30/4 –
khi giới trẻ được dạy hận thù
https://luatkhoa.com/2025/04/30-4-khi-gioi-tre-duoc-day-han-thu/
https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/HKHK-1536x864.jpg
Nguồn ảnh:
Fanpage Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh.
“Trong
suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên – thế hệ trẻ luôn giữ
vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc”.
Đó
là đầu đề bài
viết của Báo Tuổi Trẻ dẫn lại lời phát biểu của Tổng
bí thư Đảng Cộng Sản Tô Lâm như một lời dặn dò cho thế hệ thanh niên Việt Nam
trong “kỷ nguyên vươn mình” – một giai đoạn bắt đầu từ Đại hội đảng lần thứ 14,
đánh dấu 100 năm sự lãnh đạo của Đảng, 50 năm kết thúc nội chiến Bắc – Nam, thống
nhất đất nước.
Nhưng,
thời đại bây giờ đã khác, không còn giai đoạn của “cuộc đấu tranh giành độc lập,
thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới” nữa. Đây là thời
đại mà nhân loại tập trung cho sự dân chủ, tinh thần bác ái và sự tự
do của loài người. Mọi người đều có quyền được tự do, đặc biệt là sự tự do
trong tư tưởng và quyền biểu đạt chính kiến cá nhân.
Thế
hệ thanh niên Việt Nam hiện nay, phải chăng nên được dạy về những điều cơ bản
đó trong nhà trường. Vậy nhưng, chính niềm kiêu hãnh của bên thắng cuộc đã gieo
rắc vào tâm tưởng “thế hệ trẻ” những hận thù, sự miệt thị và tất cả những gì tệ
hại nhất dành cho bên thua cuộc.
Điều
đó giờ đây lại diễn ra theo chu kỳ mỗi năm một lần trong suốt 50 năm qua. Đây
là thời điểm mà nhiều báo đài trong nước dành ngôn từ “vĩ đại, sáng suốt, hào
hùng, v.v.” cho bên nhận vinh quang, và từ “ngụy” cho bên còn lại. Điều đó cũng
diễn ra hằng ngày dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.
Đến
cuối cùng, thanh niên chỉ biết nghe theo, không phản biện và không dám phản biện.
Đó là “truyền thống” của một xã hội có 80 năm dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản,
trong đó có 50 năm, thế hệ thanh niên miền Nam buộc phải tiếp thu cái “truyền
thống” ấy. Không có một liệu pháp nào để hàn
gắn “vết thương rỉ máu” của dân tộc đã một nửa thế kỷ – “quá nửa một
kiếp người”. Làm sao để một quốc gia hướng đến xây dựng tương lai, nhưng lại phủ
nhận quá khứ của mình?
Tác giả
bài viết này cũng thuộc độ tuổi “thanh niên – thế hệ trẻ rường cột của đất nước”,
như lời Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy vậy, tác giả có cách nhìn nhận riêng của mình.
Những lời bộc bạch dưới đây không chỉ của riêng tác giả, mà còn thay lời của cả
triệu thanh niên Việt Nam đang im lặng, vì sợ tiếng nói của mình sẽ bị chính
quyền cáo buộc, trong bối cảnh “kỷ nguyên vươn mình”.
Người
trẻ được dạy về lòng hận thù
Đã
mấy chục năm trôi qua, nhưng khi đọc lại tác phẩm “Nói với tuổi 20” của
thầy Thích Nhất Hạnh, tôi nghẹn ngào và dấy lên sự đồng cảm sâu sắc. Tác phẩm
được viết năm 1965, sau khi thầy nghe bài hát “Để lại cho em” (Tâm ca số
5) do Phạm Duy sáng tác. Trong tác phẩm này, thầy đã đối thoại với “người em tuổi
hai mươi” từ góc nhìn của “người anh bốn mươi”. Người anh đó nhận lỗi vì đã “để
lại cho em”: “một đất nước chia cắt, bị bom đạn xới tung”, “một di sản của lòng
hận thù và nghèo đói”.
Đến
ngày hôm nay, dù đất nước đã thống nhất nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn âm
ỉ trong lòng người. Hận thù từ quá khứ được tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ
qua những lời tuyên truyền và sự kiện được gọi là ngày “chiến thắng”.
Mỗi
năm, vào dịp 30/4, bên thắng cuộc luôn tạo dựng lại một kịch bản tua ngược dòng
lịch sử. Điều đáng nói là, kịch bản này đã không nhắc nhớ thế hệ trẻ xót thương
về sự mất mát của cả hai phía do cuộc chiến phi nghĩa 20 năm mang lại. Bên thắng
cuộc đã biến sự kiện này thành dịp phô trương cho sự “chiến thắng” của mình.
Hơn một
vạn quân nhân, bộ đội – thế hệ thanh niên, từ các tỉnh phía Bắc đến Đà Nẵng
– đã đồng loạt hàng hàng, lớp lớp “tiến về Sài Gòn” (TP. Hồ Chí Minh) như để
tái hiện lại thời khắc ngày 30/4 lịch sử. Màn tái dựng đã được chuẩn bị rất
công phu, từ trang phục của quân đội, dân quân miền Bắc, hợp diễu binh trên Đại
lộ Lê Duẩn, đến cờ đỏ sao vàng phủ khắp các tuyến đường ở TP. HCM và loa phát
thanh lời kêu gọi “toàn thắng” năm xưa v.v.
Cùng
với đó, theo kế hoạch, Đài Truyền hình Quốc gia (VTV) phát
sóng trực tiếp, có lồng ghép các thước phim trắng đen về sự kiện
30/4/1975 cùng những lời diễn đọc: “Thắng lợi vĩ đại, kết thúc 30 năm chiến
tranh v.v.” VTV cùng nhiều đài truyền hình khác còn phát sóng chương trình “Rạng
rỡ non sông”, trực tiếp thời khắc bắn pháo hoa mừng chiến thắng tại 30
điểm ở TP. HCM. Các nghi thức như pháo hoa, thả bồ câu v.v. còn được
đài VOV mô tả là “bản
hùng ca toàn thắng”.
Một
sự kiện đau thương của dân tộc, nhưng giờ đây, trở thành sự kiện đáng vui mừng
của cả nước.
Một
giai đoạn mà có “vạn người vui, cũng có vạn người buồn”, theo lời cố thủ tướng
Võ Văn Kiệt. Giai đoạn mà hàng triệu thanh niên Việt Nam, từ Bắc đến Nam, suốt
20 năm phải hận thù, tương tàn nhau chỉ vì khác nhau về ý thức hệ, mà quên đi
nghĩa tình dân tộc. Hàng triệu gia đình Việt Nam tan hoang vì cha, anh họ phải
bỏ thây nơi lao tù. Hàng nghìn thân xác đồng bào còn nằm tận dưới lòng sâu đại
dương trên hành trình rời xa đất mẹ, vô vọng trôi dạt đi tìm bến bờ tự do. Và
cho đến nay, mấy chục triệu đồng bào trong nước phải khổ sở sống trong cảnh sợ
sệt như tù đày trên chính quê hương mình.
Trong
ngày hôm nay, trước mắt tôi, hàng nghìn thanh thiếu niên độ tuổi 15 – 25 tuổi, tập
trung trước cổng Dinh Độc Lập như đang đi xem một
buổi ca nhạc “Anh Trai Say Hi” vừa được tổ chức cách đó một
tháng.
Truyền
thông đã nhắm vào giới trẻ
Có
thể thấy, ở sự kiện lần này, Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đã tạo dựng được
hình ảnh truyền thông kỷ niệm ngày 30/4 rất hiệu quả trong việc thu hút sự quan
tâm của giới trẻ.
Ngay
từ đầu tháng Ba, Đoàn Thanh niên đã phát động chiến dịch “Phủ đỏ mạng xã hội” với
chủ đề “Tự hào 50 năm”, khuyến khích thanh thiếu niên chia sẻ nội dung kỷ niệm
30/4 trên các nền tảng Tiktok, Facebook, Zalo; đồng thời kèm theo Hashtag
“#Proud50, #TuHao50nam, v.v.” Chiến dịch đã tạo được các trào lưu trên mạng,
như trends “Giải phóng Miền Nam” đạt 24
triệu video trên Tiktok, hay “thử thách Capcut đú
trend 30/4 hướng dẫn ghép ảnh pháp hoa – cờ đỏ sao vàng vào ảnh cá
nhân” v.v.
Nhiều
tỉnh thành trên cả nước triển khai các chương trình giáo dục cho học sinh, sinh
viên có lồng ghép chủ đề “Tự hào Việt Nam – Tiến lên từ đại thắng”. Đơn cử, tỉnh
đoàn Hậu Giang tổ chức 10
đội thi ca ngợi “Đảng, Bác Hồ, truyền thống anh hùng”; đoàn viên Cần
Thơ huy động thanh niên đi treo 2.000
lá cờ trước ngày lễ; tỉnh đoàn Hòa Bình chiếu
phim “30/4 – khoảnh khắc lịch sử” cho sinh viên xem v.v.
Bên
cạnh đó, mạng xã hội tràn ngập bài
đăng của những người nổi tiếng (KOLS, ca sĩ, YouTuber v.v.) – những
người được giới trẻ mến mộ – bày tỏ tình yêu với “chiến thắng 50 năm” qua các
hình thức như rap, clip thử thách cắm cờ tổ quốc v.v. Một số người nổi tiếng được
mời tham gia chiến
dịch truyền thông “Hòa bình đẹp lắm”, hoặc “đắt
show” nhờ hưởng ứng ngày lễ 30/4.
Tròn
50 năm kỷ
niệm ngày 30/4 lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát đi thông điệp “Việt
Nam là một” và cho rằng “không có lý do gì để người Việt Nam mãi hận thù”. Tuy
nhiên, những khẩu hiệu “đại thắng”, “hào hùng” trong ngày lễ kỷ niệm 30/4 đang
diễn ra trên quy mô lớn, lại trái ngược với thông điệp này.
Việc
tổ chức kỷ niệm ngày 30/4 hoành tráng không phải là một điều mới. Nó đã trở
thành tiền lệ mỗi 10 năm, dưới thời các tổng bí thư Đỗ Mười (1995), Nông Đức Mạnh
(2005), và Nguyễn Phú Trọng (2015).
Chúng
tôi đã được dạy những gì dưới mái trường xã hội chủ nghĩa?
Trong
những ngày này, có những điều đáng nhớ và đáng quên, nhưng thanh niên chúng tôi
lại được dạy nhớ nhiều hơn những điều đáng quên. Những điều ấy còn được biến tấu,
sửa đổi theo chủ đích chính trị của bên thắng cuộc.
Đến
nay, dù cuộc nội chiến đã lùi xa 50 năm, nhưng dưới mái trường xã hội chủ
nghĩa, các thế hệ học sinh, sinh viên vẫn còn được dạy về lòng thù hận, thay vì
sự bao dung, xót thương cho nhiều thế hệ ông, cha của mình là nạn nhân của chiến
tranh. Thanh thiếu niên đã được dạy nhiều hơn lòng tôn thờ lãnh tụ vĩ đại, thay
vì các bài học sự thật lịch sử.
Nhiều
thanh niên Việt Nam, cùng tuổi tôi, đã quen thuộc với hình ảnh Lê Văn Tám – cậu
bé tự tẩm xăng để đốt kho xăng của Pháp – xuất hiện trong bộ sách Tiếng Việt tiểu
học. Trong khi giới sử học nhiều lần khẳng định Lê Văn Tám chỉ là nhân vật hư
cấu.
Ngay
còn ở độ tuổi “mầm non”, chúng tôi đã được bồi
dưỡng ý thức chính trị về lập trường giai cấp, qua các nghi thức sinh
hoạt Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh như: đeo khăn quàng đỏ, hát quốc ca,
đội ca, diễu hành v.v. Các nghi thức này được lồng ghép chủ đề “Yêu tổ quốc –
Căm thù giặc” với khẩu hiệu “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ
vĩ đại – Sẵn sàng!”.
Trong
những buổi sáng sinh hoạt đầu tuần, chúng tôi thường được kể về những câu chuyện
của trẻ nhỏ, nhưng được lồng ghép màu sắc chính trị. Chẳng hạn, câu chuyện anh
hùng “diệt Mỹ” Nguyễn
Văn Trỗi – người đã cố ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – hô to khẩu hiệu
trước pháp trường: “Đả đảo bọn quân xâm lược Mỹ và tay sai! Việt Nam muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm! v.v.
Những
khẩu hiệu chiến tranh và lòng hận thù dân tộc đã hằn sâu tâm trí thiếu niên,
trong khi đáng lẽ chúng tôi nên được dạy nhiều hơn về lòng bao dung, tinh thần
tương thân tương ái.
Ở
bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông, các thuật
ngữ “đế quốc Mỹ xâm lược”, “chính quyền tay sai Sài Gòn”, “ngụy quân”
v.v. đã xuất hiện và lặp lại hàng chục lần trong các sách giáo khoa lịch sử, ngữ
văn. Đơn cử như tác phẩm “Những
ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê trong sách ngữ văn lớp 9;
tác phẩm “Rừng
xà nu” của tác giả Nguyên Ngọc trong sách ngữ văn lớp 12 v.v. Các tác phẩm
vừa kể đều dùng thuật ngữ “ngụy” cho chính thể chính danh Việt Nam Cộng hòa. Mà
thực chất, ngày ấy, chúng tôi không hề biết Việt Nam Cộng hòa là một thực thể độc
lập đã từng tồn tại.
Trong
ba năm học phổ thông, chúng
tôi đã được cho làm quen với thuật ngữ “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”
v.v. qua 35 tiết học Giáo
dục quốc phòng – một môn học bắt buộc đối với mọi học sinh.
Vào
những năm cuối cấp, khi ôn thi lên đại học, chúng tôi bị buộc học thuộc lòng những nội
dung lịch sử đảng, “Chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, với đầy rẫy những câu
từ “ta – địch”, “quyết tâm đánh Mỹ”, “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” v.v. Những
thuật ngữ ấy dường như đã trở thành khẩu hiệu đối chúng tôi. Chúng tôi đã không
còn phân biệt được ranh giới giữa khẩu hiệu và những lời lẽ gây chia rẽ dân tộc.
Khi bước
vào lứa tuổi 18, 20, chúng
tôi tiếp tục bị bắt
buộc hoàn thành 11 tín chỉ cho năm môn học: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ
nghĩa Mác – Lênin, Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa xã hội khoa học trong suốt bốn năm đại
học. Các môn học này thường bị đánh giá là khô
cứng và mang tính giáo dục một chiều.
Chúng
tôi tiếp tục được giáo dục lý tưởng “thanh niên cách mạng”, khuyến khích tích cực
tham gia hoạt động của đoàn, đảng. Mọi phát biểu phản biện, trái ngược với lý
tưởng giáo dục ấy, chúng tôi có thể bị cô lập, thậm chí là bị kỷ luật và buộc
thôi học. Chúng tôi đã bắt đầu hình thành tư duy sợ hãi, sợ bị đấu tố trong
chính nhà trường đại học.
Nếu
tính sơ qua, suốt quãng thời gian 16 năm trời ngồi trên ghế nhà trường, chúng
tôi chỉ được dạy đi dạy lại những điều giống nhau như thế. Trong khi, thuật ngữ
Việt Nam Cộng hòa hay chính thể miền Nam đã trở nên quá xa lạ với chúng tôi. Vì
các thuật ngữ ấy đã được bên thắng cuộc tự biến tấu thành từ “ngụy”, “tay sai”,
v.v.
Và
trong ngày hôm nay, khi mạng xã hội phát triển, chúng tôi tiếp nhận thêm những
thuật ngữ mới (mà cũ) như “phản động”, “đu càng”, “ba que”, v.v. ở hàng nghìn
bình luận khác nhau trên mạng xã hội, của những tài khoản trống rỗng về nội
dung nhân ái, mà nặng về ngôn từ thù hận.
Chúng
tôi đã không có một cơ hội nào để thể hiện sự khác biệt, một chút phản tư cá
nhân của mình trước những vấn đề của đất nước, từ khi ngồi trên ghế nhà trường
đến khi ra ngoài xã hội.
Chúng
tôi đã bị “lập trình” về lòng yêu nước. Lòng yêu nước đã trở thành một công thức
sẵn có với chúng tôi – Không phản biện, không tư duy ngược, mà phải theo khuôn
khổ công thức này. Vì chúng tôi sợ hãi khi nói lên chính kiến, những suy nghĩ
riêng của cá nhân mình. Những tiếng nói ấy vô tình có thể sẽ trở thành lời buộc
tội đối với chúng tôi.
Một
xã hội sống trong sợ hãi
Thế
hệ thanh niên chúng tôi lớn lên trong thời
đại số, nơi mọi thông tin đều được chia sẻ rộng rãi và đa chiều. Điều này
mang lại cho chúng tôi cơ hội tiếp cận thông tin từ thế giới nhiều hơn so với
thế hệ cha anh. Chúng tôi đã có thể tự tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn về những
bài học lịch sử chưa từng được dạy trong nhà trường.
Dù
vậy, hệ thống báo chí trong nước – cơ quan ngôn luận của đảng – tiếp tục định
hướng tư tưởng chúng tôi. Báo chí trong nước đã mất đi bản chất cốt
lõi nhất của một cơ quan báo chí là đấu tranh vì sự thật. Tính sự thật của báo
chí đã bị chính quyền uốn nắn lại cho phù hợp mục đích chính trị.
Đó
là thực tế môi trường trong lĩnh vực truyền thông và báo chí tại Việt Nam. Nó
cũng phản ánh mức độ nhận thức thông tin của người dân trong nước suốt một thời
gian dài. Điều đó cũng đồng nghĩa bất kỳ ý kiến, quan điểm nào đi ngược với đám
đông sẽ bị trù dập dữ dội.
Theo
một báo
cáo, Việt Nam hiện nay có 76 triệu người dùng mạng xã hội (chiến gần 75%
dân số). Trong đó, tỷ lệ ở nhóm tuổi Gen Z (16 – 24 tuổi) là hoạt động thường
xuyên nhất.
Tuy
nhiên, mạng xã hội thường thiếu vắng đi những diễn đàn trao đổi cởi mở về các vấn
đề của đất nước, về chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước. Thay vào đó, thế
hệ thanh thiếu niên lựa chọn hình thức “tự kiểm duyệt”. Người trẻ đã dần trở
nên thờ ơ với việc bày tỏ chính kiến của mình vì sợ bị cáo buộc trên mạng xã hội,
bị đuổi học, bị mất việc, hay thậm chí bị chính quyền xử lý.
Gần
đây, vụ việc nữ MC Bích Hồng – cộng tác viên của đài SCTV – là một điển hình.
Chỉ vì bày tỏ sự khó chịu vì kẹt xe do buổi diễu binh, cô đã bị cộng đồng mạng
chỉ trích gay
gắt như “vô ơn”, “không yêu nước”, bị gắn mác cho những cái tên miệt
thị “phản động”, “cali”. Nhiều bình luận còn đòi “xét ba đời của cô”, thậm chí
là “phong
sát”. Một tài khoản có tên Nguyễn Sin còn đăng công khai những hình ảnh nhạy
cảm đời tư của MC Bích Hồng, mặc dù, cô đã đăng lời xin
lỗi công khai.
Chưa
dừng lại ở đó, báo chí nhà nước còn lan truyền rộng rãi “bài học nhận thức sai
trái” của MC Bích Hồng để tạo hiệu
ứng răn đe. Vụ việc đã khơi mào “phong trào” cho mạng xã hội săn lùng những
phát ngôn mà họ cho là “lệch chuẩn”, “không yêu nước” nhân kỷ niệm 50 năm ngày
kết thúc chiến tranh.
Từ
tháng 2 đến 4/2025 đã có ít nhất bốn
tài khoản bị phạt 5 – 7,5 triệu đồng với cáo buộc “bình luận xuyên tạc,
sai sự thật trên Facebook”.
Mạng
xã hội vốn là một công nghệ hiện đại giúp con người mở rộng quyền tự do ngôn luận
và tiếp cận thông tin, nhưng ở Việt Nam hiện nay, nó đã trở thành không gian để
người Việt “đấu tố” nhau và là nơi để an ninh dễ dàng phát hiện những người dân
có ý kiến trái chiều với chính quyền.
***
Nửa thế kỷ
sau ngày 30/4, thanh niên chúng tôi lại đứng trước một lời hứa “kỷ nguyên vươn
mình”. Nhưng liệu lời hứa hẹn ấy có trở thành hiện thực, khi nền tảng của nó được
xây dựng trên sự hận thù, dối trá và sợ hãi?
Thanh
niên chúng tôi không có bất kỳ một thiên kiến nào dành riêng cho bên thắng cuộc
hoặc bên thua cuộc. Chúng tôi chỉ mong những gì tốt đẹp nhất cho quốc gia
mình.
Một
kỷ nguyên mới cần có những con người mới cùng với nhận thức mới, một sự nhận thức
tường tận về quá khứ trên cơ sở một nền giáo dục dạy nhiều hơn về tinh thần bác
ái, sự bao dung – một nền giáo dục dân chủ, tôn trọng quyền tự do của mỗi cá
nhân.
============================
Bài
viết liên quan
.
Hòa
giải dân tộc thế nào với một thế hệ trẻ hung hăng?
.
Mong
cho tình yêu nước không còn là sản phẩm độc quyền
.
.
Khi thế hệ
trà sữa làm cách mạng
No comments:
Post a Comment