Friday, April 25, 2025

CHIẾN TRANH UKRAINA : NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG QUAN HỆ QUÂN SỰ NGA - TRUNG QUỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina: Những chuyển biến trong quan hệ quân sự Nga-Trung Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 24/04/2025 - 14:08

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250424-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-nh%E1%BB%AFng-chuy%E1%BB%83n-bi%E1%BA%BFn-trong-quan-h%E1%BB%87-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-nga-trung-qu%E1%BB%91c

 

Kể từ năm 2022 khi chiến tranh Ukraina khai mào, Trung Quốc đã trở thành điểm tựa chính trị, kinh tế của Nga. Phương Tây càng lo ngại về « liên minh quân sự Nga-Trung », nhất là vì Nga là một nguồn cung cấp vũ khí cho Trung Quốc từ thập niên 1950 và hai quốc gia này cũng đã mở rộng các hoạt động tập trận chung. Nhờ vậy Nga « góp phần quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA) và đem lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích khác ».

 

HÌNH :

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu ngày 16/05/2024. © AP/Sergei Bobylev

 

Ngày 17/04/2025, tổng thống Zelensky tố cáo Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Matxcơva, tiếp tay với Nga trong cuộc chiến Ukraina, điều mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ. Kiev cũng đã đưa ra những bằng chứng về sự hiện diện của lính Trung Quốc trên chiến trường Ukraina. Nga là nguồn cung cấp vũ khí truyền thống của Trung Quốc, nhưng tương quan lực lượng đã bắt đầu thay đổi từ trước chiến tranh Ukraina. Lợi thế nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. 

RFI giới thiệu bài viết của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS mang tựa đề « Quan hệ quân sự Nga-Trung Quốc sâu rộng đến mức độ nào ? », đăng trên trang nhà của CSIS- Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, trụ sở tại Washington. 

 

Trước hết về khoản « hỗ trợ quân sự và mua bán vũ khí », tập hợp nhiều tác giả bài viết trên trang mạng của CSIS trong khuôn khổ chương trình ChinaPower Project nhắc lại một số điểm chính:

 

Từ thập niên 1950, « Viện trợ quân sự và buôn bán vũ khí đóng vai trò lớn gắn kết Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mới thành lập với Liên Xô. Tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Kinh tháng 10/1953 quay sang Liên Xô để tìm kiếm viện trợ ». Theo các dữ liệu chính thức, khoản viện trợ của Liên Xô khi đó gồm máy bay MiG-15 và máy bay ném bom Tu-2, « trị giá tương đương từ 1,5 đến 2 tỷ đô la ».

 

Ngoài ra, « Liên Xô cũng hỗ trợ Trung Quốc phát triển hạt nhân, cả dân sự và quân sự » qua việc « đào tạo các nhà khoa học Trung Quốc, hỗ trợ làm giàu uranium và tái chế plutonium cấp vũ khí, cùng với việc thiết kế, sản xuất đầu đạn và công nghệ tên lửa ».

 

Tuy nhiên, Liên Xô không trực tiếp cung cấp vũ khí hạt nhân cho Trung Quốc. Nhờ thế mà « đến năm 1956, Trung Quốc đã sản xuất được J-4, máy bay chiến đấu nội địa dựa trên mẫu MiG-17 của Liên Xô » và « phát triển thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964 ».

 

 

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cất cánh nhờ Liên Xô-Nga

 

Tuy nhiên, sự hợp tác quân sự này không kéo dài. Đến năm 1960, những khác biệt về ý thức hệ và chính trị đã dẫn đến rạn nứt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Phải đợi đến năm 1989, khi Trung Quốc bị phương Tây trừng phạt sau đợt đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh.

 

Là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất trên thế giới, Liên Xô « sẵn sàng giải tỏa thế cô lập cho Bắc Kinh ». Trong chiều ngược lại thì « việc Trung Quốc mua vũ khí (của Liên Xô) cũng là cái phao cứu nền công nghệ quốc phòng của Nga khi mà Liên Xô tan rã ».

 

Kim ngạch vụ mua bán vũ khí giữa hai quốc gia này đã phát triển mạnh trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000 : « Từ 1990 đến 2005, hơn 83% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc do Nga cung cấp » (…) « lượng vũ khí này đã giúp PLA nhanh chóng hiện đại hóa ».

 

 

Trục trặc trong hợp tác song phương -  Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Nga

 

Vẫn theo bài viết trên trang nhà của trung tâm CSIS, nhờ những hợp tác và thương vụ mua bán vũ khí đó mà « các kỹ sư Trung Quốc đã có kinh nghiệm chế tạo và dần dần phát triển thiết kế nội địa ». Một khi bắt đầu « cất cánh », Trung Quốc « ngày càng ít cần nhập khẩu thiết bị của nước ngoài. Tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc giảm 40% trong giai đoạn 2009–2023 so với 15 năm trước đó ».

 

Cùng lúc, một hiềm khích khác giữa hai đối tác này đã nảy sinh « khi Trung Quốc liên tục đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ quân sự của Nga thông qua gián điệp và tấn công mạng. Theo phân tích từ ChinaPower, có ít nhất 21 vụ tấn công để đánh cắp công nghệ quân sự Nga trong hai thập kỷ qua, chủ yếu nhắm vào công nghệ hàng không vũ trụ. (...) Giai đoạn 2021–2023, có bốn vụ các nhà nghiên cứu Nga chuyển giao tài liệu nghiên cứu nhạy cảm cho Trung Quốc. Năm 2019, tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec báo động đã có 500 vụ sao chép trái phép thiết bị trong 17 năm qua, liên quan đến các việc sao chép động cơ máy bay, máy bay Sukhoi, tiêm kích trên tàu sân bay, hệ thống phòng không, tên lửa vác vai, và các phiên bản tương tự hệ thống phòng không tầm trung Pantsir »

 

 

Chiến tranh Ukraina và thay đổi tương quan trong hợp tác Nga-Trung

 

Năm 2014 Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina rồi đưa quân sang Ukraina từ tháng 2/2022 khiến Nga không còn khả năng cung cấp dồi dào thiết bị quân sự cho Trung Quốc. Thêm vào đó là các lệnh trừng phạt của quốc tế cũng đã hạn chế đáng kể các giao dịch mua bán vũ khí giữa hai nước. Thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga bị thu hẹp xuống còn 4,6 % năm 2024. Bản thân Trung Quốc thì cũng không còn lệ thuộc vào các nhà sản xuất Nga cho đến tận đầu thập niên 2000. Cùng lúc, về kinh tế, Nga phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Riêng trong lĩnh vực quốc phòng, bài viết của trung tâm CSIS ghi nhận « Nga ngày càng phụ thuộc vào khả năng sản xuất khổng lồ của Trung Quốc để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng (…) vào các linh kiện và thiết bị lưỡng dụng cho các công ty quốc phòng của Nga như chất bán dẫn, drone hay bộ phận máy bay chiến đấu và công nghệ gây nhiễu radar ».

 

« Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh có thêm trọng lượng để đòi chuyển giao một số công nghệ quân sự tiên tiến của Nga, mà Matxcơva vẫn còn dè dặt, cho Bắc Kinh để phát triển máy bay chiến đấu và trực thăng tiên tiến».

 

 

Tăng cường các chiến dịch tập trận chung

 

Vào lúc mảng mua bán vũ khí có khuynh hướng « nhẹ dần » thì Nga và Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận chung và những hoạt động đó « mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), như kinh nghiệm tác chiến ». Đây cũng là cơ hội để Matxcơva và nhất là Bắc Kinh « gửi đi những thông điệp răn đe ».  

 

So với cuộc tập trận chung đầu tiên hồi 2003 giữa Trung Quốc, Nga và ba thành viên trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thì « càng ngày, số lượng và loại hình tập trận càng được mở rộng và đa dạng (…) Phạm vi địa lý của các cuộc tập trận cũng vậy. Nếu ban đầu chủ yếu diễn ra tại miền tây Trung Quốc và Trung Á, thì gần đây đã có các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển Nam Phi, Địa Trung Hải, biển Bering và thậm chí cả biển Baltic. Cuối năm 2024, lực lượng cảnh sát biển hai nước tiến hành tuần tra chung lần đầu tiên vào Bắc Băng Dương – đánh dấu tham vọng chiến lược ngày càng rõ rệt của Trung Quốc ở vùng cực ».

 

Các đồng tác giả bài nghiên cứu về những chuyển biến trong quan hệ hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc ghi nhận : Trước hết quân đội Trung Quốc có cơ hội « học hỏi kinh nghiệm của Nga, làm quen với nhiều địa hình và khí hậu » ở xa Hoa Lục. Đây cũng là hình thức để Bắc Kinh phô trương thanh thế. Về mặt chính thức Trung Quốc luôn khẳng định « không có ý đồ nhắm vào một bên thứ ba », nhưng nhiều tài liệu chính thức khác nói thẳng : Tập trận « không chỉ thể hiện khả năng tác chiến, mà còn khiến đối thủ phải hoang mang về những ý đồ » của Bắc Kinh. Điều này đã được thể hiện qua các chương trình tập trận chung ở Biển Đông trong chiến dịch « Joint Sea 2016 », hay qua chương trình tháng 7/2024 khi Nga và Trung Quốc cùng « tuần tra trên không vùng Biển Nhật Bản và Hoa đông đúng vào lúc nhóm Bộ Tứ họp thượng đỉnh tại Tokyo (…), cũng như khi quân đội hai nước thao diễn trong vụng nhận diện phòng không của Hoa Kỳ gần Alaska, có thể là nhằm đáp trả việc Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng mới ».

 

Có điều các đồng tác giả bài tham luận mang tựa đề « Quan hệ quân sự Nga-Trung Quốc sâu rộng đến mức độ nào ? » nhận thấy là với thời gian « Trung Quốc đã bắt đầu dẫn đầu một số cuộc tập trận, còn Nga thì đóng vai phụ ».

 





No comments: