Wednesday, March 30, 2011

NHẬT BẢN, HÃY CỐ LÊN! (Komago Shigeru)

30.03.2011


Lời giới thiệu & bản dịch và của Giao
Xuân phân là tiết khí thứ 4 trong 24 tiết khí của một năm, thường rơi vào ngày 21 tháng 3 dương lịch. Đó là ngày mà trường độ của đêm và của ngày được xem là ngang nhau. Xuân phân đến thường cho người ta biết rằng, chẳng mấy chốc nữa là đến tiết Thanh minh, là đến mùa hoa anh đào trên khắp quốc đảo Nhật Bản. Vào đúng ngày đó, trên tờ Nihon Keizai Shimbun (Báo Kinh tế Nhật Bản, gọi tắt là Nikkei) xuất hiện bài “Nhật Bản, hãy cố lên! Vấn đề của nước này nhìn thấy từ siêu động đất”.
Tác giả Komago hiện là Trưởng Ban Biên tập Tokyo của Nikkei. Ông là một kí giả sinh và lớn lên sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã trải nghiệm những năm tháng khốn cùng của nước Nhật bại trận sau năm 1945, cũng như thời kì cất cánh của đất nước này vào các thập niên 1970-1980. Bản tiếng Việt dưới đây sẽ dịch thoát ý ở một số chỗ.
Hà Nội, tháng 3/2011
Giao

---------------------

NHẬT BẢN, HÃY CỐ LÊN!
Kamago Shigeru

Siêu động đất và đại sóng thần vừa rồi là thảm họa lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai mà nước Nhật phải đương đầu. Xin chân thành bày tỏ lòng ai điếu đối với rất nhiều người tử nạn, và xin gửi lời thăm hỏi tới những người đang chịu nạn.

Cuộc chiến với hậu quả của động đất mới bắt đầu, Nhật Bản đang từ từ đứng dậy. Nước máy, điện lưới, đường xá, cảng biển đang nhanh chóng được khôi phục, nhà tạm dành cho nạn nhân vùng động đất được xây dựng. Có rất nhiều thành phố, thị trấn đang dang rộng vòng tay chào đón cư dân của vùng động đất đến lánh nạn.

Ở Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 (trực thuộc Công ty Điện lực Tokyo), lực lượng phòng cháy chữa cháy, quân đội và hơn 500 chuyên gia đang từng giờ từng phút vật lộn với công việc làm nguội các thanh nhiên liệu. Mọi người đang làm việc trong sự giác ngộ sâu sắc về mối nguy hiểm thường trực: bị nhiễm phóng xạ nồng độ cao, lò phản ứng có thể nổ tung.

Hôm trước, ở trạm nghỉ giải lao trên đường cao tốc, tôi đã gặp các chiến sĩ trong lực lượng quân đội đang tiến vào vùng bị nạn ở tỉnh Fukushima. Một người trong đó nói với vẻ mặt tươi: “Giả như tình trạng xấu nhất xảy ra, cũng sẽ bám trụ đến giây phút cuối cùng”.

Tuy đã có người ở vùng chịu nạn tỏ ra nôn nóng hay cáu giận trước sự cứu trợ có phần chậm trễ, nhưng vượt lên tất cả, là tình đoàn kết và trách nhiệm công việc rất cao mà chúng ta đang thấy ở hiện trường. Chúng ta đang từng bước đứng dậy.

Tất nhiên tình trạng vẫn thực đáng quan ngại. Nếu không làm nguội được các thanh nhiên liệu ở nhà máy điện nguyên tử thì chắc chắn chất phóng xạ sẽ được phát tán. Để tránh được trường hợp xấu nhất, cần phải có quyết đoán phát huy được sức mạnh tổng hợp của chính phủ, ngành điện lực Tokyo, quân đội Nhật Bản, lực lượng phòng cháy chữa cháy, cảnh sát, quân đội Mĩ.

Bây giờ, xuất hiện nhiều người có vai trò thuyết trình về tình trạng thảm họa, nhưng lại chưa thấy được vị tổng chỉ huy hạ quyết lệnh. Gánh chịu trách nhiệm về sinh mệnh của người đang cứu nạn, về sự an toàn của quốc dân, về vận mệnh của quốc gia, không thể ai khác, chính là thủ tướng.

Đảng cầm quyền cũng như các đảng đối lập, ngay cả khi này, vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm, hành động theo hướng ưu tiên lợi ích của đảng mình, chưa đoàn kết lại với nhau trong một trận tuyến để cứu trợ người chịu nạn và khôi phục vùng chịu nạn. Cứ như thế này, người ta sẽ phải nghi ngờ rằng quốc gia và thủ đô đã bị tê liệt. Đã xảy ra không ít thiệt hại do thông tin sai lạc.

Vai trò của chính trị không chỉ là ở đối sách với nhà máy điện nguyên tử. Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã đưa ra dự tính: công việc khôi phục sau siêu động đất lên tới 20.000 tỉ Yên. Chính sách chủ yếu hiện nay của Đảng Dân chủ là đề án tiền trợ cấp dành cho trẻ em và miễn phí hóa lộ phí cao tốc, người ta vốn vẫn đặt những nghi vấn vào hiệu quả của chúng, thì nay, rõ ràng, phải gác lại một số việc để dồn cho nguồn tài chính cứu trợ, khôi phục.

Chúng ta có thể huy động nguồn vốn rất lớn vẫn đang được bảo lưu trong nước, và phát hành trái phiếu chính phủ, qui định một số loại thuế mang tính lâm thời để dành cho khôi phục hậu quả siêu động đất. Có thể xem đây như là một cơ hội tốt để lên kế hoạch tổng thể cho một xã hội an toàn, an tâm, tiết kiệm. Nếu không thể làm được như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ dễ bị đá văng ra khỏi thị trường.

Trong mấy năm gần đây, thế giới đã liên tiếp bị đe dọa bởi 3 đợt “sóng thần” ghi danh vào lịch sử. Thứ nhất, bắt đầu từ vụ Lehman Shock nổ ra ở Mĩ năm 2008, các nước tốp đầu thế giới bị chao đảo bởi giảm phát. Một lượng tiền rất lớn được tung ra cứu trợ từ ngân hàng trung ương của các nước, nhờ đó, cơn khủng hoảng đã tránh được. Nhưng cũng theo nó mà đợt sóng thứ hai nổi lên ngay: tiền dư thừa đã sinh ra khủng hoảng và suy sụp ở các nước mới nổi.

Đợt sóng thứ ba là dân chủ hóa thông qua mạng ở vùng Trung Đông và Bắc Phi. Kết quả của hành động trấn áp đợt sóng này đã đưa đến việc các nước Âu Mĩ tấn công Libi. Sự hỗn loạn này sẽ cùng với sự dư thừa tiền tệ làm đẩy cao vật giá lên, tiếp tục uy hiếp các nước tốp đầu và các nước mới nổi.

Thêm vào đó, lần này, khủng hoảng nguyên tử và khủng hoảng nguồn linh kiện/phụ tùng chính là đợt sóng thần nổi lên từ Nhật Bản. Cú ngã này của Nhật Bản là một sự kiện lớn của thế giới. Đối sách của chính phủ tiếp tục chậm trễ thì sẽ không hề lạ nếu phương án “các cơ quan của quốc tế vào cuộc toàn diện” được đưa ra. Lời khích lệ “Hãy cố gắng lên” vọng đến từ nước ngoài, chắc hẳn, còn có nghĩa là “Hãy tự đứng vững đi”.

Doanh nhân rất mẫn cảm với tiếng gọi như vậy. Một cán bộ kinh doanh thuộc một hãng điện tử lớn thổ lộ: “Bây giờ phải bằng mọi cách nhanh chóng tăng lượng sản xuất ở miền Tây Nhật Bản, tức vùng không bị khủng hoảng về điện, và ở nước ngoài, để có thể cung cấp kịp thời linh kiện cho thế giới”. Người đó cũng cũng nhấn mạnh: “Nhưng chúng tôi không muốn bị chỉ trích là đã bỏ chạy khỏi miền Đông Nhật Bản. Bây giờ, cán bộ công nhân viên đang được chuyển đi một cách lặng lẽ”.

Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Đông Nhật Bản, nơi đang mất điện triền miên, sang Tây Nhật Bản và nước ngoài, là một quyết sách hợp lí. Doanh nghiệp mau chóng hồi phục thì đất nước mau chóng vững lên. Chúng ta hãy dũng mạnh ưỡn ngực mình ra, và trả lời cho thế giới biết rằng: “Nhật Bản đang cố gắng đây!”

Siêu động đất đã làm nổi rõ vấn đề thường trực của nước này, là “20 năm đã mất”, tức liên tục trong suốt 20 năm qua kinh tế dẫm chân tại chỗ. Tôi muốn kì vọng rằng, ý thức đó sẽ làm nên “kì tích thứ ba”, tức là kì tích nối sau Minh Trị duy tâncất cánh sau chiến tranh. Hôm nay là ngày xuân phân. Tháng tới, mùa hoa anh đào sẽ đến với cả các vùng vừa chịu nạn.

Nhật Bản, hãy cố lên!

Ngày 21 tháng 3 năm 2011
KOMAGO Shigeru
--------------------------

Bản gốc tiếng Nhật:
.
.
.

No comments: