Tuesday, October 28, 2008

CHÚNG TA CẦN XEM LẠI CHÍNH MÌNH

'Chúng ta cần xem lại chính mình'
Độc giả Nguyễn Hoàng Hà
Gửi cho bbcvietnamese.com từ Brussels

27 Tháng 10 2008 - Cập nhật 02h28 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/10/081024_brusselsykien.shtml

Là Việt kiều tại châu Âu, sau khi đọc bài của Ngài Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSND Tối cao trên Lao Động: "Sai sót dù nhỏ cũng liên quan đến số phận của con người" và nhất là khi được tin Nghị Viện châu Âu phán quyết Việt nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo và báo chí, thực sự chúng tôi rất buồn.

Vì sao? Vì nhiều năm qua Quốc hội và nhà nước ta đã có rất nhiều sự cố gắng mở rộng dân chủ và cải thiện nâng cao uy tín của Việt nam trên trường quốc tế, đặc biệt là những cố gắng không mệt mỏi của các ngài Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và các ngài chủ tịch Quốc hội Việt nam Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng phán quyết mà Liên hiệp châu Âu đưa ra lúc này chúng tôi cho rằng phía Việt nam chúng ta cũng cần phải bình tâm xem xét lại chính mình. Với tinh thần trách nhiệm và xây dựng, chúng tôi mạnh dạn góp ý mấy vấn đề sau đây:

Thưa các Ngài, chúng ta thử đặt câu hỏi, trong bối cảnh , Quốc hội và nhà nước ta đang kêu gọi toàn dân chống tham nhũng và các khuất tất tại vụ án PMU18 vvà mới đây nổi lên là vụ đòi quan chức Nhật phải hối lộ tại thành phố Hồ Chí Minh v.v… đang làm nhức nhối không những dư luận nhân dân trong cả nước và chấn động dư luận thế giới thì việc đem các nhà báo và Cán bộ điều tra Công an chống tham nhũng ra tòa là một điều thật không khôn ngoan nếu không nói là trái đạo lý.
Lại nữa, đối với người có công tố cáo và chống tham nhũng thì bị buộc tội, xử tù còn với Nguyễn Việt Tiến tham nhũng và sa đọa, mất phẩm chất, thếu trách nhiệm thì lại được xử trắng án. Đó là việc chưa từng thấy trong pháp lý nước nhà xưa và nay và dù có biện minh kiểu gì cũng không thuyết phục được bất kỳ ai.

Chúng tôi cho rằng việc làm bất chấp dư luận và không thèm đếm xỉa đến hậu quả sau này mà nó gây ra của cơ quan Pháp luật Việt nam đã tạo cơ hội lớn để những thế lực xấu có cơ hội bôi nhọ hạ uy tín của Việt nam, làm mất đi sự thiện cảm của các nuớc đã dành cho Việt nam và không ít là làm uy tín của các vị lãnh đạo nhà nước Đảng, Quốc hội, và nhà nước ta.

Chúng ta nếu xem xét sâu vào vấn đề thì thấy ngay cách hành xử của pháp luật về việc đưa hai nhà báo ra xét xử đã có khuất tất lớn không thể biện minh với dư luận trong và ngoài nước rồi.

Chúng tôi là Việt kiều xa tổ quốc lâu năm còn thấy được việc nhà báo đưa tin gần hai năm đăng tin về tham nhũng được toàn Đảng toàn dân rất hoan nghênh, không hề có ai kiện cáo nay tại sai lại đem ra xử tội họ? Không có người kiện sao lại có phiên tòa được?

Lại nữa, báo chí có quyền lấy tin tại cơ quan điều tra thậm chí trong luật báo chí nhà nước ta còn yêu cầu các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cần thiết cho nhà báo để làm sáng tỏ vụ việc mà lại nói là họ lợi dụng quyền tự do v.v...đưa tội danh bắt một đường, xử một tội danh khác đó không phải là chính nghành luật phạm luật sao?

Dù bằng bất kỳ lý do nào, việc bắt nhà báo đã đăng tin vạch trần tội tham nhũng rồi xử tù họ đã là việc làm không khôn khéo nhất là trong lúc Đảng và Quốc hội, nhà nước ta đang có phong trào chống tham nhũng và quốc tế đang nhìn vào quyết tâm này của Việt nam.

Bước đi thụt lùi

Nhà nước ta có cả một hệ thống tư pháp và luật báo chí đã được hoàn thiện, quốc hội đã thông qua, đó là nhà báo có quyền lấy tin để làm sáng tỏ mọi vấn đề trong đó có tham nhũng và tiêu cực. Vậy việc nhà báo lấy tin từ cơ quan điều tra là phạm pháp sao? Vậy quyền của báo chí ở đâu?

Cho nên việc Liên hiệp châu Âu và nhiều nước khi qua vụ án này đã cho nhà nước ta vi phạm luật báo chí và là bước đi thụt lùi đứng trên hình thức bên ngoài là đúng, đâu có sai? Còn cái bên trong chính là do lối hành xử thiếu khôn ngoan và thận trọng của cơ quan pháp luật Việt nam.

Kính thưa các Ngài! Chúng tôi xa đất nước hơn 20 năm nhưng cũng biết, cơ quan báo chí truyền thông nước cũng có cả một hệ thống lãnh đạo từ Đảng, chi bộ và lãnh đạo quản lý bộ thông tin, đến nghiệp đoàn. Vậy tại sao cơ quan pháp luật đã có tinh thần tôn trọng lắng nghe ý kiến của họ chưa? Lại nữa mỗi tờ báo đều có lãnh đạo báo và ban biên tập báo vậy cơ quan chức Pháp luật đã nghe họ góp ý chưa?

Tất nhiên nhà báo cũng như mọi con người, ai cũng có thiếu sót, có cái chưa tròn trĩnh. Chúng ta có thể góp ý chân thành để cho nhà báo làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn đó mới là điều cần làm, hơn là đem ra hành xử một cách không khoa học và phản cảm, để lại hậu quả lớn cho xã hội như đã trình bày ở trên.
Chúng tôi cho rằng, ngày nào các nhà báo vì chống tham nhũng này còn bị ngồi tù thì ngày đó vết đau này còn nhức nhối, không sao yên bình được, các nhà báo và gia đình họ còn khổ đau, vợ chồng con cái xa biệt và dư luận trong ngoài nước còn nhắc lại nhiều lần, không thể quên.

Chúng tôi dù ở xa đất nước vẫn biết báo chí cũng đau đớn cả nhưng không ai nên tiếng mà thôi, còn nhà báo thì nhiều người đã khóc và ứa máu, chúng tôi cũng vậy và rất nhiều cán bộ Đảng viên, cả nhiều vị có cương vị cao cũng bức xúc và đau xót cả.

Là một Việt kiều, cha ông là Đảng viên lão thành của thời đảng Lao động Việt nam và bản thân tôi đã là người lính cụ Hồ, tôi luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và nhà nước ta mà thành tâm góp ý như vậy vì sao?
Vì Việt kiều không chỉ là một bộ phận không thể thiếu được của đất nước và cũng có quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước như đồng bào thân yêu ở trong nước vậy. Vì thế, những lời góp ý trên đây là sự chân thành có trách nhiệm của chúng tôi. Chúng ta phải xem lại chính mình và xin các Ngài hãy xem lại vụ án này càng sớm càng tốt.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến muốn chia sẻ xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.


Sự Trưởng Thành Của Báo Chí
Osin’s Blog

Thursday October 23, 2008 - 05:55pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=6033

Khi tòa tuyên án hai nhà báo, tôi đang ở California, nơi mà 8 tháng trước, có 3 nhà báo chủ chốt của tờ Người Việt bị sa thải vì đăng hình một cái chậu ngâm chân có in hình lá cờ vàng của chế độ Sài Gòn cũ. Nhóm biểu tình đã dựng trại suốt 8 tháng trước trụ sở Người Việt và gọi tờ báo “phản động” này cùng 3 nhà báo nói trên là “Việt Cộng”. Ở cái xứ mà “quyền tự do ngôn luận” tưởng như không còn phải bàn cãi gì, nghề báo vẫn phải đối mặt với những rủi ro như vậy.

Trở về Sài Gòn tôi ngồi viết entry “Hai nhà báo và một lời xin lỗi”, lập tức một blogger chỉ trích là tại sao lại không gọi phiên tòa ấy là “phường tuồng”. Tôi đã dự hàng trăm phiên tòa, đã viết hàng trăm bài báo, đưa ra không ít quan điểm khác với các quan tòa, nhưng tôi không nghĩ gọi một phiên tòa là “phường tuồng” thì sẽ đòi được “tự do ngôn luận”.

Năm tháng trước đây, khi Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt giam, tôi đã cho rằng, báo chí trong vụ PMU 18 (trong đó có hai anh) có lỗi nhưng không có tội. Vì, trong thời điểm mà những thông tin về vụ án này được tung ra, các nhà báo này đã không biết rằng đó là những thông tin “sai sự thật”. Khi không chứng minh được các nhà báo này mắc phải “lỗi cố ý”, không thể buộc tội họ, cho dù có áp dụng tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (điều 258). Cũng trong entry ấy tôi nói thêm về điều 258. 15 năm trước, tôi đã viết nhiều bài báo để đề nghị loại điều luật này (trong Bộ Luật cũ gọi là điều 205a) ra khỏi Bộ Luật Hình sự của Việt Nam vì sự lỗi thời cả về tính pháp lý và cả về dân chủ.

Chính vì vậy mà tôi cho rằng, cách nhà báo Nguyễn Văn Hải lựa chọn thái độ như vậy trước tòa là đúng mực. Nhiều người trích câu nói trước tòa của anh: “Về cơ bản tôi thấy những nội dung của cáo trạng và kết luận điều tra trước đấy kết luận về phần việc của tôi cũng là tương đối khách quan và rõ ràng” để cho rằng anh đã “nhận tội” một mình. Nhưng, nghe kỹ lại toàn bộ băng ghi âm ở phiên tòa sẽ thấy ngay sau đó anh nói với Tòa rằng, nếu buộc anh tội ấy thì theo Luật, “phần cố ý (phải) từ phía tôi”. Nhưng, “Tôi hoàn toàn không có một sự cố ý nào cả. Như chúng tôi thường gọi, đó là tai nạn nghề nghiệp. Tôi xác định (những thông tin đó) là đã sai, đã đăng trên mặt báo sai và mình phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm đến đâu thì mong HĐXX xem xét giúp”.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến giữ một thái độ trước Tòa cứng rắn hơn so với anh Hải. Chính các quan Tòa đã càng làm cho những người theo dõi nhận thấy anh Chiến vô tội hơn khi cứ “tranh cãi” với anh Chiến ở chi tiết “hàng chục” hay “bốn chục” quan chức đã “nhận tiền chạy án”. Anh Chiến có băng ghi âm ghi lại lời một tướng công an đề cập đến con số “bốn mươi quan chức” đó. Thẩm vấn công khai mà lại không cho phát bằng chứng (ghi âm) công khai, làm sao Tòa có thể thuyết phục đó là công lý. So với nhà báo Nguyễn Văn Hải, nguồn tin và nghiệp vụ của anh Nguyễn Việt Chiến rõ ràng là chắc chắn hơn, những cuộn băng ghi âm mà anh Chiến lưu giữ được đủ cơ sở để khẳng định rằng anh đã dựa vào nguồn tin thay vì cố ý đưa tin sai sự thật.

Tuy nhiên, việc anh Chiến có “nguồn” khi đưa tin “bốn mươi quan chức nhận tiền chạy án” và việc, trên thực tế, có 40 quan chức ấy hay không là hai vấn đề khác nhau. Con số “500 nghìn USD chạy án” và “bốn mươi quan chức nhận tiền” được “xì” ra từ một báo cáo của “đặc tình” Nguyễn Văn Nhuận. Nhuận được Ban Chuyên án “đánh” vào giam chung phòng với Bùi Tiến Dũng để rồi sau đó gửi báo cáo cho tướng Quắc nói rằng, trong tù, Bùi Tiến Dũng “tâm sự” với Nhuận rằng, Dũng đã chi nửa triệu đô để cho đàn em chạy án tới 40 quan chức. Bùi Tiến Dũng có ngu xuẩn tới mức kể cho bạn tù vanh vách số lượng tiền bạc, tên tuổi những người nhận tiền, kể cả kế hoạch dùng tiền “đánh” vào những quan chức cao cấp nào, giờ đây chỉ có Nhuận và Dũng biết. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, báo cáo của đặc tình chỉ là nguồn tin tham khảo, nếu muốn được coi là tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì phải “chuyển hóa” thành chứng cứ, có thể bằng cách hỏi cung Bùi Tiến Dũng. Trong tù, Bùi Tiến Dũng khai rằng ông đã không hề nói gì với “đặc tình” của tướng Quắc (Cáo trạng). Thế nhưng, ngay sau đó, các báo vẫn nhận được thông tin từ cơ quan điều tra và nhà báo Nguyễn Việt Chiến là người viết bài “Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng”. Kết án tướng Quắc và thượng tá Huynh tội “cố ý làm lộ bí mật” đã càng làm cho dư luận tin rằng “bốn mươi quan chức nhận tiền chạy án” là “một bí mật” thay vì được “tạo dựng” bởi một người của tướng Quắc.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến viết tất cả 70 tin bài về vụ PMU 18 chứ không chỉ có bài về “bốn mươi quan chức” này. Không chỉ có anh Chiến, trong suốt quá trình vụ án diễn ra, 40 nhà báo đã viết 1200 bài báo. Những bài báo mô tả lối sống ăn chơi sa đọa của các quan chức, đặc biệt là thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, những bài báo nói về tình trạng tham nhũng ở các PMU. Nhưng, kết quả điều tra, ngay khi Phạm Xuân Quắc chưa bị cho nghỉ hưu đã không thu thập được một bằng chứng nào chứng minh tất cả những điều báo chí nêu là sự thật. Nhiều bloggers, và nếu có một cuộc thăm dò dư luận có thể sẽ thấy, có rất ít người tin rằng thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vô tội và đã không có tham nhũng ở các PMU. Bản thân tôi cũng không hẳn là tin, nhưng, sự thật là cả báo chí và công an đều không hề có bằng chứng để củng cố cho niềm tin đó. Và chúng ta cần phải tuân thủ “luật chơi” văn minh: không thể coi ai đó là có tội khi không hoặc chưa có đầy đủ bằng chứng chứng minh và chưa có một bản án có hiệu lực nói rằng người đó là tội phạm.

Tôi bắt đầu tường thuật các phiên Tòa lớn từ năm 1989, nhiều lần chứng kiến những người, tôi tin là, không thực sự có tội vẫn lãnh án tù. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ vụ án Minh Phụng Epco và biết tính chất vụ việc giữa Minh Phụng- Epco và Huy Hoàng là không khác gì nhau, nhưng chỉ vì thái độ xử lý đối với 2 vụ án khác nhau mà số phận của hai người đã một trời, một vực: Tăng Minh Phụng thì bị tử hình, còn giờ đây ông Lê Văn Kiểm, chủ của Huy Hoàng nhận “anh hùng trong đổi mới”. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết blog kể lại 10 tháng tù oan của mình trong đó có dẫn một câu của viên giám thị trại giam: “Đọc hồ sơ của anh em biết ngay là không có tội, chẳng qua mấy cha làm theo ý trên”. Nếu tiến hành tố tụng giống như nhiều vụ án trước, Nguyễn Việt Tiến chắc chắn đã phải lãnh án tù vì khi dư luận đã tin ông là tham nhũng, “cứu” ông cũng rất dễ làm nảy sinh những rủi ro chính trị. Nếu như không có vụ các nhà báo bị bắt, thì việc khi không có đủ chứng cứ để đưa thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến ra tòa, tha ông cũng nên được coi là một bước tiến về tự do, dân chủ.

Tự do ngôn luận cũng như dân chủ, cho dù ở chính thể nào, thì cũng không phải là những thứ có thể được “trên ban”. Trong những điều kiện khó khăn, nếu báo chí muốn tìm cách mở rộng giới hạn tự do thì lại càng phải có sự trưởng thành về mọi mặt. Chúng ta định chống tham nhũng mà mọi bằng chứng tham nhũng, nhà báo chỉ dựa vào công an. Khi công an ngưng lại giữa chừng thì các nhà báo chỉ biết giật mình ngơ ngác. PMU 18 chỉ là một tai nạn vì thực ra trong rất nhiều vụ khác, các báo cũng đã để cho phóng viên tác nghiệp thế này. Nếu sự thật được phơi bày, sẽ còn có rất nhiều những PMU khác. Lỗi do đó, không phải chỉ là ở Nguyễn Việt Chiến hay Nguyễn Văn Hải mà ở ngay chính quy trình cho xuất bản 1200 bài báo này.

Chính vì thế mà tôi chia sẻ với những gì Hải nói. Tôi không nhận thấy sự thay đổi ở nhà báo Nguyễn Văn Hải sau 5 tháng bị tù như một số bloggers chỉ trích. Trước khi bị bắt Hải đã nhận thấy những sai lầm của mình và các bạn nghề. Có lẽ là chính những bài báo viết sau khi anh vào tù đã mô tả Hải như một người hùng để khi anh xuất hiện đúng như anh đã khiến cho những quần chúng của anh thất vọng. Tôi biết, trong suốt quá trình vụ án xảy ra, Tổng biên tập Lê Hoàng đã luôn có mặt bên Hải và gia đình anh trong những tình huống khó khăn. Lê Hoàng cũng đã cư xử như vậy với những phóng viên bị kỷ luật khác. Có thể anh làm điều đó vì nhận thấy, con đường dẫn tới những sai lầm về mặt nghiệp vụ ấy không chỉ là Hải hay các cá nhân mà đó là những sai lầm của các tòa soạn báo. Nhưng, anh và các tổng biên tập đã cho đăng 1200 bài báo ấy cũng nên có những cử chỉ cần thiết với bạn đọc của mình

No comments: