Tuesday, March 29, 2011

49 NGÀY VỚI EM (truyện ngắn, Lê Khánh Thọ)

Lê khánh Thọ
26.3.2011


1- Giới thiệu
Trước 1975, tôi là một phi công Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa. Tôi qua Mỹ từ ngày mất nước, khi tuổi đời vừa mới 25. Mang tiếng pilot bay bướm nhưng tôi không có lấy một mảnh tình, bởi vì tôi không có tài tán gái. Thời đó mặc dù phụ nữ Việt nam cao giá, mấy thằng bạn không quân lanh lẹ vẫn vớt được một cô vợ Việt. Tôi khù khờ, vài năm sau đành yên bề gia thất với một thiếu nữ Mỹ tuổi đôi mươi. Hồi mới cưới, cuối tuần tôi thường dẫn Carrol hội họp bạn bè, nhưng nàng cảm thấy lạc lõng giữa đám người Việt bất đồng ngôn ngữ và từ chối những buổi họp mặt. Xuất giá tòng thê, mất liên lạc với đám bạn cũ, tôi hoàn toàn hội nhập vào đời sống Mỹ. Khi đứa con gái lên 5, chẳng may Carrol bị bịnh thận. Căn bịnh quái ác kéo dài hành hạ nàng hơn 20 năm và nàng qua đời vào thời gian đứa cháu ngoại vừa tròn 3 tuổi. Gần 2 năm qua, nổi buồn mất người vợ Mỹ tuy đã nguôi ngoai nhưng tôi vẫn giữ thói quen sống không bè bạn, vẫn âm thầm cô đơn chiếc bóng.


2- Minie
Đọc địa chỉ minie52@yahoo.fr qua người bạn thân giới thiệu, tôi tính ra năm nay nàng 53 cái xuân vàng. Tuổi này hồi đó má tôi nhai trầu nhổ nước miếng đỏ lòm.

Tôi ngắm hai tấm ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Hình đầu tiên nàng mặc áo thun xanh thẫm bó sát, vùng ngực khoét sâu lồ lộ hai trái cam trông ngồ ngộ. Tai đeo bông lủng lẳng bự tổ chảng. Đôi môi dày tô son đỏ láng lườm. Nàng ngồi bên cạnh đám bạn cả nam lẫn nữ, trước mặt  đống vỏ chai bia ngổn ngang trên bàn, bối cảnh “tuổi chiều thác loạn”. Tấm hình gởi sau nàng mặc quần đen. Chemise dài tay cổ bẻ. Mặt mũi nàng nhợt nhạt thiếu phấn son đứng bên cạnh các trẻ mồ côi Việt nam, bối cảnh“hoa úa rụng sân chùa”.

Mail qua mail về tương đắc, bỗng nhiên mất liên lạc hai tuần lễ, tôi bị chứng hồi hộp mỗi khi mở hộp mail.
Houston: Hello Minie,
Mình tôi ngồi với đìu hiu
Mù tăm, biệt tích…mất tiêu em rồi !
Tơ vương !?

A ha ha, sáng nay có mail Minie. Tôi cứ lo nàng trốn luôn. Ngậm điếu thuốc chưa vội châm lửa, tôi hí hửng lướt qua những dòng chữ:
France:  Salut anh Tốt !
Em mới đi Việt nam về.
Xin lỗi anh, em gián đoạn mail vì em đang bận rộn giải quyết một vấn đề mà em đã hùn vốn tình cảm. Em đã không sáng suốt nghĩ ra rằng người đàn ông cùng lối xóm hồi thơ ấu, chắc hẳn vì sống dưới chế độ Cọng sản, đã có lối nhìn và cách cư xử rất kém văn minh. Người ấy làm em vô cùng thất vọng.
Lâu nay em đi tìm mà vẫn chưa được gặp người trong mộng.

Houston: Hi Minie,
Ở đời, chẳng dễ gì gặp được người trong mộng đâu em!
Không mua được căn nhà mơ ước, không ai vì thế mà sống ngoài đường. Trong tình cảm, người ta lại thường dè xẻn, mặc dù tình cảm là thứ càng tiêu hoang lại càng giàu. Dĩ nhiên, không ai muốn trao duyên lầm tên tướng cướp. Không đi khó mà đến, không hôn con cóc làm sao biến nó thành hoàng tử. Biến thành chớ không phải tìm được đâu nha. Trong con cóc nào cũng có hoàng tử, chỉ chờ có nụ hôn thôi.
Vẫn biết nhìn lên là có lợi, là phơi bày cái cổ cao cao. So với ưỡn ngực thì chịu khó cúi người cũng có cái duyên dáng hấp dẫn. Không lẽ, em duỗi chân nằm đợi tuổi già rêu phong cho đến ngày trở về cát bụi!?

France: Salut anh Tốt,
Em thử hôn con cóc ở Việt nam từ 4 năm nay, hy vọng nó sẽ biến thành hoàng tử. Ai ngờ cóc vẫn là cóc. Hè năm nay em còn bị cóc cắn te tua nữa đó. Em sẽ không vì sợ mà trốn cóc.
Em sẽ lạc quan như lời anh khuyên nhủ, sẵn sàng hôn thử con cóc khác. Dĩ nhiên dành ưu tiên cho những con cóc hấp thụ nền văn minh Âu Mỹ, như vậy mới dễ nuôi hy vọng cùng chung nhịp bước với em.

Houston : Hi Minie,
Anh đã nói là tình yêu rất mong manh và cuộc sống có nhiều cám dỗ. Không cùng nhau bón phân, tưới nước thì hạnh phúc đâu có nở hoa, kết trái!?Together, we can make it! Hạnh phúc không hề là món quà tặng đương không, tựa như người bên cạnh dọn cỗ sẵn cho mình ăn, không vừa miệng thì la làng thay vì bỏ một bàn tay vào xào nấu phụ.
Minie ơi, em có biết mỗi ngày anh ngắm hình của em. Môi em cười cũng đủ để bâng khuâng lắm đó nha! Còn ăn tiền lắm đó.
Mi em

Sau 6 tháng với gần 200 mails tán tỉnh, tốn mấy chục thẻ điện thoại, nghe nàng nói nhiều hơn tôi nói, Minie đồng ý gặp mặt tôi. Tôi hẹn bác sĩ khám răng, khám tổng quát. Đến chợ mua vớ và đồ lót trắng tinh, tôi nao nức bước vào một khung trời mới mẻ.


3- Gặp gỡ - France
Minie bằng xương bằng thịt trước mặt tôi. Điểm đầu tiên « coi được » nhờ đầu tóc nhuộm nâu hợp với khuôn mặt và bộ đồ đúng mode bó sát thân hình tròn trịa, chưa đến nổi phát phì như Carrol. Hai vết dài hằn sâu hai bên miệng nàng in dấu thời gian tàn ác. Tôi không thất vọng, trái lại cảm giác thân quen tự bao giờ tràn ngập trong tôi niềm bình an kỳ lạ. Không biết diễn tả bằng lời, tôi âu yếm nói với nàng qua ánh mắt. Đôi mắt nàng hơi sụp mí, mắt bên phải nhỏ hơn mắt bên trái, những vết nhăn ở đuôi mắt hiện rõ dưới lớp phấn dày. Tuy nhiên những khuyết điểm đó bị lấn át bởi tia nhìn ấm áp, quấn quít giao duyên với ánh mắt tôi. Mấy mươi giây trôi qua, nàng bẽn lẽn lãng tránh, gương mặt đỏ rần kiểu nữ sinh biết yêu lần đầu. Nếu bắt chước tiểu thuyết lãng mạn, chàng thanh niên hào hoa tuấn tú nâng cằm người đẹp, mắt nàng từ từ khép lại, đôi môi hé mở chờ đợi một nụ hôn nồng cháy.

Khổ nổi niềm xao xuyến dâng trào mãnh liệt khiến tôi bối rối, tôi bật tiếng cười khan và xổ đại một câu:
-         Chời ơi, già rồi còn bày đặt đỏ mặt!

Nàng cười khúc khích, ngúng nguẩy:
-         Hihi, anh đừng nhìn em!

Tôi ôm nàng vào lòng, nàng không chống cự, đồng lõa ép sát vào người tôi. Nhịp tim tôi đập loạn xà ngầu.

Tôi yêu tiếng cười của nàng. Tiếng cười hồn nhiên tắm mát tâm hồn tôi vốn lâu nay cằn cỗi. Người vợ Mỹ không có được tiếng cười tràn đầy sức sống đó, kể cả những năm đầu tiên bả còn mạnh khỏe.  Nàng khen giọng Sài gòn của tôi quyến rủ và tôi có lối kể chuyện tiếu lâm hấp dẫn, tôi vô cùng ngạc nhiên về tài năng chưa từng được ai khám phá. Sau mỗi câu chuyện, nghe giọng cười dòn dã của nàng thay cho lời khen thưởng, tâm hồn tôi phơi phới. Để chứng tỏ tài nghệ, tôi mất nhiều thì giờ lên Net sưu tầm truyện cấm đàn bà.

Trước hôm tôi về lại Mỹ, nàng ngắm nghía xấp hình tôi và nàng đi chơi Paris, đang cười nói vui vẻ nàng bỗng ngậm ngùi:
-         Em già hơn trong hình anh hé!?
-         Ờ.
-         Phải chi em đẹp giống trong hình cũng đỡ. Thật sự em xấu anh há!?
-         Chớ còn gì nữa!

Im lặng mấy giây và hai vai nàng run nhẹ. Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt đàn bà rơi, tim tôi bỗng nhiên thắt lại.
-         Xấu đâu có sao đâu em!
 Lời an ủi vụng về khiến nàng nổi giận:
-         Người ta nói: “Bất cứ người đàn bà nào cũng đẹp trong đôi mắt của người yêu”. Rõ ràng là anh không yêu em.
-         Chời ơi, em nghe gì mấy thằng cha ba xạo bày đặt xổ ranh ngôn. Tại em xấu thì anh nói em xấu.
 Đôi mắt nàng tóe lửa:
-         Em xấu, cứ nói hoài, được rồi em xấu! Việt kiều Mỹ ngon về Việt nam làm tàng với mấy con nhí.
 Tôi ôm vai nàng, vỗ về:
-          Cưng xấu nhưng cưng có nhiều cái đẹp mà nguời đàn bà khác không có.

Tôi dại dột nhắc lại chữ “xấu”. Nàng choáng váng đến nổi không nghe chữ “đẹp” tôi đệm phía sau. Nếu nàng hỏi: “em cũng chưa đến nổi tệ phải không anh? “, có lẽ tôi cũng dễ dãi ờ theo. Đàn bà thật khó hiểu! Mail đầu tiên chính nàng công nhận “em không còn trẻ đẹp”. Họ rắc rối ở chỗ gài đàn ông khen để tự đánh lừa mình, nhưng gặp gã cù lần thật thà như tôi thì có mà vỡ mặt. Thật sự dưới mắt tôi, đàn bà tuổi nhai trầu ai cũng xấu, nàng không thể thoát ra ngoại lệ.

Nàng hất tay tôi khỏi vai, giọng lạnh lùng:
-         Từ nay về sau, em chỉ xem anh là bạn.

Qua nửa tháng cầu hoà vẫn không ăn thua gì, tôi vào thư viện Hoa Sen, miệt mài nghiên cứu Phật pháp và forward tới tấp, cốt ý mượn lời vị tha của các bậc đạo sư thay lời giúp tôi, đồng thời tôi gởi mail năn nỉ.

Houston:  Em yêu,
Là một phật tử đã quy y với sư cô Trí Hải nổi tiếng, làm ơn ban phát chút bồ đề tâm cho những ác nghiệp của anh. Đồ tể buông đao cũng thành Phật trong khi khẩu nghiệp chỉ là phần nhỏ trong ngũ giới. Tính vị tha sẽ giúp em nhiều trong sự tu đạo.
Em ơi, nhớ em quá. Muốn nói yêu em thôi.
Mi em

Tôi gọi phôn tán thêm:
-         Em hổng hiểu gì hết, đừng giận anh nữa cưng à! Em có biết “Thập trọc nhất thanh” là quý tướng, còn “thập thanh nhất trọc” là phá tướng? “Thập trọc nhất thanh” nghĩa là 10 phần tướng xấu mà ở trong lại ẩn 1 quý tướng thì như đá ẩn ngọc quý. Đấy là trường hợp của em. Còn tụi tài tử đẹp dàn trời nhưng thuộc về “thập thanh nhất trọc”, nghĩa là 10 phần tướng tốt đẹp, lại ẩn bên trong một tướng rất xấu, cho nên gọi là phá tướng.

Nàng phì cười:
-         Bộ uống rượu đế sao mà hôm nay xổ Nho dữ vậy anh?

Tôi nghỉ việc một tuần bay qua Pháp. Đúng như tôi hy vọng, nàng hiểu sự trở lại Pháp cấp tốc chỉ sau ba tuần lễ xa nhau là bằng chứng hùng hồn cho tình yêu “nặng ký” của tôi.

Một tuần lễ hạnh phúc trôi qua thật nhanh, tôi bịn rịn giã từ nàng, trở về Houston với công việc. Cạnh computer, tấm hình tôi ôm vai nàng đứng trước tour Eiffel lồng lộng gió xác nhận tôi đang yêu và được yêu, một tương lai tình ái huy hoàng quá sức mong đợi. Từ nay tôi được nói và được nghe tiếng Việt nam. Tôi sẽ cùng nàng du lịch khắp Âu Châu và về Hội An thăm nơi nàng chôn nhau cắt rún. Mấy thằng cha thi sĩ  “vì em tôi làm thơ”, nhưng vì em tôi sẽ làm overtime chết bỏ!

Mỗi lần nghe tôi làm overtime, nàng phản đối:
-         Overtime một vần với die.  Anh đừng cố quá mà quá cố.

4 – Houston
Tôi báo tin nàng sẽ qua ở với tôi 3 tháng, con gái tôi, Jenny phụ tôi vất hết đồ đạc của mẹ nó, chỉ trừ mấy tấm hình tạm dẹp vào nhà kho. Ngày đầu tiên, nàng thắc mắc:
-         Ủa, anh theo Phật giáo nhưng tại sao em không thấy bàn thờ Phật?
-         Mình ở với người ta thấy cũng kỳ.
 Nàng trợn mắt:
-         Vợ con anh chớ ai mà anh nói “người ta” !?

Tôi không trả lời, bàng hoàng vì câu hỏi của nàng. Câu hỏi như nhát búa tỉnh thức nổi đau âm ỉ từ mấy chục năm qua. Tôi làm việc nuôi vợ con; căn  nhà của tôi trả góp nhưng tôi không hoàn toàn nghĩ là của tôi. Mặc cảm ăn nhờ ở đậu như một vết xâm khó gột rửa. Có phải vì đây không phải là quê hương tôi!? Có phải vì Carrol và con gái tôi không cùng chung ngôn ngữ!?

Từ ngày có nàng, tôi vặn đồng hồ báo thức sớm hơn 15 phút, để được ôm ấp nàng trước khi đi làm và nói những câu thuộc loại không giống ai:
-         Tội nghiệp hông! Tự nhiên ở đâu bên Pháp qua đây cho người ta dzày dzò!

Mỗi sáng tôi được nàng trao ly cam tươi tự tay nàng vắt. Tôi nao nao xúc động nhìn bóng dáng nhỏ nhắn qua kính chiếu hậu, bàn tay vẫy tiễn đưa tôi đến sở làm. Đến từng tuổi này, chưa bao giờ tôi được hưởng loại cảm giác tình cảm đậm đà.

Sáng chủ nhật 11 giờ trưa tôi đẩy xe cùng nàng vào chợ Mỹ. Mua chưa xong, bỗng dưng ánh mắt chúng tôi giao nhau, phát ra tín hiệu “chú A37 khẩn cấp cất cánh”. Tôi âu yếm thầm thì bên tai nàng:
-         Cái mặt thấy ghét! Về nghen em, chút nữa mình ra lại mua tiếp.

Nàng hiểu ý cười tủm tỉm. Vừa tới nhà trời bỗng đổ cơn mưa lớn. Garage chứa hai cái xe cũ hết lối vào, tôi phải đậu xe trước cổng chờ mưa tạnh. Mưa càng lúc càng nặng hạt, đường vắng tanh, “trái tim không ngủ yên” rạo rực bấm nút cho ghế xe thành giường dã chiến. Tôi cười sảng khoái:
-         Hai ông bà già thiệt tình!
 Nàng cười khúc khích. Tôi có cảm giác mình trở lại thời trai trẻ.

Tôi xin nghỉ hai tuần lễ cùng nàng du hí Cali. Từ Houston tôi lái xe xuyên bang, ngày đi đêm nghỉ motel. Tại Las Vegas, chúng tôi làm lễ cưới đơn giản. Nhìn ngón tay nàng mang nhẫn mới, tôi bồi hồi cảm động tấm lòng nhân đạo đã chọn nhẫn cưới chỉ hơn 100 đô la. Đêm động phòng hoa chúc… lần thứ mấy mươi, nàng âu yếm hôn tôi:
-         Con cóc đã biến thành hoàng tử rồi thì cứ hoàng tử luôn nha. Xớn xác là em lột da cóc đó!

Về đến Houston, nàng hối tôi ra phố lựa tượng Phật Quan Âm và ghé chợ Mỹ mua bó hoa cúng Phật. Nàng yêu cầu tôi chọn thêm cho Carrol bó hoa bả thích hồi còn sống. Sau khi lập bàn thờ Phật trên bệ lò sưởi, nàng kéo bàn salon ra giữa nhà, sắp trái cây và chưng bó hoa hồng tươi. Nàng nói :
-         Em là kẻ đến sau, vô nhà người ta mình phải xin phép đàng hoàng. Anh vái bả bằng tiếng Mỹ, nói rõ cho bả biết là bả chết rồi, lo đầu thai đi, có thương yêu anh thì còn nhiều kiếp khác. Anh xin phép bả cho anh lấy vợ.  Em nghi bả lưu luyến anh nên vẫn còn ở nhà này, nhất là bả chết trong giấc ngủ ngay trên giường của bả. Anh vái xong đến phiên em. Em nói tiếng Mỹ bồi chắc bả cũng hiểu. Ăn thua anh dỗ bả trước cho thật hay.

Khói hương nghi ngút, tôi cầm ba cây nhang rưng rưng nước mắt. Tình nghĩa hơn 25 năm với người vợ Mỹ hiền lành xấu số làm sao tôi quên cho được ! Tôi nao nao xúc động vì nàng giúp tôi cởi mở một gút mắc tâm tình. Hôm giỗ đầu tiên, tôi biểu Jenny mua hoa đem ra mộ mẹ nó, tôi trốn vì tôi không đủ can đảm đối diện với nổi buồn.

Ngày nọ ra chợ Việt tình cờ tôi gặp lại Đản, người bạn cũ báo tin tối hôm đó tổ chức họp mặt bạn bè. Tôi nôn nao được dịp gặp lại nhóm bạn không quân.

Tòng từ Dallas, mặc dù sức khỏe bấp bênh cũng chịu khó lái xe mất nhiều tiếng đồng hồ, cặp mắt sáng rỡ khi nhận ra tôi, giọng miền Nam oang oang chọc phá:
-         Tưởng ai, khỏe không Tốt lèn ? Thằng Đản phôn nói có người muốn gặp tao, không ngờ là mầy !
Đọc trong ánh mắt bốn thằng bạn cũ tràn ngập nổi vui mừng tôi có vợ, nhất là vợ Việt nam, điều này hứa hẹn tôi sẽ không biệt tích giang hồ như trường hợp với người vợ Mỹ. Bốn bà xã của họ cũng vui vẻ chấp nhận nàng. Tôi thầm nghĩ…Nếu tôi dại dột rinh con vợ nhí Việt nam qua đây thì một sự xung đột về nhan sắc và tuổi tác với bốn nữ tướng kia dễ bề bùng nổ, tôi sẽ rất khó lòng trở về vòng tay ấm áp với tụi bạn cũ. Nghĩ vậy lòng tôi tưng bừng nở hoa.

Vừa trở lại nhà, Đản vui vẻ phôn :
-         Ê Tốt lèn, Má mầy để quên cái bóp, khi nào rảnh ghé tao lấy.

5- Tai họa
Ngày nàng sắp sửa trở lại Pháp, tôi phải vào bệnh viện. Bác sĩ quyết định khẩn cấp mỗ, cạo chất vôi bám trên cột xương sống, là nguyên nhân chận dây thần kinh khiến chân tôi tê liệt.

Vết mỗ của tôi bị nhiễm trùng làm mủ phải mỗ đi mỗ lại bốn lần. Ngảy tái khám, bác sĩ Mỹ báo tin tôi bị Hépatitis B. Chết điếng cả người, tôi phôn hối nàng đi thử máu. May mắn mười năm trước  nàng đã chích ngừa miễn nhiễm.

Vợ chồng con gái tôi đi làm cả ngày. Đến giờ ăn, tôi mệt nhọc ăn đại món gì trước mắt, hoặc lái xe ra ngoài ăn tiệm. Bụng tôi trương phình lên và ngẹt thở, phải vào nhà thương hút nước khẩn cấp. Bác sĩ báo tin tôi cần thay lá gan mới (hậu quả lạm dụng trụ sinh trong bốn lần mỗ). Bầu trời quay cuồng sụp đổ. Không, thà chết chớ tôi không muốn kéo dài cuộc sống èo uột như người vợ Mỹ, mỗi tuần phải vào nhà thương vài lần và rốt cuộc cũng không thoát khỏi tử thần. Ngày đó Carrol còn có con gái, còn có tôi bao bọc, phần tôi chẳng có gì ngoài gánh nặng bệnh tật. Tôi quyết định về Việt nam ở với chị tôi để chữa trị thuốc Nam.


6- Việt nam
Tôi trở về căn nhà thời thơ ấu của ông bà ngoại tôi vùng Phú Nhuận. Ba bà dì không chồng ở chung trên căn nhà chính, gia đình chị tôi ở căn nhà ngang. Tôi được ở trong một phòng nhỏ bằng nửa căn nhà bếp của tôi bên Mỹ. Đây là căn phòng chị tôi xây thêm ở góc sân để má tôi dưỡng bịnh cuối đời. Mỗi bề 3m, giường chỉ cách toa –lét hai bước chân, rất tiện lợi cho người bệnh khó kềm hãm nhu cầu vệ sinh. Cũng may phòng có máy điều hòa không khí.

Những ngày mới trở về, chị và các cháu thường đưa tôi tới các nhà hàng nổi tiếng. Lần chót  tôi không thể tự mình bước cầu thang, thằng cháu phải cõng tôi lên lầu, ăn xong lại cõng xuống. Tôi quê thiệt là quê, chỉ muốn độn thổ. Ăn uống phủ phê, bụng tôi trương phình mau chóng, ngẹt thở, lại vào nhà thương hút nước.

Nàng điện thoại trấn an tôi:
-         Mấy đứa em của em nói anh đừng lo. Báo Cali đăng rần rần ca sĩ Trường Kỳ bị ung thư bác sĩ Mỹ chạy, ổng về Việt nam chờ chết, không ngờ số ổng hên gặp thầy chữa thuốc Nam nào đó giỏi dàn trời. Nghe nói ổng lành bệnh xong cưới một con bồ nhí, mới đẻ đứa con trai.

Những loại tin tức này gây phấn chấn cho nàng và cả cho tôi, mặc dù không ai có thể bảo đảm tuần sau hoặc vài tháng sau Trường Kỳ vẫn còn tại thế. Tôi không cần con bồ nhí, tôi chỉ cần nàng, người đàn bà tuổi nhai trầu thích nghe tôi kể chuyện tiếu lâm, người mang đến cho tôi cả bầu trời hạnh phúc.

Hai giờ trưa, tôi ngồi trên băng ghế đá trong sân, đọc báo, uống càfé, thình lình nghe tiếng xe hai bánh ngừng trước cổng nhà. Một người đàn bà dáng thấp bé, mặt bịt khăn, đầu đội mũ bảo vệ tròn vo, áo khoác rộng dài tay, kiểu thời trang Sài gòn làm xấu thành phố. Tôi liên tưởng đến con vịt đẹt. Con vịt đẹt tiến lại gần tôi, lột mũ và khăn che mặt, nở nụ cười kiểu La Joconde. Hôm nàng dẫn tôi tới viện bảo tàng Louvre, cùng đám đông ngắm bức tranh, nàng nói: “Ngày Léonard de Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa, nàng đang buồn về cái tang đứa con gái yêu quí, vì vậy nàng choàng khăn đen lên tóc. Muốn giảm bớt sầu thảm, Léonard gọi ban nhạc và mấy tên hề tới diễu. Những trò nhảy lộn nhào khiến nàng mỉm cười, nụ cười mập mờ không xác định buồn hay vui đã làm cho bức tranh nổi tiếng”.

Minie, người vợ bé của tôi đang nở nụ cười Mona Lisa, nụ cười vui mừng phút giây tao ngộ lẫn lộn nổi buồn gã chồng bỗng dưng hết xí quách. Nàng hôn nhẹ lên má tôi:
-         Anh biết ai đây không?
Tim tôi thót lại, mừng mừng tủi tủi:
-         Ủa, sao em nói còn hai tuần nữa mới dzề!?
-         Em đổi vé, nói trước làm chi, để anh ngạc nhiên chơi!
 Chị Hai mời nàng vào phòng khách. Giọng nàng dõng dạc:
-         Em nghe anh bị hút nước trong bụng, em nghĩ là bịnh tình trầm trọng nên em đổi vé về sớm hơn. Em gái em ở Cali nói người ta đồn có ông thầy Châu Đốc chữa ung thư gan giỏi lắm. Em dẫn anh đi nghen anh!

Tôi không thích bị ai dẫn dắt, cương quyết:
-         Không.
 Nàng lục lọi trong bao nhựa đem theo, rút tờ báo Phụ Nữ, đọc lớn tiếng:
-         “Bác sĩ cho biết bịnh ung thư vẫn có người sống thêm 10 năm 14 năm, vẫn sinh con nhờ thuốc men và chế độ ăn uống cẩn thận”. Trên internet bác sĩ Pháp cũng viết y chang, em có ghi rõ nhân chứng, vậy buổi trưa em nấu và em cùng ăn với anh. Anh đọc nè.
-         Khỏi cần đọc. Anh hổng phải ung thư.
-         Thì anh bị gan nặng cũng phải chữa chớ. Anh thương em chìu em chút đi mà.
 Giọng nàng mềm như bún kèm theo gương mặt thiểu não. Tôi mềm lòng nói nhỏ:
-         O.K, đi thì đi.

Tôi mệt mỏi vào phòng nằm nghỉ. Nàng vào theo, rút cặp bánh bao vất đại trên bàn, vẫn mặc áo thun hai dây hở đôi vai trần và quần jean chật bó nằm ké né bên tôi. Tôi rời giường lục tủ đưa nàng cái quần xà lỏn :
-         Trời nóng thấy bà, em thay cái này cho thoải mái.
 Tôi ôm nàng vào lòng, rưng rưng cảm động, tay vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán nàng, hai đôi môi tìm nhau nói lên bao niềm nhung nhớ..
 Giường chật hẹp chỉ đủ chỗ cho một người…rưỡi. Muốn nằm thẳng người,  nàng bắt buộc trồi lên đầu tôi, cánh tay phải sát vách tường duỗi thẳng dọc theo thân hình và cánh tay trái duỗi ngang. Nằm dưới nách trái nàng, nếu tôi xoay người qua phải thì mặt mũi chạm ngay hai trái cam chưa đến nổi khô queo. Tôi luồn tay vuốt ve những vùng nhạy cảm, chắc lưỡi:
-         Nhỏ con mà cái gì cũng đầy đủ!
 Cảm nhận lời khen, ngực nàng ưỡn sát vào mặt tôi và tấm thân mềm mại uốn éo như vũ nữ múa điệu Ai Cập huyền bí. Tôi thầm thì:
-         Cái mặt thấy ghét! Cho anh dzớt cái nha em!
 Lập tức stop màn uốn éo, nàng hốt hoảng:
-         Thượng mã phong đó! 
 Tôi thở dài. Quả thật tôi không tin tưởng “chú A37” cho lắm! Sợ chú bay không ra bay, “chú” lảo đảo chỉ làm mất mặt đàn anh. Nếu chắc ăn, cần gì tôi phải qua thủ tục xin phép mất thì giờ. Tôi làm thinh không nài nỉ, hai bàn tay ngưng táy máy, chớm lo ngại đột nhiên nàng đổi ý phấn khởi tinh thần hợp tác.
Tưởng tôi buồn, nàng xoa đầu trọc an ủi:
-         Để khi nào anh lành bệnh rồi muốn dzớt bao nhiêu thì dzớt!

Buổi tối nàng về nhà em gái. Hơn 6 tháng trời mới gặp lại nhau, tôi vẫn ngủ chèo queo một mình. Càng nghĩ càng uất hận ông Trời sao nỡ chơi khăm! Thời còn sức khỏe thì những đêm triền miên nuốt tiếng thở dài bên cạnh người vợ trẻ bịnh hoạn.
 Sáng hôm sau nàng đem tới đồ ăn nấu sẵn. Sau hai lần bị hút dịch tràng, chị dọn cho tôi ăn một mình, chén bát để vào một mâm riêng. Tôi có cảm tưởng  mọi người e dè tôi vì sợ căn bịnh truyền nhiễm nhưng cố gắng giữ lịch sự tối thiểu. Các cháu lễ phép chào cậu rồi lẫn tránh thật nhanh. Ông anh rể lạnh nhạt, chỉ trừ chị Hai gần gũi tôi nhiều nhất, nhưng chị em hỏi han vài câu là hết chuyện nói, nhất là chị cũng đang khổ sở về bịnh đau khớp chân.
 Đi Châu Đốc về, cả nàng và tôi đặt nhiều hy vọng. Ba chén thuốc Nam uống mỗi ngày đưa tôi đến tình trạng đi tiêu, đi tiểu liên miên.

Theo lời thầy thuốc, nàng cho tôi ăn cá sông. Cử dầu, gia vị, nước mắm, chỉ trừ được thêm nghệ và gừng. Rau luộc cũng lạt nhách. Tôi quạu quọ:
-         Em đừng nấu nữa, để chị anh nấu.
-         Vậy buổi trưa chị anh nấu cho em ăn luôn à!?
-         Thì em ăn xong hãy tới.
-         Không.
-         Tại sao em ăn chung với anh?
-         Cho vui. Anh thấy chưa, em ăn giống như anh dễ dàng mặc dù em không bịnh.
-         Em khác anh khác!
-         Khác ý chí. Cho dù anh không muốn em cũng cứ nấu đem tới, ăn hay không ăn là quyền của anh.
 Tôi cau mặt lạnh lùng:
-         Em đừng tới nữa, em về đây làm anh mất tự do.

Ba bà dì và chị tôi nói tôi tên Tốt nên số tôi tốt, bịnh gần chết còn có “hồng nhan tri kỷ” cận kề săn sóc. Bụng tôi xẹp xuống, da mặt hồng hào hơn trước. Mỗi 4 giờ rưỡi sáng, tôi chống walker bước chầm chậm quanh những con đường gần nhà. Mặt trời chưa lên, thành phố còn ngái ngủ thoang thoảng mùi cống rãnh. Thỉnh thoảng một con chuột ló đầu dáo dác. Vài quán hàng chuẩn bị mở cửa, xe chạy thưa thớt. Cho dù Sài gòn thay đổi, nhưng những con đường hồi nhỏ tôi thường đi qua tuần tự trở về sống động trong trí nhớ.

Những buổi sáng cảm thấy khỏe, tôi ra trước sân ngồi đọc báo. Nghe tiếng xe ôm ngừng trước cửa, xuất hiện dáng dấp người đàn bà thấp bé tay xách túi đồ ăn, bịt mặt như dân khủng bố, tôi vui vẻ chọc:
-         Con dịch đẹt hôm nay sao tới trễ dzậy!
 Nàng trả đũa:
-         A ha, ngày nào cũng xô đuổi người ta, rứa mà tới trễ chút xíu anh “sáng chói” (sói trán) cũng để ý. Con dịch đẹt tới trễ vì nghe điện thoại bên Mỹ gọi. Ba hỏi thăm anh đó.

Ngồi bên nhau không lâu, khoảng 15 phút tôi phải lết vào toa –lét. Mỗi lần trở lại sân với nàng, nhìn khoảng trời xanh, nổi bực bội tù túng khiến tôi mất tự chủ. Vào phòng ăn, nàng xin phép cháu tôi mượn bếp. Vừa luộc rau vừa kể:
-         Hồi sáng em bị trợt té trong phòng tắm, tay bầm đen nè!
 Mặt tôi đanh lại:
-         Sao không chết phức cho rồi!
 Hai đứa cháu lớn nhìn nhau nhướng mắt ngạc nhiên về lời độc ác. Tôi chờ nàng nổi cơn thịnh nộ nhưng sắc mặt nàng vẫn không thay đổi. Tôi chê nàng không biết xới cơm, tôi chê cá tanh, tôi đòi thêm nước mắm. Nàng điềm đạm:
-         Em biết anh rất bực bội và anh không thể trút giận vào ai ngoài em cả. Nếu điều đó giúp anh khỏe hơn thì anh cứ việc tiếp tục, còn muốn chọc tức để em không tới nữa chỉ là vô ích.

Vẻ bình thản của nàng khiến tôi càng khổ tâm.
Ăn xong tôi vào phòng trước, một lát sau nàng vào nằm kế bên tôi, tay trái nhè nhẹ xoa đầu trọc. Tôi hất tay nàng:
-         Đừng đụng anh. Anh quăng em ra cửa bi giờ.
 Như trò chơi con nít, tôi hất tay nàng, nửa phút sau nàng vẫn tiếp tục vuốt ve cái đầu trọc. Sừng sộ vẫn không ăn thua gì, tôi mệt mỏi chịu thua.

Một lúc sau tôi quay người, đầu nép sát vào ngực nàng, tôi nghe rõ tiếng tim nàng đập và giọng nàng nghèn nghẹn:
-         Gan anh nát bấy rồi!
 Tôi nổi tức:
-         Em nói gì kỳ dzậy!?
-         Anh cứng đầu thì em nói sự thật luôn. Anh bị ung thư thời kỳ chót. Hôm anh mới về, chị Hai dẫn anh đi bịnh viện hút nước bụng hay dịch tràng gì đó, bác sĩ Việt nam đưa kết quả ghi chữ K có nghĩa là giai đoạn cuối cùng, có nghĩa là cancer. Bây giờ tâm hồn anh đang dao động, hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Anh muốn ăn ngon để rồi chết sớm thì cứ yêu cầu chị Hai nấu. Em yêu anh, em muốn anh sống cho dù anh tật nguyền. Theo kinh nghiệm, những người bị cancer mà ăn thả dàn đến khi hấp hối sẽ rất đau đớn.

Nàng nghẹn ngào, vội vã rời khỏi phòng. Tôi ngồi ôm đầu nghe đất trời sụp đổ. Cancer, ung thư. Trời hỡi! Hạnh phúc mới lóe sáng đã vội vã tắt ngúm. Bụng tôi quặn đau, mới đứng lên, chưa kịp vào toa – lét, chất lỏng tanh tưởi tuôn xối xả xuống hai ống chân teo tóp.

Rửa ráy và thay đồ xong, tôi chống walker ra sân. Nàng đang ngồi trên băng ghế, buồn bã nhìn vào khoảng không. Tôi hút xong cả gói thuốc vẫn chưa trấn tỉnh. Nàng dịu dàng để bàn tay lên đùi tôi, bắp đùi nhăn nheo chỉ còn da bọc xương. Tôi bùi ngùi nói nhỏ:
-         Cancer lây bịnh đó em!
-         Em biết anh cancer khi còn ở Pháp, chính vì vậy em đổi vé về sớm hơn.
-         Số mệnh đã như dzậy thì cũng đành chịu thôi!
-         Em không đồng ý. Anh và chị anh bị Nho giáo chi phối. Khổng Tử cho rằng “Tử sanh hữu mạng, phú quí tại thiên”, rằng con người không thể cãi lại mệnh Trời, con người cần phải đặt hết mọi niềm tin vào ý chí của Trời. Khổng Tử cũng nói :“bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã” , không hiểu mệnh Trời, không xứng đáng là người quân tử (Luận ngữ - Thiên Nghiêu viết). Anh có nhận thấy Nho giáo triệt tiêu mọi nỗ lực chuyển hóa, hướng thiện của con người, giao phó toàn bộ đời mình cho một đấng quyền năng quyết định!? Hồi còn đi học, có một số điểm em không phục Khổng Tử, nhất là ổng đưa ra những nguyên tắc bất công đối với phụ nữ.
-         Theo Phật giáo, con người tạo ra nghiệp sẽ không thể và không bao giờ trốn thoát được những nghiệp do mình gây tạo ra.
-         Anh nói đúng, nhưng điểm khác nhau giữa nghiệp (Phật giáo) và số mệnh (Nho giáo) ở chỗ, nghiệp do chính con người tạo ra, bất định tính nên nghiệp có thể chuyển hóa được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa nghiệp báo của mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại. Năng lực chuyển hóa Mãn nghiệp trở thành tốt hơn hoặc xấu đi được gọi là Năng tiêu nghiệp. Tác dụng của Năng tiêu nghiệp trong đời sống hiện tại rất lớn. Một người thông minh và khỏe mạnh là kết quả của Mãn nghiệp, nhưng nếu sống buông thả, đồi trụy thì trở nên ngu đần, ốm yếu. Năng tiêu nghiệp đã làm tiêu hủy nghiệp tốt của người này. Ngược lại một người với quả báo Mãn nghiệp bị bịnh tật nhưng nhờ biết cách bảo vệ sức khỏe vẫn chiến thắng bịnh tật, như Stephen William Hawking – nhà Vật lý người Anh của thế kỷ hôm nay, tuy bị liệt toàn thân chỉ còn ba ngón tay nhưng vẫn liên tục đưa ra nhiều phát minh quan trọng.  Thuyết Nghiệp khích lệ con người hành động và tiến bộ, hoàn toàn không phải tiêu cực, yếm thế như Nho giáo.

Nàng bóp nhẹ tay tôi và nói tiếp:
-         Một tháng rưỡi trước bác sĩ nói với chị Hai rằng anh chỉ còn sống được ba tháng, khuyên chị cứ cho anh ăn những gì anh muốn. Vậy tính ra anh chỉ còn một tháng rưỡi nữa thôi. Em nghĩ nếu anh ăn uống cẩn thận, sự sống sẽ được kéo dài. Chị anh muốn giấu anh vì không muốn anh đau khổ. Chị Hai thương anh theo lối của chị, em thương anh theo lối của em. Em muốn anh biết rõ sự thật. Em muốn anh can đảm, không bi thảm hóa và lẫn tránh nó, vì như vậy giai đoạn hấp hối sẽ thê thảm hơn. Theo quan điểm Phật giáo, suy ngẫm để chuẩn bị cái chết rất quan trọng. Mặc dù sự tái sinh của ta phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nghiệp, song tâm trạng ta vào lúc chết ảnh hưởng không nhỏ tới tính chất của tái sinh kế tiếp.

Tôi bỏ bữa ăn tối, nằm gậm nhấm nổi buồn trong bóng đêm. Ba chữ “tôi bị cancer”ngân nga mãi trong đầu từ trưa nay, từ từ dịu xuống và thiếp đi vào giấc ngủ.

Cây mai trước ngõ trổ bông vàng rực rỡ. Tôi lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên cành cây, ngước mắt thấy hai con chim nhỏ đứng cạnh nhau, tim tôi se thắt. 33 năm xa xứ, cái Tết đầu tiên trên quê hương chỉ đầy hương vị chua chát. Nàng ngồi bên tôi, nói:
-         May mà mồng một Tết em có anh bên cạnh.
-         May cái gì! Anh bị cancer mà may cái gì!
-         May là hiện tại mình được gần nhau. May là số anh quá cha thiên hạ! Ngay tại thành phố Sài gòn mà nhà anh ở có vườn cây như vườn Thượng Uyển; hòn non bộ cá lội thảnh thơi, cây cối xum xuê mát rượi, chim hót và có cả đàn piano nữa.

Bỗng dưng tiếng đàn im bặt, nàng ngoáy cổ vào phòng khách la lớn :
-         Hay quá! Đàn nữa đi con.
 Thằng cháu nhỏ tập tễnh vào nghề, hứng chí dạo thêm vài bản. Tôi cười:
-         Đàn trật lất. Em đừng khen nữa để nó đi chơi chớ!
 Nàng nói tiếp:
-         Số anh y chang số Hoàng tử. Dưỡng bịnh có ba người đàn bà hầu hạ: em nấu ăn, chị anh sắc thuốc, em gái anh giặt quần áo. Còn muốn gì nữa! Mấy năm trước em tới viện ung bướu Sài gòn thăm người bạn bị ung thư vú, em thấy hai người bệnh nằm chung một giường, có người nằm dưới đất, nóng nực hôi thúi như địa ngục. Thân nhân ngồi chò hỏ trong sân viện, mặt lo âu vì thiếu tiền hơn là vì lo cho người bệnh. Anh đẻ bọc điều chắc! Em thích câu nói: “Con người đánh mất hạnh phúc thường là do mong muốn một hạnh phúc cao hơn hạnh phúc mà mình đang có”.

Những lời nàng nói có tác dụng mạnh, nổi bất hạnh uất ức trong tôi từ từ dịu xuống.

Mồng hai Tết tôi bồn chồn nhìn đồng hồ, gặp dì trước sân tôi buột miệng hỏi:
-         Dì thấy dzợ con tới chưa?
-         Chưa. Mày đuổi nó quoài sao giờ mày còn hỏi!?

Tôi đuổi nàng vì tôi không muốn nàng khổ, nhưng nàng không tới thì tôi khổ.

Hôm nay nàng tới trễ. Dọn đồ ăn ra bàn xong, nàng buồn bã báo tin:
-         Ba em mất rồi. Ba bị đứng tim bất ngờ.
Tôi bàng hoàng sửng sốt. Ba nàng không bịnh hoạn gì cà. Đáng lý tôi phải là người đi trước ông.
-         Kể từ hôm nay em không ăn giống anh. Em ăn chay 49 ngày.
 Tôi theo nàng vào phòng. Nàng thổn thức, hai vai run nhè nhẹ. Tim tôi se lại. Ôm nàng vào lòng, tôi vỗ về:
-         Anh xin chia buồn với em.

Bây giờ dưới mắt tôi, nàng chỉ là đứa con gái bất hạnh mang nổi đau khổ của người con mất cha. Trong tôi bỗng lai láng niềm thương xót. Nếu không vì tôi, giờ này nàng đang trên đường  qua Cali dự đám tang thân phụ. Tôi quên bệnh tật, cảm thấy có bổn phận phải an ủi nàng. Bàn tay gầy guộc của tôi vận dụng hết sức lực thoa nhè nhẹ tấm lưng mầu mỡ, tai tôi lắng nghe tiếng giảng phát ra từ CD, điều mà trước đây tôi vẫn nghe nhưng không chú ý:
“Đức Phật dạy: Thân bệnh nhưng đừng để tâm bệnh. Chúng ta có thể không thể làm được gì nhiều cho thân nhưng chúng ta có thể làm được gì đó cho tâm. Chúng ta có thể giữ tâm bình tĩnh khi chúng ta đau yếu. Chúng ta có thể theo dõi sự tăng giảm của đau đớn, nó đến và đi từng đợt như thế nào. Chúng ta có thể hiểu biết bản chất của khổ đau. Chúng ta có thể gặp nó và học hỏi từ nó. Chính nó là một cuộc thử nghiệm – Làm sao chúng ta hiểu rõ bản chất của sự sống, làm sao chúng ta hiểu rõ ràng không có cái ngã thường còn nơi đây mà chỉ có sự thay đổi liên miên của sinh và diệt, giống như dòng sông trôi chảy bất tận. Làm sao chúng ta hiểu rõ chính cái vô minh, tham ái, luyến chấp, giận hờn, sợ sệt… của chúng ta là nguyên nhân của khổ đau.”

Những buổi trưa kế tiếp nằm bên tôi, nàng quen tật nhõng nhẽo:
-         Hồi hôm em ngủ không được, anh thoa lưng dùm em cho em ngủ một chút xíu.
 Tôi cau mặt:
-         Không!
-         Tội nghiệp em, em bị mồ côi.
-         Anh cũng mồ côi.
-         Anh mồ côi lâu rồi, em mới mồ côi cha, em buồn, em khổ hơn anh nhiều.

Vai trò bỗng dưng đảo ngược… Một người bịnh cancer gần chết phải săn sóc người mạnh khỏe. Dường như Trời sinh ra tôi để phục vụ đàn bà, dù thân xác rã rời nhưng tôi cảm thấy vui vui nghe tiếng nàng ngáy đều. Vừa ôm nàng trong tay, vừa có dịp chú tâm những lời giảng phát ra từ góc phòng:
“Nguyên nhân của khổ đau là do Luyến Ái, luyến ái người và luyến ái của cải. Luyến ái cung cấp cho chúng ta nhiều thứ để thỏa mãn cảm xúc của chúng ta, nhưng cuối cùng luyến ái trở thành nguyên nhân của đau khổ. Nếu không học điều này, cái chết có thể tấn công và khủng bố chúng ta. Khi chúng ta mang lòng luyến ái, chúng ta phải chuẩn bị chịu đựng phiền não trong lúc chia ly”.

Tôi thuộc diện khổ đau do luyến ái người. Cũng may đây là người đàn bà tuổi xế chiều nhan sắc tàn phai, nếu luyến ái loại nhí xinh đẹp thì không biết tôi còn khổ đến cỡ nào!?

Tâm trí tôi từ từ lấy lại thăng bằng. Sáng nay hiện rõ trên nét mặt khiến nàng chú ý:
-         Lâu ngày em mới thấy anh cười tươi hết xẩy!
-         Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
                    (Thiền sư Nhất Hạnh)

Hôm nay Sainte Valentine, tụi mình qua càfé Du Miên nghen em.
Nàng há hốc mồm ngạc nhiên:
-         Ơ hơ, em không nhớ. Sao lâu nay em rủ hoài anh không chịu đi!?. Đi, đi anh.

Từ quán càfé, tôi chỉ cho nàng thấy mái ngói căn phòng của tôi khuất sau bụi chuối cuối sân. Nàng nhìn quanh và có vẻ thú vị với lối décor thiên nhiên. Cảm giác đem niềm vui đến cho nàng khiến tôi tạm quên bịnh hoạn. Tôi thèm càfé nhưng bị cấm nên phải gọi trà đá. Nàng hớp một ngụm sinh tố thơm, kể lể:
-         Em có người bạn ác ôn ở bên Đức, nghĩ rằng em có số sát phu.
 Tôi cười ha hả:
-         Chớ còn gì nữa! Ai đụng tới em là từ chết đến bị thương.
-         Bà vợ Mỹ của anh cũng chết nghe chưa, vậy là anh cũng có số sát thê đó. Vì mạng em lớn mới đè được mạng anh.
 Tôi vui vẻ lập lại:
-         Đụng tới em là từ chết đến bị thương! Anh cũng vì em mà thân tàn ma dại nè. Héhé!
-         Anh nói kiểu mê tín dị đoan. Nghiệp anh cũng nặng lắm nên gặp người hết xẩy như em mà không được hưởng! Hihi, như vậy là tụi mình cọng nghiệp.
 Tôi chậm chạp chưa kiếm ra lời để phang lại nàng thì nàng nhanh nhẩu:
-         Anh theo “Phật giáo ông bà” hèn chi không hiểu chi cả. Nghiệp xấu của anh đến lúc phải trả, nhưng nhờ có hiếu nuôi vợ bịnh hơn hai chục năm, do đó Ơn Trên ban thưởng em cho anh. Anh có thấy sự huyền bí … mỗ xong anh tỉnh dậy cùng ngày em trở về Pháp, vé anh mua cho em từ bốn tháng trước tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy!?  Anh thấy chưa! ? Vì sứ mạng em đã xong, em ở lại Mỹ vô ích nên em bay về Pháp ngay. Sự sắp đặt vô hình hay hết chỗ chê. Rồi bây giờ anh bịnh, em về Sài gòn với anh không phải vì em trả nợ kiếp trước mà em là món quà tặng quí giá của Ơn Trên cadeau cho người chồng nhân đức. Có thể hiểu đây là khởi nghiệp, anh đang mắc nợ em đó, hihi!

Tôi phì cười:
-         Con dịch đẹt môi dày chu chu xạo thấy mẹ!
Nàng lém lỉnh chu thêm miệng hô ra chọc ghẹo tôi.

Mỗi khi nghỉ trưa, nàng mở CD “Tạng thư sống chết” của xứ Tây Tạng. Tôi nói:
-         Em mở quoài băng này dzậy em! Có phải vì thầy của em là dịch giả!?
-         Em không có máu phe đảng. Tại vì sách có giá trị, càng nghe càng thấm thía. Giọng thầy Tâm Kiến Chánh hay hết xẩy, giống y chang giọng của anh.

Tôi không nói gì, lắng nghe giọng đọc của người đàn ông mà nàng xác nhận giống giọng mình. Nàng ôm tôi vào lòng, tay xoa đầu tôi nhè nhẹ. Mặt ép sát vào ngực nàng nhưng tâm tôi không gợn chút ái dục, cảm giác tin cậy một đồng đội không bỏ rơi tôi, sát cánh cùng tôi chiến đấu bên cạnh giờ phút vô cùng cam go.

Chúng tôi im lặng suy ngẫm:
“Dù bạn có tin tôn giáo nào hay không, điều rất quan trọng vẫn là có được tâm an bình lúc chết. Điều đó có lợi cho sự tái sanh. Theo quan điểm Phật giáo, dù người chết có tin luân hồi hay không, thì sự tái sinh của họ vẫn hiện hữu. Thời gian kéo dài trung bình để một người đi tái sinh vào một cơ thể mới là 7 tuần lễ. Tuy nhiên có người sau khi chết chỉ mất 2 giây họ đã đi tái sinh vào cảnh giới khác, đặc biệt những bậc thánh thiện hoặc những kẻ đại gian đại ác. Nhưng một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến 7 năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Đặc biệt vong linh trong cõi trung ấm 49 ngày có khả năng nghe, cảm nhận tư tưởng...”

-         Nếu em chết trước anh, em sẽ ở bên anh 49 ngày.
Tôi hiểu nàng thầm nhắn nhủ tôi hãy thực hiện điều đó với nàng.

Tinh thần tôi càng ngày càng thanh thản. Mỗi chiều tôi thường rủ nàng đi ăn chè đậu đen, đậu ván ở những quán cóc bên đường. Mỗi lần nàng lăng xăng chận xe sợ tôi bị tai nạn, tôi tức uất người. Tôi bắt nàng đi vào trong lề, bổn phận đàn ông là che chở đàn bà, tôi không thích nàng làm điều trái ngược.  Sau vài lần nổi xung thiên, nàng hiểu và để yên cho tôi giữ vị trí bảo bọc nàng. Một hôm nàng hỏi tôi:
-         Hồi trước anh có bồ với bà nào không? Đưa em địa chỉ, em dẫn bả tới thăm anh.
-         Anh không có bồ nào cả.
 Nàng ngạc nhiên:
-         Em xem hình hồi trẻ, thấy anh coi được lắm! Ít nhất anh cũng có dẫn một cô đi chơi chớ!
-         Hồi học lớp đệ nhất, anh có rủ một cô cùng lớp đi ciné.
 Mắt nàng thích thú sáng lên:
-         A, anh kiss cổ trong rạp ciné.
-         Hổng dám đâu! Anh chỉ khều mấy ngón tay thôi. Sau đó cổ giận anh.
-         Anh hiền queo, chỉ dám khều mấy ngón tay thôi à. Vậy mà giận à, vô lý!
-         Hổng phải. Hôm đó đông đảo chen lấn mệt hộc xì dầu. Gần hết phim cổ hối anh: “Đông người quá mình ra trước, hông thì chút nữa chen lấn hôi lắm!”. Anh nói :“Thì cũng đã hôi rồi !”.

Nàng cười ngặt ngoẽo và láu lỉnh hỏi tiếp:
-         Vậy anh còn trinh với bà vợ Mỹ à!?
 Tôi phì cười:
-         Trinh cái lỗ rún. Hồi còn đi học, có thằng bạn dưới quê lên Sài gòn thuê nhà trọ, tụi anh hùn tiền bao một em nhím. Thời đó dzui thật là dzui!
-         Thanh niên mới lớn lên hầu như ai cũng vậy!
 Được nàng khuyến khích, tôi hứng thú kể tiếp:
-         Sau đó tụi anh thằng nào buổi sáng đi học bụng cũng đói meo, tại tiền dành để chích pénicilline. Hehe, thằng nào cũng đi cà náng. Ba anh hỏi, anh nói anh bị té xe đạp. Cả bọn té xe đạp. Xạo thiệt tình! Tụi anh còn phải năn nỉ bà y tá cùng xóm giữ bí mật dùm.
 Nàng cười nắc nẻ.
-         Hihi, đám anh em trai nhà em y chang đám bạn của anh.
 Tôi đổi đề tài:
-         Anh tính lành bịnh sẽ mua miếng đất vùng quê làm nhà ở. Anh sẽ nuôi vài con gà chạy lanh quanh cho dzui. Em chịu dzề ở với anh hông?
-         Không được đâu anh ơi, em ớn lắm! Anh là Việt kiều, tụi công an sẽ tối ngày kiếm chuyện đòi “quà thông cảm”, hoặc dân xì ke đêm khuya tăm tối sẽ giết anh chỉ vì mấy chục dollars. Lành bịnh anh qua Pháp với em là tiện nhất.

Có những ngày chán ngán bịnh hoạn, tôi lại nghĩ khác:
-         Anh biết đời anh tiêu rồi, em lo kiếm người khác đi.
-         Em già và xấu nữa ai mà lấy em! Chính anh cũng công nhận em xấu. Họa may nhờ anh phò hộ em, xui khiến một cha nào đó dại dột chịu nâng khăn sửa túi cho em. Ơ, em thấy tướng anh ngó bộ không linh thiêng chút nào cả.
 Nàng trả lời diễu cợt với ánh mắt láu lỉnh.
-         Cho dù anh không linh thiêng, em cũng đừng lo. Hoàng tử Charles mê bà già Camilla trong khi Diana đẹp tản thần . Em nên nhớ rằng trên đời này vẫn có những cha yêu đàn bà không phải vì nhan sắc.
-         Hơi hiếm! Nếu gặp một người nào đó giống như anh, em mới chịu.
-         Làm sao có người nào mặt mũi giống anh được!
-         Xí, ý em nói giống tính tình của anh kìa. Làm như anh đẹp trai lắm!
 Cả tôi và nàng cùng cười, quên hẳn mình đang ở trong hoàn cảnh mếu máo.

Thấm thoát ba tháng trôi qua, chỉ còn vài tiếng nữa nàng lên máy bay trở về Pháp. Tôi ngồi trên giường, hai chân dạng ra ôm lấy nàng đứng giữa. Hai tay nàng không ngừng ve vuốt đầu tôi.
-         Sao em dzày dzò đầu anh quoài dzậy?
 Nàng áp sát đầu tôi vào ngực nàng.
-         Tại em không biết để tay ở đâu!
 Nàng cười khẻ nhưng tôi cảm giác những giọt nước mắt rơi trên da đầu trọc.
-         Anh đừng ăn bậy bạ nghen anh.
-         Ờ.
-         Lành bệnh qua Pháp ở với em, nhớ mua bảo hiểm sức khỏe loại du lịch.
-         Ờ.
-         Nếu, nếu…anh có mệnh hệ nào, chắc em không về được, anh đừng buồn em nghen.
-         Bộ em nghĩ anh chết sao!?
-         Biết đâu được! Tốt nhất anh cứ chuẩn bị tinh thần, nhớ nghe băng giảng mỗi ngày, nghe đi nghe lại mới thấm anh à.
-         Ờ.
-         Và nhớ rằng em yêu anh.
 Tôi nuốt nước mắt nói:
-         Anh đi được là anh qua với em ngay.

Nàng hôn môi tôi và vội vã lấy khăn bịt kín khuôn mặt đẫm lệ. Tội nghiệp từ ngày yêu tôi, nàng khóc nhiều lần. Tôi chợt nhớ chưa bao giờ thấy người vợ Mỹ nhỏ một giọt nước mắt. Chậm chạp chống Walker, tôi tiễn nàng ra ngõ. Đứng lặng người một lúc thật lâu, tôi nhìn theo chiếc xe ôm chở nàng khuất xa cuối con đường hẽm.

Qua phôn, tôi nói chuyện với nàng một lần chót, để an tâm nàng bình an về tới Pháp. Và rồi tôi trốn tránh, vì nghe giọng nói quen thuộc đó chỉ khiến tâm hồn tạm thời an bình của tôi trở nên xao động. Tôi biết rõ mình đang may mắn không vướng bận gì khác, ngoài việc quán sát cái đau để buông cái đau, đừng dại dột rơi vào luyến ái.

Nếu tính theo chẩn đoán của bác sĩ và buông xuôi số mệnh kiểu Nho giáo thì tôi đã lìa đời từ bảy tháng trước với nổi uất ức đau khổ. Nhờ kéo dài thêm bảy tháng, là thời gian quý báu giúp tôi chấn chỉnh quan niệm về cái chết, chấp nhận nó như một sự việc tự nhiên. Tôi sẵn sàng rời cõi trần gian với tâm an lành, có thể nói tôi cảm thấy hoan hỉ khi giờ chết tới gần, đó cũng chính là điều nàng ao ước tôi đạt được.

11 giờ khuya. Tôi rung chuông gọi chị Hai. Tôi điềm tĩnh nói:
-         Em thấy trên trời đầy sao chiếu sáng ngời. Hình em hiện lên quanh bốn bức tường. Em nghe rõ tiếng ai gọi tên em. Hơi thở em ngắn, đứt quãng. Em biết tới giờ em đi rồi đó chị.

Chị tôi an ủi:
-         Chiếc xe hư hổng chạy được nữa, đã đến lúc phải thay xe mới. Giữ lòng thanh thản ra đi nha em.
-         Em sẵn sàng rồi. Chị à, em có lỗi nhiều với ba má phải hông chị ?
-         Hông, em hổng có lỗi gì cả. Ba má thông cảm hoàn cảnh của em. Những ngày nước mới mất, tụi nó vào nhà mình làm khó dễ quoài, điều tra“ thằng giặc lái cút theo Mỹ”.
-         Dzợ em sao chị ?
-         Nó ở Pháp làm sao chị biết. Lần nào nó gọi, em cũng hổng chịu tiếp chuyện.
-         Chân chị còn đau hông ?
-         Đau lắm em !
 Tôi cười thân mật nói :
-         Mặt bà mệt quá chời, thôi đi ngủ đi bà ơi !

7- Ra đi
4 giờ sáng thứ năm 9/10/2008…
Theo thường lệ, người đàn ông làm vệ sinh vào phòng chào hỏi :
-         Ngủ ngon hông anh Tốt ?

Tôi không trả lời.
Vì tôi đã chết.


France, khuya hôm sau…
Tôi trở lại mạnh khỏe và cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái, đi đứng bình thường không cần walker. Tôi không gặp ba má tôi, không gặp Carrol, cũng không gặp ba của nàng. Chung quanh tôi là một số người tôi không quen biết, họ đi lại với dáng vẻ thanh thản.

Điều kỳ diệu, tôi mong muốn được gặp nàng thì tức khắc tôi đã có mặt bên nàng. Tính thời gian, tôi quen nàng được 3 năm 2 tháng; gần gũi nhau tổng cọng khoảng 7 tháng. Tương tự cuộc tình ngắn ngủi của vua Chế Mân và Huyền Trân công chúa, cũng như chuyện phim Love Story.

Tôi bồi hồi ngắm tấm hình đặt trên bàn ngủ. Tấm hình tôi và nàng chụp hôm picnic vùng Nam Cali, tươi cười dựa vai nhau ngồi bệt trên bãi cỏ xanh mướt. Nàng đang say ngủ, cái cổ ngấn nọng làm nàng già hơn sáu tháng trước. Tôi nằm cạnh nàng với tâm hồn bình thản.

Chợt biết có tôi bên cạnh, nàng hấp háy mắt nhìn tôi. Giọng nàng vui mừng ngái ngủ:
-         Anh qua với em đó à !
 Tôi cười nhẹ và lập lại câu nói hôm chia tay :
-         Anh đi được là anh qua với em ngay.

Nàng dường như không mảy may ngạc nhiên, cánh tay nàng ôm choàng qua bụng tôi làm vòng khóa êm ái, mỉm cười và tiếp tục ngáy đều. Mân mê những ngón tay nàng theo thói quen những ngày chưa bịnh hoạn, mắt tôi nhìn lên trần nhà màu trắng. Một màu trắng tinh khiết và tang tóc.

Nàng tỉnh giấc, ngơ ngác tiếc nuối giấc mơ vô cùng sống động. Nàng không ngờ rằng thế giới nàng đang sống chỉ là mộng, thế giới nàng nằm bên tôi trong giấc ngủ mới chính là thật.

Nàng điện thoại về Việt nam nói chuyện với chị tôi, biết tôi ra đi trong một trạng thái tốt lành, và linh tính tôi đang ở bên cạnh nàng, tư tưởng nàng truyền đạt đến tôi lời khen ngợi :
-         Em rất hãnh diện vì anh.

Bây giờ nàng đang mang nổi buồn ủ rủ của loài chim lẻ bạn, não nề của loài người khóc cô đơn. Tôi có nhiệm vụ an ủi nàng, nhắc nhở nàng phấn đấu, tiếp tục đời sống bình thường. Mỗi ngày nàng nhận nhiều mails bạn bè khuyên đừng buồn nhưng vô hiệu quả. Khi màn đêm buông xuống, nàng thổn thức nghe tôi vỗ về:
-         Em còn nhớ những điều chúng mình đã từng nghe qua : « Ta không thể nào tránh né khổ đau. Khi ta cố tự vệ chống lại đau khổ, thì ta chỉ càng thêm đau khổ và không học được gì về kinh nghiệm khổ đau ». Em nên lấy làm an ủi: « Một trái tim chưa hề mở ra nhận chịu sự mất mát, một trái tim được che chở, luôn vô tư an ổn, thì không thể biết yêu thương ».

Nước mắt nàng ràn rụa. Tôi tiếp tục thầm thì:
-         Em hãy suy nghĩ lời giảng hữu ích : « Đừng dập tắt nổi đau khổ của bạn, hãy chấp nhận nó và giữ tâm nhạy bén với nổi khổ đau. Dù tuyệt vọng đến đâu, bạn hãy nhận nổi đau khổ như nguyên trạng của nó, vì kỳ thực nó đang đem lại cho bạn một món quà vô giá, nhờ tu tập, bạn sẽ có cơ hội tìm ra được cái ẩn dấu sau nỗi đau buồn. Đau buồn có thể là khu vườn bi mẫn. Nếu bạn mở lòng ra với mọi sự, thì nỗi khổ có thể trở thành đồng minh lớn nhất của bạn trên đường tìm kiếm từ bi và trí tuệ. »

Tôi nói thêm :
-         Em nên ghi nhớ điều quan trọng mà anh đang trải qua kinh nghiệm: « Những kiến thức thu lượm được trong vấn đề tôn giáo không có giá trị gì cả . Tôn giáo là một điều phải tự kiểm chứng lấy qua sự thực hành ».

Trước khi vĩnh viễn ra đi, tôi muốn tiếp xúc với chị tôi, với con gái tôi và một số bạn thân nhưng thất bại. Tôi chỉ liên lạc được ba người. Đứa cháu dâu trong giấc mơ thấy một đám mây trắng nhẹ nhàng bốc lên từ thân thể tôi, chầm chậm bay lên cao và tan loãng vào không gian như làn khói. Cháu thức dậy nhìn đồng hồ đúng 2 giờ sáng, như vậy chị tôi sẽ hết thắc mắc về giờ giấc chính xác tôi trút hơi thở cuối cùng.

Hôm sau, thằng bạn thân ở Chicago mừng rỡ ngạc nhiên gặp tôi trong giấc ngủ:« Tao nghe nói mầy chết rồi mà !». Tôi tươi cười trả lời : « Ờ, tao về thăm mầy đây».Vậy càng hay, người bạn Công giáo này là nhân chứng hùng hồn về thuyết siêu hình.

Có lẽ linh hồn là dòng điện tinh tế, muốn phát ra phải chạm đúng tần số tương tự làn sóng đài phát thanh. Tôi liên lạc với nàng dễ dàng, có lẽ vì nàng tập trung mãnh liệt tư tưởng vào tôi cùng với thiện chí ăn chay 49 ngày. Chắc hẳn sức mạnh tình yêu đã giúp chúng tôi.

Tôi bảo nàng vào trang nhà « Cánh Thép ». Những đồng đội vẫn chưa quên tôi, có đứa thương tôi làm thơ khóc bạn. Có đứa nhắn nhủ : « Mầy linh thiêng phù hộ tụi tao nghen Tốt ». Tụi nó không biết rằng tôi có khả năng nghe và đọc được tư tưởng của người khác nhưng tôi không có quyền phép gì để phù hộ ai cả. Tôi vẫn là tôi. Tôi chỉ lìa bỏ cái xác phàm bệnh hoạn. Linh hồn của tôi trong cuộc đời hiện tại này đến từ linh hồn của đời trước và là nguyên nhân của linh hồn trong đời sau.

Nàng đọc đi đọc lại mấy lần lời phân ưu của Phong, tôi thầm cám ơn đây cũng là điều tôi muốn nói:
« Từ khi gặp Tốt và chị, tôi đã vui mừng vì Tốt đã có cả một khung trời hoa mộng, dẫu là ngắn nhưng tôi đoan chắc một điều là Tốt cất cánh trong phi vụ cuối cùng để đi vào miền miên viễn với nụ cười hạnh phúc ».

Mùi hương thơm ba cây nhang phảng phất trong đêm khuya tĩnh mịch. Tôi và nàng ngồi trước màn ảnh computeur, nhưng duy nhất bóng đen của nàng cô đơn phản chiếu lên bờ tường lạnh lẽo. Tôi không hôn nàng vì tôi không muốn cả hai thêm bịn rịn. Tôi mân mê những ngón tay nàng… những ngón tay một ngày không xa cũng sẽ trở thành cát bụi. Nó chỉ tạm thời là dụng cụ của con người trên dương thế, chỉ là phương tiện cho tôi nhắn gởi dòng tâm thức.

Tôi nói câu cuối cùng :
-         Hôm nay đúng 49 ngày, anh phải bye cưng. Bài viết này anh muốn lấy tựa đề « 49 ngày với em ». Cưng nghĩ sao ?

(Nguyễn văn Tốt, từ trần 9/10/2008)
.
.
.


Tạp Ghi của Huy Phuong
Saturday, March 26, 2011 3:05:07 PM

“Anh hùng có sá chi thua được,
Tiết nghĩa nào phai với đất trời.”
(Thủ Khoa Huân)

Chúng ta đã biết một nước Nhật anh hùng, người Nhật có trách nhiệm với quần chúng và tổ quốc. Trong chính quyền, các viên chức gây ra sự tổn thất hay tai nạn trong phần trách nhiệm của mình đều tự xử bằng cách nhận lỗi và từ chức.

Những sĩ quan Nhật lúc sa cơ thất trận biết chọn cái chết cho mình để tròn khí tiết. Trận Okinawa với quân đội Mỹ kéo dài 82 ngày, kết thúc vào tháng 6, 1945, trong những giờ phút cuối cùng biết không giữ nổi đất đai của tổ quốc, ngày 15 tháng 6, trong một hang động lớn, Ðại Tá Kanayama, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 27BB tập hợp 102 người còn lại của trung đoàn. Ông ta làm lễ đốt quân kỳ trung đoàn và nói:

“Trong ba tháng vừa qua, anh em đã cùng tôi chiến đấu. Lòng dũng cảm, chí hy sinh, sức chịu đựng của anh em, lịch sử sẽ khắc sâu. Nay tôi nói lời cám ơn anh em đã phục vụ quên mình. Giờ đây, tôi tuyên bố giải thể trung đoàn. Từ nay trở đi, anh em không còn bị ràng buộc, tôi lãnh trách nhiệm về việc này. Riêng tôi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại đây. Nhưng tôi cấm anh em theo tôi. Ra lệnh cho anh em phải sống để kể lại cho hậu thế biết quân đội Nhật Bản đã anh dũng chiến đấu như thế nào ở Okinawa.”

Ðoạn Ðại Tá Kanayama rút gươm mổ bụng. Ðại Úy Sato chặt đầu người chỉ huy theo đúng nghi thức rồi hô to TennMheika banzai! (Thiên Hoàng vạn tuế), dứt tiếng hô, ông chĩa súng lục vào đầu bóp cò tự sát.

Cũng trong ngày 21 tháng 6, trong chỉ huy sở của mình tại Mabumi, Tướng Ushijima và mọi người đều hớt tóc, cạo râu. Sau đó ông viết thư trình lên Thiên Hoàng Hiro Hito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo. Thư được điện về Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoàng Gia tại Tokyo. Cuối cùng, ông nói với Ðại Tá Yahara:
“Ðại Tá Yahara, ông cũng như tôi lẽ ra phải tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng tư lệnh của ông ra lệnh cho ông phải chịu cái nhục này.”
Yahara do đó là sĩ quan cao cấp bên phía Nhật sống sót sau trận đánh và về sau ông đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Trận Ðánh Vì Okinawa.”

Chiều ngày 22 tháng 6, Tướng Ushijima và Tướng Cho quỳ gối hướng về phía Bắc (hướng Hoàng Cung) vái ba vái và tiến hành lễ tự sát. Tướng Cho đưa cổ cho Ðại Úy Sakaguchi chém đầu. Tướng Ushijima lấy gươm tự mổ bụng, tiếp theo đó bảy sĩ quan tham mưu cùng tự sát. Ngày 2 tháng 7, trận Okinawa chính thức chấm dứt.

Hai tháng sau trận Okinawa, trong giai đoạn cuối cùng của Ðệ II Thế Chiến, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima and Nagasaki của Nhật Bản, sáu ngày sau, 15 tháng 8, 1945, Nhật Hoàng mới dứt khoát chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam, đồng ý đầu hàng. Biết tin này, một số sĩ quan trẻ trong quân đội Nhật định làm đảo chính, định tiêu diệt phái chủ hàng và buộc nhà vua chấp nhận quyết chiến đến cùng. Nhưng cuộc đảo chính đã không xẩy ra, khi lệnh đầu hàng ban ra, nhiều tướng lĩnh và sĩ quan đã tự sát, trong đó có Bộ Trưởng Lục Quân Anami, Ðại Tướng cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Sugiyama, Ðại Tướng Tư Lệnh miền Ðông Tanaka...

Vào tháng 4 năm 1975, khi quân đội Cộng Sản đang trên đường tiến vào Nam Vang, người Mỹ đã mời Thủ Tướng Sirik Matak và toàn bộ chính phủ Miên nên ra đi, vì ở lại thì sẽ bị Khờ Me Ðỏ sát hại. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Thủ Ttướng Sirik Matak đã viết một lá thơ vô cùng cảm động gởi cho đại sứ Mỹ tại Nam Vang là ông John Gunther Dean. Lá thư đầy nghĩa khí và tiết tháo của một người anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần,” nhưng cũng đầy cay đắng như sau:
“Tôi chân thành cám ơn lá thư của quý ông, và ngỏ lời đưa tôi đến bến bờ tự do. Tôi thì không thể rời bỏ nơi này một cách hèn nhát đến thế. Ðối với quý ông và nhất là đối với đất nước nhân hậu này, tôi chưa hề tin rằng quý ông có ý nghĩ từ bỏ một dân tộc muốn tìm chọn tự do. Quý ông đã từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi đành bó tay. Quý ông đã rời bỏ chúng tôi, chúng tôi thật lòng ao ước quý ông và quý quốc sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng hãy nhớ rõ điều này, nếu tôi có chết ngay bây giờ, trên mảnh đất mà tôi yêu mến, thì cũng chỉ vì mọi người sinh ra rồi sẽ có ngày trở về cát bụi. Tôi chỉ có một lỗi lầm là đã tin vào người Mỹ các ông.
Xin ngài, người bạn quý, nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.”
(Hoàng Tử Sirik Matak)

Khi Khờ Me Ðỏ vào toàn bộ chính phủ Miên đều bị giết, riêng gia đình ông Sirik Matak, từ con cháu đến các người giúp việc trong nhà ông đều bị Khmer Ðỏ sát hại.

Trong những ngày cuối cùng của VNCH, trước khi người Mỹ quyết định bỏ mặc cho VNCH tự chiến đấu chống cộng sản, Ðại Sứ Martin của Hoa Kỳ đã chính thức gặp Tổng Thống Trần Văn Hương và mời tổng thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào, cũng như hứa sẽ bảo đảm cho tổng thống một đời sống xứng đáng với cương vị tổng thống cho đến ngày trăm tuổi.
Tổng Thống Trần Văn Hương đã trả lời: “Thưa ông đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Ðã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi bỏ nước ra đi, tôi rất cám ơn ông. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông đại sứ đã đến viếng tôi.”

Ngày 30 tháng 4, 1975, Saigon thất thủ sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Bắc Việt, Quân Ðội Việt Nam chúng ta không thiếu anh hùng: bốn tướng lãnh VNCH đã tự sát, đó là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Vùng 2 Chiến Thuật, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh SÐ21BB, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh SÐ5BB. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã dùng độc dược, và ba tướng lãnh sau dùng súng ngay tại Bộ Chỉ Huy của mình.

Cũng như Ðại Tá Kanayama, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 27BB của trận Okinawa, Tướng Vỹ của Bình Dương đã triệu tập một phiên họp bất thường, thật ngắn ngủi, để giải thích cho mọi người rõ lệnh đầu hàng. Ông nói: “Lệnh bắt chúng ta buông súng bàn giao cho địch, nói thẳng ra là đầu hàng... Vì tôi là một tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành được lệnh này. Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của Quốc Gia hơn các anh em, nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi.”

Cảm thấy nỗi nhục thất trận, không phải chỉ hàng tướng lãnh, cấp tá như Trung Tá CSQG Nguyễn Văn Long, đã tự bắn vào đầu, chết dưới chân tượng TQLC trước Quốc Hội, Trung Tá Trần Ðình Chi, An Ninh Quân Ðội đã tự sát tại văn phòng ông ở Biên Hoà. Một hạ sĩ quan Quân Cảnh đã kết liễu đời binh nghiệp của mình tại Biệt Khu Thủ Ðô, và nhiều binh sĩ Nhảy Dù đã choàng vai vây vòng tròn với nhau trên đường lui ở Ngã Ba Ông Tạ, cũng như những toán TQLC trên bãi biển Tư Hiền, với những quả lựu đạn mở chốt để cùng chết với nhau.

Quyết định chọn cái chết là khó, nhưng cái chết diễn ra rất nhanh, chọn sự sống là dễ, nhưng sự sống kéo dài làm người ta tủi nhục.

Trong khi đó ngày 7 tháng 5, 1954, Ðiện Biên Phủ thất thủ, tướng chỉ huy De Castries đã ra đầu hàng, bị bắt làm tù binh và được trao trả sau Hiệp Ðịnh Genève. Ông rời quân ngũ năm 1959 và qua đời năm 1991 tại Paris, Pháp. Ông có trở lại thăm chiến trường xưa nhưng không hề ca tụng kẻ thù. Trái lại Ðại Tá Bigeard, bị bắt tại Ðiện Biên Phủ, sau 50 năm đã ca tụng kẻ thù và chê quân đội Pháp.

ương tự như vậy, bên cạnh những hào kiệt đã tuẫn tiết, quân đội chúng ta cũng có những mạt tướng không chịu chết cho đời thương tiếc, mà sống để lại ô danh và tủi nhục cho đồng đội đã hy sinh xuơng máu cho sự nghiệp, chạy về quị lụy ôm chân kẻ thù xưa. Bên cạnh những anh hùng, cũng có những kẻ phản bội. Chúng ta liên tưởng đến hai câu thơ của Cụ Phan Bội Châu: “Dù lịch sử, cha ông thây kệ - Nhục hay vinh họ kể gì đâu!”

Người xưa đã nói: “Không lấy thành bại mà luận anh hùng.” Nếu hôm nay chúng ta mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 còn ngẩng mặt nhìn đời được là nhờ hào quang của những người đã chết, rửa mặt cho Miền Nam. Còn chúng ta sống, kéo dài cuộc sống làm sao để cho khỏi hổ thẹn.
.
.
.

No comments: