Tuesday, October 28, 2008

TÌNH HÌNH NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN TẠI CAM BỐT

12 thành viên phong trào Trà Đàm sang tị nạn tại Campuchia
Nguyễn Bình
thông tín viên RFA, Campuchia
2008-10-28
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/12-members-of-Tra-Dam-movement-escape-to-Cambodia-10282008111713.html

12 người Khmer Nam bộ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em là thành viên của phong trào Trà Đàm Dân Chủ tại Việt Nam vừa vượt biên sang Campuchia lánh nạn.

Những người Việt gốc Miên tỵ nạn tại Campuchia. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/12-members-of-Tra-Dam-movement-escape-to-Cambodia-10282008111713.html/Vietnamese-refugees-54.jpg

Không được công nhận là người tỵ nạn

Nguồn tin từ phòng trào Trà Đàm Dân Chủ tại Campuchia cho biết hiện có 12 thành viên của phong trào này là người gốc Khmer Nam bộ ở một số tỉnh miền Tây sang tị nạn tại Campuchia do chính quyền địa phương của Việt Nam dọa bắt bỏ tù.

Theo ông Đỗ Hữu Nam, lãnh đạo phong trào Tra Đàm tại Campuchia cho biết có 3 thành viên trong nhóm này bị chính quyền khám nhà tìm tài liệu, nên sợ và trốn sang Campuchia.
Cũng theo ông Nam, 12 người Khmer Nam bộ này có đến văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR) tại Phnom Penh nhưng không được tiếp nhận. Hiện nhóm người này đang được một số dân nghèo Campuchia ở ngoại ô Phnom Penh giúp đỡ lương thực và chỗ tá túc.

Ông Om Samath, lãnh đạo tổ chức nhân quyền Licado nói rằng Bộ Nội vụ Campuchia từng can thiệp không cho UNHCR cấp qui chế tị nạn cho người Khmer Krom, hay người Khmer gốc Nam bộ, với lý do cho rằng Hiếp pháp Campuchia đã thừa nhận những người này là công dân của Campuchia. Nhưng thực tế chưa có người Khmer Krom tị nạn chính trị nào được cấp giấy tờ tùy thân như là một công dân. Do đó, tổ chức ông sẽ tìm hiểu về những người tị nạn này và sẽ phản ánh với chính quyền Phnom Penh cũng như các nước tài trợ cho Việt Nam và Campuchia.

Cựu binh sĩ QLVNCH ?

Ông Thạch Chhuon Yat, cán bộ xác minh của tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchea Krom nói rằng ông đã tiếp xúc với một số người trong nhóm nói trên và được biết phần lớn là cựu binh sĩ chế độ Sài Gòn củ. Và một số người chưa qua cải tạo sau năm 1975 do đó sẽ gặp khó khăn nếu bị buộc hồi hương về Việt Nam. Còn ở Campuchia thì có tâm lý lo sợ bị công an mật theo dõi và sợ bị trục xuất về Việt Nam nên không dám ra ngoài tìm việc làm.

Tổ chức ông sẽ vận động những người Khmer Krom này từng bước hòa nhập cuộc sống tại Campuchia như tìm chuyên gia pháp lý giúp làm giấy tờ tùy thân để trở thành công dân Campuchia chính thức, sau đó tìm công ăn việc làm tại đây.

Theo ông Thạch Chhuon Yat, nhưng gì mà phong trào Trà Đàm làm hiện nay không vi phạm pháp luật của Campuchia, nhưng cả chính quyền Phnom Penh và Hà Nội đều không thích. Do đó, để phòng ngừa như trường hợp nhà sư Tim Sakhorn, tổ chức ông sẽ viết báo cáo cho các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước biết, đồng thời cũng báo cáo cho nghị viện Châu Âu. Nếu như những người Khmer Krom này bị trục xuất về Việt Nam thì xem như đây là vụ vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

Được biết, nhà sư gốc Khmer Nam bộ tên là Tim Sakhorn, từng làm trụ trì trong một ngôi chùa thuộc tỉnh Takeo của Campuchia bị lãnh đạo Phật giáo Campuchia buộc hoàn tục vào cuối tháng 6 năm 2007 với lý do cho rằng phá hoại ban giao giữa 2 nước Campuchia và Việt Nam. Còn thủ tướng Hun Sen của Campuchia cáo buộc thêm rằng nhà sư này có quan hệ bất chính với phụ nữ.

Sau khi hoàn tục, nhà sư Tim Sakhorn bị đưa đi mất tích. Sau đó truyền thông Việt Nam có lúc loan tin rằng vị sư này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nên bị bắt, có lúc cho rằng bị chính quyền Phnom Penh trục xuất. Hiện nhà sư Tim Sakhorn đã ra khỏi trại giam tại An Giang, nhưng vẫn chưa được về đoàn tụ gia đình tại Campuchia.



Tình hình người Thượng tị nạn tại Campuchia
Nguyễn Bình, thông tín viên RFA
2008-10-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Situation-of-Montagnards-refugees-in-Cambodia-10272008084503.html
Không chỉ người Việt, mà cả người Thượng đang tị nạn tại Campuchia đang hoang mang vì cơ hội đi định cư ở nước thứ 3 rất hiếm. Hiện đang đối mặt tình buộc hồi hương về Việt Nam.

Tị nạn tại Cammpuchia bi buộc hồi hương về Việt Nam

Với cách làm việc mới của văn phòng Cao ủy tị nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) tại thủ đô Phnom Penh, không những người Kinh bị giao cho Bộ Nội vụ Campuchia phỏng vấn, mà cả người Thượng mặc dù tiếp tục được tổ chức Liên hiệp quốc này phóng vấn cũng rất lo âu.
Ông A Macip, một người Thượng từ Tây Nguyên đang tị nạn tại Campuchia cho biết từ tháng 7 năm 2008 cho đến nay chưa có người Thượng nào đang ở trong trại tập trung tại thủ đô Phnom Penh được UNHCR cho đi định cư ở nước thứ ba sau khi phỏng vấn. Hiện 176 người Thượng ở trong trại 3 tại thủ đô Phnom Penh đang có nguy cơ bị buộc hồi hương về Việt Nam.

Hoa Kỳ không can thiệp

Theo ông A Macip, trước đây có sự can thiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia, như đối với trường hợp người Thượng bị UNHCR từ chối cấp qui chế, Đại sứ quán Hoa Kỳ phỏng vấn lại và cho đi định cư ở nước thứ 3. Nhưng bắt đầu từ tháng 5 năm 2007 cho đến nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ không phỏng vấn nữa, mà để cho UNHCR và người tị nạn tự làm việc.

Về chế độ ăn uống trong trại tị nạn hiện nay, ông A Macip cho biết gạo thì đủ ăn, còn rau quả thì rất ít, không thể tự nấu từng phần được, mà phải gộp chung khoảng 10 phần mới có thể nấu được. Những người có thân nhân ở nước ngoài thì được thân nhân gửi tiền cho nên chế độ ăn uống có khấm khá hơn.

Thông tin từ văn phòng UNHCR tại thủ đô Phnom Penh cho biết từ khi có cuộc biểu tình bạo động xảy ra ở Tây Nguyên từ năm 2001 cho đến nay có gần 2000 người Thượng Việt Nam trốn sang tị nạn tại Campuchia. Trong đó có khoảng trên 1000 người được cấp qui chế tị nạn chính trị và được đi định cư ở nước thứ 3, chủ yếu là Hoa Kỳ và Canada. Khoảng 500 người bị buộc hồi hương về Việt Nam sau khi UNHCR ký thỏa thuận 3 bên giữa tổ chức này với chính phủ Campuchia và Việt Nam.

Nguôn tin từ người Thượng tị nạn cho biết vào ngày 27 tháng 10 tới UNHCR sẽ kết hợp với Bộ Nội vụ Campuchia trục xuất toàn bộ người Thượng trong trại 3 tại thủ đô Phnom Penh về Việt Nam, nhưng nhân viên văn phòng UNHCR tại Phnom Penh nói rằng họ không rõ chuyện này.


Người Thượng tị nạn tại Campuchia lo sợ bị trục xuất
Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA
2008-10-25
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vn-montagnards-in-cambodia-are-afraid-of-deportation-nbinh-10252008090244.html

Người Thượng Việt Nam đang tị nạn tại Campuchia lo sợ bị trục xuất về Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 tới. Từ Campuchia, phóng viên Nguyễn Bình có bài tường trình về vụ việc này như sau:

Trẻ em Việt Nam ở cảng Royal, Kampong Som. PHOTO RFA/Nguyễn Bình
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vn-montagnards-in-cambodia-are-afraid-of-deportation-nbinh-10252008090244.html/vietnamese-cambodian-kids-305.jpg

Người Thượng Việt Nam đang tị nạn tại Campuchia lo sợ bị trục xuất về Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 tới. Từ Campuchia, phóng viên Nguyễn Bình có bài tường trình về vụ việc này như sau:
Nguồn tin từ nhóm người Thượng tị nạn tại Campuchia cho biết họ nhận được thông báo từ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHRC) rằng họ sẽ bị trục xuất từ thủ đô Phnom Penh về Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 tới.
Theo ông A Phát, một người Thượng đang tị nạn tại Campuchia thì số lượng người Thượng có nguy cơ bị trục xuất đợt này là 176 người ở trại 3.

Không đủ tiêu chuẩn tị nạn

Theo ông A Phát, nguyên nhân được văn phòng UNHCR tại Phnom Penh giải thích rằng những người Thượng này trốn sang Campuchia sau tháng 5 năm 2007, nên không có cơ hội hưởng qui chế tị nạn.
Ông A Phát cho biết thêm là vào khoảng giữa tháng 10 vừa qua, UNHCR từng kết hợp với Bộ Nội Vụ Campuchia trục xuất khoảng 50 người Thượng về Việt Nam cũng với lý do trên.

Ông Sok Heng, nhân viên hành chánh của văn phòng UNHCR tại Phnom Penh nói rằng ông không biết thông tin về việc trục xuất người Thượng vào ngày 27 tháng 10 tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vào ngày 17 tháng 10 vừa qua, Bộ Nội Vụ Campuchia có trục xuất khoảng 50 người Thượng về Việt Nam do không hội đủ tiêu chuẩn hưởng qui chế tị nạn chính trị.

Vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, phái đoàn UNHCR có đến thị sát tìm hiểu tình hình người Thượng hồi hương tại 2 tỉnh Tây Nguyên. Sau đó ông Vũ Anh Sơn, đại diện phái đoàn nói với các hãng thông tấn nước ngoài rằng người hồi hương không bị phân biệt đối xử và từng bước hòa nhập vào cuộc sống tại địa phương. Nhưng ông A Phát cho rằng người dân thì nói khác.

Nguồn tin từ UNHCR cho biết tổ chức này đã ký văn bản thỏa thuận với chính phủ Campuchia và Việt Nam vào tháng Giêng năm 2005, theo đó, những người Thượng sang tị nạn chính trị tại Campuchia nếu hội đủ tiêu chuẩn thì cho đi định cư ở nước thứ 3, còn không bị trục xuất về Việt Nam.
Từ khi ký thỏa thuận này cho đến nay đã có khoảng 500 người Thượng sang tị nạn chính trị tại Campuchia bị trục xuất về Việt Nam.

No comments: