Wednesday, March 30, 2011

5 ĐIỀU NHÀ BÁO NÊN HỌC TỪ BLOGGER (John Einar Sandvand)

Beta Tales   -   Ngày 23-6-2010

Người dịch: Thủy Trúc
Đăng bởi anhbasam on 30/03/2011

Trong nghề kể chuyện trên thế giới số, nhiều nhà báo chuyên nghiệp nên khôn ngoan mà học hỏi từ những blogger hàng đầu. Dưới đây là một số bí quyết.

Trong vài năm qua, đã rất nhiều lần tôi giật mình nghĩ: Nhiều blogger đang vượt xa phần lớn các nhà báo chuyên nghiệp trong nghề viết lách trên mạng.
Sau đây là 5 lĩnh vực mà tôi nghĩ nhiều nhà báo nên học từ thực tiễn của các blogger tài năng. Và, vâng, tôi biết ở đây tôi đã quá khái quát hóa. Nhiều nhà báo rất giỏi ngón nghề này – và trên mạng thì cũng có có vài blogger dở tệ. Nhưng tôi vẫn nghĩ đây là những bí quyết giá trị, nếu bạn so sánh một phóng viên đưa tin điển hình với các chuyên gia viết blog tài giỏi hơn phóng viên.

1. Dẫn nguồn
Thật xấu hổ, nhưng rất nhiều nhà báo chuyên nghiệp không dẫn link tới nguồn của câu chuyện họ kể. Và nếu có dẫn link thì, một số nhà báo thích link tới trang chính của nguồn, chứ không phải tới địa chỉ URL cụ thể của nơi cung cấp thông tin.
Để lấy một ví dụ về cung cách tùy tiện này của nhiều nhà báo, bạn có thể kiểm tra bài viết trên CNN về blogger Trung Quốc Han Han (nhà văn, blogger “nổi loạn” Trung Quốc, tên Hán Việt: Hàn Hàn – ND). Không có nổi lấy một cái link đến blog của Han Han, mặc dù đó là chủ đề của bài. (http://edition.cnn.com/2010/TECH/web/06/03/han.han.china/index.html?hpt=Mid)
Cung cách ấy khá khác với nhiều blogger nổi tiếng trên mạng. Trong thực tế, hầu hết blogger dường như muốn đưa link càng nhiều càng tốt. Điều ấy giúp độc giả dễ kiểm tra nguồn hơn.

2. Cập nhật thông tin
Mọi sự việc, mọi câu chuyện kể đều thay đổi. Đôi khi người ta phát hiện ra lỗi, hoặc các độc giả có gợi ý hay về cách sửa sang sao cho bài viết được hấp dẫn hơn.
Ở trên báo, khó mà tiến hành bất cứ sự thay đổi nào – ngoài việc viết một mẩu đính chính trên số báo tiếp theo. Trên web, việc này hoàn toàn khác. Các bài viết có thể liên tục được cập nhật, và mọi lỗi đều được sửa ngay lập tức.
Nhiều blogger sẵn sàng sửa đổi bài viết nếu độc giả chỉ ra lỗi của họ. Nói chung các bài viết trên blog được cập nhật thường xuyên. Ví dụ entry này ở trang baekdal.com: http://www.baekdal.com/publishing/apple-pay-full-price-for-an-ebook-you-already-bought/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+baekdalfull+%28full%29 ) kể về cách Apple làm người tiêu dùng phải trả gấp đôi tiền cho cùng một cuốn sách (nhân tiện, tôi thật sự khuyến cáo bạn nên đọc blog này). Chú ý xem tác giả đã bổ sung phần cập nhật như thế nào sau lần đầu tiên xuất bản bài viết (và cũng trả lời đầy đủ các comment của độc giả – đây là điểm tiếp theo sẽ bàn).
Tôi nghĩ nhiều cơ quan truyền thông có thể làm tốt hơn thế này nhiều. Nội dung không phải là cái gì đó tĩnh, và báo điện tử không bị ràng buộc bởi dung lượng hạn chế như báo in. Tôi nghĩ họ nên cởi mở để có sự linh hoạt hơn về số những bài viết có thể được cập nhật liên tục.

3. Đối thoại không ngừng với độc giả
Đây là một phép thử: Hãy lên trang tin tức mà bạn hay chọn đọc, và kiểm tra số phản hồi (comment) tại những tin bài được thảo luận nhiều nhất ngày hôm đó. Bạn thấy bản thân nhà báo tham gia thảo luận được bao nhiêu lần?
Sau đó hãy tiến hành cũng phép thử ấy với những blog mà bạn hay đọc. Tác giả có trao đổi lại với người đọc của mình không?
Có khả năng là bạn sẽ thấy rằng các blogger giỏi nhất đều khá hơn nhà báo nhiều trong việc duy trì đối thoại với độc giả.
Tất nhiên có những ngoại lệ. Một số nhà báo giao tiếp thân thiết, hàng ngày với độc giả, trong khi đó chắc chắn có những blogger lờ đi phần việc ấy. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi nghĩ sẽ là công bằng nếu nói rằng phần lớn nhà báo phải học nhiều từ thực tiễn của blogger trong lĩnh vực này.
Theo tôi, có nhiều lý do giải thích tại sao nhà báo nên thảo luận về bài viết của chính mình với độc giả. Một số người sẽ nhận được ý tưởng, đề tài mới, nâng cao chất lượng cho thảo luận, sửa chữa các lỗi, sai của mình, và hoan nghênh sự đóng góp của độc giả.
Có thể bạn sẽ lý luận: Nhưng nhà báo nên giữ tính trung lập và không chia sẻ quan điểm cá nhân về tin bài mà họ viết. Vâng, nhưng vẫn có nhiều cách để tham gia đối thoại, ngay cả khi bạn trung thành với nguyên tắc ấy.

4. Chủ động quảng bá bài viết của chính mình
Nhiều blogger rất giỏi quảng bá bài viết của họ. Thông thường họ sử dụng cả mạng xã hội như Twitter, Facebook, Linkedin, Stumbleupon lẫn các blog khác.
Các nhà báo điển hình đều không quen đóng một vai trò chủ động trong việc quảng bá chính bài viết của mình. Họ viết xong bài và quẳng đấy cho sếp làm cái việc “tuyển” độc giả cho bài.
May mắn thay, hiện nay, nhiều nhà báo cũng là những người học rất nhanh trong lĩnh vực này. Trong vài tháng gần đây, tôi đã thấy thêm nhiều nhà báo tự hào chia sẻ bài viết của họ trên mạng xã hội. Hay lắm. Cứ thế nhé, các bạn đồng nghiệp thân mến.

5. Gắn nội dung phù hợp từ các nguồn khác vào bài của mình
Web là chia sẻ – và điều này rất rõ ràng trong giới blogger. Họ không chỉ trích dẫn và dẫn link tới blogger khác, họ còn rất vui sướng được chia sẻ những nội dung tuyệt vời, bằng cách cho phép người khác sử dụng chúng.
Nhiều blogger rất giỏi đưa các nội dung hấp dẫn từ những nguồn khác vào blog của họ. Họ tìm ra các đoạn video hay trên Youtube, tìm ra một bản trình bày phù hợp trên Slideshare, hay là sử dụng những tấm ảnh công cộng rất sáng tạo trên Flickr.
Thông thường văn hóa truyền thông có xu hướng tập trung nhiều vào nội dung của riêng mình hơn là các nội dung bên ngoài. Nhưng thành thực mà nói thì điều ấy giới hạn diện bao quát của các bạn. Tôi nghĩ là giáo sư báo chí Jeff Jarvis có một nguyên tắc rất hay: Hãy viết tất cả những gì bạn viết tốt nhất, còn lại thì dẫn link.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.


No comments: