Monday, October 27, 2008

HỒ SƠ ĐẠI KẾ HOẠCH BAUXITE TÂY NGUYÊN (tiếp theo)

Đại dự án bauxite Tây Nguyên: người trong cuộc đề xuất gì?
TS. Nguyễn Thành Sơn
26/10/2008 14:39 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5152/index.aspx

Hiện vẫn chưa có một đánh giá tác động môi trường chiến lược của đại dự án bauxite ở Tây Nguyên, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu cụ thể. Còn câu hỏi tỉnh Đăk Nông đặt ra là: liệu dự án bauxite có phải là cửa thoát nghèo cho tỉnh, hay còn có thể làm gì khác? Cùng với việc phản biện qui hoạch bauxite Tây Nguyên, TS. Nguyễn Thành Sơn đã đề cập đến việc phải có chiến lược phát triển bền vững cho Tây Nguyên.

>> Bài 1:
Đại kế hoạch bauxite ở Tây Nguyên bị phản đối quyết liệt
>> Bài 2: Nguy cơ hiện hữu trong các dự án bauxite trên Tây Nguyên

Phát triển bền vững Tây Nguyên như thế nào?

Từ những năm 80, khi bàn về phát triển thủy điện, trên tạp chí “Năng lượng” chúng tôi đã đề xuất thành lập một Ủy ban quốc gia về phát triển kinh tế Tây Nguyên. Cũng giống như thủy điện, việc phát triển bauxite rất cần có một ủy ban của Chính phủ chuyên về Tây Nguyên để xử lý những vấn đề vĩ mô: môi trường, sinh thái, dân cư, cộng đồng, an ninh xã hội… Chúng ta không thể trông cậy vào các đối tác nước ngoài như Vedan hay Miwon.

Với số vốn có hạn, chúng ta nên ưu tiên đầu tư cho phát triển cây công nghiệp có giá trị lớn trong kim ngạch xuất khẩu, có hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường cao hơn nhiều so với quặng alumina.

Thủ tướng đã có các quyết định số 168/2001/QÐ-TTg và 304/2005/QÐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên. Đây là những quyết định cần thiết và sáng suốt, nhằm tôn tạo và phát triển các môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, xã hội và nhân văn của Tây Nguyên.

Với 127 tỷ đồng tiền phạt Vedan làm ô nhiễm môi trường (mà chưa chắc đã thu được), chúng ta có thể cải tạo được sông Thị Vải để nàng Kiều dám trẫm mình trong làn nước “xanh như ngọc” của cụ Nguyễn Du.

Nhưng với 127 tỷ đô la Mỹ (không phải tỷ đồng), chúng ta không thể đưa hàng trăm triệu tấn bùn đỏ trên cao nguyên đi chôn cất an toàn vĩnh viễn ở vùng có đá gốc, bằng phẳng, ít mưa như của thế giới, để Tây Nguyên của anh hùng Núp sẽ có hàng triệu khách du lịch đến cưỡi voi bản Đôn, và để các đối tác nước ngoài đến mua cao su, cà phê, chè, hoa, rau, quả của Tây Nguyên được ngủ trong các khách sạn “5 sao 4 không” của Đà Lạt (không điều hòa, không ma túy, không mại dâm, và không cờ bạc).

Cần rút ra các bài học chưa thuộc từ các dự án có yếu tố nước ngoài

Nếu Tây Nguyên - mái nhà của miền Trung - sẽ bốc cháy vì bùn đỏ (giống như sông Thị Vải đang bốc mùi hôi thối ở Đồng Nai), liệu chúng ta có cách gì để “chữa cháy”.

Hay cũng giống như hôm nay, UBND tỉnh Đồng Nai không thể đóng cửa được Vedan của một chủ tư nhân Đài Loan ngay trên đất của mình? Mùi không chỉ bốc lên từ sông Thị Vải.

Vấn đề “bùn đỏ” của bauxite hiện đang “cháy” thực sự (mặc dù chỉ trên giấy) trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án trên Tây Nguyên.

Nhưng, hy vọng khái niệm Tây Nguyên gắn liền với “đất đỏ bazan” không bị đổi thành “bùn đỏ bauxite” để các cháu học sinh không phải học lại bài địa lý đã thuộc.

Phát triển bền vững Tây Nguyên là bài toán không khó giải. Chỉ có điều chúng ta có muốn giải hay không? Muốn giải thì phải học thuộc bài, và ai là người giải? Liệu các đối tác nước ngoài (những người rất thuộc bài) đang khát alumina của VN có thật lòng giúp chúng ta giải bài toán “bùn đỏ” này một cách khách quan, trung thực, đầy trách nhiệm như những chuyên gia của COMECON ngày xưa hay không?

Ngày nay, chúng ta may mắn hơn Nguyễn Du, đã hiểu rõ về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hãy nghiêm chỉnh thực hiện các quyết định nêu trên của Thủ tướng, để cùng Chính phủ giữ lại mầu xanh cho Tây Nguyên hùng vĩ, để mộ các anh hùng liệt sỹ của chúng ta còn được lưu lại trên Tây Nguyên dưới bóng mát của cây cao su và cà phê, chứ không phải nằm bên cạnh những bãi bùn đỏ rộng hàng trăm hécta do chính chúng ta (là con, em, và đồng đội của các anh hùng liệt sỹ) tạo ra.

Khuyến nghị đối với dự án bauxite thử nghiệm

Để khắc phục những vấn đề tồn tại và để giải đáp những câu hỏi còn bỏ ngỏ về phát triển bền vững Tây Nguyên, giải pháp duy nhất với dự án bauxite là triển khai thử nghiệm.

Quy mô thử nghiệm chỉ nên giới hạn dưới 1,5 triệu tấn bauxite/năm. Địa điểm có thể trên cơ sở khu mỏ bauxite Gia Nghĩa hoặc tốt nhất là khu mỏ “1 tháng 5” vì khu mỏ này có trữ lượng được phê duyệt tương đối lớn, và có thể đại diện cho bauxite toàn vùng Tây Nguyên.

Về phương thức thử nghiệm, cần có sự giám sát toàn diện của cộng đồng xã hội thông qua chính quyền địa phương trong việc đưa ra các quyết định và thực hiện cam kết.

Mục tiêu thử nghiệm cần làm rõ những vấn đề khách quan và chủ quan còn bỏ ngỏ của các dự án, những câu hỏi lớn và quan trọng chưa có giải đáp của chủ đầu tư liên quan đến 10 nhóm vấn đề như sau:

1. Vấn đề xã hội: phản ứng của xã hội và cư dân địa phương về các dự án bauxite như thế nào? Phương án thu hồi đất và đền bù cho dân? Phương án hoàn thổ của chủ đầu tư? Khả năng tạo việc làm cho cư dân tại chỗ? Vấn nạn “bauxite tặc” trên Tây Nguyên (thuận lợi hơn nhiều so với “than thổ phỉ” ở Quảng Ninh) liệu có xẩy ra? Ngăn chặn thế nào?

2. Vấn đề đa dạng sinh học: thảm thực vật và nguồn động vật sẽ được quản lý như thế nào để tuân thủ Luật đa dạng sinh học đang được Quốc hội thông qua? Khả năng phục hồi thảm thực vật? Cây gì sẽ trồng được sau khi khai thác bauxite?

3. Vấn đề công nghệ: chất lượng bauxite của VN thích ứng như thế nào để áp dụng qui trình Bayer: độ ổn định của chất lượng, thành phần khoáng chất trong bauxite của VN tham gia các phản ứng với NaOH có nồng độ khác nhau và ở nhiệt độ khác nhau như thế nào? Công nghệ Bayer phù hợp đến mức độ nào? Thiết bị kỹ thuật của nước ngoài được chế tạo theo tiêu chuẩn nào? Có đạt được các chỉ tiêu và thông số kỹ thuật đề ra? Tiêu hao hoá chất và nguồn cung cấp hoá chất?

4. Vấn đề môi trường: thành phần bùn đỏ? Liệu có chất phóng xạ trong bùn đỏ? Khối lượng và tỷ lệ bùn đỏ? Mức độ độc hại của bùn đỏ? Phương thức chôn cất bùn đỏ an toàn, hiệu quả? Ảnh hưởng của bãi thải bùn đỏ đến môi trường nước ngầm, môi trường không khí? Các bãi chứa bùn đỏ trong điều kiện mưa lũ ở Tây Nguyên cần được thiết kế như thế nào cho phù hợp?

5. Vấn đề sinh thái: các hiện tượng dị thường về khí hậu vốn đang xẩy ra đối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung liệu có gia tăng hay giảm bớt do khai thác bauxite? Khả năng xảy ra các thảm hoạ môi trường ảnh hưởng tới vấn đề sinh thái của toàn vùng? Ảnh hưởng của việc khai thác bauxite đối với các tỉnh Nam Trung bộ và Campuchia? Các yếu tố thiên nhiên ở Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề bùn đỏ?

6. Vấn đề nước ngọt: tiêu hao nước như thế nào? Ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn nước? Bổ sung nguồn nước tự nhiên? Phục hồi nguồn nước tự nhiên?

7. Vấn đề kinh tế: vốn đầu tư thực và hiệu quả thực của dự án? Huy động vốn? Khả năng thanh toán nợ nước ngoài? Khả năng cạnh tranh của quặng alumina VN trên thị trường thế giới? Mô hình tổ chức sản xuất “không giống ai” của chủ đầu tư? Mô hình quản lý của chúng ta hiện nay có phù hợp để phát triển một ngành công nghiệp hoàn toàn mới?

8. Vấn đề chính sách: việc chế biến và tuyển quặng bauxite thành quặng alumina với những chi phí cao, phải trả giá đắt về môi trường sinh thái, có nhiều rủi ro chỉ để xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của các đại gia nước ngoài liệu có phù hợp? Liệu có nên cấm không xuất khẩu quặng alumina? Khả năng xây dựng nhà máy luyện nhôm như thế nào? Khả năng đề nghị nhà nước thay đổi chủ trương, chính sách cho phép xuất khẩu quặng bauxite không qua chế biến như thế nào?

9. Vấn đề về con người: nguồn nhân lực chắp vá của chủ đầu tư có đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả các dự án trên thực tế? Cần đào tạo như thế nào? Đào tạo lĩnh vực gì, nghề gì, ở đâu?

10. Vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử: dự án thử nghiệm sẽ giúp người dân địa phương hiểu rõ thực sự về quan điểm và thái độ của chủ đầu tư, cũng như của các đối tác nước ngoài đến phát triển kinh tế trên địa bàn như thế nào? Ngược lại, dự án thử nghiệm sẽ giúp chính quyền địa phương biết cần phải làm gì để phối hợp phát triển các ngành kinh tế khác, các dịch vụ hậu cần, cũng như các biện pháp phối hợp và hỗ trợ chủ đầu tư.

Kết luận 3 điểm: nhu cầu - hiệu quả - hiểm họa

Việc khai thác bauxite và chế biến quặng alumina chỉ đáp ứng được nhu cầu cần nhập khẩu của các đại gia nhôm trên thế giới. Nền kinh tế chưa có nhu cầu về quặng bauxite và alumina vì Việt Nam chưa có thừa điện để luyện nhôm.

Khai thác bauxite trên Tây Nguyên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái toàn vùng rộng lớn. Việc sản xuất alumina trên Tây Nguyên chắc chắn sẽ tạo ra các hồ bùn đỏ có nguy cơ bị mưa lũ cuốn trôi tràn ra toàn vùng rộng, gây ra thảm hoạ về môi trường.

Các dự án bauxite & alumina kém hiệu quả hơn nhiều lần so với dự án cao su và cà phê (với cùng một số tiền vốn bỏ ra), và không giải quyết được vấn đề việc làm cho dân cư địa phương, làm căng thẳng thêm vấn đề hạ tầng cơ sở vốn đã kém phát triển (điện, nước và giao thông vận tải).

Kiến nghị 4 điểm

Thứ nhất, cần sớm đình chỉ các dự án khai thác và chế biến bauxite qui mô lớn ở trên Tây Nguyên. Cần rà soát lại việc tuân thủ pháp luật của các dự án này. Ngoài việc phải tuân theo luật Đầu tư, các dự án bauxite cần tuân theo luật Khoáng sản, các dự án alumina cần tuân theo các văn bản pháp qui về hoá chất độc hại. Về nhiều khía cạnh, các dự án bauxite và alumina trên Tây Nguyên chưa tuân thủ đúng theo luật và các qui định hiện hành.

Thứ hai, chỉ nên triển khai 1 dự án thử nghiệm và trình diễn cụ thể trên thực tế (thay cho các lời hứa hay cam kết trên giấy của các chủ đầu tư) để tìm ra các câu trả lời cho 10 nhóm vấn đề còn bỏ ngỏ nêu trên, để kịp thời rút kinh nghiệm tránh các nguy cơ có thể xẩy ra, và để không lặp lại các sự việc nghiêm trọng như Vedan.

Thứ ba, cần quan tâm và ưu tiên nước ngọt và có các chính sách thoả đáng khác cho việc phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè, điều…) đúng với tiềm năng của Tây Nguyên, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, bù đắp cho danh mục dầu thô sắp cạn của VN.

Thứ tư, cần thành lập “Uỷ ban quốc gia về phát triển kinh tế Tây Nguyên” trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để chỉ đạo toàn diện việc phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Thay cho lời kết, chúng tôi muốn nhắc lại câu nói của một triết gia: “Phát triển chẳng giống ai là cách tự huỷ hoại mình nhanh nhất”.
TS. Nguyễn Thành Sơn



No comments: