NHỮNG
MẢNG TỐI CỦA NỀN TỐ TỤNG VIỆT NAM
Là
luật sư hành nghề tranh tụng liên tục hơn 30 năm với nhiều tâm huyết và dấn
thân, trải qua hàng trăm vụ án các loại, có quá trình thực tiễn tham gia tố tụng
sinh động, nay đã ra nước ngoài định cư, nhìn lại nền pháp luật và sự vận hành
cỗ máy tố tụng ở Việt Nam, tôi có mấy nhận xét sau đây:
1. Sau thời kỳ hơn 1 thập
niên vô pháp kể từ biến cố lịch sử 30/4/1975, Việt Nam đã trải qua các bước dò
dẫm, thể nghiệm, thí điểm và khôi phục lại các định chế pháp luật qua việc tái
lập Bộ Tư pháp, Trường đại học Luật, Đoàn Luật sư, Phòng Công chứng/ Văn phòng
Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại… Nếu chỉ đọc Hiến pháp Việt Nam hiện hành,
nhìn vào sơ đồ cấu trúc và hệ thống ngành luật, nhìn vào số lượng các bộ luật,
đạo luật được liên tục ban hành, mọi người có cảm giác Việt Nam hiện nay có cả
rừng luật. Nhưng khi nhìn vào thực tiễn nền pháp luật và sự vận hành cỗ máy tố
tụng ở Việt Nam nhiều người buông ra lời than thở Việt Nam chỉ có luật rừng.
2. Nền pháp luật Việt Nam và cỗ máy tố tụng của
nó vận hành dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, luôn đặt nặng tính giai cấp, là
công cụ phục vụ đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước; việc bảo vệ công lý và lợi
ích người dân chỉ là thứ yếu và mờ nhạt.
3. Thẩm phán ở Việt Nam 100% là đảng viên Đảng cộng
sản, chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, họ trung thành với Đảng chứ không phải
với nhân dân, họ bị sai khiến và ra sức bảo vệ chế độ chứ không phải bảo vệ
công lý. Tương tự, chức danh Kiểm sát viên, Điều tra viên, nhất thể đều là đảng
viên. Tổ chức Đảng phát triển mạnh ở mọi cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị,
xã hội, nghề nghiệp, cơ quan truyền thông báo chí, xuất bản, các tổ chức giáo dục,
kể cả khu dân cư và khối doanh nghiệp tư nhân. Đến nỗi, tổ chức luật sư cũng bị
đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng, từ chi bộ đảng, đảng ủy đoàn
luật sư tới đảng đoàn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
4. Với tổ chức luật sư, ngoài sự quản lý chặt chẽ
của cơ quan nhà nước như Ủy ban nhân dân tỉnh thành, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp,
các đoàn luật sư lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có đảng ủy với nhiều chi
bộ với hàng ngàn luật sư đảng viên. Luật sư tham gia các chức danh điều hành
các Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam gần như toàn bộ là đảng viên.
Chưa hết, các tổ chức nghề nghiệp luật sư bị an ninh Việt Nam thao túng, thậm
chí họ đưa sỹ quan an ninh vào Ban chủ nhiệm các Đoàn Luật sư, không kể những
thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên nghỉ hưu hoặc nghỉ việc
chuyển làm luật sư mà còn có nhiều sỹ quan an ninh đang trong biên chế được cài
cắm khoác áo luật sư hoặc có thẻ luật sư, lẽ cố nhiên họ có xu hướng che giấu
lai lịch khi khoác áo luật sư.
5. Ở Việt Nam, hiện có trên dưới 15.000 người có
thẻ luật sư, thực tế hành nghề ước lượng chỉ hơn phân nửa số lượng kể trên,
trong đó đa phần là luật sư tranh tụng. Nguồn luật sư giai đoạn đầu được kế thừa
một phần từ thời VNCH, một số được đào tạo từ các nước XHCN trước đây, một số học
ở Đức, Pháp, Anh, Mỹ, số còn lại học từ các trường luật, khoa luật trong nước nở
rộ như nấm sau mưa trong thời gian gần đây, nhiều luật sư từ các cơ quan tố tụng
nghỉ hưu, chuyển ngành, các giảng viên luật, nhiều người từng là nhà báo, công
chức… Nếu như ở Mỹ và các nước tân tiến, người ta tuyển chọn thẩm phán, công tố
viên từ đội ngũ luật sư giỏi, thì ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại, định chế luật
sư là cái túi chứa các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên tới tuổi nghỉ
hưu hoặc bị sa thải.
6. Luật sư tranh tụng ở Việt Nam có thể ví như
các cầu thủ thi đấu trên sân lầy, bị “trói tay”, vướng chân, lấm lem, té ngã, bị
chơi xấu, bị xử ép bởi trọng tài thiên vị. Luật sư dù nói đúng cũng không được
quan tòa lắng nghe, dù đưa ra được chứng cứ có giá trị cũng khó làm thay đổi được
cục diện vụ án, bởi lẽ Tòa án Việt Nam nổi tiếng với việc ra các “bản án bỏ
túi”, bởi nạn “chạy án” - tham nhũng hoành hành trong ngành pháp luật. Nói như
Võ An Đôn, một luật sư nhân quyền đang tị nạn tại Hoa Kỳ, là “Ở Việt Nam, luật
sư như bình hoa trang trí, để thể hiện tòa án có tranh tụng và dân chủ” (!),
nhưng công bằng mà nói thì “bình hoa” đó lắm khi cũng trở thành “cái gân gà khó
nuốt” của nhiều hội đồng xét xử của Tòa án Việt Nam!
7. Luật sư nhân quyền,
là một khái niệm gần đây được các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Canada, Úc, EU và các
tổ chức quốc tế gọi các luật sư tranh tụng dấn thân trong các vụ án mà luật sư
tham gia bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, những người bất đồng
chính kiến, dân oan, các vụ án liên quan đến tôn giáo, tù nhân lương tâm… Số lượng
luật sư nhân quyền, theo quan sát và nhận biết của tôi chỉ đếm trên đầu ngón
tay và đang rơi rụng dần, một số bị bắt tù đày, một số đào thoát ra nước ngoài,
một số chuyển hướng hành nghề… Đây là những luật sư có thành tích trong hoạt động
nghề nghiệp, có uy tín và ảnh hưởng xã hội cao, có lòng quả cảm, dám va chạm và
đương đầu với cường quyền, bảo vệ người yếu thế, lội ngược dòng, chịu nhiều rủi
ro trong hoạt động nghề nghiệp, chấp nhận hy sinh nhằm duy trì công lý trong
môi trường xã hội Việt Nam.
8. Án oan trong tố tụng
hình sự ở Việt Nam là một hiện tượng phổ biến, một vấn nạn nhức nhối của xã hội.
Hàng loạt vụ án oan đã phơi lộ trong thời gian gần đây được truyền thông nhà nước
Việt Nam công bố, không chỉ án tù oan, mà cả nhiều án tử hình oan. Mặc dù trên
nghị trường Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình khi còn là Chánh án Tòa án tối cao cố
tình che giấu, bịt mắt nhân dân bằng việc khẳng định “Trong mấy năm qua, ngành
Tòa án không phát hiện án oan” (?!), nhưng thực tế án oan hiện diện khắp đất nước,
tiếng kêu oan thấu cả trời xanh. Cá nhân tôi thụ lý hàng chục vụ án oan, đã góp
phần giải oan cho hàng chục bị can - bị cáo, điển hình là vụ Nguyễn Minh Hùng bị
Tòa án tỉnh Tây Ninh 2 lần kết án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma
túy”, được Tòa án tối cao tuyên bố vô tội. Hàng loạt vụ kết án oan nổi cộm chưa
được giải oan như vụ tử tù Lê Văn Mạnh (đã bị hành quyết trong lúc kêu oan),
Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải… “Án oan”, thực ra đó chỉ là bề nổi của hiện tượng
bất thường, thực tế còn là tảng băng chìm chứa đựng nhiều vụ án oan khủng khiếp.
Án oan trong lĩnh vực kinh tế khá phổ biến nhưng gần như bị khỏa lấp, thỏa hiệp.
Án chính trị, mặc nhiên là oan, vì việc kết án không dựa trên chứng cứ mà áp đặt
tội danh, là sự phối hợp chỉ đạo của an ninh và các ngành nội chính… Án oan nhiều
đến nỗi, hiện nay ngân sách bồi thường cho người bị oan theo Luật trách nhiệm bồi
thường của nhà nước, không còn đủ để bồi thường, đang là “điểm nghẽn” trong việc
bồi thường oan sai. Án oan nhiều đến nỗi khi Báo Tuổi Trẻ đăng loạt phóng sự về
án oan thu hút cao sự chú ý của công luận, liền bị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ
đạo ngưng ngay việc đăng tải các câu chuyện án oan này!
9. Trong lĩnh vực tố tụng
dân sự thì khỏi phải bàn, chắc hẳn mọi người đều biết thực trạng xét xử tranh
chấp ở Việt Nam, khá tùy tiện theo ý chí của thẩm phán, như lời cựu Chánh án tối
cao Trịnh Hồng Dương trần tình trước Quốc hội: “Án dân sự muốn xử sao cũng được”
(?), dẫn đến thành ngữ lưu truyền trong dân gian “sáng đúng, chiều sai, đến mai
lại đúng” (!).
10. Án hành chính ở Việt Nam ư? Tố tụng hành
chính là một định chế tư pháp tiến bộ, đây là loại án “DÂN kiện QUAN”. Thế
nhưng hiện nay, giữa Chính phủ và Tòa án tối cao đã có văn bản (mật) thống nhất
chỉ đạo: Tòa án các cấp khi xét xử án hành chính, muốn hủy quyết định hành
chính phải có sự trao đổi và thống nhất với cơ quan hành chính (!?!?). Từ những
chỉ đạo “trói tay” trên và vì nhiều nguyên nhân và sự bất cập, có thể kết luận
rằng khiếu kiện hành chính ở Việt Nam là “đường đi không đến”, tức là người
dân, dân oan vô vọng trên con đường đi tìm công lý!
Tóm lại,
thực trạng nền pháp luật và sự vận hành cỗ máy tố tụng ở Việt Nam như nêu trên
là hệ quả tất yếu từ sự độc đảng và toàn trị của Đảng cộng sản, là sản phẩm của
“nhà nước pháp quyền XHCN”, là kết quả của chính quyền công an trị, là việc xem
thường nhân phẩm con người, là sự hạ thấp và chà đạp công lý trong môi trường
xã hội Việt Nam.
Các
thẩm phán ở Việt Nam luôn xem bị cáo có tội cho đến khi không thể buộc được tội!
Người
dân Việt Nam, nhất là dân nghèo sẽ phải tiếp tục hứng chịu bất công, nếu không
có sự thay đổi thể chế chính trị!
Đất
nước không thể phát triển, nếu thiếu một nền pháp trị đúng nghĩa, hẳn nhiên đó
không phải là “nhà nước pháp quyền XHCN” như một thứ bánh vẽ mà người ta thường
rêu rao!!!
P/s:
“Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”. Đây xem như là bài tổng kết của tôi,
nhân 50 năm biến cố lịch sử 30/4. Quý vị có thể share bài viết hoặc copy đăng lại,
không cần hỏi ý kiến, tôi rất vui lòng, vì nó cũng là phép thử đối với người đọc
trong và ngoài nước.
Luật
sư TRỊNH VĨNH PHÚC
No comments:
Post a Comment