Saturday, October 25, 2008

THAM NHŨNG - LÃNG PHÍ TRONG KHOA HỌC

Tham nhũng, lãng phí trong khoa học có thể lên tới 100%
5:52 PM, 24/10/2008
http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=8&categoryId=150&id=11010
Đó là phát biểu của một nhà khoa học uy tín khi nói về tham nhũng, lãng phí trong nghiên cứu khoa học. Tham nhũng, lãng phí trong nghiên cứu là một vấn đề ít được người ta quan tâm. Chống tham nhũng, lãng phí, chủ yếu vẫn được tập trung vào một số ngành xây dựng cơ bản. Nhiều người vẫn cho rằng tham nhũng trong xây dựng cơ bản, nhất là công trình giao thông, các công trình công cộng... có thể lên tới 30 - 40%. Tỉ lệ này đã khá cao, nhưng theo phân tích của nhà khoa học uy tín nọ, tham nhũng, lãng phí trong nghiên cứu khoa học còn cao hơn nhiều.

Trước đây, chúng ta vẫn thường nói, nghiên cứu khoa học chậm phát triển do thiếu kinh phí. Giờ điều ấy không chưa hẳn đúng nữa. Điển hình là vụ việc năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lại ngân sách nhà nước tới 125 tỉ đồng, vì lý do... không tiêu hết. Thừa tiền không tiêu hết, nhưng nền khoa học Việt Nam, nhìn một cách tổng thể thì vẫn như một chú lừa ì ạch. Sự tụt hậu ấy, có phần “đóng góp” không nhỏ của tham nhũng, lãng phí.

Trước hết, chúng ta đều biết có rất nhiều đề tài khoa học được đầu tư hàng tỉ đồng, nhưng hiệu quả duy nhất của đề tài đó, là làm chật thêm ngăn tủ đựng tư liệu. Tất nhiên, có những đề tài có thể mang lại hiệu quả cao, nhưng bị xếp xó một cách đáng tiếc, nhưng số đó không nhiều. Nguy hiểm hơn là những đề tài không mang tính ứng dụng nào, và bản thân người làm ra nó, cũng muốn được giấu chặt vào tủ đựng tư liệu để đồng nghiệp không nhìn thấy.

Lí do thứ hai, là việc sao chép, đánh cắp những đề tài nghiên cứu. Điều này không quá xa lạ. Việc sinh viên, nghiên cứu sinh kiện chính những giáo sư, tiến sĩ khả kính – những người là vốn là thầy của mình vì tội... đánh cắp chất xám đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải. Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng. Nhà khoa học uy tín nọ cho biết, trong các viện nghiên cứu, tình trạng sao chép, ăn cắp đề tài diễn ra khá phổ biến. Việc thực hiện những đề tài mà những người khác đã làm rồi, khiến cho tiền của của nhà nước, của nhân dân bị ném đi không thương tiếc.

Một lý do mà nhiều người cũng phàn nàn, đó là không hiểu sao một số viện nghiên cứu cứ cố tình bỏ thời gian, công sức (tất nhiên đều được nhà nước trả tiền) để đi nghiên cứu và tìm ra những công nghệ mà nước ngoài đã làm cách đây vài chục năm.

Tham nhũng, lãng phí sẽ vẫn còn, nếu các đơn vị khoa học vẫn cứ hoạt động theo cơ chế nhà nước cấp kinh phí như hiện nay. Chính phủ đã có Nghị định 115 nhằm thay đổi cách quản lý nghiên cứu khoa học. Theo đó, các đơn vị nghiên cứu khoa học chỉ được cấp kinh phí nếu đăng ký và thực hiện hiệu quả những đề tài khoa học. Nghị định này được cho là sẽ thay đổi cơ bản lãng phí khi thay đổi phương thức quản lý. Nhưng đã qua 2 năm triển khai, nhưng quá nửa số đơn vị khoa học tìm mọi lý do để trì hoãn việc này.
Những nhà khoa học uy tín cho rằng, lý do cơ bản của chậm trễ là: Sợ!
Kinh Bắc

No comments: