Sunday, October 26, 2008

THẤY GÌ VÀ NGHĨ GÌ SAU MỘT PHIÊN TOÀ ?

Thấy gì và nghĩ gì sau một phiên toà?
Phan Bá Việt
Đăng ngày 24/10/2008 lúc 15:40:38 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3210

Vụ xử án hai sĩ quan công an và hai nhà báo trung tuần tháng 10 vừa qua đã là đề tài cho rất nhiều bài báo. Những ý kiến đã khá đa dạng nhưng đều tập trung trên hai đề tài lớn, một là tham nhũng (hoặc chống tham những tuỳ cách tiếp cận), hai là vai trò của báo chi và truyền thông.

Để tiết kiệm thời giờ và chỉ nói những điều cần nói thêm trong cuộc thảo luận này, tôi xin gửi kèm theo đây hai bài viết khác của hai chí hữu trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Một bài của Việt Hoàng thuật lại vụ án một cách ngắn gọn nhưng đủ những nét chính cần lưu ý; bài này cho phép tôi thảo luận mà không cần nhắc lại vụ án. Một bài khác của Nguyễn Gia Kiểng viết cách đây đã gần ba năm về tham nhũng và chống tham nhũng trong đó tham nhũng được phân tích như một hiện tượng và cố gắng chống tham nhũng được nhận diện một cách thẳng thắn; đó là bài duy nhất mà tôi được đọc, trong tiếng Việt cũng như bằng ngoại ngữ, nhìn vấn đề một cách khoa học và thông suốt. Chúng ta cần đọc bài này khi thảo luận về tham nhũng để biết chắc mình đang nói về cái gì [1].

Trở lại vụ án này, trước hết tôi chú ý đến một chi tiết nhỏ: án phạt cảnh cáo đối với thiếu tướng Phạm Xuân Quắc. Nhiều câu hỏi chính đáng đã được đặt ra, như tại sao ông Quắc lại chỉ bị phạt cảnh cáo trong khi thuộc cấp của ông, thượng tá Đinh Văn Huynh, lại bị án tù? Tại sao nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã quả quyết rằng ông không bịa đặt gì mà chỉ thuật lại những gì tướng Quắc đã tiết lộ cho ông và đã thu băng nộp cho toà những cuộc nói chuyện với tướng Quắc nhưng toà lại không cho nghe cuốn băng theo lời yêu cầu của ông Nguyễn Việt Chiến? Nếu có những trường hợp mà hỏi cũng là trả lời thì đây là một. Điều mà tôi lưu ý là bản án đối với tướng Quắc chứng tỏ rõ ràng rằng cảnh cáo là một án phạt và như thế việc Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội ra quyết định cảnh cáo đối với tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là một hành động tuỳ tiện tự cho mình quyền của một toà án, và phạm pháp. Ông Ngô Quang Kiệt đã bị vu cáo và bôi nhọ, những lời nói của ông đã bị cắt xén và xuyên tạc để gây thù ghét đối với ông và ông cũng đã là nạn nhân của một hành động lạm quyền. Ông Kiệt xứng đáng được bảo vệ vì ông đã là chức sắc cao cấp đầu tiên của giáo hội Công Giáo dõng dạc bác bỏ quan hệ "xin-cho" mà chính quyền cộng sản áp đặt đối với xã hội dân sự để chỉ đòi những quyền chính đáng. Thái độ của ông Kiệt đánh dấu một chuyển biến tâm lí quan trọng mà người ta chờ đợi từ lâu của Công Giáo Việt Nam, thành phần mạnh nhất của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay vì vừa đông đảo lại vừa có kỉ luật và tổ chức. Đây là một thay đổi đầy hứa hẹn cho cuộc chiến đấu vì nhân quyền và, một cách tự nhiên, cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước.

Nhưng tại sao lại có vụ án này?

Nó không có lợi gì cho hình ảnh và uy tín của đảng và nhà nước cộng sản cả. Vậy phải chăng phiên toà này cần có để tái lập công lí? Chắc chắn là không, vì không có một nguyên đơn nào, kể cả ông cựu thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, khởi tố các bị can vì đã gây ra thiệt hại gì cho họ mặc dù hai nhà báo bị xét xử vì đã “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Còn hai sĩ quan công an thì bị truy tố vì đã "cố ý làm lộ bí mật công tác", nhưng cũng không có cơ quan nhà nước nào tố giác họ đã tiết lộ những bí mật công tác nào và những bí mật đó đúng hay sai. Đây chỉ là một quyết định không có giải thích của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, một cơ quan đã từng thường xuyên nhận lệnh Đảng để đưa ra những bản cáo trạng cực kì tuỳ tiện và bất chấp luật pháp đối với những người dân chủ. Vụ án này cũng không cần thiết ngay cả để duy trì một "trật tự" nào đó vì các sĩ quan công an, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh, ngay cả nếu đã sai lầm trong quá trình điều tra, cũng chỉ cần bị khiển trách hoặc kỉ luật công vụ chứ không cần bị truy tố, trừ khi họ đã cố tình nguỵ tạo chứng cớ.

Nhưng họ đã nguỵ tạo những gì? Không ai biết, vì không có gì được công bố; vả lại điều rất đáng chú ý là họ không bị truy tố vì nguỵ tạo chứng cớ. Việc bắt giam và giải toà hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải không những vô lí và thô bạo mà cũng không cần thiết bởi vì nếu họ có thực sự phạm lỗi nghề nghiệp đi nữa thì cùng lắm phạt vạ cũng đủ. Cuối cùng những bản án đối với họ cũng chẳng nghiêm khắc gì. Hai ông Phạm Xuân Quắc và Nguyễn Văn Hải đã được trả tự do và chắc chắn 100% sẽ không gặp phiền phức gì mà còn có thể sẽ được hưởng một thiện cảm nào đó dành cho những người không may. Tôi cũng có thể đánh cuộc với bất cứ ai là thượng tá Đinh Văn Huynh và nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ được trả tự do nay mai, có thể là một cách không công khai, và sẽ tìm lại được một chỗ đứng thoải mái, dù có thể không ở trong ngành cũ của họ.Vậy thì vụ án này nhắm mục đích gì?

Người ta chỉ có thể giải thích là nó nhắm gửi một thông điệp: công an không được tiết lộ cho báo chí và báo chi dù có biết cũng không được nói ra những bí mật về tham nhũng liên quan đến những lãnh đạo cấp cao, tham nhũng ở cấp lãnh đạo là một bí mật quốc gia.

Vụ án này đã gây thất vọng cho nhiều người vì nó không có anh hùng. Tướng Quắc, dù đã tâm sự một cách rất khẳng khái với báo chí vào lúc còn tin rằng có một ý chí chống tham nhũng thực sự, đã tỏ ra rất bình thường, ông chỉ chối đã "cố ý làm lộ bí mật công tác" chứ tuyệt đối không nói gì khác. Thượng tá Đinh Văn Huynh đã nhận tội "cố ý làm lộ bí mật công tác" và chỉ xin toà hiểu cho là đã không cố ý! Nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng đã nhận tội và chỉ xin khoan hồng. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến cũng chỉ kêu oan và xin toà xét tới quá trình phục vụ và bệnh trĩ của ông. Tất cả bốn người này đều chỉ là những người bình thường như nhiều người khác, không hơn nhưng cũng không kém. Họ đã chỉ là những nạn nhân không may bị chọn trong số những người trong một lúc nhẹ dạ đã tưởng rằng có một lực lượng chống tham nhũng áp đảo trong chế độ.

Nhưng thất vọng lớn nhất là về thái độ của làng báo Việt Nam. Phản ứng của báo chí Việt Nam thật đáng buồn. Các báo, ngoại trừ những tờ báo trực thuộc Đảng, mới đầu đều đã lên tiếng bênh vực hai đồng nghiệp của họ, nhưng chỉ vài ngày sau đó, theo lệnh của Đảng, tất cả đều đã im lặng. Trong khi tường thuật lại phiên toà, nếu đọc giữa hai dòng chữ, thì người ta cũng thấy họ muốn bênh vực hai đồng nghiệp, như khi họ nói rằng hai nhà báo bị buộc tội "xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" dù không có ai khởi tố. Nhưng họ đã không dám bình luận gì khác. Báo Thanh Niên đã viết về Nguyễn Việt Chiến như thể ông này không phải là một nhà báo của Thanh Niên, cũng như báo Tuổi Trẻ đã viết về Nguyễn Văn Hải như thể ông này chưa bao giờ cộng tác với Tuổi Trẻ. Cúi mặt quên nhau. Tệ nhất là họ lại gọi hai nhà báo này là hai "nguyên nhà báo" vì lí do họ đã bị chính quyền cấm hành nghề. Phải chăng họ coi làm báo không phải là một nghề mà chỉ là một phân công trong nội bộ chế độ? Một y sĩ hay một kĩ sư dù không còn hành nghề nữa cũng vẫn là một y sĩ hay một kĩ sư vì đó là những nghề. Như vậy là ở Việt Nam không có nghề nhà báo mà chỉ có những người được chỉ định để viết báo? Danh dự của các nhà báo Việt Nam chỉ có thế thôi sao? Người ta có quyền chờ đợi một phản ứng xứng đáng hơn ở một khối trí thức hơn hai chục nghìn người có học thức với vũ khí lợi hại nhất của thời đại trong tay : thông tin và tiếng nói.

Vai trò quyết định của báo chí trong việc chống tham nhũng và bất công, cũng như trong mọi tiến bộ của xã hội, không còn cần phải chứng minh. Nó đã quá rõ ràng. Tham nhũng là một sự gian trá và như mọi sự gian trá nó phải giấu mặt, nó sợ truyền thông như bóng tối sợ ánh sáng. Và tham nhũng vừa bịt miệng báo chí qua vụ án này.

Do khả năng động viên quần chúng của nó, báo chí Việt Nam có khả năng to lớn chống tham nhũng và bất công và đã chứng tỏ. Những đợt tranh đấu của công nhân cuối năm 2006 và đầu năm 2007 cũng như sau này đã không thể có và được hậu thuẫn của dư luận để mạnh thêm nếu không có sự kích thích báo chí. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa cũng khó có thể xảy ra nếu không có báo chí. Ngay cả đợt chống tham nhũng có lúc đã gây ảo tưởng cho một số người cũng nhờ báo chí. Cũng không phải là các nhà báo Việt Nam thiếu lương tâm. Họ đã viết được những dòng chữ rất chân tình bênh vực những công nhân nghèo khổ bị bóc lột, họ đã viết một cách đau sót về Hoàng Sa và Trường Sa, và họ cũng đã viết những bài báo nẩy lửa chống tham nhũng khi cảm thấy có thể viết. Lương tâm và thiện chí không vắng mặt. Vấn đề là các nhà báo Việt Nam đã sợ. Họ không dám hành nghề một cách đứng đắn, họ không dám đảm nhận căn cước của những nhà báo thực sự. Nhưng tại sao họ sợ và không dám hành xử như những nhà báo đúng nghĩa? Đó là vì họ cảm thấy bất lực.

Trong cuộc vận động dân chủ nhiều người và tổ chức đã nghĩ tới việc vận động khối công nhân bị bóc lột hoặc khối dân oan bị tước đoạt nhà đất. Bài này không phải là dịp để phân tích hai thành phần xã hội đáng quan tâm này. Chỉ xin vắn tắt: hai khối này còn ở rất xa mức độ chín muồi để có thể vận động được, họ thiếu mục tiêu chung và cũng còn thiếu sự hiểu biết về những vấn đề chính trị xã hội, hơn nữa lại rất thiếu phương tiện. Hai khối dễ vận động hơn nhiều là sinh viên và nhà báo. Nhất là khối nhà báo. Chừng nào khối nhà báo nhập cuộc thì Việt Nam sẽ có thay đổi chính trị. Chính vì thế mà thay vì mỉa mai họ để khiến họ co cụm lại, mất tự hào và niềm tin, ta nên hiểu họ, quý mến họ và khuyến khích họ. Việc vận động dư luận thế giới ủng hộ hai nhà báo vừa là nạn nhân của phiên toà lố bịch này, ngay cả nếu họ đã không có một thái độ mà ta mong đợi trong phiên toà, là một việc làm sáng suốt.

Nhưng làm thế nào để vận động khối nhà báo Việt Nam?

Trong một loạt bài về tổ chức cuộc vận đông dân chủ, đặc biệt là bài "Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị xa lông?" [2], Nguyễn Gia Kiểng đã tóm lược ba điều kiện phải có để vận động thành công một thành phần xã hội. Ba điều kiện đó là:

1- Thành phần đó phải có ý thức rằng mình là một tâp thể gắn bó với nhau trong một số phận chung, đang bị một thế lực khác chèn ép, và chỉ có thể có giải pháp chung chứ không thể có những giải pháp cá nhân, luồn lách.

2- Phải có những mục tiêu và hứa hẹn cụ thể; một lí tưởng đẹp và những giá trị cao quý tuy có sức thôi thúc nhưng nếu không đi kèm với những hứa hẹn cụ thể chỉ động viên được một thiểu số.

3- Phải có lòng tin là cuộc tranh đấu sẽ thành công; chỉ có một thiểu số rất nhỏ sẵn sàng hi sinh cho một mục tiêu cao quý nhưng tuyệt vọng. Lòng tin này thường đến từ sự hiện diện của một tổ chức mạnh, hay từ cảm giác sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ.

Xét theo ba tiêu chuẩn này thì khối nhà báo rất đáng để những người dân chủ đầu tư cố gắng. Họ là một khối người đông đảo, có căn cước khá rõ rệt, ý thức rõ rệt rằng họ đang bị một thế lực, đảng cộng sản, không chế trong việc hành nghề cũng như trong nhu cầu được thể hiện căn cước nhà báo của họ; và nếu tháo gỡ được sự khống chế này thì nghề báo chí và xuất bản có tiềm năng rất lớn trong một nước gần một trăm triệu dân. Điều khó là hiện nay chưa có một lực lượng dân chủ nào đủ mạnh để đem lại cho họ niềm tin rằng cuộc đấu tranh vì dân chủ, chống tham nhũng và bất công, sẽ thắng lợi nhanh chóng. Điều mà ta có thể làm là yểm trợ họ và vận động cho họ những yểm trợ của thế gìới để họ bớt đi cảm giác bất lực và có thêm tự tin. Thái độ không anh hùng trước toà án của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải cũng như phản ứng rất đáng thất vọng của làng báo Việt Nam trong vụ án này chủ yếu là sự khiếp nhược vì cảm giác bất lực. Nhưng tiềm năng đứng lên của khối nhà báo là có thực và rất lớn. Và chính khối nhà báo cũng có thể là một lực lượng chính trị. Dĩ nhiên thức tỉnh và động viên khối nhà báo Việt Nam không phải là dễ -cuộc vận động dân chủ không dễ- nhưng ta không có chọn lựa khác. Vận động khối nhà báo là một thành tố bắt buộc của cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ. Mặt khác, tuy chúng ta có nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng có những yếu tố thuận lợi: các phương tiện truyền thông và giao thông ngày càng phát triển về cả lượng lẫn phẩm, cơ hội tiếp xúc với thế gìới bên ngoài và báo chí tự do của các nước dân chủ ngày càng gia tăng, các nhà báo cũng là thành phần có khả năng nhận nhiều thông tin nhất.

Sau cùng tín hiệu quan trọng nhất của vụ án này là chính quyền cộng sản đã bỏ cuộc trong cái gọi là "đấu tranh chống tham nhũng". Không nên vội kết luận rằng những người lãnh đạo cộng sản không muốn chống tham nhũng. Họ quả thực muốn chống tham nhũng. Điều này ta có thể và phải tin, bởi vì tham nhũng là một điều tồi tệ mà một cách tự nhiên ai cũng phải ghét và chống. Chính người tham nhũng nhất cũng muốn chống tham nhũng, cũng như chính kẻ gian trá nhất cũng thích sự lương thiện và ghét sự gian trá. Nhưng muốn chống tham nhũng là một chuyện, có chống được tham nhũng hay không là một chuyện khác. Không phải ai cũng có thể chống tham nhũng. Về điểm này Nguyễn Gia Kiểng trong bài "Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng" đã nhắc lại một sự thực: người ta không thể sửa đổi một chính quyền tham nhũng để biến nó thành một chính quyền không tham nhũng, điều duy nhất phải làm đối với một chính quyền tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Đây là một sự thực chưa từng có ngoại lệ trong lịch sử thế giới. Những gì vừa xẩy ra chỉ tái xác nhận quy luật này một lần nữa.

Hệ luận phải rút ra từ quy luật này là nếu quả nhiên tham nhũng là quốc nạn nhất định phải bị đẩy lùi để đất nước có thể tồn tại và vươn lên như mọi người đều đồng ý (kể cả mọi cấp lãnh đạo cộng sản!) thì chính quyền cộng sản phải bị thay thế bằng một chính quyền khác. Đây là một kết luận vô cùng quan trọng cho những ai quan tâm đến tương lai đất nước. Có nhiều lí do khác khiến dẫn đến kết luận rằng phải thay thế chính quyền cộng sản, nhưng chỉ cần một lí do chống tham nhũng cũng đủ.

Một số người có thể đặt câu hỏi: đành rằng mọi người đều đồng ý rằng đẩy lùi tham nhũng là bắt buộc sống còn của đất nước nhưng có đúng là như vậy hay không, hay đây chỉ là một khẩu hiệu tiện lợi và phải đạo chứ sự thực đất nước vẫn có thể tiến lên, dù là chậm, ngay cả nếu không diệt được tham nhũng? Cá nhân tôi đã từng gặp những vị đặt ra câu hỏi này. Sự thực hiển nhiên là chưa hề có một nước nào có mức độ tham nhũng cao mà lại trở thành giầu mạnh. Những người hoài nghi như vậy đã chỉ là nạn nhân của một ảo giác quang học: họ đã nhìn thấy một số nước có tham nhũng nặng mà vẫn tăng trưởng kinh tế ở mức độ khả quan. Nhưng đó là những nước khởi hành từ mức độ rất thấp; nếu không khắc phục được tham nhũng, nghĩa là thay thế được chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác, thì đà tăng trưởng sẽ khựng lại ở một mức nào đó sau khi tạo ra vô số vấn đề nan giải khác. Một trong những ưu điểm quyết định của dân chủ là nó cho phép sa thải những chính quyền tham nhũng trong hoà bình.

Tóm lại chúng ta bắt buộc phải khắc phục được tham nhũng nếu muốn đất nước còn có một tương lai; muốn như vậy bắt buộc phải thay thế chính quyền cộng sản bằng một chính quyền trong sạch, và con đường duy nhất để có thể thay thế chính quyền này mà không dùng tới bạo lực là phải có dân chủ. Như vậy cuộc vận động dân chủ cũng là cuộc chiến đấu sống còn của đất nước. Trong cuộc chiến đấu này chúng ta bắt buộc phải tranh thủ được một đồng minh quyết định: báo chí. Tranh thủ báo chí là điều khó nhưng bắt buộc phải làm. Và có thể làm bởi vì trái tim của đại đa số các nhà báo Việt Nam đứng về phía lẽ phải trong cuộc chiến chống tham nhũng và bóc lột. Bằng cớ là chính quyền cộng sản đã phải bịt miệng họ. Nhưng bịt miêng chỉ là một biện pháp tồi tàn và không thể kéo dài.

Phan Bá Việt

(thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

[1] Xem:
• Việt Hoàng,
“Vụ xử hai nhà báo và hai sĩ quan công an cao cấp ngày 15/10/2008: bài học quý giá cho lực lượng công an” , Thông Luận, ngày 16/10/2008.
• Nguyễn Gia Kiểng,
“Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng” , Thông Luận, số 202 (th.04/2006), 08/04/2006.

[2] Nguyễn Gia Kiểng,
«Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị xa lông ?». Thông Luận số 213 (tháng 4-2007), ngày 09/04/2007.

No comments: