Thursday, March 31, 2011

NGƯỜI KHMER KROM TRONG CHẾ ĐỘ LAO TÙ VIỆT NAM

Quốc Việt, Thông tín viên RFA, Phnom Penh
2011-03-31

Một người Khmer Krom bị bắt sau khi trở về từ Thái Lan đang bị bênh rất nặng trong lúc ông này đang bị tạm giam tại nhà tù huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Chính quyền sẽ đưa ra tòa truy tố vào sáng thứ Năm trong khi có tin rằng, ông này bị Công an tra tấn dã man trong tù lao.

Phương thức khai thác, giam cầm kinh hoàng và dã man

Nguồn tin từ gia đình ông Chau Hêng, một người Khmer ở miền Nam của Việt Nam bị vu cáo đứng đầu nhiều cuộc biểu tình và tổ chức khiếu kiện đất đai lâu nay đang bị giam giữ tại trại giam huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, ông Chau Hêng đang có sức khỏe suy kém, bị khủng bố tinh thần, rất đáng lo ngại.

Bà Neáng Thuôn, nói với Đài Á Châu Tự Do sau khi đến thăm nuôi người chồng vào sáng thứ Tư, ngày 30 tháng 3 rằng, ông Chau Hêng bị cơ quan cảnh sát điều tra huyện tạm giam hơn ba tháng nay tuy nhiên phía gia đình vẫn không được phép đến thăm nuôi. Ngày 29 tháng 3, Cơ quan cảnh sát huyện Tri Tôn mời bà cùng gia đình đến gặp mặt ông ấy trong lúc có Công an Sở đến điều tra người tù đang bị tạm giam tại trại huyện. Buổi thăm nuôi đầu tiền kể từ ngày ông ấy bị bắt vào hôm 17 tháng 12 năm 2010 được diễn ra trong khung cảnh nước mắt đầm đìa vì ông ấy không thể nhận ra vợ con, sức khỏe suy kém và tinh thần bị khủng bố.

Bà Thuôn kể lại về cảm thông lần thăm nuôi đầu tiên rằng:
-“Lần đầu tiên tôi được phép đến thăm nuôi ông ấy, nhưng ông ấy không thể mở mắt nhìn chúng tôi, và cũng không thể nghe, hiểu hay trả lời chúng tôi. Tình trạng sức khỏe của ông ấy giống như một người bị chích thuốc mê, bị khủng bố tinh thần, ông ấy chỉ biết ngồi yên tại chỗ dù tôi hỏi thăm ông ấy nhiều lần. Hôm qua, họ mời tôi đến gặp mặt ông ấy trong lúc Công an Tỉnh xuống làm việc, nhưng tôi không thể tưởng tượng được Công an dã man như vậy vì khi sức khỏe ông ấy còn tốt thì họ không cho phép tôi đến thăm nuôi. Ngược lại trong lúc ông ấy không thể nói chuyện, Công an lại gọi tôi đến gặp mặt ông ấy. Tôi nghĩ rằng, ông ấy bị chích thuốc vì ông ấy không biết chúng tôi nói gì với ông ta.”

Bà Neáng Thuôn cho biết thêm rằng, vào sáng thứ Tư, bà tới Cơ quan cảnh sát điều tra để xin phép đến thăm nuôi chồng bà lần hai sau khi bà nhận thấy tình trạng sức khỏe ông ấy suy kém như vậy, tuy nhiên bà bị Công an huyện từ chối và bảo rằng hãy chờ gặp mặt ông ấy tại phiên tòa xét xử vào lúc 7 giờ sáng thứ Năm, ngày 31 tháng 3. Bà nói rằng, Công an đối xử với chồng bà dã man chỉ vì ông ấy tham gia khiếu kiện đất đai.

Bà nói thêm, “Việt Nam đàn áp chúng tôi, bắt giam giữ chúng tôi khi họ nói chỉ tạm giam 3 tháng nhưng cho giam đến bây giờ chưa thả cho dù ông ấy bị bệnh rất nặng, họ cũng không chịu tha, tôi kêu gọi thế giới giúp đỡ can thiệp. Ông ấy không làm gì sai, ông ấy chỉ khiếu kiện đất đai. Người khiếu kiện đất đai không phải chỉ một mình ông ta mà đã có 400-500 trăm đơn. Vậy tại sao, Công an bắt một mình ông ta.”

Không phải chỉ có trường hợp ông Chau Hêng

Sư Danh Tôl, hiện đang định cư tại Thụy Điển, trước đó bị Chính phủ Sóc Trăng bắt bỏ tù hơn 22 tháng sau khi tham gia biểu tình chống chính phủ Việt Nam vào ngày 8 tháng 2 năm 2007 kể lại rằng, trong thời gian ông bị giam cầm tại tù ngục của Việt Nam, ông thường bị Công an điều tra đưa ra tra tấn, đánh đập, treo giò, buộc phải uống thuốc hay bị chích thuốc để lấy lời khai vào lúc 12 giờ đêm. Trong quá trình điều tra, Công an buộc ông phải nói theo lời khai đã được viết sẵng trên tờ giấy là có tham hoạt động chính trị và kết cấu với bọn phản động ở ngoài nước, khi không có kết quả xác đáng, thì Công an vu cáo về tội làm rối loạn xã hội, gây rối trật tự công cộng; còn đối với những người tù lương tâm khác cũng không có trường hợp ngoại lệ.

Sư Danh Tôl kể lại lần bị tra tấn trong trại giam, “theo kinh nghiệm tôi từng bị tù Việt Nam, 100% trong thời gian lấy lời khai họ sẽ chích thuốc hoặc cho uống thuốc. Hơn nữa, ở trong trại giam chỉ có một mình thôi, vừa bị chích thuốc, vừa bị áp bức tinh thần do giam giữ trong một phòng kín gọi là tù ngục(biệt giam). Mình không thể ở trong một cái tù đơn giản đâu mà là tù ngục.
Do vậy, mình rất nguy hiểm về tinh thần và sức khỏe vì bị đánh đập và chích thuốc đến phạm nhân như chúng tôi. Lúc 12 giờ khuya họ đưa ra tra tấn, đánh đập. Họ muốn làm gì thì làm, chẳng có ai biết, chẳng có ai nghe gì cả. Trong những thời gian bị tra tấn, đánh đập đó, mình không thể nói lên những tiếng nào được. Những lời khai họ ghi ra hết rồi, nhưng họ bắt buộc mình phải nói theo lời khai của họ. Trường hợp mình phản đối, mình không chấp nhận lời khai đó, họ sẽ đánh đập mình.”

Đối với trường hợp ông Chau Hêng, sư Danh Tôl nhận định rằng ông ấy đương nhiên bị tra tấn dã man trong tù ngục của Công an huyện Tri Tôn vì ông ấy từng là người đứng lên khiếu kiện vụ đất đai, là người từng bị chính quyền chụp mũ có tham gia tổ chức phản động ở ngoài nước, thậm chí ông ấy là người từng chạy sang Campuchia và Thái Lan để xin tỵ nạn vì trước đó Chính quyền địa phương truy nã. Sư Danh Tôl nói:
“Không phải chỉ cá nhân tôi, nhưng mọi người đều nhìn thấy trường hợp ông Chau Hêng là một trường hợp không bình đẳng, bị ép buộc. Trường hợp ông Chau Hêng này hoàn toàn không bình đẳng đối với nhân quyền, quyền của còn người sống trên đất nước Việt Nam. Do vậy, nhà nước Việt Nam đã vi phạm nhân quyền con người, làm mất sự bình đẳng đến ông Chau Hêng.”

Đâu là sự thật

Tuy nhiên, phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam Lê Minh Ngọc tại Campuchia nói rằng, vẫn có một số tổ chức mượn các vấn đề tôn giáo, nhân quyền, dân tộc để thực hiện âm mưu kích động bạo loạn và khủng bố chống phá cuốc sống yên lành ở Việt Nam. Chính sách dân tộc nhất quán của nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Ông Ngọc nói:
 “Đối với người Khmer Krom, đã rất nhiều lần người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nói Việt Nam tôn trọng tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như nhau, mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật. Hầu hết ở Việt Nam đã có đại dịch mà làm đúng theo Pháp luật, không có vụ nào Việt Nam làm oan sai. Từ xưa đến nay, tất cả vụ án được xét xử đều theo đúng trình độ pháp luật và không hề có phân biệt đối xử.”

Ông Chau Hêng bị Công an xã Châu Lăng bắt tạm giam từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 2010. Sau đó, Trung tá Đào Văn Hùng, Trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, ra thông báo quyết định tạm giam thêm 87 ngày vì vi phạm điều 143 tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, và điều 245 gây rối trật tự công cộng theo Bộ Luật hình sự của Việt Nam. Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn sẽ tiến hành xét xử vụ án này vào lúc 7 giờ sáng, ngày 31 tháng 3 năm 2011.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Quốc Việt, Thông tín viên RFA, Phnom Penh
2011-03-31

Sáng ngày 31 tháng 3, Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tiến hành xét xử sơ thẩm một người Khmer Krom tên Chau Hêng, 57 tuổi, quê quán ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, sau khi ông này bị Cơ quan cảnh sát điều tra huyện này tạm giam hết 104 ngày.
Ông Chau Hêng bị Tòa án huyện Tri Tôn kết án 2 năm tù giam vì tội hủy hoại cố ý làm hư hỏng tài sản, và gây rối tật tự công cộng, thông tín viên Quốc Việt có thêm chi tiết:

Lời cảnh báo nghiêm khắc

Bà Neáng Thuôn, vợ của bị cáo nói với Đài Á Châu Tự Do sau khi kết thúc phiên tòa rằng, đã có gần 30 người tham dự tại phiên Tòa, gồm có hai vị sư sãi đại diện cho đồng bào người sắc tộc Khmer ở Việt Nam, còn phía thân nhân gia đình thì Công an mời 4 người, tuy nhiên họ không có Luật sư bào chữa. Những người này cũng không được phép phát biểu, và vợ bị cáo cũng vậy.
Thẩm phán của tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù giam đối với ông Chau Hêng. Gia đình bị cáo có quyền kháng án lên Tòa trong vòng 15 ngày. Bà Thuôn nói rằng, tình trạng sức khỏe của chồng bà suy kém rất đáng lo ngại. Tại phiên tòa, ông không thể cử động, không nhận ra mẹ con, thậm chí không hề cất tiếng trả lời và nhiều lần ngất xỉu.
Nhưng căn cứ vào lời khai được chiếu lại tại phiên tòa mà Công an điều tra được trong trại giam, ông Chau Hêng thừa nhận đã tổ chức gây rối trật tự công cộng, và làm hư hỏng tài sản. Tại phiên tòa, vợ bị cáo liên tục kêu oan và phủ nhận tội trạng bị cáo buộc. Sức khỏe bị cáo suy kém trầm trọng như vậy, ông ấy sẽ không thể chịu đựng được mức án 2 năm tù.
Một trong số 4 người phụ nữ được Công an mời đến tham dự tại phiên tòa xin không tiết lộ danh tính nói rằng, vụ án của ông Chau Hêng là một vụ án được sắp xếp trước bởi cơ quan thẩm quyền vì họ có ý đồ đàn áp, khủng bố tinh thần những người dân tộc tham gia tổ chức khiếu kiện đất đai hoặc chống đối chính phủ Cộng sản Việt Nam. Bà nói:
“Người ta mời có bốn người. Tôi đi, tôi cũng muốn nói dữ lắm nhưng người ta không hỏi. Người ta hỏi bằng chứng người ta không.
Mình không được phát biểu gì hết, bên chính quyền đã mời Luật sư nhưng bên mình đâu có luật sư đâu. Biết ai là Luật sư của mình, không có ai hỏi tới mình nữa…Người ta đổ tội cho mình không à. Bây giờ người ta dứt khoát phải bỏ tù hai năm. Không biết sẽ ra sao chú ơi, người ta bắt buộc…Người ta xử ông ấy (Chau Hêng) như vậy, ông ấy không nói chuyện được. Ông thở không được mà người ta nói ông ấy làm bộ…Chú ơi, chú ! Người ta (công an an ninh đến giám sát không cho nói chuyện với phóng viên) lại tới rồi…Dạ! Da! Họ tới rồi! Tới rồi…”

Quốc Việt tường trình từ Campuchia

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: