Monday, October 27, 2008

PHẢI THANH LÝ ĐẾ QUỐC MỸ THÔI !

Phải thanh lý đế quốc Mỹ thôi!
Patrick J. Buchanan
Đăng ngày 25/10/2008 lúc 09:45:01 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3211

Trong cuộc Đại Suy Trầm 1929, Bộ trưởng Ngân khố Andrew Mellon đã khuyến cáo Tổng thống Herbert Hoover như sau: ““Hãy thanh lý lao động, thanh lý [thị trường] chứng khoán, thanh lý nông nghiệp”. Ông Hoover đã làm theo. Và quốc gia đã thanh lý ông – và đảng Cộng hoà.

Trong cuộc Khủng hoảng 2008, 40 phần trăm trị giá cổ phiếu đã biến mất, tức là gần 9 ngàn tỉ đô la. Đâu như 5 ngàn tỉ trị giá bất động sản cũng bay vèo. Một cuộc suy thoái đã ló dạng; đâu đâu cũng mất công ăn việc làm, bù trợ thất nghiệp gia tăng, và trợ cấp an sinh xã hội vọt lên như diều.

Lần đầu tìên, ngân sách nước Mỹ sắp bị thâm thủng một ngàn tỉ đô la. Trong tài khóa 2008, thâm thủng là 438 tỉ.

Trong khi thu nhập thuế má giảm xuống, chúng ta lại phải thêm vào thâm thủng năm nay từ 200 đến 300 tỉ để chùi cho sạch sổ sách kế toán thối nát của Fannie và Freddie, khoản 700 tỉ (cộng thêm 100 tỉ các khoản tăng chi và dự chi “cục cưng” (pork) để cứu khốn [các ngân hàng đầu tư] Wall Street, 85 tỉ để phò nguy cho AIG, và 35 tỉ khác cần tức khắc: 25 tỉ cho GM, Chrysler và Ford, và hàng trăm tỉ mà [bộ trưởng Ngân khố] Hank Paulson sẽ cần đến để mua sổ sách các công ty và cứu nguy các ngân hàng ngõ hầu chặn đứng sự hoảng loạn [của quần chúng].

Người Mỹ không tiết kiệm được một xu teng, chính quyền lấy tiền ở đâu ra? Chẳng lẽ cứ in thêm tiền và hủy diệt giá trị đồng Mỹ kim cùng tín dụng của nước Mỹ? Bởi vì các quốc gia mà ngân khố chất đống Mỹ kim và các khoản nợ của Mỹ -- Trung Hoa, Nhật Bản, Saudi Arabia, các tiểu quốc Ả Rập vùng Vịnh – ngần ngại không muốn cho chúng ta vay thêm. Đã có nhiều tài khoản độc lập gửi hàng tỉ bạc vào các ngân hàng Mỹ bị đốt ra tro rối.

Thẻ VISA của Chú Sam sắp sửa bị đóng dấu “Hủy bỏ”.

Ngân sách rồi ra chắc chắn sẽ bị cắt xén. Nhưng cái gì sẽ bị cắt?

An sinh Xã hội và Bảo hiểm Y tế chắc chắn sẽ được miễn trừ. Các vị cao niên đã bị một vố nặng trong các quỹ tiết kiệm riêng (401(k), IRA) của các cụ rồi. Và trong lúc đảng Dân Chủ đang chuẩn bị một ngân khoản khích lệ 150 tỉ cho giới lao động nghèo và trung lưu, thì không thể đụng tới Bảo hiễm Y tế miễn phí (Medicaid) và tem phiếu thực phẩm. Lãi nợ thì không thể cắt giảm, nó chỉ có tăng. Liệu một Quốc hội Dân Chủ có giám cắt giảm những trợ cấp thất nghiệp, an sinh, giáo dục, tiền vay học phí, phúc lợi cựu chiến binh – trong một cuộc suy thoái?

Không đời nào. Vậy mà đó hầu như là toàn bộ ngân sách nước Mỹ - trừ ra quốc phòng, các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, và ngoại viện. Và đó là chỗ mà sớm hay muộn gì cái máy chém sẽ bổ xuống.

Đó chính là Đế quốc Mỹ sẽ bị thanh lý.

Sự thoái lui đã bắt đầu khi ông Bush không còn muốn đương đầu với các thành viên cùa hiến chương “Trục-Ma-Quỷ” là Iran và Bắc Hàn về những dụng ý hạch tâm của họ, và hầu như chắc chắn sẽ được tiếp tục với một thương nghị hoà bình ở Afghanistan. Tướng Petraeus và Bộ trưởng Gates đã thấy bắt đầu nói về “hoà giải” với Taliban.

Chúng ta không còn sống trong một nước Mỹ của Eisenhower hay Reagan. Ngay đến thế giới hậu-Chiến Tranh Lạnh của George H. W. Bush (bố) mà Mỹ là một bá quyền toàn cầu, cũng là lịch sử rồi. Theo nghĩa cả tương đối lẫn hiện thực, nước Hiệp chủng quốc Hoa kỳ là một cường quốc đã sa sút.

Trong khi Eisenhower chi 9 phần trăm GDP (tổng sản lượng quốc gia) cho quốc phòng, Reagan 6 phần trăm, chúng ta chi chỉ có 4 phần trăm. Vậy mà chúng ta có hai cuộc chiến đang làm ta đổ máu và phải bảo vệ nhiều quốc gia khác, với những cam kết ở các vùng Baltic, Đông Âu, và Balkans mà chúng ta không có trong Chiến tranh Lạnh. Bởi vì ngày nay các hệ thống vũ khí của Mỹ đắt hơn gấp bội lần, chúng ta có ít phi cơ chiến lược và chiến hạm Hải quân hơn là thời Eisenhower hay Reagan. Lục quân và Thủy quân bộ chiến hiện dịch của chúng ta gồm có 700 ngàn, 15 phần trăm là phụ nữ, và một bách phân cao hơn thế nữa trong bọn họ là quân yểm trợ thay vì tác chiến.

Với lực lượng ít ỏi như vậy, chúng ta không thể giữ trật tự cho thế giới, và chúng ta không có khả năng để có nhiều lực lượng hơn. Vậy mà chúng ta có nhiều quốc gia thù nghịch mới mà chúng ta không có năm 1989.

Quyền lợi của Hoa kỳ ở châu Mỹ La tinh đang bị thách đố không những bởi Cuba, mà còn bởi Venezuela, Bolivia, Ecuador, Nicaragua và Honduras. Brazil, Argentina và Chile thì đi theo đường lối riêng của họ. Nước Nga đang tái khẳng định bá quyền trong vùng Caucasus, thử nghiệm hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mới, cho oanh tạc cơ bay thăm dò tới giới hạn không phận của Mỹ. Trung hoa đang tăng trưởng kinh tế 10 phần trăm trong lúc chúng ta đi vào suy trầm. Họ đang căm phẫn chúng ta đã bán vũ khí cho Đài loan. Iran thì vẫn thách đố chúng ta. Còn thái độ chống Mỹ và cảm tính với al-Quaida của Pakistan đã thấy ló dạng.

Đế quốc Mỹ đã trở thành một sự quá lố rộng lớn.

Trong lúc các thị trường đang tuột dốc và của cải đang tan biến thì chúng ta đang làm gí với 750 căn cứ và quân đội tại hơn 100 quốc gia?

Trong lúc kinh tế đang ló dạng suy thoái chưa biết xuống tới đâu và kéo dài bao lâu, thì tại sao cứ tiếp tục vay hàng tỉ bạc của các người Ả rập giầu có để bảo vệ người châu Âu giầu có, hay của Trung Quốc và Nhật Bản để ban phát cho Tanzania và Burkina Faso trong chương trình “Cấp bổng lộc Thách đố của Thiên niên kỷ” (Millennium Challenge Grants)?

Hoa kỳ cần phải xét lại từ gốc đến ngọn những sự cam kết chiến lược của mình từ thời Chiến Tranh Lạnh đã chấm dứt 20 năm nay.

Có thật cần thiết phải duy trì 30 ngàn quân ở Nam Hàn, một quốc gia gấp đôi dân số và giầu có gấp 40 lần hơn Bắc Hàn? Tại sao McCain và Obama lại dâng hiến tư cách thành viên NATO (Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương), nghĩa là cam kết bảo vệ khi có chiến tranh với Nga, cho Georgia, một nước cai trị bởi một người hiếu động như Mikheil Saakashvili, và cho một nước Ukraine có hàng triệu dân thích làm bà con với Nga hơn là đồng minh với chúng ta?

Chúng ta phải đặt “quốc gia” lên trên hết, John McCain đã nói như vậy. Chịu ông quá đi thôi, ông Thượng nghị sĩ. Đã đến lúc phải để tâm sức lo cho nước Mỹ trước hết.

Patrick J. Buchanan

Viên Chu chuyển ngữ


--------------

Nguồn: Patrick J. Buchanan,
”Lidiquating the Empire”. Buchanan.org/blog, ngày 14.10.08.
Tác giả là một chính trị gia, nhà bình luận chính trị, nhà báo viết chính luận và làm cố vấn thâm niên cho các tổng thống Reagan, Nixon và Ford. Ông đã mưu lược để được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà năm 1992 và 1996. Năm 2000, ông ra tranh cử tổng thống trong liên danh đảng Cải Tiến (Reform Party).

No comments: