Saturday, October 25, 2008

GIÀNH QUYỀN KIỂM SOÁT THƯỢNG VIỆN HOA KỲ

Giành quyền kiểm soát Thượng Viện Mỹ
Ngô Nhân Dụng
Friday, October 24, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85975&z=7

Năm nay dân Mỹ sẽ bầu lại 435 vị dân biểu Hạ Viện và 35 nghị sĩ ở Thượng Viện. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce) đã bỏ ra 35 triệu Mỹ kim vận động giúp một số ứng cử viên nghị sĩ, phần lớn thuộc đảng Cộng Hòa, chỉ có một người thuộc đảng Dân Chủ. Họ chi 3.3 triệu đô la quảng cáo truyền hình ở tiểu bang New Hampshire, với dân số hơn một triệu người, yểm trợ nghị sĩ đương nhiệm John Sununu. Ông đang bị ứng cử viên đảng Dân Chủ Jeanne Shaheen qua mặt với tỷ số 48% - 42%. Ở tiểu bang North Carolina Nghị Sĩ Elizabeth Dole đang đuổi theo sát nút đối thủ Kay Hagen, với tỷ số 45%-46%. Phòng Thương Mại nước Mỹ đã chi 1.5 triệu đô la ở tiểu bang này để hỗ trợ bà Dole giữ cái ghế nghị sĩ cho đảng Cộng Hòa. Nghị Sĩ Mitch McConnel ở tiểu bang Kentucky đang dẫn trước đối thủ Bruce Lunsford thuộc đảng Dân Chủ với tỷ số 48-44; nhưng Phòng Thương Mại cũng chi một triệu đô la yểm trợ cho ông cho chắc ăn!

Ði ngược lại với những cuộc vận động của Phòng Thương Mại đại diện giới chủ nhân, là các công đoàn ở Mỹ; họ cũng bỏ ra 6 triệu đô la từ đầu Tháng Chín để ủng hộ nhiều ứng cử viên nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, tại các tiểu bang được coi là gay go, sát nút. Nghiệp Ðoàn Quốc Tế Các Nhân Viên Ngành Dịch Vụ (SEIU) đã chi một triệu đô la ở tiểu bang New Hampshire và Oregon. Oregon là nơi Dân Biểu Tiểu Bang Jeff Merkley (Dân Chủ) đang vượt qua nghị sĩ đương nhiệm Gorden Smith, đảng Cộng Hòa, với tỷ số sít sao 36% và 35% với 23% cử tri chưa quyết định. Tại 2 tiểu bang này Nghiệp Ðoàn SEIU đều chỉ trích các nghị sĩ Cộng Hòa đương nhiệm là những người luôn luôn ủng hộ các chính sách của Tổng Thống Bush.


Nói chung, các cơ sở kinh doanh ở Mỹ đều tham dự vào các cuộc vận động tranh cử. Họ thường ủng hộ trực tiếp các ứng cử viên theo chủ trương tự do kinh doanh, chống lại những người muốn đặt thêm luật lệ gò bó việc kinh doanh, thương mại, bất cứ thuộc đảng nào. Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia cho biết các ứng cử viên đảng Dân Chủ đã nhận được 130 triệu đô la, và đảng Cộng Hòa được 133 triệu đô la của các ủy ban chính trị từ các xí nghiệp. Ngược lại, các nghiệp đoàn thì thường ủng hộ đảng Dân Chủ, và trong mùa tranh cử năm nay, trước Tháng Mười họ đã chi 300 triệu đô la. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ đang tổ chức cuộc phản công. Ðây là một thí dụ cho thấy vai trò quan trọng của những “nhóm áp lực,” và các cuộc “vận động hành lang” (lobby) trong đời sống chính trị nước Mỹ.

Thế giới đang chú ý tới cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên tổng thống John McCain và Barack Obama. Nhưng có những cuộc tranh cử quan trọng không kém, để giành các ghế đại biểu quốc hội, đặc biệt là các ghế nghị sĩ Thượng Viện. Tại Hạ Viện hiện nay đảng Dân Chủ chiếm đa số 235-199, và họ đang hy vọng sẽ thêm được từ 25 ghế dân biểu nữa sau ngày 4 Tháng Mười Một. Nhiều người đang lo sau ngày đó đảng Dân Chủ sẽ chiếm được 60 ghế nghị sĩ, và sẽ kiểm soát Thượng Viện một cách tuyệt đối!

Con số 60 này đáng chú ý vì, theo truyền thống Nghị Viện Anh Quốc từ xưa, các nghị sĩ tại Thượng Viện Mỹ có quyền “nói liên miên không nghỉ” (filibuster). Các nghị sĩ đã dùng quyền này để ngăn cản không cho chủ tọa đưa các vấn đề ra biểu quyết, nếu họ biết sẽ thua. Chủ tọa Thượng Viện chỉ có thể chấm dứt một cuộc thảo luận nếu có 60 trong số 100 nghị sĩ đồng ý chấm dứt. Cho nên khi một dự luật được đưa ra ở Thượng Viện mà bị hơn 40 nghị sĩ chống đối thì sẽ không thể nào đem biểu quyết được.

Nếu đảng Dân Chủ chiếm được 60 ghế nghị sĩ sau ngày 4 Tháng Mười Một thì họ sẽ ở thế rất mạnh, nhất là nếu Nghị Sĩ Barack Obama đắc cử tổng thống. Ðây là một điều không những đảng Cộng Hòa lo mà những người Mỹ muốn giữ thế cân bằng, độc lập giữa hai ngành Hành Pháp và Lập Pháp cũng lo lắng.

Hiện nay đảng Dân Chủ kiểm soát 51 phiếu ở Thượng Viện (trong đó có một nghị sĩ độc lập). Nếu họ thêm được 9 nghị sĩ mới nữa thì họ chiếm đa số tuyệt đối 60/100. Ðiều lo ngại của đảng Cộng Hòa là năm nay trong số các ghế nghị sĩ phải bầu lại thì số nghị sĩ Cộng Hòa nhiều hơn Dân Chủ; hiện nay có 12 ghế đang tranh cử gay go, lo có thể bị mất nếu người dân muốn tỏ ý chống lại vị tổng thống Cộng Hòa đang tại chức. Nếu đảng Dân Chủ kiểm soát cả chính phủ và quốc hội thì họ sẽ thi hành nhiều chính sách có thể bất lợi cho giới kinh doanh. Chính vì vậy, theo nhật báo Wall Street Journal, Phòng Thương Mại Mỹ đã nhập cuộc để bảo vệ những nghị sĩ có khuynh hướng thân thiện với giới kinh doanh; trong đó đại đa số thuộc đảng Cộng Hòa, trừ bà Nghị Sĩ Mary Landrieu ở Louisiana.

Một mối lo của giới chủ nhân xí nghiệp ở Mỹ là nếu đảng chiếm được 60 ghế ở Thượng Viện thì họ sẽ có thể sẽ thông qua dễ dàng một dự luật được các công đoàn ủng hộ. Dự luật Nhân Viên Tự Do Lựa Chọn đã được Hạ Viện thông qua năm 2007, nhưng khi đưa lên Thượng Viện thì bị các nghị sĩ Cộng Hòa ngăn lại bằng thủ tục filibuster, thay phiên nhau nói liên miên không nghỉ khiến ban chủ tọa không thể đề nghị biểu quyết. Nếu đảng Dân Chủ chiếm được 60 ghế nghị sĩ thì không ai ngăn cản được việc thông qua ở Thượng Viện. Nếu vị tổng thống mới cũng thuộc đảng Dân Chủ thì chắc ông ta sẽ ký để ban hành; nếu ông là người đảng Cộng Hòa thì sẽ phủ quyết nhưng có thể bị 2 phần 3 Quốc Hội bác bỏ!

Dự luật trên làm giới kinh doanh lo lắng vì cho phép các công đoàn có thể tổ chức giới công nhân ở các xí nghiệp bằng cách mời công nhân ký giấy ủy quyền cho họ tổ chức nghiệp đoàn, chứ không cần phải qua một cuộc bỏ phiếu kín của các công nhân. Với điều kiện dễ dàng như thế, các công đoàn dễ tạo áp lực trên các cá nhân người lao động, và các công đoàn sẽ phát triển mạnh mẽ. Tất nhiên, hầu hết các chủ nhân và ban giám đốc các xí nghiệp đều không muốn các công đoàn mạnh hơn. Chính vì vậy, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ đã bắt đầu vận động giới kinh doanh từ đầu năm 2008 để kêu gọi thống nhất hành động trong việc ngăn cản không cho đảng Dân Chủ chiếm được 60 ghế ở Thượng Viện. Nếu không, dự luật trên sẽ có nhiều triển vọng biến thành luật! Nhiều công ty lớn nhỏ đã góp vào quỹ vận động cho hàng ngàn chi nhánh của Phòng Thương Mại Mỹ ở các thành phố, các tiểu bang.

Vì Phòng Thương Mại là một tổ chức phí chính trị và có quy chế cho phép những người đóng góp cho họ được trừ thuế, cho nên họ không được phép vận động trực tiếp, đích danh cho các ứng cử viên. Nhưng họ có quyền chạy những quảng cáo chỉ trích các chính sách của các ứng cử viên mà họ không đồng ý, như mọi công dân Mỹ khác. Thí dụ, ở tiểu bang New Hampshire, các quảng cáo ti vi của Phòng Thương Mại Mỹ đả kích ứng cử viên Jeanne Shaheen là “Cái máy đánh thuế;” tuy nhiên bài quảng cáo không được phép kêu gọi cử tri đừng bỏ phiếu cho bà, người đã làm thống đốc tiểu bang này 3 nhiệm kỳ! Ông John Sununu đắc cử năm 2002 là nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong Thượng Viện, và ông bỏ phiếu ủng hộ chính phủ Bush trên 80% các lần biểu quyết, nhưng ông cũng nhiều lần bỏ phiếu ngược lại với chính sách của đảng Cộng Hòa hoặc của Tổng Thống Bush. Trong hoàn cảnh bình thường Nghị Sĩ Sununu (gốc Liban, Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan) có thể tái đắc cử dễ dàng vì ông không phạm một lỗi lầm nào đáng kể. Tiểu bang New Hampshire đã bầu cho Tổng Thống Bush năm 2000 nhưng đã bỏ phiếu cho Nghị Sĩ John Kerry năm 2004 và hiện nay Nghị Sĩ Obama đang dẫn trước Nghị Sĩ McCain hơn 10 điểm ở đây. Trong cơn sóng chống Tổng Thống Bush đang lên ở tiểu bang này, ông Sununu là một nạn nhân nên đang chạy thua sau bà Shaheen 6 điểm! Chính trong những cuộc chạy đua gay cấn như vậy mà Phòng Thương Mại Hoa Kỳ hy vọng sự ủng hộ của họ sẽ lật ngược thế cờ.

Cũng vậy, ở tiểu bang North Carolina, Nghị Sĩ Elizabeth Dole đang cần quân tiếp viện. Bà có uy tín hơn ứng cử viên Dân Chủ, một nghị sĩ cấp tiểu bang, nhưng uy tín này có thể sẽ bị xóa mất trong trào lưu mới khi nhiều cử tri North Carolina có thể quay sang với Nghị Sĩ Obama! Chính vì vậy gần đây bà Dole đang chạy sau bà Hagan một điểm, 45-46!

Nghị Sĩ Barack Obama đã sử dụng cơn gió mới do ông tạo ra để ủng hộ các ứng cử viên quốc hội của đảng Dân Chủ. Như tại tiểu bang Mississippi, ông Obama thua Nghị Sĩ John McCain hơn 10 điểm, không có hy vọng nào chiếm được 6 lá phiếu cử tri đoàn ở đó. Nhưng ông Obama vẫn chi rất nhiều tiền quảng cáo trên truyền hình ở Mississippi, chỉ cốt để hỗ trợ cho ứng cử viên đảng Dân Chủ Ronnie Musgrove, người đang thua Nghị Sĩ Roger Wicker của đảng Cộng Hòa 3 điểm, tỷ số 45%-48%. Cả hai đảng đều vận dụng hết các vũ khí giành các ghế nghị sĩ ở Thượng Viện!

Một trong những thông điệp vận động của Nghị Sĩ Elizabeth Dole đã báo động dân chúng North Carolina là xin họ đừng “ký ngân phiếu trắng” cho đảng Dân Chủ! Lời cảnh cáo này ám chỉ nếu đảng Dân Chủ chiếm được Tòa Bạch Ốc và chiếm đa số tuyệt đối ở Thượng Viện thì họ sẽ tự tung tự tác thi hành những chính sách do những người cực đoan đưa ra, làm hại cho nước Mỹ!

Mối lo trên có thể được nhiều cử tri nước Mỹ chia sẻ. Vì nếu ông Obama đắc cử, ông có thể trở thành một vị tổng thống yếu đối với đảng Dân Chủ của ông, ông sẽ khó cưỡng lại những chủ trương có thể do cánh cực tả đưa ra. Ông Obama mới bước vào đời sống chính trị toàn quốc được mấy năm, và ông luôn luôn dựa vào guồng máy của đảng Dân Chủ ở địa phương thành phố Chicago cũng như trong quốc hội liên bang. Nếu đảng Dân Chủ chiếm đa số mạnh ở Thượng Viện, dù không đủ 60 ghế họ vẫn có thể lôi kéo một số nghị sĩ Cộng Hòa hoặc độc lập bỏ phiếu với họ cho đủ con số 60!

Cho nên, trong ngày 4 tháng 11 sắp tới, dân chúng Mỹ sẽ bỏ những lá phiếu lịch sử. Họ sẽ quyết định nước Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một vị tổng thống da đen hay không. Họ sẽ quyết định có trao quyền hành rộng rãi cho một đảng kiểm soát cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp hay không! Theo dõi cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay quả thật là hấp dẫn!

No comments: