Tuesday, April 15, 2025

ĐƯỜNG HÒA GIẢI CÒN NGỔN NGANG VỎ ĐẠN (Tấn Quới / Luật Khoa tạp chí)

 



Đường hòa giải còn ngổn ngang vỏ đạn

Tấn Quới

Apr 15, 20250

https://www.luatkhoa.com/2025/04/duong-hoa-giai-con-ngon-ngang-vo-dan/

 

Ngôn từ bén ngót.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2025/04/Ng-n-t--b-n-ng-t.jpg

Nguồn ảnh: TTXVN, LIFE, AP. Đồ họa: Thanh Tường, Thiên Tân, Tùng Anh / Luật Khoa.

 

Chắc khoảng hai, ba năm trở lại đây, tôi không còn dám đọc bình luận dưới những bài đăng trên mạng xã hội về Chiến tranh Việt Nam, hoặc các tên gọi khác tùy theo góc người nhìn như chiến tranh chống Mỹ cứu nước hay chiến tranh bảo vệ tự do và chính nghĩa. Một phần vì với tôi, từ lâu mạng xã hội đã không còn là chỗ phù hợp cho những cuộc thảo luận có ý nghĩa. Một phần nữa là vì cảm xúc mỏi mệt và chán nản của mình khi đọc những dòng thù hận trên đấy, được bày biện với tất cả sự quyết liệt và hung hăng. Những ngôn từ bén ngót, lạnh lùng, cứa đứt tai, xây xát lòng người.

 

Dường như có một cuộc chiến khác vẫn tiếp diễn âm thầm đâu đây. Những xung đột về ý thức hệ, những ánh nhìn một chiều không thể tự ý thức được về những điểm mù mà họ có, những thông tin thiếu kiểm chứng, cộng dồn với những chấn thương tâm lý di truyền theo thế hệ được trộn lẫn với nhau, va đập trong một nồi ủ bất tận.

 

Không có một lối thoát hơi, không có một kẽ hở nào cho những xung đột được giải tỏa. Khi tất cả mọi người tranh nhau để nói, hay đúng hơn là bật ra những lời rủa xả, thì cũng không còn một khoảng lặng nào để ta lắng nghe nhau.

 

Nhiều lần, tôi thấy năng lượng của mình bị rút cạn khi ngụp lặn trong nồi nước sôi sùng sục không khí đấu tranh đó. 

 

Chắc bạn sẽ nghĩ, một vài dòng bình luận, một vài cuộc tranh cãi vô thưởng vô phạt trên mạng thì ảnh hưởng gì đến tiến trình hòa giải chung của một cộng đồng. Cũng có lý đó, vì để hàn gắn vết thương chiến tranh thì người ta có nhiều thứ phải làm hơn là chỉ quan tâm tới những cuộc thảo luận không chính thức. Nhưng nếu chịu khó nhìn vào những điều người ta nói về một cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ và những di sản của nó, và quan trọng hơn, là nếu chú ý cách mà người ta nói về chuyện đó, tôi tin ta sẽ thấy được những cơn sóng ngầm mà những bản báo cáo, những bài diễn văn, những lời hô hào không thể nào mô tả được. 

 

Làm sao tôi có thể tin rằng chúng ta đang sống trong bầu không khí hòa giải, khi người ta vẫn sẵn sàng ném vào nhau những lớp từ ngữ xù xì đầy sân hận, khi người ta hả hê gọi nhau bằng những danh từ miệt thị, khi người ta cố gắng xoay trở ý nghĩ của người khác theo ý của mình (chứ không phải là một sự thuyết phục mang tính tôn trọng)? Làm sao tôi có thể nghĩ tới một ngày mai tích cực hơn, khi con em chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong những môi trường đầy ắp kỳ thị và thù hận, khi quanh ta manh nha những cuộc săn phù thủy, và khi mỗi bên đều cho rằng lịch sử mà họ nắm giữ là duy nhất và chân lý? 

Nói như vậy không phải là tôi đang bảo rằng chúng ta không được thù hận. Những cảm xúc dồn nén từ việc trải nghiệm với chiến tranh, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều là có thật. Tổn thương là có thật.

 

Tôi chỉ cảm thấy chua chát khi người ta, vì tâm trí bị dẫn dắt bởi thù hận, đã và đang sẵn sàng phủ nhận sự tồn tại của những trải nghiệm khác với trải nghiệm của họ, hay nói đúng hơn, là từ chối niềm tin của nhau, quá khứ của nhau, từ chối sự hiện diện của nhau.

 

Chỉ có trải nghiệm của tôi là đúng, là thật, và phải được ghi nhận. Đó có phải là một ngụ ý về sự độc quyền diễn ngôn, độc quyền quá khứ không? Tôi có cảm giác mình đi lạc vào một khu phố mà ở đó hai bên đường cắm những bảng hướng vào nhau, bạn không được chào đón ở đây, bạn không xứng đáng được lên tiếng ở đây. Theo cái đà ấy, những tổn thương mới tiếp tục được tạo ra trên nền những cơn buốt nhức xa xưa vẫn chưa được điều trị dứt điểm. 

 

Nhiều lúc tôi tự hỏi, khi dán nhãn người khác là ba quevện vàngcaliphản quốc, những người đương tự nhận lãnh vai trò phán quyết lịch sử ấy cảm thấy thế nào? Có vui sướng không, có hả hê không? Sẽ như thế nào nếu họ biết rằng gia đình của họ trong quá khứ có thể từng qua lại với (những) phía bên kia? Sẽ như thế nào nếu họ biết trong những khoảnh khắc tranh tối tranh sáng của thời đại, gia đình họ rất có thể đã có vô vàn giằng co sâu thẳm? Và liệu họ có nghĩ rằng những góc nhìn của họ phần nào phản ánh đặc quyền mà bản thân họ và gia đình được kế thừa từ một quá khứ đầy đổ nát và đau thương, một quá khứ mà nhiều khi những người trong cuộc còn ngại ngần đối diện? 

 

Tôi thành thật không biết đáp án cho những câu hỏi ấy. Tôi chỉ đang nghe thấy họ ném ra những nhát dao vung không nhát tay, những trái mìn nổ tung, làm vực thẳm chia rẽ mỗi ngày một sâu hơn. 

 

Tôi đã cố nghĩ theo hướng khác, rằng những thứ mà tôi đọc chỉ là một phần rìa cực đoan trong dòng chảy thảo luận phức tạp về lịch sử, và chúng xảy ra một cách tự nhiên như bao nhiêu cuộc thảo luận, tranh cãi khác của dư luận. Nếu điều đó đúng, thì tức là đâu đó vẫn có những góc xó, những ngõ hẻm trên mạng mà người ta có thể bàn về cuộc chiến trên tinh thần xây dựng và cởi mở. Nhưng hỡi ơi, tôi đã đi đãi cát tìm vàng suốt mấy năm vừa rồi để nhìn những diễn đàn học thuật cuối cùng đóng cửa, những người viết buông bút, những tiếng nói thoi thóp trồi lên giữa một đám đông cuồng nộ và rồi lặng tắt. Những người tôi biết đã rời đi. Xung quanh tôi đâu còn gì ngoài lời chửi rủa. 

 

Nhiều người khi nghĩ về di sản của một cuộc chiến chắc sẽ nhớ đến những vết thương trên da thịt, những cánh rừng những làng mạc ngoi ngóp trong bom đạn còn ngủ đông, hay những mất mát khác khó nhìn được bằng mắt thường. Một người như tôi, may mắn chưa biết mặt mũi chiến tranh ra sao, còn nhìn thấy di sản của chiến tranh Việt Nam là những ánh nhìn hằn học âm thầm lẫn hiển lộ, những câu từ bài xích nhân danh ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc. 

 

Hỡi những người đang bước trên con đường hòa giải còn ngổn ngang vỏ đạn, có ai xốn xang như tôi không, khi đọc những lời lẽ ấy bằng tiếng Việt, để rồi đôi lúc cảm tưởng rằng người ta không còn dùng được trường từ vựng về yêu thương để bàn về một cuộc chiến đã qua 50 năm nữa.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2025/04/hai_nu_cuoi_4_zvkj.webp

Bức ảnh “Hai người lính” do phóng viên Chu Chí Thành của Thông tấn xã Việt Nam chụp vào tháng 4 năm 1973 ở Quảng Trị khi chiến sự tạm dừng tại khu vực quanh vĩ tuyến 17.

 

 

 



No comments: