Ukraina
quyết không từ bỏ chủ quyền Crimée, tự sản xuất 90 % drone
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 25/04/2025 - 11:24
Tổng thống
Mỹ dịu giọng trong vấn đề thuế quan khiến thị trường khởi sắc. Ukraina kiên quyết
không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ ở Crimée dù Hoa Kỳ ép buộc. Tang lễ Đức
giáo hoàng Phanxicô đang được chuẩn bị tại Vatican. Đó là những chủ đề quan trọng
trên báo chí hôm nay 25/04/2025.
HÌNH
:
Một
nhà sản xuất giới thiệu drone chế tạo trong nước tại triển lãm Ukraine Defense
Innovations dành cho khách hàng quân sự, tại một địa điểm không được tiết lộ ở
Ukraina, ngày 11/04/2025. AP - Efrem Lukatsky
Zelensky :
« Crimée là lãnh thổ của chúng tôi, chấm hết ! »
Tại
Ukraina, Le Figaro nhấn mạnh « Zelensky từ chối nhường
Crimée cho Nga ». Chính quyền Trump gây áp lực để Kiev chấp nhận kế hoạch
ngưng bắn trong đó gồm cả việc nhìn nhận Crimée là lãnh thổ của Nga, nhưng tổng
thống Ukraina từ chối mọi thỏa hiệp về chủ quyền đất nước.
Dù
bị Donald Trump bực tức gọi là « người phóng hỏa », Volodymyr Zelensky trong cuộc
họp báo tại Kiev vẫn có thái độ dứt khoát. Ông tuyên bố : « Ukraina
không bao giờ chấp nhận hợp pháp hóa việc chiếm đóng Crimée. Đó là lãnh thổ của
chúng tôi, chấm hết ! ».
Các
đề nghị này, được trình bày tuần trước tại Paris với các đại diện Ukraina, đã gặp
phản ứng ngay lập tức. Cuộc hội nghị sau đó tại Luân Đôn đã hạ cấp thành cuộc
trao đổi kỹ thuật giữa các cố vấn. Viễn cảnh một thỏa thuận lùi xa hơn bao giờ
hết. Oleksandr Merejko, chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Ukraina nhận xét
không còn có thể thương lượng. « Vladimir Putin chưa bao giờ muốn hưu
chiến, ông ta tìm cách hủy diệt Ukraina và tự coi là người đối thoại bình đẳng
với Hoa Kỳ ».
Tệ
hơn cả Munich 1938 cắt đất Tiệp Khắc cho Hitler
Mỹ
muốn ngưng bắn dựa trên cơ sở các chiến tuyến hiện nay, và hàm ý muốn gắn liền
viện trợ với một thỏa thuận. Nhưng nhìn nhận việc sáp nhập bán đảo Crimée là đi
ngược lại với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ 2014. Năm 2018, ngoại trưởng
Mike Pompeo nói rằng Nga chiếm Crimée là « mối đe dọa cho các nguyên tắc
căn bản của luật pháp quốc tế ». Quay ngoắt lại với chủ trương này,
Washington gây lo ngại cho Kiev và châu Âu.
Ông
Oleksandr Merejko cảnh báo như vậy « còn tệ hại hơn cả Munich năm 1938
» - khi phương Tây chấp nhận cắt một phần Tiệp Khắc để xoa dịu Hitler.
Đó là « tưởng thưởng cho kẻ xâm lăng và làm yếu đi hẳn trật tự quốc
tế dựa trên luật pháp ». Không chỉ Crimée, Putin còn yêu sách
thêm bốn vùng khác của Ukraina là Kherson, Zaporijia, Donetsk và Luhansk dù
chưa chiếm được hoàn toàn. Mỹ còn muốn Kiev từ bỏ mục đích gia nhập NATO, và có
thể để cho quốc tế quản lý nhà máy điện nguyên tử Zaporijia - đề nghị này bị
Ukraina bác ngay.
Kiev
nhắc lại, hiệp ước Minsk năm 2014 và 2015 không ngăn cản được Putin xâm lăng
Ukraina năm 2022. Ngưng bắn mà không bảo đảm chắc chắn được an ninh có thể dẫn
đến một cuộc xâm lược mới. Volodymyr Zelensky hy vọng có thể trao đổi trực tiếp
với Donald Trump tại Vatican, nơi diễn ra tang lễ của Đức giáo hoàng Phanxicô
thứ Bảy tới. Nếu được, đây sẽ là lần đầu tiên sau cuộc đấu khẩu tại Phòng Bầu dục
Nhà Trắng cuối tháng Hai vừa qua.
Cảm
thấy Mỹ muốn bỏ rơi, Kiev tự sản xuất vũ khí
Le
Figaro cũng
cho biết, trước xu hướng bỏ rơi của Mỹ, Ukraina tự xây dựng kỹ nghệ quốc phòng.
Bài viết tả lại khung cảnh một cuộc triển lãm vũ khí tổ chức tại một địa điểm
được giữ bí mật. Trên nền nhạc techno, các drone, hỏa tiễn và robot, niềm hãnh
diện của công nghệ quân sự Ukraina được trưng bày.
Những
người tham dự tỏ ra lạc quan một cách đáng ngạc nhiên, dù thương lượng Mỹ-Nga
đang sa lầy và Matxcơva thường xuyên oanh kích. Kỹ nghệ quốc phòng bị lơ là sau
khi Liên Xô sụp đổ, nay hoạt động hết công suất. Năm 2024 sản lượng đạt 9 tỉ đô
la so với 1 tỉ đô la trước cuộc xâm lăng. Gần 630 công ty khởi nghiệp về công
nghệ tham gia cùng với hơn 100 công ty nhà nước để chế tạo đạn pháo, xe thiết
giáp, drone và hỏa tiễn.
Oleksandr
Kamychine, cố vấn về kỹ nghệ quốc phòng của tổng thống Ukraina cho biết giờ đây
30 % đến 40 % vũ khí sử dụng nơi tiền tuyến được sản xuất trong nước. Năm 2024,
trên 96 % số drone của quân đội Ukraina là hàng nội địa, sản lượng 10 triệu
drone một năm. Khoảng 300.000 công nhân quốc phòng làm ra được mọi loại sản phẩm
cần thiết cho quân đội, và ông Kamychine tin rằng một khi chiến thắng, Ukraina
còn có thể xuất khẩu.
Sức
sáng tạo của tư nhân trong kỹ nghệ quốc phòng Ukraina
Chuyên
gia Kamychin rất hy vọng vào các loại vũ khí trưng bày mang tên Routa, Leleïka,
Bars.... Palianytsia, tên một loại bánh mì truyền thống được đặt cho một drone
mang hỏa tiễn tầm xa sản xuất hàng loạt. Hỏa tiễn Peklo (hỏa ngục) đã được dùng
để tấn công sâu 700 kilomet vào đất Nga.
Đặc
biệt là sức sống của các start-up : Chỉ 13 % nhà sản xuất vũ khí là của nhà nước,
gần 52 % thiết bị quân sự do tư nhân làm ra.Vơ-đét của cuộc triển lãm là
Trembita, phiên bản hiện đại của quả bom V1 Đức quốc xã năm 1944, trị giá chỉ
200 đô la, động cơ có lực đẩy 400 km/giờ ở tầm 200 km, bay được đến Matxcơva.
Việc sản xuất hàng loạt sẽ tiến hành sau những thử nghiệm cuối cùng trên thực địa.
Từ thiết kế đến khi có mặt trên chiến trường chỉ mất một năm rưỡi, theo Le
Figaro là cả một thành tích vì tiến trình thường mất nhiều năm. Mục
tiêu được tổng thống Zelensky đưa ra là chế tạo 30.000 drone tầm xa và 3.000 hỏa
tiễn trong năm nay.
Trong
điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều công ty bị Nga tập trung oanh kích phải
đưa cơ xưởng xuống dưới lòng đất. Họ tuyển mộ công nhân theo kiểu truyền
miệng để tránh Nga xâm nhập, mặc thường phục khi làm việc để bên ngoài không ai
có thể nghi ngờ. Các drone được đóng gói trong các thùng carton bình thường. Có
đến 85 % linh kiện của đại bác tự hành Bohdan là hàng nội. Vấn đề lớn hiện nay
là thiếu tiền. Đan Mạch là thành viên NATO đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của
Kiev, đầu tư trực tiếp vào việc sản xuất vũ khí trên đất Ukraina.
Thương
chiến : Thị trường tiêu điều, Trump đành lùi bước
Le
Figaro chạy
tít trang nhất « Chiến tranh thương mại : Trump thối lui, thị trường thở
phào ». Vừa qua tổng thống Mỹ có đến hai bước lùi. Sau khi đả kích ông
Jerome Powell chậm chạp trong việc giảm lãi suất, gọi giám đốc Quỹ Dự trữ Liên
bang là « loser », Trump khẳng định không muốn sa thải Powell trước khi kết
thúc nhiệm kỳ. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhìn nhận mức thuế 145 % cho Trung Quốc
là quá cao, và sẽ giảm bớt. Lập tức thị trường chứng khoán cả hai bờ Đại Tây
Dương đều chuyển sang sắc xanh. Nhưng Hoa Kỳ và Trung Quốc hãy còn quá xa mới đạt
được một thỏa thuận.
Nhật
báo nhắc lại « Ngày giải phóng » 02/04, khi Donald Trump giơ lên tấm bảng lớn
ghi tỉ lệ thuế quan cho toàn thế giới. Một thời điểm được cho là lịch sử - một
nước Mỹ áp đặt quy định, tấn công các đối thủ, tái kỹ nghệ hóa, lấp đầy số thâm
hụt thương mại khổng lồ. Ba tuần sau, là sự quay ngược ngoạn mục, Trump nói về
« sự tử tế », và Elon Musk chuẩn bị cất đi chiếc cưa máy để quay về với Tesla –
mà số bán và cổ phiếu đều giảm mạnh.
Đây
không phải là sự thay đổi quan điểm mà là hệ quả của việc va chạm với thực tiễn
kinh tế. Bởi vì nếu dân túy thu hút bằng những cử chỉ mạnh mẽ và khẩu hiệu đơn
giản, thì kinh tế không nhường bước trước ma thuật lẫn áp lực chính trị. Thị
trường nhạy cảm hơn trước bóng ma chiến tranh thương mại tổng lực, những trao đổi
ngưng lại, đe dọa lên chuỗi sản xuất, đồng đô la ; được biểu hiện bằng lãi suất
tăng, đầu tư chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm 1 điểm tăng trưởng của
Hoa Kỳ, người Mỹ lo sợ vật giá và lãi suất tín dụng tăng cao.
Le
Figaro cho
rằng Washington cần phải có phương hướng rõ ràng, liên tục, đáng tin cậy ; và
nước Mỹ vốn năng động, sáng tạo sẽ hưởng lợi trước tiên. Donald Trump cần chấm
dứt gieo rắc sự bất ổn để chỉ gặt hái được nỗi sợ hãi và bất lực. Nhưng liệu
ông có thích sự yên bình hơn là bão tố hay không ? Tờ báo kết thúc bài xã luận
bằng một câu tiếng Anh « That is the question ! » - Đó mới là
vấn đề !
Nhiều
khách du lịch không còn muốn đến Mỹ
Cũng
liên quan đến thương chiến, Les Echos cho rằng ông Trump «
tự bắn vào chân mình ». Libération và Les Echos đề cập
đến hiện tượng du khách không muốn đến thăm nước Mỹ. Số lượng khách du lịch đã
giảm 17 % so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này đang tăng lên. Thắng cảnh
Grand Canyon hùng vĩ, Times Square nổi tiếng…đã góp phần thu hút 72,4 triệu
khách trong năm qua, bị ảnh hưởng bởi phong trào tẩy chay. Trước hết từ Tây Âu,
nơi có lượng khách quan trọng.
Đặc
biệt ở Canada, số lượng vé máy bay đặt trước giảm đến 75 %, du khách chuyển
sang những nước khác. Tất cả bắt đầu từ khi xảy ra vụ sỉ nhục tổng thống
Zelensky ở Nhà Trắng. Một chuyên gia trong ngành cho biết đây là lần đầu tiên một
sự kiện chính trị gây ra tác động này, ngoài ảnh hưởng của thiên tai hay tai nạn.
Một
lý do cụ thể khác là hải quan Hoa Kỳ nay gắt gao hơn trước. Chẳng hạn vụ hai phụ
nữ Đức đi vòng quanh thế giới, trong giai đoạn đến Hawai của Mỹ hồi tháng Ba,
do chưa xác nhận đặt khách sạn, đã bị còng tay tống vào tù, bên cạnh những tù
nhân phạm trọng tội hình sự. Ba ngày sau, họ bị gởi về nguyên quán Rostock, sau
khi quá cảnh lần lượt Tokyo, Qatar và Frankfurt !
Đức
giáo hoàng Phanxicô và hòa bình giữa các tôn giáo
La
Croix nhìn
sang Roma, nơi các nhà lãnh đạo toàn thế giới sẽ có mặt trong tang lễ Đức giáo
hoàng Phanxicô vào thứ Bảy tới. Sự hiện diện đông đảo này cho thấy tầm vóc quốc
tế của lữ khách nổi tiếng, đã xuôi ngược khắp hành tinh để tiếp cận cộng đồng
Công giáo đa dạng, và cả những tín đồ của các tôn giáo khác, cũng như những người
đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Từ
Chilê đến Mông Cổ, Trung Phi đến Albani, vị giáo hoàng chừng như muốn tìm hiểu
những vùng đất ít được quan tâm, với sự tôn trọng sâu sắc các nền văn hóa và
dân tộc nơi mình gặp gỡ, và ý hướng đối thoại. Trong Tông huấn Fratelli
tutti công bố năm 2020, Đức giáo hoàng Phanxicô xác định tình huynh đệ
là con đường xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và an bình hơn.
Mặc
dù khó tạo được hiệu quả trực tiếp, nhưng có thể nhấn mạnh đến vai trò của ngài
trong việc làm giảm căng thẳng giữa Công giáo và Hồi giáo. Đức Giáo hoàng quá cố
đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo Hồi giáo vào thời điểm quân khủng
bố đạo Hồi đang hoành hành ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu. Lên án mọi
chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, ngài kêu gọi mỗi tôn giáo hãy là chứng nhân cho
khát vọng về tình bằng hữu, mà tôn giáo đó là người bảo vệ. Trong giai đoạn người
ta lo sợ cho « xung đột giữa các nền văn minh », giáo hoàng đã thúc đẩy đối thoại
- một nỗ lực cần được kế tục.
Bên
cạnh đó, Le Figaro và La Croix cùng nói về «
Thế hệ Phanxicô », một thế hệ cảm thấy gần gũi với giáo hoàng vì những lời
kêu gọi về công lý và sinh thái. Thậm chí còn tác động đến tín hữu Tin Lành, họ
xích gần lại với những người anh em Công giáo vì yêu kính giáo hoàng.
No comments:
Post a Comment