Tuesday, April 15, 2025

CÓ GÌ ĐÁNG CHÚ Ý TỪ 'CUỘC GẶP ĐÁNG YÊU' CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH Ở VIỆT NAM? (BBC News Tiếng Việt)

 



Có gì đáng chú ý từ 'cuộc gặp đáng yêu' của ông Tập Cận Bình ở Việt Nam?

BBC News Tiếng Việt

5 giờ trước

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cr4nekxzv2xo

 

Vốn vay đường sắt và duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang. Máy bay COMAC của Trung Quốc cũng sẽ cất cánh tại Việt Nam.

 

Đó chỉ là một số trong hàng loạt các kết quả đạt được trong chuyến thăm.

 

Tổng cộng, hai bên đã ký với nhau 45 văn kiện hợp tác trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam và hội đàm với Tổng bí thư Tô Lâm.

 

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng" miền Nam, và cũng trong căng thẳng "Ngày Giải phóng" mà Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại.

 

Kết quả là lãnh đạo hai quốc gia đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

 

Một số điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung này có thể kể đến như: nhất trí cần kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định cần kiên định ủng hộ lẫn nhau trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Hai bên nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn, nhất trí coi việc Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, Việt Nam phát triển lực lượng sản xuất mới là cơ hội để xây dựng cấu trúc hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn.

 

Việt Nam và Trung Quốc cùng nhất trí kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng, giữ gìn đại cục hữu nghị Việt - Trung;...

 

Trong khi báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về các thành quả, Tổng thống Mỹ lại có một cái nhìn khác về cuộc gặp gỡ này.

 

"Cuộc gặp đáng yêu" và "cuộc gặp tìm cách chơi lại Mỹ" là những câu từ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với phóng viên tại Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào hôm 14/4.

 

"Tôi không trách Trung Quốc. Tôi cũng không trách Việt Nam. Không hề. Tôi thấy họ đang họp hôm nay. Tuyệt vời phải không? Đó là một cuộc gặp đáng yêu. Một cuộc gặp kiểu như đang tìm cách 'làm thế nào để 'chơi' Hoa Kỳ?'," ông Trump nói với phóng viên trong Phòng Bầu dục.

 

Tổng thống Mỹ cũng không quên cáo buộc người tiền nhiệm Joe Biden đã làm thất thoát "hàng ngàn tỷ đô la" trong thương mại với Trung Quốc.

 

"Tôi không trách Chủ tịch Tập [Cận Bình]," Tổng thống Trump nói trong Phòng Bầu dục trong buổi họp báo chung với Tổng thống El Salvador Nayib Bukele.

 

"Tôi quý ông ấy. Ông ấy quý tôi. Ý tôi là, biết đâu được?"

 

Ông Tập công du Việt Nam trong hai hôm 14-15/4, trong thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày 30 tháng 4.

 

Trước chuyến đi, ông Tập đã có bài viết đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới mối quan hệ "chia sẻ tương lai" của hai nước.

 

Ông Tập không quên nhắc lại việc Trung Quốc và Việt Nam 'cùng phe' trong các cuộc chiến chống Pháp và Mỹ trong quá khứ.

 

Bài viết có đoạn: "Phía Trung Quốc đã cử Đoàn cố vấn quân sự, Đoàn cố vấn chính trị giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã làm hết mình ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. 'Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em', đã trở thành ký ức đỏ không bao giờ phai nhạt."

 

Ông Tập Cận Bình đến Việt Nam cũng trong bối cảnh đặc biệt: cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.

 

Trong khi Việt Nam và hầu hết các quốc gia đang được Mỹ tạm hoãn mức thuế đối ứng, giảm xuống còn 10% trong thời gian 90 ngày, Trung Quốc không chỉ là ngoại lệ mà còn bị áp mức thuế 145%.

 

Vậy cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam hôm 14/4 bao gồm những gì mà khiến ông Donald Trump khẳng định hai nước này đang tìm cách "chơi" Mỹ?

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ee96/live/8596be40-19b1-11f0-8a1e-3ff815141b98.jpg.webp

 

 

Ký kết hàng chục thỏa thuận

 

Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì lễ đón ông Tập Cận Bình ở Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, hai bên tiến hành hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng vào ngày 14/4.

 

Tân Hoa Xã thông tin rằng ông Tập đề nghị hai quốc gia duy trì sự ổn định của hệ thống thương mại tự do toàn cầu cũng như hoạt động công nghiệp và chuỗi cung ứng.

 

Cũng ngày hôm đó, ông Tập đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường tập trung chiến lược và cùng nhau phản đối hành vi bắt nạt đơn phương, Tân Hoa Xã đưa tin nhưng không nhắc đến Mỹ.

 

Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang dữ dội và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Mỹ đã tăng mức thuế áp vào hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức 125%.

 

Việt Nam và Trung Quốc được cho là đã ký 45 thỏa thuận vào hôm 14/4.

 

Theo hình ảnh tư liệu mà Reuters tiếp cận, các văn bản bao gồm các thỏa thuận về việc tăng cường chuỗi cung ứng và hợp tác về đường sắt.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc duy trì trao đổi chiến lược thường xuyên giữa hai bên. Ông đề xuất tăng cường hợp tác giữa hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng và an ninh, báo chí Việt Nam đưa tin.

 

Ông cũng đề nghị thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, đặc biệt là dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với các ưu đãi về vốn vay, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

 

Nhân chuyến thăm này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký kết tổng cộng 7 văn kiện hợp tác quan trọng với các đối tác Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực phát triển đường sắt và đường bộ, trong đó có các văn kiện liên quan đến các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

 

Theo Reuters, nội dung của các thỏa thuận không được tiết lộ và không rõ liệu có liên quan đến bất kỳ cam kết tài chính hoặc ràng buộc nào hay không.

 

Việt Nam đã đồng ý sử dụng các khoản vay của Trung Quốc để xây dựng các tuyến đường sắt mới giữa hai nước - điều Reuters cho rằng là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin, giúp thúc đẩy thương mại song phương và kết nối.

 

Theo tài liệu hợp tác dài hai trang vào ngày 14/4 mà Reuters tiếp cận được, hai bên đã nhất trí rằng Trung Quốc sẽ thực hiện nghiên cứu tính khả thi cho hai tuyến đường sắt theo kế hoạch, với chi phí 9,95 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng).

 

Thỏa thuận liên quan đến tuyến đường sắt nối khu vực Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc với thủ đô Hà Nội của Việt Nam và một tuyến mới khác nối các thành phố cảng Thâm Quyến và Hải Phòng.

 

Hiện đã có tuyến đường sắt từ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây đến Hà Nội, nhưng hành khách và hàng hóa hiện phải chuyển tàu ở biên giới vì khổ đường ray của Việt Nam - có từ thời thuộc địa Pháp - không tương thích với đường ray cao tốc hiện đại của Trung Quốc.

 

Sự nghi kỵ giữa hai nước cộng sản - từng giao tranh trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1979 và thường xuyên xung đột về vấn đề Biển Đông - từ lâu đã cản trở tiến độ phát triển các tuyến đường sắt.

 

Tuy nhiên trong những tháng gần đây tại Việt Nam, những cân nhắc về kinh tế dường như đã lấn át các lo ngại về an ninh.

 

Cho đến nay, chưa có thông báo nào về khoản vay trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình - chuyến đi kết thúc vào ngày 15/4 sau khi khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc trong cùng ngày.

 

Những thỏa thuận khác có thể thấy trong tư liệu mà Reuters xem được bao gồm các thỏa thuận được ký kết giữa các bộ phụ trách thương mại, quốc phòng của hai nước và giữa các phòng thương mại của hai bên.

 

Theo hãng tin này, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết vào hôm 14/4 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

 

Liên quan đến biên bản này, trước đó Reuters cũng đã tiếp cận được với một tài liệu của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp thắt chặt kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và vật liệu đồng thời xử lý gian lận thương mại.

 

Văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký vào ngày 10/4 cũng yêu cầu các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung vật liệu, tránh phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.

 

Việt Nam từ lâu bị nghi ngờ là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc lách thuế Mỹ. Rủi ro này càng tăng cao khi ông Peter Navarro - cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump - khẳng định "Trung Quốc dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển để né thuế" vào hôm 6/4.

 

Dù Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm hoãn thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày, thay vào đó là mức 10%, nhưng rủi ro vẫn treo lơ lửng trên đầu quốc gia Đông Nam Á này.

 

"Kết cục vẫn đang là ẩn số," ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, trả lời BBC.

 

Dưới áp lực từ Washington, Việt Nam đang siết chặt kiểm soát một số hoạt động thương mại với Trung Quốc, nhằm đảm bảo hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ mang nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" phải có giá trị gia tăng đủ lớn tại Việt Nam để xứng đáng với nhãn mác đó.

 

Dữ liệu hải quan Việt Nam cho thấy trong ba tháng đầu năm nay, Hà Nội nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 30 tỷ USD từ Bắc Kinh, trong khi xuất khẩu sang Washington đạt 31,4 tỷ USD.

 

Máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất - một nỗ lực mong muốn phá vỡ sự thống trị của hai gã khổng lồ Boeing và Airbus - cũng là một đề tài được quan tâm.

 

Sau thời gian dài chịu áp lực, Bắc Kinh đã nhận được sự chấp thuận của Việt Nam đối với các máy bay được cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cấp phép, mở đường cho việc sử dụng máy bay chở khách COMAC tại quốc gia Đông Nam Á này.

 

Ngày 13/4, trước thềm chuyến thăm của ông Tập, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 89/2025 sửa đổi, theo đó các máy bay nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bao gồm máy bay được nhà chức trách hàng không Trung Quốc cấp hoặc công nhận.

 

Máy bay COMAC được nhiều công ty Trung Quốc vận hành nhưng cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua nước ngoài hoặc được phê duyệt ở nước ngoài.

 

Cũng trong ngày 13/4, hãng hàng không giá rẻ Vietjet của Việt Nam và COMAC đã ký một biên bản ghi nhớ tại Hà Nội, theo Reuters.

 

Nội dung của thỏa thuận chưa được công bố, nhưng Reuters đã đưa tin trong những tuần qua rằng theo dự thảo thỏa thuận, Vietjet sẽ thuê hai máy bay COMAC C909, do phi hành đoàn của Chengdu Airlines vận hành, trên hai tuyến bay nội địa: khứ hồi Hà Nội - Côn Đảo và khứ hồi TP HCM - Côn Đảo.

 

Điều này diễn ra trong bối cảnh cả Vietnam Airlines lẫn Vietjet Air đều đang tìm cách mua thêm máy bay Boeing trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại với Mỹ để "xoa dịu" mức thuế đối ứng 46% của ông Trump.

 

 

Hợp tác công nghệ, giáo dục

 

Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất biến hợp tác chuyển đổi số và khoa học công nghệ thành điểm sáng mới trong quan hệ Việt - Trung. Ông kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, báo chí Việt Nam đưa tin.

 

Ông Tô Lâm cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy thương mại cân bằng và đầu tư chất lượng cao, đồng thời chú trọng triển khai các dự án lớn tại Việt Nam và hỗ trợ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn.

 

Cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều thường xuyên nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo đánh giá của IQAir - công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sĩ.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị đẩy mạnh giao lưu nhân dân, khuyến khích tăng cường du lịch giữa hai nước. Ông đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nhấn mạnh việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học cơ bản và công nghệ cao.

 

Nhân chuyến đi của ông Tập, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Thanh Hoa đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức thành lập "Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc" vào tối 14/4.

 

Hai bên đã thống nhất xem xét thành lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam - Trung Quốc.

 

Mục tiêu của mạng lưới là tăng cường hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ giữa hai quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho Việt Nam.

 

Thanh Hoa (Bắc Kinh) là một trong những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, hiện xếp thứ 20 trong các trường đại học tốt nhất thế giới theo đánh giá của QS World University Rankings năm 2025.

 

Về phía Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tán thành các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm và đề nghị tăng cường tin cậy chiến lược, trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước.

 

Ông hoan nghênh hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, đồng thời khuyến khích tăng cường hợp tác trong chuỗi sản xuất và cung ứng cũng như trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển xanh.

 

Trong ngày 15/4 - ngày thứ hai và cũng là cuối cùng trong chuyến thăm Việt Nam - ông Tập Cận Bình đã đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia vào các hoạt động giao lưu nhân văn nhân "Năm giao lưu nhân văn hữu nghị Việt - Trung 2025" và hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường tại Phủ Chủ tịch nhằm trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương.

 

Chiều 15-4, ông Tập Cận Bình và đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã rời Việt Nam.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Có phải Trung Quốc luôn là mục tiêu thực sự trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump?

14 tháng 4 năm 2025

·         

Ông Hồ Đức Phớc 'hoàn thành nhiệm vụ' đi Mỹ, tiếp theo là gì?

15 tháng 4 năm 2025

·         

Dự án golf Hưng Yên của Tập đoàn Trump: Còn giá trị trong đàm phán thuế quan?

14 tháng 4 năm 2025

 





No comments: