Wednesday, October 29, 2008

BẦU CỬ MỸ : TUẦN LỄ CHÓT


Tuần lễ chót
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 28, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86134&z=7

Trong một tuần lễ nữa, dân chúng Mỹ sẽ biết ai là vị tổng thống trong 4 năm tới. Hiện nhiều người vẫn còn thấy hồi hộp, kể cả hai ứng cử viên. Ai cũng tự hỏi: Không biết những cuộc nghiên cứu dư luận có đáng tin hay không?
Dân Mỹ đã sống qua một năm hồi hộp, thêm một tuần lễ cũng không sao. Sống trong chế độ tự do dân chủ mới trải qua những giờ phút chờ đợi hào hứng như vậy. Hồi Tháng Bảy năm 2007, một bản tin được cả nước Mỹ chú ý là tin ông John Mack, chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley tổ chức tiệc gây quỹ tranh cử cho Nghị Sĩ Hillary Clinton. Ông Mack là một người ủng hộ Tổng Thống George W. Bush trong cuộc tranh cử năm 2004, ông đã gây quỹ trên 200,000 ngàn đô la cho ông Bush! Các ngân hàng đầu tư lớn nhất ở Wall Street đều ủng hộ bà nghị sĩ cùng tiểu bang New York: Goldman Sachs, JP Morgan, Lehman Brothers, vân vân. Ðầu năm 2008, các nhà bình luận chính trị ở Mỹ còn viết những câu hỏi: Có cách nào bà Clinton thua được hay không? Trong khi đó thì Wall Street chỉ thấy một người nổi tiếng ủng hộ Nghị Sĩ Barack Obama là nhà đầu tư George Soros. Có ai ngờ, bây giờ mọi chuyện đã khác hẳn!

Bên phía đảng Cộng Hòa cũng vậy. Một năm trước đây, Nghị Sĩ John McCain đang lâm vào tình trạng thâm thủng trong ngân quỹ tranh cử, những người bạn quý nhất của ông thành thật khuyên ông nên rút lui, để giữ sức khỏe. Vì những người vẫn ủng hộ đảng Cộng Hòa đang nhìn ông như một “người ngoại cuộc,” đúng nhãn hiệu “maverick” ông đang hãnh diện. Ông McCain không được những thành phần “cốt cán” của đảng ông chấp nhận! Ðầu năm nay, tờ báo Wall Street rất thân cận với đảng Cộng Hòa phải viết một bài khuyên nhủ ông James Dobson hãy ủng hộ ông McCain. Ông Dobson là một nhà bình luận truyền hình danh tiếng được giới tôn giáo bảo thủ lắng nghe và tin. Bài quan điểm của báo Wall Street nhấn mạnh rằng Nghị Sĩ John McCain là người luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ các thẩm phán tối cao pháp viện bảo thủ, như hai ông Alito và Roberts mà Tổng Thống Bush đã đề cử. Bây giờ thì các cử tri bảo thủ trong đảng Cộng Hòa không còn ai nghi ngờ ông McCain về vấn đề đó nữa, sau khi ông chọn bà Sarah Palin. Việc chọn lựa đó không khác gì đi mua bảo hiểm!

Ba bốn tháng trước đây chả mấy ai biết bà Palin. Bây giờ bà là một ngôi sao trong đời sống chính trị; lắm kẻ yêu và cũng nhiều người không thích! Và khi người ta yêu hay ghét thì họ cũng thường đánh mất tính công bằng! Ðiều này áp dụng cho tất cả mọi ứng cử viên, không riêng gì bà Palin! Một thí dụ thấy “bất công” nhất là khi mọi người chú ý đến số tiền 150,000 đô la mua quần áo, trang phục cho bà thống đốc Alaska!

Ai cũng biết, một ứng cử viên phó tổng thống phải chịu sự hướng dẫn của ban vận động bầu cử. Ðặc biệt, một người từ “tỉnh lẻ” lần đầu bước vào sân khấu chính trị có tầm mức quốc gia, càng phải dựa vào ban tham mưu đứng chung quanh mình! Họ bảo: “Tối nay, bà mặc áo này, ông chồng bà mặc áo này” thì cứ thế mà làm, không ai mất thời giờ hỏi “Tại sao? Áo ở đâu ra?” Người phụ nữ tỉnh lẻ này không có thời giờ đặt chân tới các cửa tiệm mua đồ ở St Paul hay New York. Ban vận động đã đo kích thước rồi các cố vấn sân khấu quyết định màu sắc, kiểu cách quần áo, để đặt mua ở những cửa tiệm bảo đảm, đem về chất lên máy bay, tới đâu lấy ra mặc ở đó, trình diễn xong lại đem cất vào kho! Trong cả một tuần lễ câu chuyện 150,000 đô la quần áo đã trở thành đề tài cho công chúng đàm tiếu, thật không công bằng với bà mẹ hockey trẻ tuổi này! Tôi đã từng đưa con trai đi đánh hockey khi cháu còn nhỏ cho nên rất thông cảm và tội nghiệp bà!

Nhưng đó là tranh cử. Ðó là cái giá phải trả để một người nuôi hy vọng bước vào thành phần lãnh đạo nước Mỹ, trong tòa nhà Hành Pháp hay bên Lập Pháp! Phải chịu cho công chúng soi mói, tìm tòi về tất cả cuộc đời của mình, từ lúc biết đi, biết nói, cho đến khi ra ứng cử! Nhà báo chỉ làm công việc mà công chúng đòi hỏi!

Xoi mói như vậy là tốt hay xấu? Ðứng trên quan điểm đạo đức cá nhân thì chúng ta không tha thứ được cái trò xoi mói như thế. Nhưng trong chế độ dân chủ, trong quá trình lựa chọn của người dân bằng lá phiếu, thì chúng ta phải chấp nhận thói xấu đó, coi như những điều không thể nào tránh được. Ở nhiều nước người ta không có thói quen sục sạo đời tư của các nhà chính trị. Như ở Pháp, bao nhiêu người biết ông Tổng Thống Mitterrand có bồ, có con riêng, nhưng không ai nhắc tới, cho tới khi ông qua đời. Nước Mỹ nó khác, người dân Mỹ muốn biết hết mọi chuyện về các ứng cử viên của họ. Người Việt ở Mỹ nhiễm tính người Mỹ, ở Pháp lại cư xử giống người Pháp! Rất khó so sánh để bảo rằng cách cư xử của dân Pháp hay dân Mỹ đẹp hơn hoặc tốt hơn.

Muốn biết có thể chấp nhận được cái thói xoi mói, tọc mạch của báo giới trong mùa bầu cử hay không, tốt nhất chúng ta nên đem so sánh các nước dân chủ với các xứ độc tài.

Ðố ai biết ông Kim Chính Nhật đang bị bệnh gì mà cả tháng nay không thấy xuất hiện? Nhưng ở Mỹ ai cũng có thể biết ông John McCain đã từng trị bệnh ung thư da!

Ðời sống các thủ lãnh trong chế độ độc tài được bưng bít bí mật, để họ dễ lòe bịp dân chúng. Cho nên một nhà báo ở Việt Nam chỉ đăng lại cái tin trên báo ngoại quốc về danh tính những người đàn bà đã đóng vai vợ lớn, vợ nhỏ, vợ Tây vợ Tàu của Hồ Chí Minh, thế là bị cảnh cáo và mất ghế! Cho nên cả nhóm nhà báo đang trông coi tờ báo Ðại Ðoàn Kết mới bị sa thải tập thể, vì dám đặt những câu hỏi về các lãnh tụ cộng sản, từ cỡ lớn đến cỡ nhỏ! Có ai đang ở đây muốn sống theo lối đó hay không?

Dân Chủ đòi hỏi minh bạch, công khai. Cái giá phải trả cho tính công khai minh bạch là chấp nhận cái tật thóc mách, xoi mói của công chúng! Và nhà báo lo tìm tòi, tọc mạch vì người dân muốn như vậy!

Chưa hết, muốn sống theo lối tự do dân chủ cũng phải chấp nhận những người có ý kiến khác biệt với mình, và phải chịu đựng những lời qua tiếng lại rất chối tai! Có những người ủng hộ một ứng cử viên tổng thống không khác gì ủng hộ đội banh của mình! Còn hơn thế nữa! Vì nhiều người coi ứng cử viên của mình cũng là một thần tượng, là ân nhân, là niềm hy vọng, là người phất ngọn cờ lý tưởng mà mình vẫn theo đuổi! Khi đã yêu ứng cử viên của mình một cách nồng nhiệt như thế, người ta cũng ghét đối thủ không đổ đâu cho hết! Sẽ không tránh khỏi tính thiên vị, yêu nên tốt, ghét nên xấu!

Các nhà báo cũng không tránh được cách nhìn lệch lạc vì yêu quá hoặc ghét quá. Mà ngay cả khi nhà báo cố giữ vẻ trung lập, khách quan, thì độc giả có lúc cũng không tha! Một bản tin, căn cứ vào các sự kiện có thật, cũng sẽ được độc giả nhìn một cách nghi ngờ! Nếu bạn ủng hộ ông A, bạn nghĩ chỉ có ông A đáng làm tổng thống để cứu cả nước ra khỏi cơn nguy nàn! Còn cái thằng B, nó đáng vứt vào sọt rác! Thế mà cái ông nhà báo này lại loan tin rằng hai ông A và B đang được dân ủng hộ ngang nhau, thì có phải anh ta rõ ràng là “phản động” hay không?

Nhưng trong các cuộc tranh cử, thường các báo, đài bao giờ cũng cố tìm cách chứng tỏ mình công bình, khách quan. Họ thành công hay không, tùy quý vị xét đoán. Còn những người thực tình ủng hộ một ứng cử viên, công khai không giấu giếm, thì họ tha hồ nói! Chúng ta có thể phải nghe những lời vu khống, mạ lỵ, những tiếng chửi thề, rủa xả, vân vân. Nghe mãi mà không nổi nóng cũng là một dịp để chứng tỏ người nghe đã trưởng thành! Nhưng những ứng cử viên cũng biết rằng để cho các người ủng hộ mình chửi rủa đối thủ có khi gây phản ứng ngược. Chính điều đó khiến ngôn ngữ tranh cử được thuần hóa hơn.

Hình như trong ngôn ngữ tranh cử của người Việt mình có nhiều dụng ngữ nặng nề hơn trong tiếng Anh. Có lẽ vì người Việt mình sống bằng tình cảm nhiều hơn bằng lý luận, mà ngôn ngữ càng nặng càng diễn tả cảm tình (yêu hoặc ghét) một cách trung thực! Nhưng có một điều người Việt mình khác dân Mỹ bản xứ là đồng bào chúng ta hay nói chuyện chính trị, nói với cả những người lạ mới gặp lần đầu, nhiều hơn là người Mỹ gốc bản địa. Hai ông đứng chờ vợ trước cửa siêu thị tình cờ gặp nhau cũng có thể trao đổi mấy câu về bầu cử! Trong những hoàn cảnh như vậy mà lại dùng những lời lẽ nặng nề, khi ủng hộ cũng như khi chống đối, thì có thể rất hại cho sức khỏe!

Người Mỹ họ thường tránh không trò chuyện về hai vấn đề, chính trị và tôn giáo. Tôi có hai người bạn Mỹ, hai vợ chồng. Hồi 4 năm trước, người con của hai ông bà này tiết lộ với tôi rằng mẹ anh ta đã nói nhỏ cho anh biết bà bỏ phiếu cho ai làm tổng thống Mỹ. Nhưng bà thú nhận không biết ông chồng bà bỏ phiếu thế nào. Dù sao, bà cũng đoán là ông chồng mình bỏ cho ứng cử viên đối lập!

Cho nên, một tập tục trong cuộc sống dân chủ nữa là người ta tránh không nói chuyện chính trị khi không cần thiết. Anh có thể đi ra đường, hô hào, vận động cho một ứng cử viên nào đó. Nhưng về nhà, đừng hô hào bà xã nếu bà ấy đã có ý kiến đối nghịch! Tuyệt đối cấm! Hạnh phúc gia đình quan trọng hơn chuyện ứng cử viên của mình có được làm tổng thống nước Mỹ hay không! Sống dân chủ tự do là phải chấp nhận hai vợ chồng có thể bỏ phiếu khác nhau!

Còn một tuần lễ nữa là người Mỹ sẽ quyết định. Chúng tôi chúc quý vị người Việt dù là công dân Mỹ hay không, có một tuần lễ theo dõi cuộc tranh cử hào hứng lịch sử này, để sống hòa với một chế độ tự do dân chủ đã hơn 200 tuổi. Học những thói quen sống tự do dân chủ của họ, và chúng ta không quên giữ gia đình mình hòa thuận!

No comments: