Nửa
thế kỷ sau nhìn lại cuộc nội chiến
https://diendantheky.net/nguyen-gia-kieng-nua-the-ky-sau-nhin-lai-cuoc-noi-chien/
Mọi
quốc gia đều rất khó phục hồi và gượng dậy sau một cuộc nội chiến, dù là một cuộc
nội chiến ngắn tiếp theo bởi một cố gắng hòa giải lớn. Chúng ta đã trải qua một
cuộc nội chiến 30 năm và sau đó bên thắng không hề có cố gắng hòa giải. Chúng
ta cần nhìn rõ những gì phải biết và phải làm nếu muốn đất nước có tương lai.
Trước
hết phải khẳng định cuộc chiến 30 năm (1945 – 1975) kết thúc ngày 30/04/1975 là
một cuộc nội chiến. Khi
một cuộc chiến diễn ra trên một đất nước trong đó tuyệt đại đa số chiến binh
cũng như nạn nhân là người trong nước thì đó là một cuộc nội chiến, mọi biện luận
phủ nhận chỉ ngoáy dao vào vết thương.
Nội
chiến tàn phá gấp bội một cuộc chiến với nước ngoài bởi vì ngoài những thiệt hại
vật chất nó còn hủy hoại tình cảm dân tộc. Khi người ta có thể giết nhau dù
không biết nhau thì mặc nhiên người ta không còn coi nhau là đồng bào.
Đảng
Cộng Sản chia cuộc chiến này làm hai giai đoạn. Họ gọi giai đoạn 1945 – 1954 là
“kháng chiến chống Pháp giành độc lập” và giai đoạn 1955 – 1975 là “chống Mỹ cứu
nước”. Một lần cho tất cả chúng ta hãy thẳng thắn nhìn lại cuộc chiến này.
Có cần
kháng chiến chống Pháp giành độc lập không?
Một
trong những nhà văn Pháp mà tôi thích nhất là Roger Martin du Gard. Bộ trường
thiên tiểu thuyết Les Thibault (Gia đình Thibault) của ông là
một kiệt tác văn chương -khiến ông được giải Nobel năm 1937- cũng đồng thời là
một chứng liệu lịch sử. Qua thảm kịch của gia đình Thibault bộ tiểu thuyết này,
đặc biệt là qua cuốn dài nhất Mùa hè 1914 (L’été 1914) Roger
Martin du Gard cho thấy là ngay trước Thế Chiến I trong xã hội Châu Âu tư tưởng
chính trị đã đề cao các giá trị nhân quyền và bình đẳng đồng thời lên án chiến
tranh, chinh phục và chủ nghĩa bá quyền. Thế Chiến I (1914 – 1918) sau đó đã
giáng một đòn chí tử vào chủ nghĩa thực dân. Chỉ cần đi qua các làng nhỏ của
Pháp hiện nay cũng có thể thấy rõ điều này. Một làng chỉ có vài trăm dân cũng
có một tượng đài ghi danh hàng chục thanh niên đã “chết cho nước Pháp” (Morts
pour la France). Đa số thanh niên Pháp ở lứa tuổi 18 – 30 đã chết trong cuộc thế
chiến này mà nguyên nhân là tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ và thuộc địa. Tình
trạng các nước Châu Âu khác cũng tương tự và tất cả các nước thực dân lúc đó đều
là những nước Châu Âu. Sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân như thế đã được quyết
định. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập khẳng định chủ quyền của các dân tộc và
những quyền con người tuy chỉ được long trọng đưa vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc
năm 1948, sau Thế Chiến II, nhưng nội dung của nó đã được biết qua các cuộc thảo
luận ngay sau Thế Chiến I. Pháp là một trong những tác nhân chính của tuyên
ngôn này.
Chứng
cớ cụ thể của sự thay đổi tư duy chính trị của Pháp sau Thế Chiến I là toàn quyền
Alexandre Varenne. Ông này được cử sang làm toàn quyền Đông Dương (Việt Nam,
Campuchia và Lào) từ năm 1925 đến năm 1928. Ngay khi nhận chức ông đã nới rộng
các quyền tự do, đẩy mạnh giáo dục và công khai khuyến khích người Việt Nam chuẩn
bị để lấy lại chủ quyền. Sau ba năm ông bị triệu hồi về Pháp dưới áp lực của khối
thực dân Pháp tại Đông Dương, nhưng đến năm 1936 chính họ lại bầu ông làm đại
diện trong Thượng Hội Đồng Đông Dương. Sau đó Mặt Trận Nhân Dân (Front
populaire) lên cầm quyền tại Pháp từ năm 1936 đến năm 1938 đề nghị trả lại miền
Bắc cho triều đình Huế nhưng đề nghị này bị chính các trí thức Việt Nam đồng
thanh phản đối.
Sau
Thế Chiến II các cường quốc thực dân không chỉ bị bắt buộc phải trả độc lập cho
các thuộc địa mà còn phải tìm mọi cách để trả độc lập thật nhanh. Lý do là vì
sau Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập khẳng định quyền bầu cử và ứng cử như nhau
cho mọi người các dân tộc của các đế quốc thực dân trở thành thiểu số trong đế
quốc của họ. Thử tưởng tượng nếu Anh chưa trả độc lập cho Ấn Độ thì bây giờ sẽ
ra sao? Người Ấn Độ thừa đa số để biểu quyết đổi tên đế quốc Anh thành đế quốc Ấn
trong đó nước Anh chỉ còn là một tỉnh nhỏ. Một cách tương tự nếu Pháp và Việt
Nam vẫn còn là một nước thì bây giờ nước đó sẽ chủ yếu là nước Việt Nam.
Như
thế chúng ta không cần kháng chiến chống Pháp để giành độc lập. Độc lập là bắt
buộc dù muốn hay không, vấn đề chỉ là thương lượng với Pháp để độc lập đến
trong những điều kiện thuận lợi nhất. Cuộc chiến gọi là “kháng chiến chống Pháp
giành độc lập” đã chỉ có là vì mục đích của Đảng Cộng Sản không phải là độc lập
dân tộc mà là để thiết lập chế độ cộng sản. Vả lại nó đã bắt đầu ngay sau Cách
Mạng Tháng 8 (ngày 19/08/1945), khá lâu trước khi quân đội Pháp trở lại Việt
Nam, với đợt ám sát và thủ tiêu hàng loạt các đảng viên Đại Việt và Việt Nam Quốc
Dân Đảng.
Cũng
cần nhắc lại là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập ngày 03/02/1930 tại Hồng
Kông như một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản (hay Đệ Tam Quốc Tế) trong đó các
đảng cộng sản đã tuyên thệ (tại Đại Hội 6 của Quốc Tế Cộng Sản năm 1928) là họ
chỉ có một tổ quốc là Liên Bang Xô Viết. Nó xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam
năm 1931 với một danh xưng không liên quan gì tới Việt Nam là “Xô Viết
Nghệ Tĩnh” và một khẩu hiệu không có gì là tình đồng bào “trí,
phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Rõ ràng mục tiêu duy nhất của Đảng
Cộng Sản là thiết lập chế độ cộng sản, chống Pháp giành độc lập chỉ là một
chiêu bài.
Một
câu hỏi là người Việt Nam có lý do để căm thù người Pháp đến độ phải chiến
tranh với họ không?
Câu
hỏi cần được đặt ra vì “căm thù giặc Pháp” đã là khẩu hiệu mà Đảng Cộng Sản sử
dụng để kích thích người Việt Nam chấp nhận mọi hy sinh như lời ca bài Hò Kéo
Pháo:”Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi, vực sâu thăm thẳm
vực nào sâu bằng chí căm thù!”.
Dĩ
nhiên là cuộc tiếp xúc nào với người hơn mình cũng mang đến nỗi tủi nhục vì
thua kém và người Pháp, cũng như mọi dân tộc, cũng có những phần tử nhỏ mọn,
tham lam và hống hách lợi dụng mọi cơ hội để ức hiếp những người yếu kém. Tuy vậy
giai đoạn Pháp thuộc đã rất có lợi cho Việt Nam.
Người
Pháp áp đặt quan hệ đô hộ, mà họ gọi là bảo hộ (protectorat), trên nước ta từ
năm 1884. Nếu tính từ ngày họ chiếm sáu tỉnh miền Nam năm 1867 thì thời gian
Pháp thuộc đã kéo dài 78 năm. Trong gần 80 năm đó Pháp đã giúp Việt Nam làm những
tiến bộ vượt bậc. Đã có hàng ngàn người tốt nghiệp đại học và cao đẳng trong những
bộ môn mà trước đó chúng ta chưa từng biết tới như toán, hóa học, vật lý, luật,
cơ học, y, dược v.v. Họ đã xây dựng vô số công trình kết cấu hạ tầng, đường sắt,
hải cảng, sân bay. Cuộc sống và kiến thức của người Việt đã tăng lên hẳn. Nhân
quyền cũng nhảy vọt, đã có tòa án, nhà vua không còn quyền tùy tiện xử tử, thậm
chí giết cả ba họ, bất cứ ai như trước nữa. Việt Nam đã có báo chí, văn học nghệ
thuật nở rộ. Có thể nói trong gần 80 năm Pháp đã giúp Việt Nam tiến một đoạn đường
dài hơn quãng đường mà chúng ta đã đi được trong suốt dòng lịch sử.
Pháp
cũng đã giúp Việt Nam trút được cái ách chư hầu đối với đế quốc Trung Hoa. Họ
đã buộc Trung Quốc chính thức nhìn nhận Việt Nam là một nước riêng biệt với
Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nhìn nhận một biên giới thuận lợi cho Việt Nam
trên đất liền cũng như trên biển, nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những quyền lợi mà sau này Đảng Cộng Sản không giữ
được.
Vào
năm 1945, nếu bỏ qua mấy tháng chiến tranh dữ dội đưa đến hỗn loạn và cả nạn
đói Ất Dậu, Việt Nam là nước phát triển nhất và có nhiều triển vọng nhất Đông
Nam Á, hơn xa Cao Ly và Đài Loan. Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông, Hà Nội là thủ
đô văn hóa Đông Dương.
Chúng
ta không cần phải mang ơn người Pháp nhưng cũng không có lý do để “căm thù giặc
Pháp” như Đảng Cộng Sản rêu rao. Đó cũng chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền mỵ
dân như khẩu hiệu “kháng chiến chống Pháp giành độc lập”.
Còn
giai đoạn mà họ gọi là “chống Mỹ cứu nước”?
Mỹ
tuyệt đối chưa bao giờ xâm lăng một nước nào. Chủ nghĩa thực dân hoàn toàn vắng
mặt trong văn hóa chính trị của họ. Mỹ là một nước thương mại tìm thị trường chứ
không tìm thuộc địa. Ngay khi giành được Philippines từ tay người Tây Ban Nha Mỹ
đã trả độc lập cho Philippines. Cũng tương tự như ngay sau khi đánh đuổi được
Tây Ban Nha khỏi Cuba họ đã giúp lập ra nước Cuba độc lập. Porto Rico từ một thế
kỷ nay chỉ mong được làm một tiểu bang của Mỹ họ cũng không chấp nhận.
Quân
Mỹ đã tới miền Nam Việt Nam trong khuôn khổ của cuộc Chiến Tranh Lạnh để ngăn
chặn sự bành trướng của khối cộng sản, cũng không khác gì hàng trăm ngàn quân
Trung Quốc và Liên Xô đã tới miền Bắc để giúp Hà Nội. Khẩu hiệu “chống Mỹ cứu
nước” cũng chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền như khẩu hiệu “kháng chiến chống
Pháp giành độc lập”.
Cuộc
nội chiến vô lý kéo dài 30 năm đã làm 6 triệu người Việt Nam thiệt mạng, làm
tan nát tình cảm dân tộc và khiến nước ta tụt hậu bi đát. Cuộc nội chiến này đã
chỉ có vì Đảng Cộng Sản đặt tham vọng quyền lực của mình và chủ nghĩa cộng sản
lên trên đất nước. Chính Lê Duẩn đã nói “Ta đánh là đánh cả cho Trung
Quốc, cho Liên Xô”.
Trước
năm 1945 chúng ta phát triển hơn Hàn Quốc và Đài Loan, năm 1975 miền Nam mặc dù
đã trải qua 30 năm chiến tranh cũng không thua kém họ bao nhiêu, bây giờ sau 50
năm thống nhất dưới chế độ cộng sản chúng ta thua xa họ về mọi mặt, họ giầu có
và phát triển gấp hơn mười lần chúng ta. Thời gian đã đủ dài để chúng ta thấy rằng
thành tích duy nhất mà Đảng Cộng Sản còn dám khoe khoang là đã thắng Pháp giành
độc lập, thắng Mỹ cứu nước nhưng đó chỉ là một thành tích tuyên truyền bịa đặt
không chỉ sai sư thực mà còn ngược hẳn với sự thực.
Xuyên
tạc lịch sử là điều mọi chế độ độ độc tài bạo ngược đều làm sau khi đã bưng bít
thông tin và cấm đoán những tiếng nói phản biện. Đó là vũ khí tự vệ của họ và
cũng điều duy nhất họ có thể ít nhiều thành công bởi vì nói dối về quá khứ dễ
hơn nhiều so với nói dối về một hiện trạng mà mọi người đều có thể nhìn thấy.
Nhưng đó cũng lại là điều tai hại vô cùng cho đất nước bởi vì một dân tộc không
hiểu rõ quá khứ không thể lấy những quyết định đúng cho tương lai.
Cuộc
nội chiến ngu xuẩn này đã có thể tránh được nếu vào thời điểm 1945 chúng ta có
những trí thức đủ kiến thức chính trị để soi sáng cho quần chúng về tình hình
và hướng đi của thế giới. Tiếc rằng lúc đó chúng ta đã chỉ có những trí thức
khoa bảng học vội vã để lấy bằng.
Bổn
phận chính của những người trí thức trong mọi quốc gia là hướng dẫn sự hiểu biết
trung thực để quần chúng đừng bị cám dỗ bởi những thủ đoạn tuyên truyền gian
trá. Cho đến nay trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm sứ mạng đó. Trong quá khứ
một số vì nông nổi đã tiếp tay cho mưu đồ đen tối của Đảng Cộng Sản, hiện nay vẫn
còn những người bán rẻ danh dự và phẩm giá của mình để làm dụng cụ cho sự dối
trá. Kết quả là chúng ta đã là chúng ta ngày nay.
Kỷ
niệm 50 năm ngày 30/04/1975 là dịp để trí thức Việt Nam nhắc lại với nhau bổn
phận đó. Khẩn cấp!
Nguyễn
Gia Kiểng
(30/04/2025)
No comments:
Post a Comment