Tuesday, April 15, 2025

THỊ TRƯỜNG MỸ 'ĐÓNG BĂNG' TẠI HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT TRUNG QUỐC (BBC News Tiếng Việt)

 



Thị trường Mỹ 'đóng băng' tại hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 4 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9ved2yjpd9o

 

Candice Li cho biết từ khi Mỹ tăng thuế lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, các đơn hàng từ Mỹ nhập thiết bị y tế do công ty bà sản xuất đã biến mất.

 

"Đó là chuyện sống còn, vì 60–70% hoạt động kinh doanh của chúng tôi là với khách hàng Mỹ," bà Li, giám đốc tiếp thị của công ty Conmo Electronic, chia sẻ.

 

"[Chúng tôi] không thể xuất hàng đi, và không thể thu tiền về. Tình hình rất nghiêm trọng."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/77ea/live/826719a0-19e7-11f0-a455-cf1d5f751d2f.png.webp

Đây là hội chợ thương mại đầu tiên mà Trung Quốc tổ chức kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế vượt 100% đối với hàng hóa nước này

 

Hầu hết các nhà xuất khẩu mà Reuters phỏng vấn đều nói rằng đơn hàng từ Mỹ – vốn đóng vai trò sống còn đối với các công ty như của bà Li – đã bị trì hoãn hoặc ngừng hoàn toàn. Đó là một tín hiệu xấu đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tốc độ tăng trưởng năm 2024 phụ thuộc nhiều vào khoản thặng dư thương mại lên tới hàng ngàn tỷ đô la Mỹ.

 

Không quốc gia nào sánh ngang với Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ - hơn 400 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

 

Và trong khi mà ông Trump áp với các nước khác thấp hơn nhiều, mức thuế đó vẫn có khả năng làm suy giảm nhu cầu toàn cầu trong những tháng tới, và gián tiếp kéo theo sự sụt giảm nhu cầu về hàng Trung Quốc ở các nước khác.

 

VIDEO : Ông Trump áp thuế: Việt Nam đàm phán ra sao?

 

Ông Kobe Huang, đại diện kinh doanh của công ty công nghệ môi trường Shenzhen Landun – đơn vị sản xuất máy lọc nước và bồn cầu thông minh – cho biết hiện tại doanh số ở châu Âu đang tăng, nhưng thị trường Mỹ thì "đóng băng."

 

Các khách hàng và nhà phân phối Mỹ vẫn chưa hủy đơn hàng, ông nói. "Họ yêu cầu chúng tôi chờ. Và chúng tôi vẫn đang đợi."

 

Ông Levy Spence, một nhà nhập khẩu hàng Mỹ và là chủ tịch công ty Air Esscentials, đang tham quan khu trưng bày các sản phẩm tạo hương tại hội chợ, nhưng chưa có kế hoạch mua hàng cụ thể vì "mỗi sáng thức dậy lại cảm thấy như mức thuế đã thay đổi."

 

"Giá sẽ tăng," ông nói. "Ngay cả với những mặt hàng chúng tôi nhập từ Mỹ, nhiều nguyên liệu đầu vào vẫn được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ riêng thuế với Trung Quốc."

 

Theo ban tổ chức, tính đến ngày 8/4, có khoảng 170.000 bên mua nước ngoài đăng ký tham dự hội chợ lần này, so với con số kỷ lục 253.000 lượt tham dự kỳ trước (kết thúc vào tháng 11/2024).

 

Khoảng 10% số này từ Mỹ và châu Âu, giảm khoảng 20% so với kỳ trước.

 

Hội chợ diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 5/5. Theo truyền thông địa phương, tổng giá trị giao dịch tại kỳ hội chợ trước là 25 tỷ USD.

 

Đa dạng hóa

 

Nhiều nhà xuất khẩu cho biết họ đang đa dạng hóa cơ sở sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, hoặc chuyển hướng thị trường tiêu thụ ra khỏi Mỹ.

 

Ông Henry Han, giám đốc kinh doanh của công ty Apexto Electronics – đơn vị sản xuất ổ cứng SSD và thẻ nhớ micro SD – cho biết thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm 10% doanh thu trực tiếp, giảm mạnh so với mức 30% trước đại dịch.

 

Nhiều khách hàng của họ nhận hàng linh kiện rồi chuyển sang lắp ráp hoàn chỉnh tại nước thứ ba nhằm né thuế.

 

Năm ngoái, Apexto đã tiến hành một nghiên cứu để xem có thể chuyển việc sản xuất sang Việt Nam hoặc Philippines nhằm tránh tác động trực tiếp từ các mức thuế của Mỹ hay không. Tuy nhiên, ông Han cho biết các kế hoạch này hiện đã bị hoãn lại vì lo ngại những quốc gia này cũng có thể đối mặt với mức thuế cao.

 

Ngày 2/4, ông Trump đã tuyên bố áp thuế 46% đối với Việt Nam và 17% với Philippines, trước khi tạm thời hạ các mức này xuống còn 10% trong 90 ngày, khi ông bắt đầu các cuộc đàm phán song phương về thương mại với khoảng 75 quốc gia.

 

Ông David Du, giám đốc kinh doanh của công ty sản xuất loa Zealot, cho biết một đơn hàng 30.000 chiếc loa dành cho chuỗi cửa hàng của Skechers tại Mỹ đã bị tạm dừng sau khi Mỹ áp thuế. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có thể trông cậy vào các thị trường khác.

 

Zealot từng có một bước ngoặt lớn vào năm 2015, khi sản phẩm tích hợp loa, pin sạc dự phòng và đèn pin khẩn cấp của họ bất ngờ trở nên "nổi như cồn" tại Nigeria – quốc gia giờ đây đã là thị trường lớn gấp đôi Mỹ, chiếm 40% tổng doanh số của hãng và giúp tiêu thụ tới 45 container hàng mỗi tháng.

 

Ở Nigeria, "chúng tôi nổi tiếng như JBL vậy," ông Du nói. JBL là thương hiệu thiết bị âm thanh có trụ sở tại California, Mỹ.

 

Bà Li – đại diện công ty thiết bị y tế – thì cho biết công ty bà không thể đột xuất tìm ra được thị trường mới. Cô lo rằng Conmo sẽ sớm phải cắt giảm giờ làm và cuối cùng là cắt giảm nhân sự.

 

"Tôi lo rằng nếu tình trạng bế tắc cứ kéo dài, và không bên nào chịu nhượng bộ, thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn là dân thường," Li nói.

 

"Sao họ có thể có lương đây? Rồi sẽ lại có tình trạng thất nghiệp."

 

 

 

 


No comments: