Tuesday, October 28, 2008

HÀ NỘI CÓ NHIỀU NGƯỜI MÙ CHỮ NHẤT NƯỚC

Hà Nội có nhiều người mù chữ nhất nước
Thứ ba, 28/10/2008, 18:18 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2008/10/3BA07DEF/

Cả nước hiện có gần 1,7 triệu người mù chữ, tập trung nhiều nhất vào độ tuổi trên 36. Trong đó, Hà Nội có gần 235.000 người và TP HCM hơn 90.000 người không biết đọc, viết.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 6, cả nước có hơn 140.000 người trong độ tuổi 15-25 không biết chữ. Ở độ tuổi 25-35, con số này là gần 250.000 người. Tỷ lệ mù chữ nhiều nhất rơi vào độ tuổi trên 36, với gần 1,3 triệu người.

Với gần 235.000 người, Hà Nội hiện là địa phương có số người mù chữ nhiều nhất nước. Tuy nhiên, riêng Hà Tây cũ đã chiếm tới hơn 220.000 người. Tiếp đến là TP HCM với hơn 90.000 người, Long An hơn 60.000 người. Số người mù chữ tập trung chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...

Sau 3 năm thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập" và phát triển trung tâm học tập cộng đồng, đã có hơn 160.000 người được huy động ra các lớp xóa mù chữ và hơn 120.000 người được tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ. Tuy nhiên, Hà Tây (cũ), Lạng Sơn, Gia Lai... vẫn có số người tái mù chữ cao.

Tại Hội nghị sơ kết vừa được Bộ GD&ĐT cùng Hội khuyến học Việt Nam tổ chức hôm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các địa phương cần rà soát, thiết kế chương trình học tập cộng đồng theo nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cần rà soát và chuẩn hóa điều kiện về con người, tiền vốn, chương trình học và hệ thống tư liệu học tập.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cho biết, đến năm 2010, các lớp học tập cộng đồng sẽ gần gũi với người học hơn, hình thức và thời gian học tập cũng sẽ linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho mọi người.
Tiến Dũng


Mang bằng tốt nghiệp Đại học đi... cầm đồ!
13:43' 27/10/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/10/810418/
Chuyện thật mà nghe như đùa! Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, trong lúc túng quẫn đã mang tấm bằng cử nhân đến hiệu cầm đồ chỉ để lấy ít tiền!

Ø
Nữ sinh đến hiệu cầm đồ, có sao?

Tấm bằng ĐH chỉ có giá 1,5 triệu đồng?

Đem máy vi tính, đồ dùng, xe cộ,… đến hiệu cầm đồ thì vẫn có cơ may chuộc lại được và có thể hiểu được vì túng thiếu nhưng đem tấm bằng tốt nghiệp chỉ được cấp một lần duy nhất đi cắm thì quả thực không ổn tí nào.
Với các loại giấy tờ tùy thân, các chủ hiệu cầm đồ không mặn mà lắm nhưng với các loại bằng tốt nghiệp, đặc biệt là bằng đại học thì chủ hiệu nào cũng hồ hởi đón nhận. Dân cầm đồ bằng tốt nghiệp thường “rỉ tai” nhau những địa chỉ quen cầm bằng tốt nghiệp với giá khá cao, thủ tục nhanh gọn, sòng phẳng. Đó là hiệu cầm đồ ngay cạnh trường THPT Quang Trung (đường Láng, quận Đống Đa) và một cửa hiệu cầm đồ trên phố Lý Nam Đế.
Anh Hiển, chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế kể: “Cầm bằng tốt nghiệp cũng có “mùa vụ” của nó. Đối với các tân cử nhân ra trường 4, 5 tháng, công việc chưa ổn định, thiếu tiền sinh hoạt, cắm hết các thứ rồi sẽ đem tấm bằng tốt nghiệp đến. Nhiều cử nhân ra trường đã lâu nhưng không kiếm được việc làm hoặc làm việc mà không cần đến bằng ĐH thì bất cứ lúc nào túng tiền họ cũng mang đến cắm”.
Số lượng bằng tốt nghiệp các loại đem đến hiệu cầm đồ rất cao, anh Hiển chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế cho biết: bình quân có khoảng 2 tấm bằng tốt nghiệp đến cửa hiệu mỗi ngày! Nói rồi, anh xoè đến 15 tấm bằng các loại ra trước mặt: “Lấy đi lấy lại rồi, mấy tháng qua còn đọng lại ngần này đấy!”. Anh cho biết, hầu hết các đối tượng đã tốt nghiệp ĐH khi đến cắm bằng, thường cắm luôn cả bằng tốt nghiệp THPT cho… đủ bộ!
Tiêu chí để xác lập giá khi cầm cố mỗi cái bằng còn tuỳ thuộc vào vô vàn điều kiện. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong các vụ cầm cố bằng cấp, anh Hiển tiết lộ: “Thường thì không có một mức giá chung, cụ thể nào cho các bằng TN. Nếu bằng loại khá, giá khác bằng loại trung bình. Cùng là loại khá, nhưng nếu điểm tổng kết cao hơn thì có thể cũng được cầm cao hơn”. Anh nói thêm: “Các tiêu chí quan trọng khác được chú ý là: Tốt nghiệp trường nào? Nếu tốt nghiệp trường Bách Khoa chắc chắn sẽ có giá hơn các trường cùng khối kĩ thuật. Bằng của trường công lập cũng khác bằng trường dân lập, trường quốc tế khác trường trong nước, khối quân sự khác khối dân sự“. Các mức độ khác nhau có thể kéo theo mức giá chênh nhau từ 200-300 nghìn đồng. Riêng trường hợp cắm cả bộ (cả bằng THPT và bằng ĐH hoặc CĐ) thì mức giá sẽ rất ưu tiên!
Trong vai một cử nhân đi cầm bằng tốt nghiệp của mình, chủ nhân của hiệu cầm đồ cạnh trường THPT Quang Trung hơi ngạc nhiên vì chuyện con gái dám đem cả bằng cử nhân đi cắm. Chủ hiệu cầm đồ hất hàm hỏi: “Bằng trường nào? Loại gì?”. Sau khi nghe câu trả lời “Trường Báo chí, loại Khá”, anh lắc đầu ngao ngán: “Thế thôi em ạ, bằng của mấy trường đó anh không “khoái”, vì không có giá lắm, ít người thích!“.
Một điểm đáng chú ý là các cửa hiệu cầm đồ các loại bằng tốt nghiệp thường chuộng bằng THPT hơn là bằng ĐH. Lí do thật đơn giản: Bằng tốt nghiệp THPT dễ “tiêu thụ” hơn bằng ĐH và nếu như có chuyện gì xảy ra thì mua bán bằng tốt nghiệp THPT cũng bị xử lý nhẹ hơn mua bán bằng ĐH.
Khi có một anh chàng mang cả 2 bằng: bằng tốt nghiệp THPT và bằng ĐH Thủy lợi đến, anh Hiển, chủ hiệu cầm đồ ở phố Lý Nam Đế ra giá: “Em để lại chứng minh thư (CMT), bằng cấp 3, anh sẽ trả em 2,5 triệu đồng. Còn bằng ĐH Thuỷ lợi của em, anh trả kịch kim là 1,5 triệu đồng. Không thể cao hơn được”.

Giữ bằng photo, đem bằng gốc đi cắm?

Gặp Nguyễn Văn Huy, cựu SV ĐH Luật ở hiệu cầm đồ trên Lý Nam Đế, Huy thở dài: “Tốt nghiệp xong, vác bằng đi xin việc mà chẳng nơi nào nhận. Ra trường gần một năm trời mà không xin nổi việc. Trong lúc chờ đợi, tôi đã đi buôn quần áo từ cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội cùng anh trai. Càng về sau, công việc càng tiến triển và tôi nhận thấy mình hợp với kinh doanh buôn bán chứ không phải là những lí lẽ trong cuốn sách luật. Đã hơn một năm rồi, cái bằng để không một chỗ, đem “bán” còn có giá trị hơn”.
Bên cạnh đó, thiếu tiền ăn, thiếu tiền chơi, thiếu tiền đánh lô đề, nhậu nhẹt mà cắm cả bằng TN cũng là những lí do phổ biến. Anh bạn có bằng tấm bằng ĐH Thuỷ lợi vừa nêu trên cho biết: Em cầm bằng để làm con lô! Một là không còn gì, hai là sẽ thật “hoành tráng”! Rồi sẽ chuộc bằng ra sau!”. Khi được hỏi không giữ bằng lại thì lấy cái gì đi xin việc, cậu cười: “Trước khi cắm bằng thì phải photo công chứng ra hàng chục bản rồi chứ. Bây giờ, đâu có ai cần nộp bằng gốc? Có những chỗ còn không cần bằng, lo gì! Đợi khi nào lô về, hoặc xoay được tiền, đến lấy cũng không muộn”.

Vô giá với em nhưng với anh chỉ là...giấy lộn!

Trước khi tìm đến được 2 hiệu cầm đồ kể trên, tôi đã mang bằng TN ĐH của mình qua 5 hiệu cầm đồ trên đường Láng nhưng không hiệu nào “chịu cầm”! Quá ngạc nhiên, vì tấm bằng cử nhân báo chí của tôi rất có giá trị nhưng các chủ hiệu cầm đồ từ chối thẳng thừng: “Nó chỉ quan trọng với cá nhân em thôi, chứ với bọn anh, nó chả có ý nghĩa gì. Anh không dùng được, bán cũng không biết bán cho ai, nếu em bỏ lại đây vì không có tiền chuộc thì nó chỉ là tờ giấy lộn mà thôi!”

Sở dĩ, các cửa hàng cầm đồ như của anh Hiển đồng ý cầm bằng TN là vì họ có những “mối làm ăn” để có thể “tiêu thụ” bằng nếu có người cần mua. Anh Hiển đã bán lại được một tấm bằng tốt nghiệp THPT với giá 4 triệu đồng cho một người rao thông tin trên mạng với nội dung: “Tôi đang cần mua bằng THPT, học bạ THPT, nếu ai có thể đáp ứng yêu cầu thì xin liên hệ qua email: thuongdora2005@ ….” Căn cứ vào địa chỉ Email để lại, anh đã gặp gỡ, trao đổi và đi đến thoả thuận mua bán. Còn làm gì để hợp pháp hoá tấm bằng là chuyện của… khách hàng!

Theo anh, thì chuyện có được phôi bằng là quan trọng nhất. Dấu má không tẩy được, nhưng tên tuổi in bằng mực thì có thể tẩy xoá đơn giản! Việc hợp pháp hoá tấm bằng không quá phức tạp. Khi được hỏi về các đầu mối mua bằng phía sau, anh chỉ cười: “Đó là chuyện làm ăn!”

Vì dễ dàng như thế, giá của những tấm bằng cũng không hề tương xứng với giá trị của nó. Khi nghe anh Hiển phát giá 1,5 triệu đồng, Huy, cử nhân ĐH Bách khoa giật nẩy mình: “Sao rẻ mạt vậy anh? 5 năm trời của em đấy”. Chưa dứt lời, anh Hiển chắp tay vái: “Lạy bố! Bằng của bố thì trung bình, lại ngành Hoá thực phẩm, cầm cho bố 1 triệu đồng là ngon rồi, đòi thêm nữa sao?”. Nói rồi, anh xoè đủ cả 15 tấm bằng lúc trước cho tôi xem ra trước mặt Huy rồi chêm thêm: “Đây này, toàn bằng khá giỏi của trường ngon mà chỉ cầm có 2 triệu đồng thôi đấy. Bố có đồng ý thì làm hợp đồng, lãi suất 7.000 đồng/ngày/triệu. Sau 15 ngày mà không gia hạn thêm là bố đừng có trách sao bán bằng của bố mà không hỏi!”.

Làm thủ tục xong với cậu bạn này, anh quay sang tôi phân trần: “Trong số những đứa đi cắm bằng có đến hơn 1/3 không quay lại lấy. Cầm bằng 2 triệu đồng sau khoảng 2 tháng mà không có động tĩnh gì là chắc chắn từ bỏ!”.
Cẩm Quyên



Lưu danh phải chính danh
Văn Nhật
09:49:08 25/10/2008
http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2008/10/102158.cand
Hiện đang có "dự án" làm bia Văn Miếu thời hiện đại. Chuyện này thật quá quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Nhân sự kiện này, tôi bỗng nhớ tại thôn Hương Lan, xã Trung Vương, TP Việt Trì, thủ phủ của tỉnh Phú Thọ có ngôi đền thờ gọi là Thiên Cổ Tự. Đền thờ ông thầy giáo thời đại vua Hùng có tên là Vũ Thê Lang. Thiên Cổ Tự được dân gian gọi là đền Thờ Thầy Giáo. Dân tộc ta từ xưa đã hiếu học và luôn biết ơn người có công và có danh với dân với nước trong sự học và sau sự học, công phải gắn liền với danh:

Vì dân dân lập đền thờ

Ca dao nói vậy và lòng người nói vậy từ thượng cổ đến nay với những ai mang lợi ích về cho dân cho nước!
Công trạng là một đóng góp và danh tiếng cũng là một đóng góp. Cả hai làm nên sự hoàn chỉnh của nhân cách kẻ sĩ đấy là công danh. Thời dân mình chưa có chữ thì dựng đền thờ phụng và truyền miệng cho đời sau ghi nhớ những công danh. Đến khi có chữ rồi mới ghi vào sách và dựng bia để tạc công danh. Văn Miếu Quốc Tử Giám được vua nhà Lý cho xây vào năm 1070 thời của đức ngài Lý Thánh Tông.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: "Mùa Thu, tháng Tám làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền…". Đây có thể gọi là nơi thờ tự những tài danh của sự học.
Được biết, phải hơn bảy mươi năm sau, qua việc củng cố và tạo nền móng cho sự học của triều Lý sang đến triều Lê, đời Lê Thái Tông năm 1442, khoa thi Tiến sĩ mới chính thức được tổ chức. Và cũng từ đấy triều đình mới ban lệ khắc tên những người đỗ đại khoa vào bia đá và được phép dựng trong Văn Miếu. Nhưng cũng phải hàng vài chục năm sau đến đời Hồng Đức tức vua Lê Thánh Tông năm 1484 việc xây dựng bảng vàng bia đá mới được triều đình thực hiện.

Việc công nhận một tài danh một công trạng để rồi nó được ghi vào bia đá bảng vàng là một việc làm hết sức thận trọng và chu đáo. Có thể gọi là hà khắc và nghiêm cẩn một cách đáng trân trọng của các bậc tiền nhân. Ông bà mình quan niệm bảng vàng bia đá là để đời nhìn vào mà ghi ân người, tu tỉnh cho mình chứ không phải làm mẽ cho ai đó để đến nỗi thành bia miệng cho muôn sau dè bỉu.

Văn Miếu hiện lưu giữ được 82 bia trên 124 khoa thi. Chỉ có 1.306 người đỗ đại khoa từ khoa thi 1442 dưới thời Lê Thái Tông đến khoa năm 1779 thời vua Lê Hiển Tông. Thời gian là 337 năm mà số người được vinh hạnh có trong bia chỉ là vậy liệu các cụ có quá khiêm nhường so với con cháu bây giờ?!

Tấm bia đầu tiên được lệnh khắc ở Văn Miếu năm 1442 do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn có dòng này: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh mà vươn cao, nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp… Đọc các chữ này ngẫm ra đủ thấy xưa các bậc thánh chúa, minh quân, các bậc thức giả và nhân dân ta coi trọng người có học và có công đến chừng nào. Tấm bia đá ghi danh Tiến sĩ năm Quý Mùi 1463 có giáo huấn này: Kẻ sĩ mong được khắc tên trên bia đá tất phải làm sao cho danh xứng với thực… Bia Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1577 thì ghi: Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt cầu no ấm, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra nhơ nhuốc cho khoa mục…

Đọc những dòng trên của người xưa ta không khỏi nghĩ suy về những điều cha ông để lại. Càng không khỏi giật mình, tất nhiên là sau những tự hào chính đáng rằng chỉ có mấy chục niên gây dựng và học hành của những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này mà nền khoa cử bây giờ hơn đứt thuở các cụ là đã có tới khoảng 16.000 Tiến sĩ.

Càng giật mình hơn, do quy định, chỉ sau một đêm nằm ngủ hôm sau hàng ngàn Phó Tiến sĩ đã thành Tiến sĩ không cần thêm công trình, luận án. Cơ chế đã trao bằng học vị cho người chứ không phải sự dùi mài ban thưởng cho họ. Đây là chuyện lạ lùng không biết trên thế giới có đâu có không hay chỉ ở nước mình mới có. Cũng không hiếm cả những chuyện này nữa: Tiến sĩ mà không có phát minh khoa học. Tiến sĩ mà không có những bài viết uy tín in trên các tạp chí sách báo khoa học có tiếng của thế giới. Tiến sĩ mà có người không đọc thông viết thạo một ngoại ngữ. Tiến sĩ mà có người A,B,C về tin học…

Có chuyện một học vị Tiến sĩ phải đổi bằng xe máy Đơ-rim, phải rửa bằng phong bì, rồi có người là giáo sư, phó giáo sư những chức danh chuyên môn to đùng mà không bằng trình độ một vài nhà nghiên cứu ít văn bằng nhưng nhiều hiếu học và hiếu sách. Cũng có những người trình độ chỉ đíp-lôm Tây và Hán học do thầy đồ dạy nhưng khối vị có bằng nọ cấp kia nếu đo kiến thức chưa hẳn đã ngang ngửa.

Ta đã có những thực tài, thực danh làm rạng rỡ giống nòi dân tộc. Ta đã có những Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Huyên… có thể chứng chỉ của các cụ không nhiều bằng sĩ tử bây giờ nhưng công trạng của các cụ vẫn được thời gian tuyên dương ghi nhận. Tên các cụ nếu khắc lên bia đá ở Văn Miếu chắc chắn ta sẽ thấy hợp lý và tự hào. Còn lúc này, cái dự án khơi hàng chục hécta đất để mở Trung tâm bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam mà thành hình với khoảng 16.000 Tiến sĩ hoặc ít hơn thế qua Hội đồng xét duyệt chắc gì trong đó có người được nhân dân tạc dạ.

Dự án làm bia Văn Miếu thời hiện đại không phải không có tính tích cực của nó. Con cháu hơn cha mẹ ông bà là nhà có phúc. Theo tôi nên có nhưng phải chọn lọc kỹ, không thể đại trà. Vẫn nên lấy là nơi ghi tạc nhưng phải là những ai thực danh, thực công trong tầm vóc một Vườn danh nhân.

Văn Miếu thời hiện đại phải là nơi tạc dựng những danh nhân đất nước của thời mình sao cho xứng đáng với Văn Miếu thời tiên tổ. Vườn danh nhân phải là nơi ghi công những người con ưu tú của dân tộc đã hết lòng vì dân vì nước trong mọi lĩnh vực, được thời gian thử thách, lịch sử minh chứng và đồng nghiệp thừa nhận. Nếu được như vậy chắc chắn Vườn danh nhân ấy sẽ là nơi hành hương trọng đại và ý nghĩa của nhiều người.
Văn Nhật

No comments: