Tuesday, October 28, 2008

TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM CỦA TÔN GIÁO

Tiếng nói Lương Tâm của Tôn Giáo
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 28-10-2008
http://danchimviet.com/articles/556/1/Ting-noi-Lng-tam-ca-Ton-giao/TrangPage1.html

Tôn giáo là một thành phần quan trọng của Xã hội Dân sự. Tôn giáo xưa nay vẫn được số đông quần chúng hưởng ứng, noi theo. Như ta đã biết, XHDS vừa là đối tác, vừa là đối trọng đối với Nhà nước. Trong một xã hội thực sự dân chủ, Tôn giáo không bao giờ lại tìm cách khuynh đảo Nhà nước và đổi lại Nhà nước cũng không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

Nhưng trong một chế độ độc tài toàn trị như ở Việt nam, Trung quốc hiện nay, thì đảng cộng sản tìm mọi cách khống chế, kiểm soát rất ngặt nghèo đối với mọi tổ chức tôn giáo. Họ còn lập ra một thứ “tôn giáo quốc doanh” để chia rẽ từng tôn giáo một. Và lại còn gây chia rẽ đố kỵ, hận thù giữa các tôn giáo với nhau nữa; tất cả cũng chỉ nhằm mục đích “Chia rẽ để dễ bề cai trị”. Họ cho tự do cử hành các nghi lễ, cho các tín đồ cứ việc đi lễ bái ở chùa chiền, cho đi tham dự các thánh lễ ở nhà thờ… Nhưng họ lại không cho tu sĩ và các tín đồ đứng ra làm công tác xã hội, cứu chữa người bệnh hoạn, hay mở các trại mồ côi hoăc mở trường học v.v…Như vậy là chỉ có “Tự do thờ phượng” (Freedom of worship), chứ đó chưa phải là “Tự do tôn giáo” (Freedom of religion).

Như đã đề cập trong bài mới viết gần đây :
“Xã hội Dân sự còn là Đối trọng đối với Nhà nước”, Tôn giáo là một thế lực tinh thần, nên vẫn có nhiệm vụ góp phần xây dựng đất nước bằng cách cất lên “Tiếng nói Lương tâm” trước sự sa đọa, nhũng lạm và áp bức bất công của Nhà nước đối với người dân “thấp cổ bé miệng, thân cô thế cô”, như cả hàng triệu dân oan hiện nay ở Việt nam dưới sự cai trị hà khắc của chính quyền độc tài cộng sản. Mới đây, một vị lãnh đạo tôn giáo đã công khai lên tiếng rằng “Tự do tôn giáo là một quyền, chứ không phải là một thứ ân huệ do Nhà nước tùy tiện ban phát cho người dân”. Đó quả là một lời khẳng định về “Quyền Con người”, như đã được ghi rõ trong Điều 18 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mà Liên hiệp quốc đã ban hành từ năm 1948, tức là cách nay đã tới 60 năm. (Xin xem nguyên văn của Điều 18 trong “Phần Phụ chú” ghi ở cuối bài viết này.)

Và còn mạnh dạn hơn nữa, Hội đồng Giám mục Công giáo Việt nam cũng đã minh định xác quyết lập trường của mình qua văn bản phổ biến ngày 25 Tháng Chín 2008 mới đây về một vài vấn đề hệ trọng của đất nước, cụ thể là về “Quyền tư hữu của người dân trên ruộng đất, vườn tược mà cha ông của họ đã bao nhiêu đời tạo dựng và truyền lại cho họ”. Cả về tình trạng “thông tin thiếu trung thực do các cơ quan truyền thông của Nhà nước”. Và nhất là sự “Gian dối trong các giao tiếp trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong giáo dục.” Văn bản này cũng kêu gọi “Chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ”. (Chi tiết của văn bản quan trọng này, xin coi ở “Phần Phụ chú” dưới đây)

Đây chính là “Tiếng nói Lương tâm” của giới Tôn giáo trước tình trạng nguy ngập sa đọa của quốc gia do chế độ cộng sản đã gây ra từ mấy chục năm nay.

Lập trường như thế rõ ràng là tiến bộ, dũng cảm và phản ánh trung thực ý nguyện của tuyệt đại đa số người dân Việt nam vốn từ lâu là nạn nhân của Nhà nước độc tài chuyên chế cộng sản. Ấy thế mà sau hơn một tháng, ta chưa được biết đến “phản ứng đồng thuận, mạnh mẽ” xuất phát từ các tổ chức tôn giáo khác hay của các nhóm, đoàn thể văn hóa xã hội ở trong cũng như ở ngoài nước. Vì thế mà chính quyền công sản vẫn còn “bình chân như vại”, vẫn tiếp tục việc đàn áp, khống chế mọi cá nhân hay tập thể có gan dám đương đầu với họ. Rõ rệt đây là chỗ yếu của “Phong trào tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền” hiện nay ở Việt nam, nó khiến cho “Quần chúng nhân dân chúng ta chưa làm sao kết hợp được thành một phong trào tranh đấu toàn dân, cùng khắp ”hầu áp lực được chính quyền cộng sản phải“ nhượng bộ, lùi bước” trước những đòi hỏi chính đáng của toàn thể cộng đồng dân tộc.

Nhằm làm tăng cao hiệu quả của “Tiếng nói Luơng tâm từ các tổ chức Tôn giáo”, thiết tưởng cần phải có một số điều minh định thật rõ rệt như sau đây:

Thứ nhất : Các tôn giáo không hề âm mưu chung với nhau để “chống lại chủ trương Vô thần”. Mặc dầu tôn giáo nào thì cũng đều là “hữu thần”, đều tin tưởng vào một “Thượng đế, Đấng Toàn năng Toàn thiện”, vào một “Ông Trời, Thiên chúa” v.v…; nhưng không phải vì thế mà lại đâm ra “đối nghịch, mạt sát, kỳ thị khinh bỉ đối với người vô thần”. Vì thế, người có niềm tin tôn giáo, thì không hề có chống đối người cộng sản chỉ vì họ noi theo “thuyết vô thần”; mình đòi hỏi cho có “Tự do Tôn giáo”, thì cũng phải để cho người khác được quyền “Tự do Vô Tôn giáo, Vô Tín ngưỡng”. Chúng ta chống cộng sản, đó là vì chính sách cai trị hà khắc, độc tài chuyên chế, bất nhân bất nghĩa của họ; chứ không phải vì họ là vô thần, không theo một tôn giáo nào. Sự phân biệt như thế cần phải được xác định thật rõ rệt, chính xác, chứ không thể mập mờ được.

Thứ hai : Mối liên hệ giao tiếp giữa các tổ chức tôn giáo với nhau thì phải đặt trên cơ sở của sự hài hòa, nhân ái, tương kính lẫn nhau. Đúng theo truyền thống của bậc “chính nhân quân tử” của cha ông chúng ta, như đã được ghi trong câu
“Quân tử hòa nhi bất đồng” và “Lượng cả bao dung”. Với chức năng là “người lãnh đạo tinh thần”, tôn giáo cần nêu cao tấm gương “đức độ, hòa nhã, nhân ái” để cho quần chúng, nhất là giới trẻ noi theo. Do vậy, mà mọi thành kiến, tỵ hiềm, đố kỵ, mạt sát lăng nhục lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo thì đều đi ngược lại với cốt lõi giáo lý và đạo hạnh của bất kỳ tôn giáo nào. Giới lãnh đạo tôn giáo, hơn ai hết cần phải “cảnh giác trước âm mưu chia rẽ thâm độc của người cộng sản” vốn xưa nay rất sở trường với thủ đọan “lấy địch đánh địch, chia để trị”.

Thứ ba : Trong phạm vi nội bộ của mỗi tổ chức tôn giáo, thì càng cần phải tăng cường, củng cố sự gắn bó liên kết để luôn giữ được sự thuần nhất, yêu thương thuận thảo giữa các tín đồ với nhau như anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình. Cần phải phân biệt là : Với tư cách là một người công dân, thì bất kỳ người tín đồ nào cũng đều có quyền hoạt động trong lãnh vực chính trị xã hội, mà không bó buộc phải là “đại diện cho tôn giáo của mình”. Giáo lý của tôn giáo không cho phép áp đặt một lập trường, chủ trương hay chính sách cụ thể, rõ rệt nào về chính trị xã hội, hay cả về văn hóa trong lề lối điều hành của một quốc gia ngày nay. Đó là chủ trương “Tách rời tôn giáo ra khỏi nhà nước” (separation of the church and the state) mà mọi quốc gia văn minh hiện nay đều áp dụng.

Thứ tư : Là một thành phần thuộc khu vực Xã hội Dân sự, Tôn giáo không bao giờ lại có tham vọng thay thế cho guồng máy Nhà nước. Vì thế, nếu đồng hóa Tôn giáo như là một thế lực, một đảng phái chính trị, thì đã làm hạ giá vai trò tinh thần cao trọng của tôn giáo đối với xã hội rồi. Trái lại, Tôn giáo phải có sự dũng cảm đứng ra bênh vực những nạn nhân của sự bất công, bóc lột, áp bức, và mạnh mẽ tố cáo việc Nhà nước chà đạp nhân phẩm và nhân quyền của người công dân, như chính quyền cộng sản đã và đang làm ở Việt nam ngày nay... Tôn giáo không làm chính trị, nhưng tôn giáo cũng không được đứng bên lề xã hội và dửng dưng khoanh tay bất động trước những khổ đau, đày đọa của đa số quần chúng nhân dân. Tôn giáo phải “nhập cuộc với Dân tộc” nhằm xây dựng một đất nước “công bằng, nhân ái, văn minh, thịnh vượng” phù hợp với nguyện vọng chân chính của cộng đồng dân tộc.

Nói vắn tắt lại, trước tình trạng suy đồi nguy hại hiện nay do chính quyền chuyên chế độc tài mà lại cực kỳ ngoan cố, kiêu ngạo của đảng cộng sản gây ra, các tổ chức tôn giáo phải ra tay đóng trọn vẹn cái “vai trò làm chỗ dựa tinh thần của Dân tộc, và cất lên tiếng nói lương tâm” để cương quyết đòi hỏi nhà nước phải trả lại mọi tài sản của người dân, mà đã bị tước đoạt một cách độc đoán, bất công, vô luân và phi lý, theo chủ trương “bạo lực cách mạng cực đoan, quá khích” nay đã thành quá lỗi thời, hủ lậu, phản tiến bộ, và bị nhiều nơi trên thế giới, kể cả tại chính Liên Xô cũng đã đồng loạt dẹp bỏ từ lâu rồi.

Công cuộc tái lập Công bằng xã hội và xây dựng lại nếp sống hài hòa, nhân ái truyền thống như thế của Dân tộc Việt nam chúng ta, đó là một trách nhiệm lớn lao, nặng nề mà không một người lãnh đạo tinh thần nào, cũng như bất kỳ người sĩ phu quân tử nào có thể lẩn tránh mãi được.

California, Tháng Mười 2008
© 2008 www.danchimviet.com

Phụ Chú:

A/ Trích từ “ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”.

Điều 17
1/ Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với những người khác.
2/Không một ai lại có thể bị tước đọat tài sản của mình một cách độc đoán

Điều 18
Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này gồm cả sự tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và sự tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng cách giáng dậy, thực hành, thờ kính và cử hành nghi lễ, riêng một mình hay chung với các người khác và tại nơi công công hay riêng tư.

B/ Trích từ “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” ngày 25/9/2008.

… Đứng trước tình hình trên, chúng tôi có những đề nghị cụ thể như sau :

1. Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hòan chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã khẳng định : ” Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội… Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.

2. Kế đến, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3. Cuối cùng, truyền thống văn hóa và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hòa trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hòa trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi tha thiết ước mong mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự. Một giải pháp thỏa đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau…..

Làm tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, ngày 25.09.2008.
TM. HĐGM Việt Nam
Chủ Tịch
Giám mục Phêrô Nguyễn văn Nhơn
(Trích lại theo Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số 83 Tháng 10/2008)

No comments: