Wednesday, April 30, 2025

HÒA GIẢI DÂN TỘC THẾ NÀO VỚI MỘT THẾ HỆ TRẺ HUNG HĂNG? (An Bình / Luật Khoa tạp chí)

 



Hòa giải dân tộc thế nào với một thế hệ trẻ hung hăng?

An Bình  -  Luật Khoa tạp chí

30/04/2025

https://luatkhoa.com/2025/04/hoa-giai-dan-toc-the-nao-voi-mot-the-he-tre-hung-hang/

 

HÌNH : https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/hung-hang-1536x864.jpg

           Đồ họa: Thanh Tường, Tùng Anh, Thiên Tân / Luật Khoa.

 

Trước thềm kỉ niệm 50 năm ngày cuộc chiến Bắc – Nam chấm dứt, Tổng bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với tựa đề “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Bài viết được đánh giá cao khi ở phần nói về hoà giải, hoà hợp dân tộc, ông Tô Lâm viết “dù ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước.”  

          

Việc người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản dùng cụm từ “dù ở phía nào của lịch sử”, “phía bên kia” để thay thế cho những cụm từ thường thấy trong tuyên truyền như “Mỹ – Nguỵ”, “Nguỵ quân – Nguỵ quyền” cho thấy đã có một sự đổi mới trong nhận thức về lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

 

Với cương vị của mình, ông Tô Lâm có thể đã gặp được nhiều người, nhiều thành phần của cả phía bên này và cả bên kia của lịch sử. Những người đã gác lại hận thù, nỗ lực hàn gắn vết thương Việt Nam để đóng góp, xây dựng đất nước cho dù có khác biệt về quan điểm chính trị và trải nghiệm lịch sử.

 

Thế nhưng cũng với cương vị của ông, tôi không biết ông Tô Lâm có từng chứng kiến những cuộc khẩu chiến, mạt sát, đấu tố nhau trên một chiến trường mới là mạng xã hội hay chưa? Liệu ông có chứng kiến những cuộc khẩu chiến đó, để thấy rằng 50 năm trôi qua, lửa hận thù vẫn còn bùng lên mỗi ngày. Không phải đến từ những người từng trực tiếp trải qua chiến tranh, mà đau đớn thay, nó đến từ thế hệ trẻ – những người chưa từng nghe tiếng bom rơi đạn nổ, chưa từng sống trong sự chia cắt Bắc – Nam. 

 

Ông Tô Lâm viết: “Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách.” 

 

Trong bài viết của ông, đó là một thông điệp gửi đến tất cả người dân Việt Nam. Nó không nên là một câu khẳng định, mà nên là một câu hỏi mà chính ông và những người trong bộ máy cai trị, bộ máy tuyên truyền của ông phải trả lời. 

 

Câu hỏi đó tôi xin viết lại như sau: Vậy thì lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách?

 

Tại sao khi những người từng chĩa súng vào nhau, từng ở hai bên chiến tuyến, những người từng ôm nỗi hận thù đã sẵn sàng tha thứ và chia sẻ cho nhau để cùng hướng đến tương lai, còn lớp trẻ hôm nay lại cứ ôm mãi sự hận thù ấy để chia rẽ, xúc xiểm nhau bằng những ngôn từ độc hại bén ngót, sẵn sàng cứa đứt những nỗ lực hòa giải đến từ những người trực tiếp tham gia cuộc chiến?

 

Điều nghịch lý ấy bắt nguồn từ một nền giáo dục lịch sử thiên lệch – một thứ lịch sử được viết nên bởi “bên thắng cuộc”. Cái lịch sử thiếu khách quan ấy không chỉ được bộ máy tuyên truyền nhà nước ra rả trong suốt 50 năm mà nó còn được giảng dạy trong nhà trường một cách rập khuôn. Chính cái cách đóng khung tư duy, dập tắt những tiếng nói phản biện ngay từ trong tư tưởng đã tạo nên một lớp thanh niên Việt Nam chỉ nhìn thấy một màu sắc hận thù của lịch sử.

 

Trong tiến trình giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, yêu nước được đánh đồng với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong khi những người lãnh đạo cấp cao của đảng đôi khi vẫn chừa một tai để nghe một số nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đối thoại, thì một thế hệ trẻ lại sẵn sàng vùi dập, “đánh đến chết” những tiếng nói đi ngược với đường lối, chính sách của đảng, mặc cho những tiếng nói đó là sự góp ý chân thành để xây dựng hay đơn thuần chỉ là một cảm xúc cá nhân. 

 

Đơn cử như vụ một cô MC đăng tải trên mạng về việc cô “không vui, không háo hức, không tự hào” về sự kiện 30/4 đang diễn ra tại Sài Gòn và sau đó bị cộng đồng mạng vùi dập một cách không thương tiếc. Dù chỉ là một dòng chia sẻ về cảm xúc cá nhân sau khi bị kẹt xe để phục vụ sự kiện kỷ niệm 30/4, cô MC sau đó phải đóng toàn bộ mạng xã hội trước làn sóng gạch đá của cộng đồng mạng, cơ quan nơi cô đang làm việc tuyên bố cắt sóng, ngưng hợp tác sau phát ngôn đi ngược số đông đó. 

 

Hay rộng hơn là khái niệm “giải phóng miền Nam” trong suốt 50 năm tuyên truyền và giáo dục ở mái trường xã hội chủ nghĩa đã trở thành chân lý tuyệt đối của một thế hệ. Nhưng khi những người từng sống ở miền Nam cũ hoặc con cháu của họ đặt câu hỏi “giải phóng ai, giải phóng điều gì?” thì họ lập tức bị gán cho những nhãn mác là kẻ không yêu nước, là phản động, thù địch hay là những kẻ quay lưng với đất nước.

 

Tất nhiên, Đảng Cộng sản có những lí lẽ của họ để gọi cuộc chiến tranh Nam – Bắc suốt 20 năm là một cuộc giải phóng. Tuy nhiên những người miền Nam họ cũng có quyền được thắc mắc những người cộng sản đã “giải phóng ai khỏi điều gì” khi chứng kiến hàng triệu người Việt phải bỏ đất nước ra đi, hàng chục ngàn người phải đi “học tập cải tạo” không biết ngày về hay phải trải qua chục năm sống nghèo khổ trong nền kinh tế bao cấp xã hội chủ nghĩa.

Ông Võ Văn Kiệt đã từng nói về sự kiện 30/4 rằng “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn”. Triệu người vui có quyền tự hào đã chiến thắng, đã giải phóng triệu người buồn, thì triệu người buồn ấy cũng có quyền thắc mắc các ông giải phóng chúng tôi khỏi điều gì và mang lại điều gì cho chúng tôi. 

 

“Giải phóng ai, giải phóng điều gì?” – câu hỏi đó thực ra không đáng để sợ hãi hay lên án. Nó cần được lắng nghe như một phần quan trọng trong hành trình đi đến hòa giải dân tộc. Sự hòa giải không thể được thiết lập chỉ bằng các nghi lễ tưởng niệm, các khẩu hiệu sáo rỗng hay kể cả ý chí của những người lãnh đạo cao nhất. Nó chỉ có thể bắt đầu khi người dân được quyền đối thoại, được quyền đặt câu hỏi và được quyền nghi ngờ những gì từng được coi là chân lý.

 

Thế hệ trẻ ngày nay, thay vì kế thừa tinh thần bao dung và hòa hợp, lại bị nuôi dưỡng trong một dòng lịch sử chỉ có một màu và mang nặng tính thù hằn bởi một bộ máy tuyên truyền say men chiến thắng suốt hàng nửa thế kỷ. Trong thế giới phẳng và kết nối của mạng xã hội, họ dễ dàng tiếp cận những thông tin trái chiều, nhưng lại thiếu khả năng phân tích và đối thoại, dẫn đến sự cực đoan và cãi vã không hồi kết. Tệ hơn nữa, thay vì tranh luận để đi tìm lời giải, họ sẵn sàng ném vào nhau những ngôn từ thù hằn, độc địa và sẵn sàng chụp mũ bất kỳ ý kiến trái chiều nào là phản động.  

 

Để đi đến hòa giải, điều cấp thiết là phải khơi thông dòng chảy sự thật lịch sử, chấp nhận nó như một tổng thể phức tạp, đa chiều, khách quan, thay vì tiếp tục tô hồng hay tô đen. Khi những thuật ngữ như “giải phóng” hay “nội chiến” còn gây tranh cãi, thì chính sự tranh cãi ấy cần được tồn tại như một phần của tiến trình hàn gắn. Không thể có hòa giải thật sự nếu một bên được nói còn bên kia bị buộc phải im lặng.

 

Một đất nước không còn tiếng nói phản biện, không còn không gian để người dân cất lên những câu hỏi trái chiều, đất nước đó đang tự giới hạn chính mình không chỉ về tư tưởng mà còn về cơ hội mở ra tương lai. Trong sự câm lặng ấy, người trẻ dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc thay vì lý trí, dễ bị cuốn vào những vòng lặp thù hằn bởi không có ai dạy họ cách tha thứ, cách tôn trọng khác biệt và cách học hỏi từ lịch sử khách quan.

 

Hoà giải dân tộc không phải là sự tha thứ từ một phía, cũng không phải là việc xóa bỏ quá khứ, mà là cùng nhau đối diện với nó, không che giấu, không bóp méo, không độc quyền. Khi sự thật được đối thoại một cách công khai và bình đẳng, khi tiếng nói phản biện được tôn trọng như một biểu hiện lành mạnh của dân chủ, thì đó mới là lúc hành trình hòa giải bắt đầu thật sự.

 






No comments: