầm quyền đưa ra là để phục vụ cho những nhóm quyền lợi. Rồi sau đó, các nhóm quyền lợi bị phân hóa và tranh giành quyền lực, các quyết định bắt đầu ra đời nhằm biến thể để phục vụ cho quyền lợi nhóm. Có nghĩa là, các nhóm quyền lợi thân hữu chính trị bắt đầu thấy được không nên chia rẻ, mà phải đòan kết lại với nhau cùng chia một miếng bánh Việt. Ví dụ như, những quyết định như tăng giá đất, cho đảng viên làm kinh tế, thành lập các tập đòan kinh doanh độc quyền của nhà nước, v.v... thực chất là để có dịp trục lợi. Vì luật thuế bất động sản không được thông qua, và những ngành đem về lợi nhuận cao nhất được độc quyền cho quyền lợi nhóm. Kết quả của những việc này là hiện trạng kinh tế Việt Nam năm 2011 - Tân Mão - năm mà buộc phải thay đổi không chỉ cơ sở hạ tầng, mà cần phải thay đổi kiến trúc thượng tầng, mới mong cứu vãn được tình thế. Nhưng cho tới nay, cho thấy rằng sẽ là một việc nửa vời.

2. Câu chuyện chống tha hoá - cụ thể là chống tham nhũng và lạm quyền trong một hình thái xã hội đơn nguyên cực đoan - cũng chỉ là lời hô hào suông, để trấn an dư luận - không được làm triệt để. Quyền lực thứ tư đã được chính quyền sử dụng một cách triệt để như đã nêu, đã là một phương tiện phục vụ cho quyền lợi nhóm. Không khó để tìm thấy những điều này trên truyền thông đại chúng.

3. Từ những thay đổi về bộ mặt văn hoá gần như triệt để trên, chính quyền đã bắt đầu muốn làm cho văn hoá trở lại thời trong sáng. Thông qua quyền lực thứ tư với nhiều hô hào như là, sống và học tập và làm việc theo gương sáng của cụ Hồ. Như là phát động những quỹ vì người nghèo. Như là phong trào đền ơn đáp nghĩa. Như là cứu trợ đồng bào bão lụt. Như là cứu con giải già hồ Gươm. Như là xây đền chùa, phục hồi các hội cúng tế, v.v... Nhưng những cái đó cũng đã bị một nền văn hoá phi nhân tính trục lợi qua nhiều cách khác nhau. Và ngay cả quyền lực thứ tư cũng bị lạm dụng để đưa lên quá nhiều thông tin xấu. Nên cuối cùng, việc cố gắng làm tốt có tác dụng ngược, đẩy xã hội ngày càng mất văn hoá truyền thống ông cha.

Còn bao nhiêu nữa, không kể xiết.

Tóm lại, cái triệt để làm xã hội xấu hơn về chính trị, kinh tế và văn hóa cội nguồn. Cái làm không triệt để như chất xúc tác cho một phản ứng hoá học làm ra chất độc hại đến môi trường xã hội, len lỏi đến từng ngỏ ngách, đến từng con người và sự việc trong cuộc sống.

Làm thế nào để tiêu trừ những cái làm triệt để mà xấu và thực hiện cái triệt để tốt hòng đem lại một quốc gia hùng cường? Chỉ có các "thành viên tinh hoa" đã được bầu ra trong đại hội đảng lần thứ XI vừa qua mới có thể giải quyết được. Không ai có thể làm nỗi chuyện này.

Nhưng tôi xin đề ra hai vấn đề cần kíp trong lúc này và lâu dài là,

thứ nhất, về mặt chính trị cần phải có một hiến pháp mới trong kỳ họp quốc hội đầu tiên của khoá XIII vào tháng 7/2011 này, để tháo củi sổ lồng đưa chủ nghĩa tư bản thân hữu trở thành chủ nghĩa tư bản thực sự.

Hai là, về mặt kinh tế, hãy quên đi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bằng cách sử dụng nhuần nhuyển kinh tế thị trường tự do kết hợp với kinh tế thị trường có chỉ huy một cách cấp tiến, không quá cực đoan và duy ý chí như lâu nay.

Chỉ có tháo gỡ hai vấn đề lớn trên thì mới hy vọng về lâu dài, mới có thể chữa lành vết thương chia rẻ dân tộc và quái thai văn hoá đang hiện hành. Nếu không, xã hội Việt Nam hiện thời và tương lai là một căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
.
.
.

No comments: