Thursday, March 31, 2011

BẺ GÃY 10 BẰNG CHỨNG KẾT TỘI CÙ HUY HÀ VŨ (Nguyễn Tường Tâm)

Luật gia Nguyễn Tường Tâm
Thứ Năm, 31/03/2011

Sắp tới ngày lên đường tham dự phiên tòa xét xử người anh hùng Cù Huy Hà Vũ, thiết tưởng việc xem lại các luận chứng buộc tội và gỡ tội cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một việc làm hữu ích.

Để dễ theo dõi, bài này được soạn theo bố cục sau:
Mở đầu là bằng chứng số 10 là bài viết của ông Nguyễn Thanh Ty, được luật sư biện hộ yêu cầu loại trừ vì không cần thiết.
Kế đó là bằng chứng số 9 được biện minh bằng cách áp dụng học thuyết về hành vi chưa hoàn thành (incomplete attempt).
Thứ ba là bằng chứng số 8 được biện minh bằng cách áp dụng học thuyết về bằng chứng gián tiếp (circumstantial evidence).
Sau đó là 7 bằng chứng khác hoàn toàn được biện minh bởi chính luận điểm và câu văn của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong các bài do VKS viện dẫn, là ông đã nói và viết sự thật nên không thể kết án ông tội “xuyên tạc, phỉ báng” như cáo trạng của VKS.
Nói chung thì việc đánh đổ luận chứng buộc tội của VKS đối với TS Cù Huy Hà Vũ thì rất dễ dàng. Nhưng các vị chánh án và hội thẩm có xét xử theo lương tâm và luật pháp của các nước văn minh hay không lại là một chuyện khác.

TRANH LUẬN VỀ CÁC BẰNG CHỨNG

Sự thật không cần chối cãi là Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (CHHV) có “làm ra, tàng trữ, và lưu hành một số các tài liệu, và văn hóa phẩm” nhưng các tài liệu và văn hóa phẩm đó không có nội dung chống “Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam” như VKS khởi tố; mà đó chỉ là những tài liệu đương sự bày tỏ sự bất đồng ý kiến với chính quyền về một số vấn đề. Việc bày tỏ bất đồng ý kiến của đương sự chỉ là việc thực hiện những “hành vi tham gia quản lý nhà nước và thảo luận các vấn đề chung của cả nước,” một quyền Hiến định.

Nhưng để khởi tố CHHV, VKS đã viết, “Các bài viết và trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ nêu trên đã có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế nhà nước, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng…

Tóm lại, VKS đã khởi tố CHHV hai loại tội danh nằm chung trong tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” qui định ở điều 88 là:
1. Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt nam, đòi đa nguyên đa đảng.
2. Xuyên tạc và phỉ báng Đảng, Nhà Nước, chính quyền, và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Mười bài báo của CHHV được VKS dùng làm bằng chứng buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được người viết đánh số theo thứ tự từ 1 tới 10, cho dễ theo dõi và viện dẫn và sau đây tác giả xin bác bỏ từng điểm một trong bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát.

Bằng chứng thứ 10 VKS dùng để khởi tố CHHV, đó là bài của ông Nguyễn Thanh Ty có tựa đề “Bom “áp nhiệt” nổ giữa Ba Đình, VKS cho rằng bài báo đó có “nội dung xuyên tạc Đảng cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền.” Nhưng thật ra bài báo đó không có nội dung xuyên tạc hay phỉ báng chính quyền, mà bài báo chỉ tường thuật hai sự thật:
Sự thật thứ nhất là nội dung những bài viết và những phát biểu của CHHV lâu nay về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước, mà trong việc trình bày sắp tới người viết sẽ biện minh về tất cả những nội dung đó.
Sự thật thứ nhì là tuyên bố của nhà văn Trần Mạnh Hảo trong bài nói chuyện công khai tại Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ 8 diễn ra từ 4 đến 6 tháng 8 năm 2010. Nội dung các tuyên bố của nhà văn Trần Mạnh Hảo là đúng sự thật hay “xuyên tạc Đảng cộng sản, phỉ báng chính quyền” thì thiết tưởng tòa án cần triệu tập, khởi tố chính nhà văn Trần Mạnh Hảo trong một vụ án khác chứ không liên quan gì tới vụ án xét xử CHHV.
Nếu nhà văn Trần Mạnh Hảo chưa bị khởi tố về nội dung bị cho là “xuyên tạc Đảng và phỉ báng chính quyền” của bản tuyên bố của ông ta thì không thể dựa vào bản tuyên bố đó mà khởi tố CHHV tội tàng trữ bài báo đó.
Bởi vậy việc liệt kê bài báo của ông Nguyễn Thanh Ty trong danh sách các bằng chứng là không cần thiết. Tất cả những bài viết và phát biểu của CHHV bị VKS lên án đều sẽ được trình bày trong phần biện minh dưới đây.

Bằng chứng số 9 trong bản cáo trạng của VKS là bài “Bàn về Đảng cầm quyền”. Về bài báo này, VKS ghi nhận, “Vũ đang viết, chưa xong. Nội dung phỉ báng, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “… Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền hay độc tài?… chế độ chính trị ở Việt nam trên thực tế là chế độ độc đảng hay độc tài”.
Bản cáo trạng của VKS ghi nhận bài viết của CHHV chưa xong; đương sự đang viết. Như vậy bài báo này mới đang ở giai đoạn chuẩn bị, chưa hoàn thành. Về mặt học lý, một hành vi mới ở giai đoạn chuẩn bị, chưa hoàn thành thì chưa thể bị kết tội, bởi vì, theo học lý, “từ chuẩn bị tới hành động là một đoạn đường còn xa. Và trên đoạn đường đó, nghi can có thể thay đổi ý định và dừng tay lại. Luật pháp văn minh không muốn trừng phạt nghi can ở giai đoạn chuẩn bị còn vì muốn khuyến khích nghi can ngừng phạm tội; tránh tình trạng nghi can nghĩ rằng đã “mình đã lỡ rồi” nên phạm tội luôn. Xin dẫn chứng một vụ án điển hình của học lý “không trừng trị một hành vi chưa hoàn thành”, còn ở giai đoạn chuẩn bị như sau: Theo học lý, một tiến trình hành động gồm có 3 giai đoạn: lập kế hoạch (planning phase), chuẩn bị (preparation phase), và thi hành (execution phase).
Trong bài “The Problem of the Incomplete Attempt” (Vấn đề hành vi không được hoàn toàn thực hiện) viết bởi David M. Adams trên trang mạng (http://findarticles.com/p/articles/mi_hb6395/is_3_24/ai_n28719106/) về vụ án có tên “People v. Miller” trong tòa án Hoa Kỳ. Trong nội vụ, “nghi can tên Miller được tòa tha bổng tội mưu sát (attempted murder) sau khi đã báo cho một nhân chứng biết là anh ta sẽ giết một công nhân làm việc trong một nông trại gần đó. Miller mang khẩu súng trường bước vào trang trại nơi có nạn nhân dự trù đang làm việc và tiến tới nạn nhân. Khi còn cách khoảng 100 mét, nghi can dừng lại và dường như nạp đạn, nhưng không đưa súng lên nhắm. Nạn nhân bỏ chạy và nghi can buông súng trong đó đã có đạn. Rõ ràng là nghi can đã không hoàn toàn thực hiện kế hoạch dự trù.” (1)
Dựa trên học thuyết này, vì bài báo của CHHV chưa hoàn tất; đó là một hành vi chưa hoàn thành, nên không thể kết án CHHV về bài báo này.
Thêm nữa, nội dung bài báo như bản cáo trạng ghi, “… Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền hay độc tài?… chế độ chính trị ở Việt nam trên thực tế là chế độ độc đảng hay độc tài” thì chỉ là hai câu hỏi do CHHV nêu lên. Đương sự chưa xác định ý kiến của mình thì không có cơ sở gì để khởi tố thân chủ đương sự tội “phỉ báng, xuyên tạc Đảng cộng sản” được.
Bằng chứng số 8 trong bản cáo trạng của VKS là bài báo trong đó VKS viết rằng CHHV đã “kết án chính quyền chỉ nhằm tham nhũng qua bài “Đuờng sắt cao tốc Bắc Nam …”, thì ý kiến của CHHV là một sự thật khó thể chối cãi.
Tuy rằng trong bài “Đường sắt cao tốc..”, CHHV không đưa ra bằng chứng trực tiếp của sự tham nhũng, nhưng qua những vụ tham nhũng nổi tiếng tràn lan trong quá khứ của những cán bộ cao cấp trong đảng và nhà nước; trong đó có những vụ lớn như vụ tham nhũng tiền viện trợ và cho vay của Nhật Bản, vụ in tiền polimer với Úc, và mới đây nhất là vụ Vinashin thua lỗ trên 4 tỉ đô la Mỹ (Theo bài báo, “Vinashin không thể gặp chủ nợ” của đài BBC ngày mùng 7/3/2011) CHHV và dân chúng có quyền đặt câu hỏi về tình trạng tham nhũng tràn lan của các cán bộ cao cấp trong chính quyền bấy lâu nay.
Ngoài ra, để kiểm chứng sự thật trong nhận định của CHHV, Tòa cần áp dụng lý thuyết luật học về “bằng chứng gián tiếp” (Circumstantial evidence) mà hiện nay đang được tòa án ở các quốc gia văn minh trên thế giới áp dụng để xác minh là sự thật những tố giác của CHHV về nạn “tham nhũng tràn lan trong giới lãnh đạo cao cấp trong đảng và chính phủ”lâu nay. Để xác định một cán bộ nhà nước có tham nhũng hay không chỉ cần xét xem số gia tăng tài sản của họ có bất minh hay không và cùng với sự gia tăng tài sản đó họ có đóng thuế tương ứng hay không. Việc kiểm tra này thực là dễ dàng bằng việc áp dụng luật “kê khai tài sản” cho tất cả các cán bộ lãnh đạo chính phủ và trung ương đảng. Cho tới nay giới lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng và chính phủ, kể cả bộ chính trị, đã không dám áp dụng luật kiểm kê tài sản để chứng minh việc gia tăng tài sản khổng lồ của họ và thân nhân có nguồn gốc minh bạch, hợp pháp, thì không thể khởi tố CHHV tội danh “kết án chính quyền chỉ nhằm tham nhũng” qua bài báo viện dẫn.

Bản cáo trạng của VKS có viện dẫn bằng chứng số 1 là bài: “Phải đa đảng mới chống đuợc lạm quyền”, CHHV trả lời phỏng vấn của đài Châu Á Tự do (RFA) ngày 01/2/2010, trong đó VKS viết rằng CHHV đã “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền bằng lời lẽ: “hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ ngân sách Nhà nước chi vào những việc thậm chí là Mafia…”
Qua nội dung bài viết viện dẫn, CHHV đã viết lên 100% sự thật; và vì thế không thể khởi tố CHHV tội danh “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền” được, bởi vì xuyên tạc, phỉ báng là nói sai sự thật để làm mất phẩm giá hay danh dự, danh tiếng của một cá nhân hay tổ chức nào đó.
Thật là dễ dàng dẫn chứng tình trạng mafia đang nắm những vai trò cao cấp hay lãnh đạo tại trung ương hay các địa phương. Ví dụ các vụ ăn chặn tiền rồi chia chác nhau giữa những cán bộ cấp lãnh đạo đã bị các cơ quan nước ngoài tố giác với một số bị truy tố và kết án tại Việt Nam, một số không bị truy tố. Vụ nhiều nữ sinh trung học, vị thành niên bị hiệu trưởng toa rập với giới cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang hiếp dâm, cưỡng bách mua dâm sau đó bị cho chìm xuồng và 2 nữ sinh từ nạn nhân biến thành thủ phạm bị án tù…và còn nhiều vụ nữa xảy ra trong xã hội mà báo chí loan tin hàng ngày cho thấy tình trạng mafia trong giới cán bộ cao cấp trong chính quyền không phải là hiếm.
Để dẫn chứng sự thật “chính quyền xử dụng ngân sách vô tội vạ,” trong bài “Phải đa đảng…” CHHV đã nêu hai vụ việc cụ thể là vụ chính quyền giải tỏa nghĩa trang Thanh Mai ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, và vụ chính quyền tổ chức đập bỏ hàng rào ở nhà của đương sự vào buổi sáng và sau đó nhận thấy hành vi đập phá này là trái pháp luật nên đã cho lắp lại một hàng rào khác vào buổi tối cùng ngày.
Theo CHHV, đây chỉ là hai vụ điển hình của việc “chính quyền xử dụng ngân sách vô tội vạ,”. Trong thực tế còn “vô số trường hợp bị cưỡng chế, giải tỏa nhà, thu hồi đất đã xảy ra trên khắp Việt Nam.
Các vụ giải tỏa đất đai bất công đã khiến hàng ngàn dân chúng tập trung tại thủ đô biểu tình trong nhiều tháng trời trong thời gian qua đã được các báo, đài đưa tin và thậm chí cả trang mạng youtube đưa tin bằng hình ảnh. Thiết tưởng không cần nêu thêm ra đây nữa. Đó là những bằng chứng sống động của sự thật như CHHV đã viết “Hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ ngân sách nhà nước chi vào những việc thậm chí có thể gọi là mafia. Tức là dùng vào những việc hoàn toàn khuất tất, chống lại lợi ích của nhân dân. Ví dụ như là việc cưỡng chế. Cưỡng chế nhiều lúc trái pháp luật. Cướp đất của nhân dân hẳn hoi nhưng lại sử dụng tiền đấy để nuôi bộ máy đi cướp đất của người dân. Nuôi từ công an đến dân phòng, nuôi những lực lượng đi đóng cọc rồi khoanh vùng, đập phá nhà cửa của người dân. Chuyện ấy như cơm bữa ở Việt Nam, trên diện vô cùng rộng.”
Tóm lại, bài báo này hoàn toàn trình bày sự thật nên không thể được dùng làm bằng chứng kết tội CHHV “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền.”

VKS dựa trên bằng chứng số 2 là bài: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”, do CHHV trả lời phỏng vấn của đài VOA ngày 29/ 4/2010 để khởi tố CHHV đã “xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược” bằng lời lẽ: “…Tóm lại, việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nuớc không khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa”. “Nhân đây, một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ trở thành lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy truớc…”
Trước tiên, một điều đáng lưu ý là VKS đã nối liền 2 ý vốn không có liên hệ với nhau. Ý thứ nhất là “Xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược” và ý thứ hai là “việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nuớc không khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa”.
Trước tiên, để phản biện ý thứ nhất, người ta dễ dàng thấy CHHV không “xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược”. Bằng cớ là trong cuộc phỏng vấn, CHHV vẫn trân trọng tuyên bố: “Có một thực tế là Mỹ đã thua trận trước các lực lượng cộng sản Việt Nam”
Nhưng tiếp theo đó CHHV đã bàn tiếp về nghĩa chủ nghĩa cộng sản. CHHV không nói sai sự thật khi viết rằng, “chủ nghĩa cộng sản dưới màu sắc chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ là một hiện thực ở Việt Nam bởi cho đến ngày hôm nay hệ tư tưởng ấy vẫn chỉ là “định hướng” như chính ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa nhận.” CHHV cũng nói đúng sự thật khi viết tiếp, “Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê Nin là kinh tế Nhà nước chỉ huy hay kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân được coi là “bóc lột người” bị loại trừ. Thế nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá sản tuyệt đối vào năm 1985 khi chính sách giá-lương-tiền của Chính phủ Việt Nam gây lạm phát tới 900%, dẫn đến kinh tế tư nhân hay kinh tế thị trường được Đảng cộng sản Việt Nam phục hồi tại Đại hội 6 của Đảng vào năm sau, 1986.” Và CHHV cũng ghi nhận đúng sự thật khi viết, “Nhưng phải đến năm 1990 thì chủ nghĩa tư bản mới được chính danh bằng Luật Công ty và doanh nghiệp tư nhân. Và Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra cách đây 4 năm đã hoàn tất công cuộc phá bỏ chủ nghĩa xã hội bằng cách chính thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.”
Với những ghi nhận đúng sự thật như vậy, CHHV đã rất có lý khi viết, “Sở dĩ có chuyện ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói một đằng, làm một nẻo là vì họ sợ mất quyền lợi của bản thân.” Và vì thế, thật là hợp lý khi CHHV kết luận, “việc duy trì cho Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước không gì khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp của một nhóm nhỏ trong Đảng cộng sản Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa!” Khi ghi nhận đúng sự thật khách quan về các hoạt động của đảng và chính quyền từ năm 1985 tới nay thì CHHV không thể bị khởi tố tội xuyên tạc như trong bản cáo trạng của VKS. Và nhất là CHHV không “xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược” khi trong bài viện dẫn CHHV vẫn trân trọng tuyên bố: “Có một thực tế là Mỹ đã thua trận trước các lực lượng cộng sản Việt Nam”

Bằng chứng số 4 trong danh sách các bằng chứng của VKS đưa ra là bài “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”, do CHHV trả lời phỏng vấn của đài RFA ngày 31/8/2010, đồng thời gửi lên trang “Bauxite Vietnam”.
Dựa vào bằng chứng này VKS đã kết án CHHV bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nuớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ …Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nước Việt nam thống nhất đã không làm đuợc như thế mà ngược lại – phải nói thật – còn sát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức VNCH, ….đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới, để rồi bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia”
VKS đã kết án CHHV hai điểm: Thứ nhất là kết án CHHV “bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.” và thứ nhì là, “Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc.”
Trong bản kiến nghị viện dẫn, không có điều nào cho thấy CHHV “bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” như VKS vu cáo. Trái lại CHHV đã nhận định đúng đắn “Đó là cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước để Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã dành được cách đây 65 năm, ngày 2/9/1945, được toàn vẹn.” Vì vậy không thế kết án CHHV “bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” được.
Về điểm thứ nhì, CHHV đã nêu lên một sự thật khác nữa là, “một khi chiến tranh chấm dứt thì xoá bỏ hận thù giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến hay Hòa giải Dân tộc là Nghĩa vụ, và hơn thế nữa, là Đạo lý của mọi người Việt Nam. Và trong sự nghiệp Hoà giải này –những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ Chung – Tổ Quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại xum họp Một Nhà!” Sự thật này là một khát vọng tốt đẹp của toàn dân Việt sau chiến tranh cũng đã từng được cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nêu lên.
Từ sự thật trên, đưa tới một sự thật khác mà CHHV nêu lên như sau, “Trớ trêu thay, ban lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh chẳng những đã không học tập tấm gương Hòa giải dân tộc của Hồ Chí Minh, mà ngược lại, còn khoét sâu vết thương của Dân tộc bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!
Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.
Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn!”
Quả thật! Dựa vào những sự thật vừa nêu, CHHV đã “phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là phê phán chính quyền hiện nay gây chia rẽ, thù hằn dân tộc”. Việc chính quyền vẫn tiếp tục gây chia rẽ, hận thù dân tộc qua sự kiện trong 35 năm qua liên tục tổ chức lễ kỷ niệm “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua” là một sự thật cần phải chấm dứt để thực hiện Hòa giải dân tộc thực sự theo gương Hồ Chủ Tịch. Phê phán chính quyền, bằng những sự thật, là thực hiện quyền của Công dân “ tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước” theo điều 53 HP. Như vậy không ai có thể khởi tố CHHV chỉ vì đương sự vừa nêu lên một sự thực khách quan, vừa thực thi một quyền hiến định.

Bằng chứng thứ 6 trong bản cáo trạng của VKS là “Bài:  Tam quyền nhất lậpđồng lòng hại dân . VKS nhận định bài báo đó “có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” với lời lẽ: “…Vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả hành pháp, tư pháp và lập pháp đồng lòng hại dân. ngược lại 180 độ với Hiến pháp tại điều 2…” Ở đây CHHV chỉ viết sự thật và đã chứng minh các dữ kiện trong bài báo là sự thật nên không thể khởi tố đương sự tội “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng…”
Những bằng chứng của sự thật đã được CHHV dẫn chứng được tóm tắt như sau: “Vậy đâu là nguyên nhân của sự bất công nói trên? Cả bốn hộ dân khẳng định: “Văn phòng Chính phủ gạt chúng tôi khỏi danh sách tái định cư tại 218 Đội Cấn cốt thừa ra 233 m2 tại địa chỉ đắc địa này để “làm ăn”, cụ thể là xây nhà để bán cho người chưa bao giờ ở số 2 Thụy Khuê. Hiện giờ một chung cư gồm 15 căn hộ đã được xây xong và bán hết cho những người ngoài số 2 Thụy Khuê”.
Sau đó, để trợ giúp các nạn nhân, ngày 08/01/2010, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba để khiếu nại và đề nghị vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội cho biết:
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc không giải quyết Đơn khiếu nại của các công dân có quyền và lợi ích hợp pháp bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm có vi phạm Luật khiếu nại, tố cáo hay không?
2. Chánh án TAND TP Hà Nội không thụ lý Đơn khởi kiện vụ án hành chính v/v Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không giải quyết Đơn khiếu nại của các công dân bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo có vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo hay không?
3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP không giải quyết Đơn khiếu nại, Tòa án không thụ lý Đơn khởi kiện vụ án hành chính của các công dân bị Văn phòng Chính phủ xâm phạm theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì Luật này có còn giá trị hay không? Quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân này sẽ do cơ quan Nhà nước nào giải quyết?
Nhưng Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã không nhận được bất cứ hồi âm nào của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba.
Như vậy CHHV đã hoàn toàn viết đúng sự thật khi viết “Vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp đồng lòng hại dân, ngược 180 độ với Hiến pháp tại Điều 2 và Điều 3. Và do đó CHHV không thể bị khởi tố tội “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng…” như cáo trạng của VKS.

Bằng chứng số 7 trong bản cáo trạng của VKS là “Bài “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội”. VKS đã nhận định bài báo này “có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền trong việc bắt giữ, điều tra Trần Khải Thanh Thủy” với lời lẽ: “…vụ bà Trần Khải Thanh Thủy “cố ý gây thương tích” đã có dấu hiệu rõ rệt của một vụ khiêu khích hay bẫy người khác phạm tội thực hiện bởi chính cơ quan trấn áp tội phạm”(BL 141, 208 đến 212). Trái với nhận định của VKS, trong bài báo này CHHV trình bày hoàn toàn đúng sự thật. Đương sự viết,
• Bốn là, “Anh Điệp bị chảy nhiều máu, ngất đi, được nhân dân và Công an phường Trung Phụng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa”. Thế nhưng bức ảnh đăng trên báo An ninh Thủ đô ngày 10/10 lại cho thấy nhân vật Điệp ngồi để được băng bó. Không lẽ lại có kiểu “ngất ngồi”?!
• Sáu là, việc Công an lấy lời khai của các nhân chứng nhưng không một lần lấy lời khai của cháu Khuê, con gái 13 tuổi của vợ chồng bà Thủy, người đã chứng kiến “sát sàn sạt” sự việc từ đầu chí cuối.
Cũng như vậy, bà Thủy bị nhân vật Điệp đánh vào đỉnh đầu gây chảy máu (cháu Khuê đã chụp ảnh và trong nhà bà Thủy hiện còn nhiều vết máu) nhưng Công an lại không cho bà Thủy đi bênh viện và trên thực tế không báo nào đả động đến việc bà Thủy bị đả thương.
CHHV viết tiếp, các sự kiện trên đủ để nói rằng Công an hoàn toàn làm trái pháp luật khi chỉ thu thập chứng cứ chống lại vợ chồng bà Thủy và cố tình để lọt tội phạm bằng cách không đưa nhân vật Điệp vào vòng tố tụng.
Ngoài ra, tấm ảnh do Công an cung cấp in rõ ngày chụp 9/10/2009 đăng trên báo Dân trí ngày 9/10 lại bị phát hiện là một tấm ảnh ghép. Nếu tòa cho chuyên viên kỹ thuật xét nghiệm lại ngày chụp tấm ảnh sẽ thấy rõ sự ghép hình gian dối của cơ quan công an.
Nói tóm lại, những sự thật hiển nhiên vừa trình bày cho thấy việc làm hoàn toàn trái pháp luật của công an. Và do đó không thể kết tội CHHV “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền” như cáo buộc của VKS.

Bằng chứng 3 trong bản danh sách các bằng chứng của VKS là bài: “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp” do CHHV trả lời phỏng vấn của đài VOA khoảng tháng 6/2010. Dựa trên bài phỏng vấn này, VKS khởi tố CHHV về tội danh “đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và kêu gọi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp”
Quả thực CHHV có “đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và kêu gọi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp”. Nhưng nên hiểu rằng hai đòi hỏi này thực sự ra chỉ là một với hai cách diễn lời khác nhau mà thôi. Hoặc ta có thể nói “đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” hoặc ta có thể nói “đòi xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp.”
Nếu đã nói nhà nước ta tôn trọng quyền tự do ngôn luận thì việc người dân nêu kiến nghị hay yêu cầu hay đòi hỏi bất cứ điều gì trong tinh thần bất bạo động thì là quyền của họ. Không ai có thể bị khởi tố vì việc hành xử quyền tự do ngôn luận, một quyền hiến định.
Thêm nữa, để biện minh tính chính đáng cho yêu cầu của mình, CHHV đã lý luận một cách đúng đắn rằng, “Thực vậy, ở các quốc gia thực sự dân chủ hay thực sự pháp quyền thì việc công dân kiện người đứng đầu Chính phủ hay nguyên thủ quốc gia thậm chí là chuyện đáng khuyến khích vì nó thể hiện ở mức độ mẫu mực nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Thế nhưng ở Việt Nam, mặc dầu nguyên tắc trên được Hiến pháp quy định rất rõ ràng ở Điều 52 và mặc dầu được cả một hệ thống các đạo luật, từ Luật Khiếu nại, tố cáo cho đến Pháp lệnh, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành bảo hộ, việc công dân khởi kiện ra tòa quan chức chính quyền dù ở cấp thấp do có những hành vi hay quyết định hành chính trái pháp luật trên bình diện chung vẫn là bất khả thi. Nghĩa là Việt Nam đang ở trong một “quái trạng pháp luật”!
Khi lên án tình trạng pháp luật Việt Nam là một “quái trạng”, CHHV chỉ lập lại ý của hai vị luật gia khả kính của nhà nước. Người thứ nhất là Luật sư Ngô Bá Thành, luật sư dưới 2 chế độ, từng là đại biểu Quốc hội ở Hà Nội. Luật Sư Thành từng thốt lên:“Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”. Vị khả kính thứ nhì là Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trịnh Ngọc Dương. Năm 2008, Chánh án Dương đã tuyên bố xanh rờn ngay trước Quốc hội: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”
CHHV phát biểu tiếp, “nguyên nhân của quái trạng pháp luật ở Việt Nam chính là sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản được Hiến pháp ghi ở Điều 4.”
Khi phân tích điều 4 HP, CHHV nhận định “cần xem Điều 4 Hiến pháp có hợp lý không đã. Nếu không có lý thì xóa bỏ là chuyện hoàn toàn bình thường.” Sau khi trích dẫn nguyên văn điều 4 Hiến pháp là: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, CHHV nhận định, “Ở đây có nhiều phi lý đến cùng cực.
Thứ nhất, điều 4 HP ghi, “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước” mà Nhà nước là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, tức gồm cả Quốc Hội. Nghĩa là đảng lãnh đạo Quốc Hội.
Thế nhưng, cũng vẫn Điều 4 Hiến pháp lại ghi: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì điều này có nghĩa Đảng cộng sản Việt Nam phải tuân thủ Điều 83 Hiến pháp theo đó “Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Nghĩa là trên Quốc Hội không còn cơ quan quyền lực nào khác có thể lãnh đạo, có thể ra lệnh cho Quốc Hội.”
Ở đây, rõ ràng, do có điều 4 HP mà có sự mâu thuẫn giữa vai trò của Đảng và Quốc Hội như vừa phân tích. Cơ quan nào lãnh đạo cơ quan nào không rõ ràng. Đảng là cơ quan cao nhất nước như theo điều 4 HP hay Quốc hội là cơ quan cao nhất nước như theo điều 83 HP?. Việc soạn thảo Hiến Pháp, một văn bản luật căn bản mà lại có hai điều qui định mâu thuẫn nhau như vậy chứng tỏ người soạn thảo dốt nát không thể chấp nhận được. Vì thế CHHV đề nghị bỏ điều 4 HP là cách hợp lý nhất để giải quyết mâu thuẫn này.
CHHV viết tiếp, “Thứ hai, vẫn theo Điều 4 Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vì đảng là “đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Thế nhưng “đại biểu” phải là kết quả của bầu cử.” Và rồi CHHV ghi nhận một sự thật mà toàn dân, kể cả tòa án, đều biết là, “chưa có ai từng nghe Đảng cộng sản Việt Nam hay ai đó nói rằng trong cuộc bầu cử X, Y, Z nào đó đảng được “giai cấp công nhân”, “nhân dân lao động” và “cả dân tộc” bầu làm “đại biểu”cho họ.”
CHHV viết tiếp, “Nói cách khác, “đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có, nên quyết không thể là “chính danh”. Mà đảng đã không “chính danh” thì quyết không thể “lãnh đạo” bất kỳ ai!”
Rồi CHHV kết luận, “Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam vừa tạo mâu thuẫn về vai trò giữa Đảng và Quốc Hội vừa cho thấy sự mạo nhận tính cách đại biểu nhân dân của Đảng Cộng Sản, do đó điều 4 HP là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ.” Những phân tích vừa rồi cho thấy quan điểm của CHHV là hữu lý và là một đóng góp to lớn cho nền tư pháp Việt nam, vì thế không thể khởi tố CHHV về hành động hợp pháp và có chủ đích tốt đẹp đó được.




Bằng chứng thứ 5 trong bản danh sách các bằng chứng của VKS khởi tố CHHV là bài Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ vào tháng 10/2010”   . VKS nhận định bài phỏng vấn “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “…chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đang ngày càng trở lên thối nát…”.
Về bằng chứng này, có ba điểm cần trình bày. Thứ nhất, CHHV không xuyên tạc khi nói về chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Thứ hai, CHHV không xuyên tạc khi nhận định “…chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đang ngày càng trở lên thối nát…”. Và thứ ba, CHHV đã dựa vào sự thật khi kiến nghị “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”.
Thứ nhất, CHHV không xuyên tạc khi nói về chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Phần phản biện bằng chứng số 2 của VKS là bài: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 duới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”, đã trình bày rõ ràng như sau: CHHV không nói sai sự thật khi viết rằng, “chủ nghĩa cộng sản dưới màu sắc chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ là một hiện thực ở Việt Nam bởi cho đến ngày hôm nay hệ tư tưởng ấy vẫn chỉ là “định hướng” như chính ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa nhận.” CHHV cũng nói đúng sự thật khi viết tiếp, “Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê Nin là kinh tế Nhà nước chỉ huy hay kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân được coi là “bóc lột người” bị loại trừ. Thế nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá sản tuyệt đối vào năm 1985 khi chính sách giá-lương-tiền của Chính phủ Việt Nam gây lạm phát tới 900%, dẫn đến kinh tế tư nhân hay kinh tế thị trường được Đảng cộng sản Việt Nam phục hồi tại Đại hội 6 của Đảng vào năm sau, 1986.” Và CHHV cũng ghi nhận đúng sự thật khi viết, “Nhưng phải đến năm 1990 thì chủ nghĩa tư bản mới được chính danh bằng Luật Công ty và doanh nghiệp tư nhân. Và Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra cách đây 4 năm đã hoàn tất công cuộc phá bỏ chủ nghĩa xã hội, tức chủ nghĩa Mác- Lê Nin, bằng cách chính thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.”
Khi ghi nhận đúng sự thật khách quan về các hoạt động của đảng và chính quyền từ năm 1985 tới nay là không còn đi theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin nữa, thì CHHV không thể bị khởi tố tội xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê Nin như trong bản cáo trạng của VKS.
Thứ hai, CHHV đã nói đúng sự thật khi phát biểu, “…chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đang ngày càng trở lên thối nát…”. Tình trạng thối nát thể hiện trên nhiều lãnh vực trong xã hội nhưng rõ ràng nhất là trên lãnh vực tham nhũng. Một tổ chức quốc tế là tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – gọi tắt là TI), đang nhận được tài trợ của một số quốc gia cấp viện để giúp Việt Nam thực hiện chương trình “Phòng, chống tham nhũng cho khu vực nhà nước, tư nhân và xã hội” từ 2009 đến 2012, theo bản tin ngày 16-12-2010 của đài BBC đã công bố một kết quả nghiên cứu đáng buồn là tham nhũng gia tăng tại Việt Nam trong ba năm qua. Trong các lĩnh vực “cảm nhận” có tham nhũng, cảnh sát được cho là ngành đứng đầu tham nhũng ở Việt Nam – với 82% số người được hỏi đồng ý. Theo sau là giáo dục (67%), cán bộ nhà nước, nhân viên hành chính công (61%), và tư pháp (52%). Cũng theo khảo sát, 84% người được hỏi nói họ hối lộ để “đẩy nhanh công việc”. Theo khảo sát, người dân Việt Nam phải đưa hối lộ nhiều hơn so với người dân ở các nước láng giềng – cao hơn cả Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và chỉ kém Campuchia. Như vậy không thể khởi tố CHHV tội danh “xuyên tạc Đảng và chính quyền” qua nhận định đúng sự thật này.
Thứ ba, CHHV không thể bị khởi tố khi kiến nghị “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”. Quan điểm này đã được trình bày trong phần phản biện bằng chứng 3 trong bản danh sách các bằng chứng của VKS, tức là bài: “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp” do đó người viết thấy không cần nêu chi tiết ở đây nữa mà chỉ tóm tắt rằng: Nếu đã nói nhà nước ta tôn trọng quyền tự do ngôn luận thì việc người dân nêu kiến nghị hay yêu cầu hay đòi hỏi bất cứ điều gì trong tinh thần bất bạo động, kể cả kiến nghị “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam” thì là quyền hiến định của họ. Không ai có thể bị khởi tố vì việc hành xử quyền tự do ngôn luận, một quyền hiến định.
Thêm nữa, trong phần phản biện bằng chứng số 3 viện dẫn, CHHV kết luận, “Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp Việt Nam vừa tạo mâu thuẫn về vai trò giữa Đảng và Quốc Hội vừa cho thấy sự mạo nhận tính cách đại biểu nhân dân của Đảng Cộng Sản, do đó điều 4 HP là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ.” Qua những phân tích phần phản biện bằng chứng số 3, người ta thấy quan điểm của CHHV là hữu lý và là một đóng góp to lớn cho nền tư pháp Việt nam, vì thế không thể khởi tố CHHV về hành động hợp pháp và có chủ đích tốt đẹp đó được.

*

Kết luận

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có “làm ra, tàng trữ, và lưu hành một số các tài liệu, và văn hóa phẩm” và VKS đã dựa vào các bài báo và phát biểu đó để khởi tố đương sự hai loại tội danh nằm chung trong tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” qui định ở điều 88 là:
1. - Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt nam, đòi đa nguyên đa đảng.
2. - Xuyên tạc và phỉ báng Đảng, Nhà Nước, chính quyền, và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhưng qua những luận chứng nêu trên, CHHV đã không chống chính quyền tức “Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam” bằng bạo lực mà chỉ xử dụng quyền hiến định tự do ngôn luận (điều 69 HP) để hành xử một quyền hiến định khác là tham gia quản lý nhà nước (điều 53 HP). Và trong việc thực thi các quyền hiến định của mình CHHV chưa bao giờ xuyên tạc cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta; CHHV cũng chưa bao giờ xuyên tạc bất cứ một sự thật nào. Trong 10 bài báo và phát biểu, CHHV luôn luôn trình bày sự thật. Không có một chi tiết nào cho thấy là CHHV bịa đặt để xuyên tạc, phỉ báng. Và dựa vào những sự thật đó, CHHV đã đưa ra kiến nghị hữu lý và hữu ích là bác bỏ điều 4 HP, xóa bỏ vai trò lãnh đạo và “đại biểu tự nhận” của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngay cả việc đưa ra kiến nghị này cũng là việc thực thi một quyền hiến định. Do đó không thể kết án CHHV như cáo trạng của VKS được. Tòa cần phải tha bổng CHHV vì thiếu chứng cớ buộc tội.

*
Ghi chú
1- (b) In People v. Miller,(2) the defendant was acquitted of attempted murder after informing witnesses that he intended to kill a man working as a laborer at a nearby farm. Carrying a .22 caliber rifle, Miller entered the field where the intended victim worked and advanced toward him. At a distance of about 100 yards, Miller stopped and appeared to load the rifle, though he did not lift the weapon as if to take aim. The victim fled and Miller relinquished his weapon, which had been loaded with a high-speed cartridge. Miller, it is clear, failed fully to execute his apparent plan.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb6395/is_3_24/ai_n28719106/)

------------------------------------------------------

.
.
.
.
.

No comments: