Friday, October 31, 2008

TRƯỜNG HỢP NGUYỄN CHÍ THIỆN : ANH KHÔNG CHẾT .....

Trường hợp Nguyễn Chí Thiện: Anh không chết...
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 30/10/2008 lúc 19:00:01 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3225
Sau hiệp định Genève 1954 chẳng bao lâu, bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống ra đời. Muốn sống, chúng tôi phải xa lánh xã hội Miền Bắc. Nơi đó hồi bấy giờ đã biến thành một đấu trường điên đảo: con cái đấu tố cha mẹ, vợ - chồng, anh - em đấu tố lẩn nhau. Muốn sống, chúng tôi phải di cư vào Miền Nam Việt Nam, vùng đất của tự do và công bằng, của ấm no và nhân bản.

Trong chiến tranh Việt Nam trước 1975, vô số anh hùng liệt sĩ đã hiên ngang gục ngã để mở đường cho dân chủ nhân quyền vươn mình lớn mạnh. Mỗi một gục ngã vừa kể là một đau đớn vô hạn đối với quần chúng nhân dân đang sinh sống an bình tại các hậu phương rộng lớn. Những đau đớn vô hạn kia quấn quyện vào nhau, mở rộng và dâng cao dần để bật lên thành lời hát thiết tha:
“ Anh, Anh không chết đâu Em,
Anh chỉ về với mẹ mong con.
Anh vẫn sống thênh thang
Trong lòng muôn người biết thương đời lính !...”
(Nhạc và lời Trần Thiện Thanh)

Văn hoá Việt Nam là văn hoá “Chúng tôi muốn sống”. Văn hoá Việt Nam là văn hoá yêu cuộc sống đến độ phủ nhận ngay cả cái chết: “Anh, Anh không chết đâu Em. Anh chỉ về với Mẹ mong con”. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại hải ngoại có một số người Việt Nam lại viện dẫn nhiều lý do khác nhau để buộc một người phải chết mặc dầu “nạn nhân” đã nhiều lần xác định: “Tôi chưa hề chết. Tôi vẫn đang sống”. Câu chuyên “Anh Không Chết” có nội dung như sau:

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nam, Bắc phần, Việt Nam.

Từ 1961 đến 1964: lần thứ nhất Nguyễn Chí Thiện trở thành “khách hàng” trẻ tuổi của nhà tù CS Hà Nội theo kiểu “Học tập cãi tạo” tại miền Nam Việt Nam sau 30/04/1975.

Từ 1966 đến 1977 : lần thứ hai Nguyễn Chí Thiện ở tù vì bị tình nghi “Làm thơ chống đảng”

Ngày 16/07/1979 Nguyễn Chí Thiện mang tập thơ “ Hoa Địa Ngục” bước vào toà đại sứ Anh Quốc tai Hà Nội để nhờ nơi này phổ biến tập thơ đó đi khắp thế giới. Sau khi rời toà đại sứ Anh, Nguyễn Chí Thiện bị đưa thẳng vào nhà tù. Đây là lần thứ ba Nguyễn Chí Thiện ở tù CS. Chuyến tù này kéo dài từ 1979 đến 1991. Dĩ nhiên Nguyễn Chí Thiện phải trả giá bằng những cực hình khắc nghiệt về tội đã dám mắng Hồ Chí Minh bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Bên cạnh những cực hình kia, một tin tức kỳ lạ, có tính định mệnh đã đến với đời sống của Nguyễn Chí Thiện. Năm 1987, nhà xuất bản Robert Laffont, Paris 1987 đã cho ra đời tác phẩm mang tên Cruel Avril của tác giả Oliver Todd. Trang 418 của tác phẩm này ghi rằng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù vào mùa hè năm 1987. Dĩ nhiên Nguyễn Chí Thiên không hề hay biết gì về tin tức kia vì lúc bấy giờ ông đang ở trong trại tù CSVN.

Năm 1991, sau 27 năm tù, Nguyễn Chí Thiện ra khỏi nhà tù. Ngày 01 tháng 11 năm 1995 Nguyễn Chí Thiện tới Hoa Kỳ theo chương trình vận động đặc biệt của một vị bác sĩ người Mỹ gốc Nhật tên là Norobu Masuoka. Vị bác sĩ này trước đó, đã đưa vào Mỹ thiếu tá không quân Nguyễn Quý An, nhà văn Đặng Chí Bình.

Chưa kịp làm quen với đất nước Hoa Kỳ, Nguyễn Chí Thiện đã phải hứng chịu những tố cáo mạnh mẽ từ nhóm Vạn Thắng. Rằng Nguyễn Chí Thiện tới Mỹ là Nguyễn Chí Thiện giả, Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong tù. Rằng Nguyễn Chí Thiện giả đã mạo nhận là tác giả của Hoa Địa Ngục. Rằng Nguyễn Chí Thiện giả là tình báo cho CSVN… Phong trào tố cáo Nguyễn Chí Thiện giả diễn ra khá ầm ĩ vào các năm 1995, 1996. Sau đó tạm lắng dịu.

Năm 2001 Nguyễn Chí Thiện ra mắt tác phẩm Hỏa Lò (tập truyện, Nxb. Cành Nam, Hoa kỳ 2001).

Năm 2006 Nguyễn Chí Thiện cho ra đời Hoa Địa Ngục (Nxb. Cành Nam, Hoa Kỳ 2006). Hoa Địa Ngục còn có tên là Vô Đề, Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Bài viết này chỉ dùng tên Hoa Địa Ngục và gọi Hoa Địa Ngục xuất bản 2006 là Hoa Địa Ngục 2006. Hoa Địa Ngục 2006 gồm Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2. Hoa Địa Ngục1 là tập thơ đã được chuyển vào toà đại sứ Anh ngày 16/07/1979. Hoa Địa Ngục2 (Còn mang tên là Hạt Thơ Máu) là những bài thơ sáng tác sau Hoa Địa Ngục1, sau năm 1979. Có thể nói được rằng: Kể từ ngày Hoa Địa Ngục 2006 trình diện người đọc, những cố gắng “giết chết” Nguyễn Chí Thiện lại nổi lên toàn diện hơn, triệt để hơn. Trên trận địa toàn diện và triệt để kia, Nguyễn Chí Thiện bị mưu sát hai lần: mưu sát Nguyễn Chí Thiện giả và mưu sát Nguyễn Chí Thiện tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục. Mưu sát là hành động giết người có dự mưu, có tính toán.

Vụ “mưu sát” Nguyễn Chí Thiện giả

Trước tiên hãy nói tới vụ mưu sát Nguyễn Chí Thiện giả. Nếu lời tố cáo Nguyễn Chí Thiện ở Mỹ là giả đạt kết quả thì sinh mệnh chính trị của ông Thiên phải chết. Nguyên nhân Nguyễn Chí Thiện bị tố cáo là giả nằm ở sự việc: như đã nói ở trên, trong tác phẩm Cruel Avril, tác giả Oliver Todd cho rằng Nguyễn Chí Thiện đã chết trong tù vào mùa hè 1987. Qua tới năm 2005, tác phẩm vừa nêu được tái bản, nhưng tin tức về cái chết của Nguyễn Chí Thiện năm 1987 vẫn giữ nguyên. Điều này làm cho một số người dứt khoát tin rằng: quả thực có hai Nguyễn Chí Thiện. Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong tù. Nguyễn Chí Thiện sống ở Mỹ là Nguyễn Chí Thiện giả. Do lòng mến mộ Nguyễn-Chí-Thiện-thật, người ta đã tìm đường giết chết Nguyễn-Chí-Thiện-giả bằng cách đòi hỏi Nguyễn Chí Thiện tại Mỹ phải trả lời cho rạch ròi: hai ông Thiện, ông nào giả, ông nào thật? Câu hỏi đơn giản, nhưng câu trả lời không đơn giản. Cuộc lùng tìm Nguyễn Chí Thiện giả ầm ĩ đến độ ngay cả Nguyễn Chí Thiện tác giả Hoa Địa Ngục 2006 cũng hết biết: Tôi là ai? Và Ai là tôi? Giữa lúc Nguyễn Chí Thiện đang bơ vơ trên ranh giới giữa “Tôi” và “Ai” thì Oliver Todd xuất hiện. Ngày 18/10/2008 từ La Garde Freinet, Pháp quốc, Oliver Todd viết cho Nguyễn Chí Thiện một bức thư, trong đó có đoạn minh xác như sau:

“Trong quyển sách Cruel Avril của tôi (NXB Robert Laffont, Paris 1987), tôi có viết là ông đã chết trong tù vào mùa hè 1987. Tin tức sai lầm này do một cộng tác viên chuyển đến cho tôi. Cô ấy đã lấy tin đó trong một bài báo của tập san Quê Mẹ.
Sự hiện diện của ông tại Orange County cũng đã đủ cải chính cái tin này rồi. Tôi rất tiếc đã không sửa chữa sai lầm của tôi trong ấn bản 2005 của quyển Cruel Avril. Tôi xin thành thật cáo lỗi cùng ông.”

Lẽ ra chỉ cần một lời đính chính của Oliver Todd là đủ rồi. Tuy nhiên, với ý muốn xoá sạch tâm lý “một nghi, mười ngờ” của quần chúng, trong cuộc họp báo ngày 25/10/2008 tại Orange County, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã xuất trình trước đồng hương và cơ quan truyền thông, báo chí các thể loại ba văn kiên sau đây:

1. Chứng chỉ giảo nghiệm tự dạng ghi ngày 13/Dec/1995: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện tại trung tâm giảo nghiệm quốc gia, Dorothy Brinkerhoff, toạ lạc tại số 4316 Boyar Avenue, Long Beach, Ca. 90807.

2. Chứng chỉ giảo nghiệm tự dạng ghi ngày 15/Oct/2008: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện tại Trung tâm “A and M. Matley”, địa chỉ 3092 Army Street, Ca. 94110.Cả hai chứng chỉ số (1) và (2) đều kết luận chữ viết trong tập thơ Hoa Địa Ngục(Bản chuyển vào toà Đại Sứ Anh ngày 16/07/1979) và chữ viết của Nguyễn Chí Thiện ngày nay tại Mỹ là chữ viết của một người.

3. Chứng chỉ giảo nghiệm nhân diện qua hình chụp ghi ngày 03/08/2006: Cuộc giảo nghiệm này được thực hiện bởi trung tâm Stuchman, Forensic Photography, địa chỉ 421 Walnut Street, Suite 120, Napa, Ca. 94559. Chứng chỉ này kết luận: hình chụp Nguyễn Chí Thiện ở trong tù và hình chụp Nguyễn Chí Thiện ở Mỹ là hình của một người.

Tóm lại, lời minh xác của tác giả Oliver Todd cộng với ba chứng chỉ giảo nghiệm về hình ảnh và về chữ viết đã minh chứng Nguyễn Chí Thiện thật và Nguyễn Chí Thiện giả chỉ là một người. Điều minh chứng này đã buộc kịch bản “Truy tìm và giết chết Nguyễn-Chí-Thiện-giả” phải kết thúc.

Vụ “mưu sát” người thơ trong Nguyễn Chí Thiện

Ngay sau khi hồ sơ mưu sát Nguyễn-Chí-Thiện-giả được đóng lại thì độc giả của Nguyễn Chí Thiện lại bị khuấy động vì một hồ sơ mới. Đó là hồ sơ tố cáo Nguyễn Chí Thiện không phải là tác giả của thi phẩm Hoa Địa Ngục1. Lời tố cáo kia có chủ tâm giết chết con người thi sĩ ẩn náu bên trong nhân vật Nguyễn Chí Thiện. Lời tố cáo kia chưa kịp thuyết phục được công chúng thì dư luận đã phải đón nhận hai dấu hỏi lớn:

Dấu hỏi thứ nhất: Giả sử năm 1979 Nguyễn Chí Thiện ăn trộm Hoa Địa Ngục1 của tác giả vô danh nào đó, sau đó mang vào toà đại sứ Anh. Hành động như vừa kể, Nguyễn Chí Thiện được gì và mất gì? Chẳng lẽ từ 1979 Nguyễn Chí Thiện đã thấy trước năm 1995 Nguyễn Chí Thiện sẽ định cư ở Mỹ? Sẽ được nổi tiếng, được nhận lãnh nhiều giải thưởng…?

Chắc chắn Nguyễn Chí Thiên không thể thấy trước như vậy! Hồi bấy giờ, với kinh nghiệm hai lần ở tù 12 năm, Nguyễn Chí Thiện chỉ thấy một điều: ra khỏi toà đại sứ Anh, Nguyễn Chí Thiện không thể không bị bắt. Lần bị bắt này là lần thứ ba. Tái phạm tội phản động ba lần đi kèm với hai tội danh: Tội một: nguyền rủa Hồ Chí Minh bằng những lời lẽ thậm tệ nhất, cay nghiệt nhất. Tội hai: tìm cách làm cho thế giới nghe được những lời nguyền rủa kia. Với hai tội vừa nêu cộng thêm tội tái phạm lần thứ ba, Nguyễn Chí Thiện cầm chắc cái chết trong tay. Xin đừng quên rằng năm 1979 là năm CSVN chưa đầu hàng kinh tế thị trường, chế độ Hà Nội còn rất hung hãn: đi tù đồng nghĩa với đi vào cái chết. Vì vậy, giả thuyết cho rằng năm 1979 Nguyễn Chí Thiện ôm Hoa Địa Ngục1 vào toà đại sứ Anh để được hưởng vinh quang về sau là giả thuyết tuyệt đối phi lý, không thể chấp nhận được. Động lực duy nhất đẩy tới biến cố Hoa Địa Ngục1 chỉ có thể giải thích bằng tâm tình phẫn hận về 12 năm tù với tội danh “Tình nghi làm thơ chống đảng.

Mười hai năm tù kia là buổi bình minh của tuổi thanh xuân trong đời Nguyễn Chí Thiện.

Dấu hỏi thứ hai: Phải chăng sự so sánh Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2 sẽ dẫn đến kết luận Nguyễn Chí Thiện không là tác giả của Hoa Địa Ngục1?

Nguyễn Chí Thiện làm thơ từ 1958 đến 1988. Cuộc hành trình bằng thơ 30 năm ấy được chia làm hai giai đoạn: Thơ Tù 1958 – 1979 gọi là Hoa Địa Ngục1, và Thơ Tù 1979 – 1988 gọi là Hoa Địa Ngục2. Một số người đã mang Hoa Địa Ngục1 so sánh với Hoa Địa Ngục2 để đưa ra nhận xét: thơ của hai giai đoạn kia khác nhau về khẩu khí, về mực độ căm hờn, về cú pháp, về thơ và vè, về câu ngắn, câu dài vân vân … Những bài thơ, đoạn thơ (đối tượng của so sánh) thường được sáng tác cách nhau một, hai thập niên. Đời người thiên biến vạn hoá. Đời người thay đổi từng giây, từng phút. Một người không thể tắm hai lần trên một dòng sông. Tại sao hai thi phẩm do một người sáng tác có khoảng cách thời gian năm, mười năm lại không được phép có bất kỳ thay đổi nào?

Mặt khác, đề cập tới mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm, người Việt Nam bao giờ cũng gắn bó với câu nói: “Tức cảnh sinh tình”. Cảnh là hoàn cảnh sống. Tình là những liên hệ tim óc giữa tác giả và hoàn cảnh sống. Tình kia khi bước vào thế giới của ngôn ngữ sẽ bật lên thành lời, sẽ sản sinh ra tác phẩm. Ba thành tố: cảnh, tình và ngôn ngữ tạo thành câu chuyện gọi là xuất xứ của tác phẩm. Tác giả là người nắm trọn trong tay ba thành tố vừa kể. Nói rõ hơn, công việc khảo sát xuất xứ của tác phẩm là phương pháp thích nghi và chính xác nhất làm lộ rõ danh tánh của tác giả. Những người đặt nghi vấn ai là tác giả của Hoa Địa Ngục1 không hề quan tâm tới xuất xứ của tác phẩm. Họ đã truy tìm tác giả bằng cách viết một số bài so sánh Hoa Địa Ngục1 và Hoa Địa Ngục2 một cách hoàn toàn chủ quan. Sau đó tuyên phán tác giả của Hoa Địa Ngục1 không là Nguyễn Chí Thiện mà là một nhân vật vô danh nào đó. Đây là một tuyên phán phi lý nhất trong thế gới của các loại phi lý.

Trong hoạt động của hệ thống công lý hình sự, rất nhiều khi chỉ căn cứ vào một tin tức nhỏ cộng với kỹ thuật thẩm vấn của giới chức chuyên môn, người ta có thể giải quyết nghi án một cách dễ dàng. Thơ tù của Nguyễn Chí Thiện có tới trên dưới bảy trăm bài, bảy trăm xuất xứ. Mỗi xuất xứ là một nhóm tin tức. Với khối tin tức đồ sộ kia những người chống đối Nguyễn Chí Thiện vẫn không thể tìm ra tác giả của Hoa Địa Ngục1 là ai ư? Họ tìm ra chứ! Tìm ra rằng Nguyễn Chí Thiện và tác giả vô danh chỉ là một người.

Bài viết tới đây đã cho thấy ý muốn giết chết Nguyễn Chí Thiên giả cũng như ý muốn giết chết người thơ trong Nguyễn Chí Thiện đều bất thành. Hẳn nhiên những lý lẽ được trình bày trong bài viết này không thể thuyết phục mọi người đồng ý. Khác biệt ý kiến là tính vốn có của môi trường xã hội đa nguyên. Thế nhưng giết nhau không phải là phương cách giải quyết bất đồng. Xin đừng giết cộng đồng bằng cách tạo ra hai ban đại diện cho một cộng đồng. Xin đừng giết chánh đảng bằng cách tạo ra hai, ba tổng bí thư cho một đảng. Xin đừng giết hội ái hữu bằng cách tạo ra hai chủ tịch cho một đoàn thể. Xin đừng giết văn học nghệ thuật bằng cách dựng lên một tác giả vô danh bên cạnh tác giả minh danh cho mỗi tác phẩm. Một loạt chữ “giết” vừa được sử dụng nhằm diễn ý rằng giết có nghĩa là “cướp quyền toà án để ban phát công lý cho người khác”. Hành động này xã hội văn minh không chấp nhận. Xin hãy từ giã ý định “cướp quyền toà án”. Xin hãy trở về với văn hoá truyền thống Việt. Văn hoá “chúng tôi muốn sống”. Văn hoá “anh không chết đâu em”. Trong “không chết” mọi người Việt Nam sẽ thương yêu và đoàn kết trên quyết tâm xây dựng một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng.
Đỗ Thái Nhiên


Nguyễn Chí Thiện họp
báo

Người Cali – Tạp ghi
27-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5622

Mười phút thành thiên thu?

LITTLE SAIGON, CA – Chiều ngày thứ Bẩy 25/10/2008 tại phòng hội khách sạn Ramada, 10022 Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92843, USA ông Nguyễn Chí Thiện đã tổ chức “họp báo công khai để bạch hóa một số vấn đề và trả lời về nghi vấn liên quan tới tự dạng trong thư tôi viết bằng Pháp ngữ 29 năm trước và thư tôi viết cho giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ngày 6 tháng 12 năm 1995” như thư mời gởi trước đó.

Mười phút phát biểu của bà Hoàng Dược Thảo

Buổi họp báo có sự tham gia đông đảo của giới truyền thông cũng như các nhân vật hoạt động tại cộng đồng Nam california. Số người đến tham dự đông ngoài dự định của ban tổ chức họp báo; một số đã phải đứng dự thính ngoài phòng họp.

Điều hợp chương trình là cô Xuân Mai và ông Trần Phong Vũ, sau phần nghi lễ đã giới thiệu qua tiểu sử ông Nguyễn Chí Thiện.

Sau đó là phần phát biểu của ông Nguyễn Chí Thiện. Ông Thiện mở đầu bằng những dẫn chứng cho thấy tuần báo SAIGON Nhỏ đã chửi bới ông từ hai tháng nay. Ông đã “nhịn” nhưng hôm nay sẽ nói một lần cho xong.

Hoàng Dược Thảo đối chất với Nguyễn Chí Thiện trong cuộc họp báo chiều ngày 25/10/2008. Trên 500 người tham dự ủng hộ cựu tù nhân cộng sảnNguồn: vietamreview.blogharbor.com/Photo Jeam Libby
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/nct11.jpg

Thứ nhất trong vụ LM Lý – Tờ SG nhỏ đã có những lời lẽ xúc phạm đến vị linh mục này như “Ngôn sứ dollars”; “Luồn váy Đoan Trang” (Đoan Trang là tên của Giám Đốc Đài phát thanh ở San Jose), “Vợ con bê bối”.

Thứ hai, ông Nguyễn Chí Thiện đưa ra bài báo Vạn Thắng, số đặc biệt tháng 9, trang 1 của Mặt Trận Cách Mạng Hưng Phục Việt. Tờ báo này đã cho rằng cuốn sách của Nguyễn Chí Thiện thật ra là của Lý Đông A.
Có nhiều tiếng cười ồ trong cử toạ và những phản ứng bất bình với SAIGON Nhỏ ngay khi ông Nguyễn Chí Thiện trình bày hai điểm trên.
Theo báo SAIGON Nhỏ, sau khi biết được ông Nguyễn Chí Thiện là giả, Trang Vietnamese American Achievement đã lấy xuống tất cả bài liên quan đến ông Nguyễn Chí Thiện.

Thứ ba, ông Nguyễn Chí Thiện đã mời bà Jean Libby phụ trách trang web Vietnamese American Achievement phát biểu. Sau đây là quan điểm của trang www.vietnamlit.org về ông Nguyễn Chí Thiện:
Dear poet Nguyen Chi Thien, Viet Nam Literature Project chose to publish a selection of your works and your new memoir as our first project in order to associate ourselves with the dignity and quality of your life and work. At no time has VNLP ever erased or blocked our publication of your work. I will confirm this statement to the press via voice by telephone at the number below. Dan Dan Duffy Editor, Viet Nam Literature Project Chair, Books & Authors: Viet Nam, Inc. 5600 Buck Quarter Road Hillsborough, NC 27278 USA tel (919) 383-7274 email
editor@vietnamlit.org URL www.vietnamlit.org
và một phần phát biểu của Jean Libby, Vietnamese American Achievement, trong cuộc họp báo:
I have not erased materials on my websites about Nguyen Chi Thien. I have not lost faith in his authenticity as the author of Hoa Dia Nguc, or the international meaning of his life and work as resistance to Communist imprisonment based on forced labor, starvation, and torture.

Trang Vietnamese American Achievement và những bài viết về Nguyễn Chí ThiệnNguồn: vietamreview.blogharbor.com
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/nct12.jpg

Bà Libby đã lên tiếng phủ nhận và cho rằng tờ SAIGON Nhỏ đã xuyên tạc sự thật. Bà vẫn giữ nguyên vẹn các bài viết về ông Nguyễn Chí Thiện đồng thời bà cũng đưa ra một lá thư của ông Dan Duffy. Ông này cũng cho biết là ông đang bị bịnh không tham dự được nhưng trang web của ông vẫn giữ đăng những bài viết về ông Nguyễn Chí Thiện.

Sau phát biểu của bà Jean Libby, bà Hoàng Dược Thảo im lặng, không có câu trả lời.

Theo báo SAIGON Nhỏ thì ông Nguyễn Công Giân đã 2 lần ra Bắc vào các năm 1958 và 1972, ngụ ý cho rằng ông là người hoạt động cho cộng sản, như ông Nguyễn Chí Thiện cũng bị tố giác là làm gián điệp cho công sản.

Thứ tư, ông Nguyễn Công Giân, một cựu sĩ quan QLVNCH, đã chứng minh trong thời đó ông đang ở Mỹ và có sự chứng nhận của thượng cấp của ông cũng như của các sĩ quan đồng nghiệp.

Trả lời của bà Hoàng Dược Thảo:
“Chúng tôi là cơ quan truyền thông nghe tin và có quyền đưa tin trên báo. Tại sao ông Nguyễn Công Giân thấy sai lại không cải chính trên báo vì ông có quyền yêu cầu cải chính.”
Bà Hoàng Dược Thảo đặt vấn đề khả năng tiếng Pháp của ông Nguyễn Chí Thiện và đề nghị sẽ đọc lá thư bằng tiếng Pháp (của ông Thiện) và yêu cầu Nguyễn Chí Thiện viết lại.

Ông Nguyễn Chí Thiện đáp, “Tôi không phải là học trò để cho bà khảo hạch khả năng tiếng Pháp của tôi. Nghe nói bà là học trò chương trình Pháp, vậy tôi xin được nói chuyện thẳng với bà bằng tiếng Pháp.”

Và ông Nguyễn Chí Thiện đã nói mấy câu tiếng Pháp. Bà Hoàng Dược Thảo đứng im, lặng như tờ.

Lại có nhiều tiếng ồn ào và cả tiếng cười từ cử toạ. Ông Nguyễn Chí Thiện một lần nữa lại dùng máy vi âm yêu cầu cử toạ giữ im lặng để cho bà Hoàng Dược Thảo đặt câu hỏi.

Thứ năm, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết bà Hoàng Dược Thảo còn 10 phút nữa để đặt câu hỏi. Ông đề nghị, đôi bên có luật sư, cùng bỏ ra 200.000 USD mỗi bên rồi mời chuyên viên giảo nghiệm chữ viết và hình ảnh để biết rõ và chứng thực kết quả giảo nghiệm bút tích trong 2 lá thư.

Nguyễn Chí Thiện nói, ông không có tiền, nhưng có một số mạnh thường quân đang có mặt trong hội trường này sẵn sàng ứng tiền ra cho ông.

200.000 USD để tìm sự thực – thách thức của một kẻ tay trắng với chủ một cơ sở thương mại có tiền.

Đây là một thách thức không cân xứng. Nhưng vẫn là một thách thức.

Bà Hoàng Dược Thảo trả lời không nhận lời thách đố vì là nhà báo, là người làm văn hoá.

Lại có tiếng ồn ào la ó ở cử toạ khi bà Hoàng Dược Thảo từ chối. Phòng họp ồn ào, người ta chỉ còn nghe không rõ của bà Hoàng Dược Thảo ở bát âm quá cao với lời đe dọa, ông Nguyễn Chí Thiện chỉ có buổi gặp gỡ này để lên tiếng. Còn bà thì không cần một diễn đàn như vậy. Và trong số báo ra ngày Chủ Nhật 26 tháng Mười, 2008, Hoàng Dược Thảo cho biết hệ thống báo SAIGON Nhỏ với 70 ngàn ấn bản ở Hoa Kỳ và Canada và một nhật báo với 15 ngàn ấn bản tại Nam California đủ sức mạnh truyền thông để lột mặt nạ “cuội sĩ” Nguyễn Chí Thiện.

Có Mồi và Tà lọt


Hoàng Dược Thảo cho rằng vì đám “cò mồi” của ông Nguyễn Chí Thiện la ó vang dậy thay vì giữ im lặng trong phần phát biểu nên bà đã bỏ về sau đó. Theo bà Hoàng Dược Thảo, viết trong số báo hôm Chủ Nhật, đại ý cho rằng, “trên đường đi ra khỏi phòng họp, mặc dù ông Nguyễn Chí Thiện cam kết với chúng tôi tham dự là những người tử tế và bà Hoàng Dược Thảo có đến 2 cận vệ, một nam một nữ đi theo và 20 chục “tà lọt” để bảo vệ và ủng hộ. Nhưng những người “cò mồi” của ông Nguyễn Chí Thiện đã phát thanh thô tục và muốn hành hung bà Hoàng Dược Thảo.”

10 phút không có mặt của bà Hoàng Dược Thảo

Thứ nhất, công bố 3 tài liệu đã được giảo nghiệm hữu thệ.

Sau khi bà Hoàng Dược Thảo rời cuộc họp báo, ông Nguyễn Chí Thiện công bố với báo chí và người tham dự 3 tài liệu liên quan đến việc giảo nghiệm chữ mả theo ông, đã đến lúc không cần giữ bí mật nữa.

– Một tài liệu của ông Nguyễn Sĩ Hưng (có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay). Ông Nguyễn Sỹ Hưng xác định ông không phải là người của ông Nguyễn Chí Thiện ...cho biết chỉ vì yêu mến thơ văn ông Nguyễn Chí Thiện nên ông đã bỏ tiền túi ra cho việc giảo nghiệm chữ viết để tìm cho ra sự thật Nguyễn Chí Thiện là giả hay thật. Nếu giả, ông sẽ công bố cho cả cộng đồng biết. Kết quả giảo nghiệm cho thấy là 2 lá thư chữ viết đều là của cùng một người: ông Nguyễn Chí Thiện.

- Một tài liệu do chính ông Nguyễn Chí Thiện bỏ tiền ra giảo nghiệm tại San Francisco. Kết quả cũng chứng nghiệm 2 lá thư chữ viết là của cùng một người.

– Tài liệu thứ ba về nhân dạng lúc còn trẻ và sau này của ông Nguyễn Chí Thiện vào năm 2006.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, những tài liều vừa trưng dẫn, đủ để chứng minh tất cả những gì người ta thắc mắc và đặt nghi vấn về con người ông.

Dĩ nhiên, dù có tài liệu, dù có giảo nghiệm sẽ vẫn có những người tin Nguyễn Chí Thiện và những người không tin Nguyễn Chí Thiện.

Lời đồn đại sẽ vẫn tiếp tục. Nhưng vấn đề chính là có một tập thơ đáng để mọi người đọc hay không? Và một con người Nguyễn Chí Thiện đã mười mấy năm ở Hải ngoại? Đã làm được điều gì, đã sống như thế nào? Hình như, chẳng ai để ý tới điều đó.

Cuối cùng thì ông Nguyễn Chí Thiện trả lời một vài câu hỏi khác.

1. Ông có thuộc đảng Việt Tân?
Nguyễn Chí Thiện trả lời ông không bao giờ theo một đảng phái nào.

2. Làm thế nào ông nói được tiếng Anh khi vào tòa Đại sứ?
Nguyễn Chí Thiện trả lời: cũng nói được bập bẹ tiếng Anh, ví có học tiếng Anh với ông giáo sư Lê Bá Kông… Nhưng thật ra câu hỏi cũng bằng thừa, vì trong tòa Đại sứ không thiếu gì những nhân viên có thể nói tiếng Anh, Pháp, Việt v.v...

3. Ông Nguyễn Chí Thiện cũng đưa ra một chứng từ một lá thư của nhà báo/tác giả Pháp Olivier Todd xin lỗi vì đã có đưa ra một thông tin sai lầm nói rằng ông Nguyễn Chí Thiện đã chết năm 1987 khi viết cuốn Cruel avril. Lá thư mở đầu bằng câu Je vous present mes sinceres excuse được ông Thiện đọc và sau đó dịch ra tiếng Việt.

Có không ít người tham dự buổi gặp gỡ hài lòng với những giải đáp của ông Nguyễn Chí Thiện.

Bà Hoàng Dược Thảo, với hai hộ vệ và 20 anh chị hộ tống thì hẳn không vui vì tiếng la ó của đám “cò mồi.”

Bà Hoàng Dược Thảo mới chỉ phát biểu được 10 phút, còn 10 phút chưa sử dụng. Có nhiều khả năng hệ thống báo SAIGON NHỏ sẽ biến 10 phút này thành thiên thu.

Nguyễn Chí Thiện, theo bà Hoàng Dược Thảo chỉ là tư cách một người hà tiện, không phải ngục sĩ hay vè sĩ nữa mà là một thứ “đanh đá cá cầy”. Hoàng Dược Thảo hứa hẹn một tuơng lai cho Nguyễn Chí Thiện: “Xin quý vị tiếp tục đón loạt bài lột mặt nạ "cuội sĩ" Nguyễn Chí Thiện trên báo Sài Gòn Nhỏ, đợt 2.”

Về điểm này, trả lời câu hỏi, “ông sẽ phản ứng ra sao,” ông Nguyễn Chí Thiện đáp, “Cá nhân tôi không làm được gì cả. Chính quý vị là độc giả mới có thể làm được điều gì, như không đọc, không mua, không đăng quảng cáo…”

Mười phút có thể trở thành thiên thu là một thứ truyện dài nhân dân tự vệ. Chuyện ông “Nguyễn Chí Thiện giả”, có lẽ ai cũng hiểu, chỉ là chuyện “làm báo” để kiếm tiền, chuyện của con buôn. Làm gì có Vụ án văn học nào ở Little Saigon.

Làm báo tử tế thật không dễ… ở California này.

© DCVOnline
------------------------
DCVOnline – Là một diễn đàn mở để người Việt Nam khắp nơi có cơ hội tự do trao đổi thông tin, bày tỏ và truyền đạt quan điểm một cách khách quan. Bạn đọc hay chính các nhân sự liên hệ đến cuộc họp báo của ông Nguyễn Chí Thiện, bất luận quan điểm, đều có cơ hội gởi bài đến DCVOnline.



Thư Nguyễn Chí Thiện
Nguyễn Chí Thiện
30-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5638

Thư gửi các cơ quan truyền thông và quí đồng hương về cuộc họp báo ngày 25 tháng 10, 2008

Kính thưa các vị đại diện các cơ quan truyền thông

Kính thưa quí đồng hương

Kể từ năm 2000, khi linh mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, tờ Tuần Báo “Saigon Nhỏ” đã viết bài thóa mạ linh mục Lý nặng nề như “ngôn sứ dollar”, “núp dưới váy cô Đoan Trang, giám đốc Đài Phát Thanh Quê Hương,” “vợ con bê bối....” v.v..

Đa số những bạn hữu của tôi cũng như bản thân tôi đã không đọc tờ tuần báo đó nữa. Hồi tháng 9, 2008, tôi được nhiều người cho biết trên hai tờ “Saigon Nhỏ” nhật báo và tuần báo có đăng những bài đầy ác ý kết tội tôi tiếm đoạt tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” hay “Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam.” Tôi cũng không lưu tâm. Tới khi có người cho tôi biết trên tờ “Saigon Nhỏ” đăng hai bức thư của tôi, một viết bằng tiềng Pháp năm 1979 in trong tập “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” cũng như trong tập “Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam,” một bức thư tôi viết cho giáo sư Nguyễn Ngọc Bích bằng tiếng Việt, ngày 6 tháng 12, 1995, và kết luận hai tự dạng của hai lá thư hoàn toàn khác nhau. Tờ báo không ghi tên họ, văn phòng, địa chỉ của chuyên viên giảo nghiệm chữ viết. Tôi lập tức nhờ bạn bè thu thập tất cả các số “Saigon Nhỏ” viết về tôi. Sau khi đọc xong, tôi quyết định mở cuộc họp báo vào ngày Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008, tại khách sạn Ramada.

Sở dĩ tôi giữ sự yên lặng từ ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ tới nay vì những người chống đối tôi chủ yếu thuộc Mặt Trận Cách Mạng Hưng Phục Việt -Vạn Thắng.

Nhóm Vạn Thắng là ai?

Xin mời các bạn hãy đọc một vài đoạn trong tờ Vạn Thắng, số đặc biệt 9, để hiểu rõ lập trường, quan điểm của họ.

“Đất nước vẫn khốn khổ vì tập đoàn Việt gian và quốc phạm mà Nguyễn Văn Thiệu là tiêu biểu. Việt cộng thì chưa hẳn.”
“Về đời sống của nhân dân, quả thực Hà Nội đã nới rộng. Nào được tự do đi lễ chùa, cúng tế, nhà sư được tự do gõ mõ, tụng kinh. Nào được rước sách. Linh mục được tự do hành đạo. Báo chí lại được tự do phê bình, công kích cán bộ tham nhũng, làm điều sai trái. Nếu so với thập niên 80, người dân từ đáy địa ngục đã được vớt đưa vào vườn “địa đàng”.
“Những người cách mạng trước đây như Phạm Văn Đồng, họ có kiến thức chính trị của họ, họ có sách lược ngắn và dài của họ, họ có con đường lý tưởng của họ, và nhiều người trong sạch, liêm khiết. Phạm Văn Đồng là một.”
“Kể cả các thành viên trong tập đoàn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ nếu giác ngộ, quay đầu về với chính nghĩa dân tộc, từ bỏ tham vọng và lợi quyền cá nhân, đứng về phía quốc dân thì lúc ấy đượng sự đã hòa vào quốc dân nên không có vấn đề cần phải hòa giải với đương sự. Lại tuyệt nhiên không thể có vấn đề hòa giải với bọn Việt gian, bọn dẫn mối cho các thế lực xâm thực để phá nước hại dân. Nguyễn Văn Thiệu là một thí dụ. Trước sau Thiệu là tội đồ của dân tộc. Y là tên quốc phạm.”

Với những quan điểm trên, nhóm Vạn Thắng không đáng để tôi trả lời.

Khởi đầu tôi bị nhóm Vạn Thắng kết tội ăn cắp thơ của nhà cách mạng Lý Đông A. Sau đó, thấy lập luận này sụp đổ, họ nói Nguyển Chí Thiện (NCT) thật đã chết, tôi đang sống ở Hoa Kỳ là NCT giả, là tình báo cộng sản, v.v... Lập luận này cũng không đứng vững, họ chuyển sang nói tôi chép thơ của một người vô danh nào đó, tôi không phải là tác giả đích thực.

Lúc đầu trong Tuần Báo “Saigon Nhỏ”ngày 12 tháng 9, 2008, ở mục “Phiếm Dị” bà Đào Nương viết:
“Đã có nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau chứng minh rằng ông NCT đang sống ở Mỹ chính là ông Thiện Dởm.”

Bà còn nêu 12 nghi vấn của các tác giả nêu ra về tôi, trong đó có nghi vấn 10 về tấm hình chụp “so sánh các tấm hình thấy có sự khác biệt.” Và nghi vấn số 12 cho rằng nhà cách mạng Lý Đông A mới chính là tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục. Cũng trong mục “Phíêm Dị” này bà Đào Nương còn viết:
“Đào Nương tôi cũng chỉ xin ông NCT xác định lại là điều thách đố này về vụ thử DNA có đúng không? Nếu ông thắng thì sao và nếu ông thua thì sao? Số tiền 100 ngàn dollars ông đòi hơi nhiều. Nhưng nếu thử nghiệm DNA chứng minh ông là hàng “thật” và tinh thần chống cộng của ông hăng say là chuyện thật thì người Việt hải ngoại sẽ quyên tiền đưa ông làm việc từ thiện và chấm dứt một nghi án về văn học và chính trị khi nhân chứng còn sống sờ sờ ra đó. Còn nếu ông Thiện là hàng “dởm” thì chỉ xin ông cuốn gói về trình diện “bác” là xong? Ông đồng ý không?

Thật rõ rệt, hồi tháng 9, bà Đào Nương vẫn nghi tôi là Thiện “dởm”, còn Thiện thật tác giả Hoa Địa Ngục đã chết. Bà vẫn nghi Lý Đông A mới là tác giả thực của Hoa Địa Ngục, dù hai nghi vấn này mâu thuẫn nhau.

Đùng một cái, chỉ bốn tuần sau, cũng trong mục “Phiếm Dị” của “Saigon Nhỏ”, trong thư gửi nhà văn Trần Phong Vũ, bà đổi hẳn giọng viết “không ai đặt vấn đề NCT thật-NCT giả, NCT chống cộng-NCT tay sai cộng sản.”

Mong bà đọc lại những bài ông Triệu Lan viết đăng trên báo bà. Ông xác định tôi là cộng sản, là gián điệp, đủ thứ, v.v... Chính bản thân bà cũng đem các tên gián điệp Việt cộng Phạm Đình Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ ra so sánh với trường hợp của tôi.

Rồi cũng đùng một cái, chỉ ba tuần sau, trong Nhật Báo “Saigon Nhỏ” Thứ Sáu, ngày 3 tháng 10, 2008, bà viết phản lại bà, coi chuyện Lý Đông A là “xưa” rồi. Bà viết:
“Chuyện ông Lê Tư Vinh và nhóm Vạn Thắng không tin ông NCT là tác giả tập thơ Vô Đề và ông Trần Ngọc Ninh cho rằng đó là tác phẩm của ông Lý Đông A thì “xưa” như chuyện văn bút hải ngoại của các ông rồi.

Lý luận mà viết buông thả theo từng cơn hứng của mình như vậy mà cứ nằng nặc đòi người khác phải trả lời, phải thỏa mãn yêu cầu!

Còn ông Triệu Lan bà rất coi trọng lại nghi tập chuyện Hỏa Lò của tôi là do Bùi Tín, Vũ Thư Hiên viết (Tuần Báo Saigon Nhỏ, ngày 3 tháng 10, 2008). Nhưng chỉ một tuần sau, trong Tuần Báo “Saigo Nhỏ” ngày 10 tháng 10, 2008, ông Triệu Lan sửa hẳn đoạn văn tôi viết về Phùng Cung in trong tập truyện Hỏa Lò để chê tôi “không biết viết văn, chỉ viết láo.” Gian dối trắng trợn đến thế là cùng!

Trong tờ Tuần Báo “Saigon Nhỏ” ngày 28 tháng 9, 2008, ông Triệu Lan viết là ông có đủ bằng chứng là tôi làm việc cho Bắc Kinh trong nhiều năm qua! Thần kinh của ông Triệu Lan quả là có vấn đề! Cũng trong bài “Vè Sĩ NCT” này, ông quyết đoán rằng cuộc thập tự chinh trong Ai -Van- Hô chỉ được dịch sang tiếng Anh vào giữa thập niên 80! (dịch tiếng Anh sang tiếng Anh!) Tiếp sau đó, ông có một nhận định hoang tưởng về hai câu thơ của tôi làm từ 1962:

Sống một ngàn một đêm lẻ trong dinh
Dựng lên bởi thần đèn giúp A-La-Đanh cưới vợ

Ông Triệu Lan viết: “Cuộc tấn công lật đổ Saddam Hussein ở Iraq được gói gọn trong hai câu “sống một ngàn một đêm lẻ trong dinh. Dựng lên bởi thần đèn A -La- Đanh cưới vợ.”
“Sau cuộc chiến tranh Mỹ Iraq, các cường quốc cũng như dân chúng đều muốn Mỹ phải rút quân ra khỏi Iraq ngay. Nhưng chính phủ Mỹ từ ông Bush, ông Rumsfeld, và ông Powell (đã về hưu) đều nói rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ ở lại Iraq từ ba (3) đến năm (5) nữa để ổn định trật tự cho nước Iraq, như vậy quân đội Hoa Kỳ sẽ “sống một ngàn một đêm lẻ trong dinh. (trong dinh, trong Baghdad) một ngàn một đêm lẽ là hơn ba năm, trong dinh là ngay trong Baghdad. Dựng lên bởi thần đèn giúp A-La-Đanh cưới vợ. Thần đèn là ông vua dầu hỏa Cheney hay các công ty Cheney này sẽ thầu và tái thiết Iraq. Giúp A-La-Đanh (A-La-Đanh tượng trưng cho dân nghèo Iraq, giúp cho đám dân nghèo Iraq. Cưới vợ là có đời sống hạnh phúc tự do.”

Nguyễn Chí Thiện, nhà tù Hỏa LòNguồn: vietamreview.net
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/ncthien22.jpg

Còn nữa, nhưng mỏi tay rồi , tôi xin ngưng trích. Đọc đến đoạn này tôi cười. Thì ra cái ông Triệu Lan này giống hệt ông thầy tướng số Lê Tư Vinh “Hà Lạc Dã Phu Điên Tử” gì đó. Tên hiệu dài quá tôi không nhớ. Tôi cười rồi tôi buồn. Tôi buồn vì người như vậy, viết như vậy mà cũng có người tin, thậm chí có người phục! Cũng có báo đăng!

Thưa các bạn, tôi mở cuộc họp báo, mục đích chủ yếu là làm sáng tỏ vấn đề giảo nghiệm tự dạng, vạch trần những luận điệu gian dối nhằm vào tôi trong mười mấy năm qua, theo ý kiến của các thân hữu.

Thứ nhất: Tôi xin trình bày về việc giảo nghiệm chữ. Ngay từ khi tôi mới sang Hoa Kỳ, ngày 13 tháng 12, 1995, nhà báo Nguyễn Sĩ Hưng đã nhờ chuyên viên giảo nghiệm tự dạng. Bà Dorothy Brinkerhoff thuộc National Forensic Center, địa chỉ văn phòng ở 4316 Boyar Ave, Long Beach, CA 90807 (1).

Tài liệu giảo nghiệm gồm hai phần:

Phần A: Bức thư tôi viết bằng tiếng Pháp trong “Tiếng Vọng từ Đáy Vực” năm 1979, và một trang bài thơ Đồng Lầy.

Phần B: Bức thư tôi viết gửi đồng hương tị nạn hải ngoại, ngày 7 tháng 11, 1995, sáu ngày sau khi tôi tới Hoa Kỳ.

Kết luận giảo nghiệm xác nhận hai tự dạng, phần A và phần B là của cùng một người viết.

Tôi không hề hay biết việc ông Nguyễn Sĩ Hưng nhờ chuyên viên giảo nghiệm chữ tôi. Hồi tháng 9, 2008, ông Hưng mới cho tôi hay.

Ngày 9 tháng 10, 2008, tôi tới văn phòng chuyên viên giảo nghiệm tự dạng Marcel B. Matley (2), tại 3092 Army St, CA 94110, San Francisco, CA 94188, giao cho ông 5 trang nguyên bản bài thơ Đồng Lầy, trong đó có lá thư tôi viết bằng tiếng Pháp. Đó là phần A.

Phần B: Bức thư tôi viết bằng tiếng Việt gửi cho giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ngày 6 tháng 12, 1995, có in trong tập Flowers of Hell, dịch giả Nguyễn Ngọc Bích, xuất bản 1996.

Phần C: Một trang tôi viết bằng tiếng Anh, chú thích những danh từ xử dụng trong tập truyện Hỏa Lò bằng tiếng Anh được đại học Yale xuất bản tháng 11, 2007.

Kết luận: Tất cả 3 phần A, B, C là chữ của một người viết.

Chuyên viên giảo nghiệm chữ, ông Matley, nếu cần thiết sẽ làm chứng tại tòa án.

Thứ hai: Tôi xin trình bày về việc giảo nghiệm hình ảnh.

Năm 2006, Báo Đời Nay ở Virginia có đăng một bài báo của một người nào đó khẳng định ảnh chụp của tôi ở Hoa Kỳ khác với ảnh được chụp trong tù năm 1991, in ở bìa cuốn Hạt Máu Thơ tức Hoa Địa Ngục 2, xuất bản 1996, khác với ảnh tôi hồi còn trẻ, và kết luận tôi là Thiện giả. Liền sau đó, tôi nhờ giáo sư Jean Libby mang hai tấm hình tôi chụp ở Hoa Kỳ, một tấm hình năm tôi 39 tuổi, và tấm hình tôi được chụp trong tù đến ông Gregg Stutchman (3), giảo nghiệm trưởng, tại phòng giảo nghiệm Stutchman Forensic Laboratory, 421 Walnut St, Suite 120, Napa, CA 94559.

Kết luận: Tất cả những tấm hình này là cùng một người.

Báo Đời Nay đã cho đăng trên báo tất cả và có lời xin lỗi. Những tài liệu về những cuộc giảo nghiệm này, tôi sẽ trao cho các cơ quan truyền thông hôm họp báo.

Thưa các bạn, giảo nghiệm chữ viết, hình ảnh đều minh chứng tôi là tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục 1. Thêm vào đó, một số bạn tù của tôi như nhà thơ Phùng Cung; nhà văn Vũ Thư Hiên; cựu đại úy trong Quân Đội Quốc Gia Bảo Đại Kiều Duy Vĩnh, người ở lại miền Bắc 1954, bị bỏ tù 15 năm, thân phụ bị bắn chết trong Cải Cách Ruộng Đất, hiện ông đang ở Hà Nội; nhà thơ Lê Quang Dũng hiện ở Hà Nội; anh Tô Huy Cơ cháu gọi nhà văn Hoàng Hải Thủy bằng cậu; anh Nguyễn Ký hiện ở Nam California; anh biệt kích Lưu Nghĩa Lương hiện ở Nam California; linh mục Nguyễn Văn Lý hiện ở tù, v.v...

Những người này còn sống và xác nhận tôi thường đọc thơ cho họ nghe trong tù. Hiển nhiên đến như vậy, không thể chối cãi được thì lập tức những kẽ vu khống tôi lại dựng lên một lập luận mới. Họ công nhận tôi là NCT thật, công nhận tôi có ở tù, nhưng tôi chỉ là người chép lại thơ của một người vô danh nào đó. Theo kiểu lập luận này, tôi có thể nói cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa không phải của nhà văn Phan Nhật Nam viết mà ai đó viết hộ ông, và tôi có thể nói như vậy với bất cứ một nhà văn, nhà thơ nào, vì không cần bắng cớ.

Thưa các bạn, Machiavelli, một triết gia chính trị người Ý từ cuối thế kỷ 15 đã viết: “Cứ vu khống, tiếp tục vu khống, một cái gì đó sẽ lưu lại (calomniez et calomniez, il en reste toujours quelque chose) (4). Bọn cộng sản, bọn quốc xã trong thế kỷ 20 đã là những học trò giỏi của Machiavelli.

Cũng từ lâu lắm, nhiều người có thiện cảm với tôi giục tôi phải viết hẳn một bài dài trả lời những bài báo viết bậy bạ về tôi.

Suốt mười mấy năm tôi đã nghe theo lời khuyên của George Washington: “Kiên trì làm nhiệm vụ của mình và yên lặng là câu trả lời tốt nhất đối với sự vu khống.” (to persevere in one's duty and to be silent is the best answer to calumny.) Cũng như lời khuyên của Thomas Paine, nhà ái quốc kiêm nhà văn của Hoa Kỳ đồng thời với George Washington: “Vu khống là một thói hư có thể chất kỳ cục, cố công diệt nó lại chính là nuôi nó sống, mặc xác nó, tự nhiên nó chết.” (Calumny is a vice of curious constitution; trying to kill it keeps it alive; leave it to itself and it will die a natural death.) Tôi vẫn tin là đúng, những lời vàng ngọc của hai danh nhân Hoa Kỳ thời lập quốc, nhưng chìêu lòng những người thương mến tôi, tôi đã tổ chức cuộc họp báo này.

Xin chân thành cảm tạ các anh chị em truyền thông, quí đồng hương tới tham dự. Sự có mặt của các bạn làm tôi xúc động, sẽ cho tôi thêm nghị lực để tiếp tục đấu tranh cùng với các bạn cho một Việt Nam dân chủ, tự do, thịnh vượng.

Nam California, ngày 24 tháng 10, 2008.

Nguyễn Chí Thiện
9051 Oasis Ave
Garden Gorve, CA 92844
(714) 260 2007

-------------------
Thư tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh họa.

(1)
California - Handwriting Specialists - Criminal, Fraud and Personal Identity - Expert, phone: (562) 427-2005

(2)
Board Certified Forensic Examiner of Documents & Handwriting 3092 Cesar Chavez Street 94110 P.O. Box 882401
San Francisco, California 94188
United States of America
Contact: Mr. Marcel B. Matley
Tel: (415) 753-2832, Fax: (415) 824-0806

(3)
Gregg M. Stutchman, Forensic Analyst , Phone: 707-257-0828 Fax: 707-257-3240

(4) Câu tiếng Pháp, “Calomniez, calomniez; il en restera toujours quelque chose” trích từ hài kịch “Le Barbier de Séville” (1775) của Pierre-Augustin de Beaumarchais. Gioachino Rossini đưa lên sân khấu nhạc opera năm 1816. Câu nói nổi tiếng trên từng được cho là của Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, hay của tu sĩ dòng the Jesuits (và Machiavelli – DCVOnline). Nhưng dường như người đầu tiên bày tỏ khái niệm đó là triết gia người Anh tên Francis Bacon (1561-1626) Nguồn:
Dizionario dei Modi di Dire per ogni occasione, trang 22.
[Dal francese: Calomniez, calomniez; il en restera toujours quelque chose; frase in cui si com-pendia una lunga tirata di don Basilio nella com-media Il barbiere di Siviglia (1775) di Pierre-Augustin de Beaumarchais, messa in musica nel 1816 da Gioacchino Rossini. La famosa frase è stata attribuita a Jean-Jacques Rousseau, a Voltaire, ai gesuiti, ma pare che il primo a esprimere il concetto sia stato il filosofo inglese Francesco Bacone (1561-1626)]

No comments: