Friday, April 11, 2025

THUẾ QUAN TOÀN CẦU : TRUMP CÓ LÀM TÁI HIỆN THẢM HỌA KINH TẾ TƯƠNG TỰ NĂM 1930? (Tổng Hợp)

 



THUẾ QUAN TOÀN CẦU : TRUMP CÓ LÀM TÁI HIỆN THẢM HỌA KINH TẾ TƯƠNG TỤ NĂM 1930?

 

 

                                              *****

Thuế quan toàn cầu : Trump có làm tái hiện thảm họa kinh tế tương tự năm 1930 ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/04/2025 - 07:55

 

                                             *****

Thuế đối ứng : Donald Trump lùi bước do áp lực trong nước?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 10/04/2025 - 14:15  -  Sửa đổi ngày: 10/04/2025 - 16:05

 

                                               *****

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung: Các đại gia như Apple khó mà chuyển nhà máy về Hoa Kỳ

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 10/04/2025 - 15:57  -  Sửa đổi ngày: 10/04/2025 - 16:14

 

                                                 *****

Thuế « đối ứng » của Mỹ với hơn 60 nước có hiệu lực, Trung Quốc đáp trả với mức thuế 84%

Thu Hằng|Phan Minh|Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 11:49  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 15:35

 

                                               *****

Thuế "đối ứng" của Mỹ: Liên Âu sẽ công bố các biện pháp đáp trả đầu tuần tới

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 13:11  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 13:49

 

==================================================

Thuế quan toàn cầu : Trump có làm tái hiện thảm họa kinh tế tương tự năm 1930 ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 10/04/2025 - 07:55

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20250410-thu%E1%BA%BF-quan-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-trump-c%C3%B3-l%C3%A0m-t%C3%A1i-hi%E1%BB%87n-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-kinh-t%E1%BA%BF-t%C6%B0%C6%A1ng-t%E1%BB%B1-n%C4%83m-1930

 

Ngày 02/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp hàng loạt mức thuế cao nhắm vào hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Giới chuyên gia lo lắng biện pháp bảo hộ mậu dịch này của ông Trump có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế, giá cả tăng vọt, cũng như leo thang trả đũa lẫn nhau. Trong viễn cảnh này, liệu tổng thống Trump có đang lặp lại sai lầm của năm 1930 : Kinh tế Mỹ và thế giới suy sụp do đạo luật Smoot – Hawley gây ra ?

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Người dân Mỹ thất nghiệp xếp hàng bên ngoài một bếp ăn từ thiện do Al Capone mở tại Chicago, Hoa Kỳ năm 1931, trong thời kỳ Đại Suy Thoái. © Wikipedia

 

Donald Trump ngày 15/10/2024 phát biểu : « Đối với tôi, từ ngữ hay nhất trong từ điển là thuế hải quan. Đó là những từ ngữ tôi thích nhất. Thuế hải quan càng cao, chúng ta càng có nhiều cơ may các doanh nghiệp đến lập cơ sở tại Mỹ để không phải bị trả thuế hải quan. Còn có một lý thuyết khác cho rằng thuế hải quan càng cao, càng khủng khiếp, càng tệ chừng nào, các doanh nghiệp càng đến lập cơ sở nhanh chừng ấy. Khi tôi thông báo mức thuế hải quan là 10%, chỉ có 10% thôi, con số này chiếm đến nhiều trăm triệu đô la. Tất cả những điều này là nhằm giảm mức thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ ! »

 

 

McKinley : Thần tượng của Donald Trump !

 

Tổng thống Trump luôn tin rằng áp thuế hải quan có thể làm cho « Nước Mỹ giàu có » trở lại. Niềm tin này được thể hiện rõ qua việc ông hay viện dẫn William McKinley như một điển hình. Năm 1890, khi vẫn còn là dân biểu Hạ Viện, William McKinley (trở thành tổng thống năm 1897) đã cho thông qua đạo luật « McKinley Tariff Act » khắc nghiệt, áp thuế đến 50% giá trị hàng hóa nhập khẩu.

 

Jean-Baptiste Velut, giáo sư trường đại học Sorbonne Nouvelle, chuyên gia về lịch sử kinh tế - chính trị Mỹ, trên đài phát thanh France Culture (28/01/2025), đưa ra hai luận điểm giải thích vì sao tổng thống Trump xem McKinley như một « thần tượng ».

 

« Thứ nhất, điều thú vị ở đây là xem cách thức chính quyền Trump, kể cả bản thân ông Trump cũng như cựu cố vấn thương mại Robert Lighthizer lấy cảm hứng và sử dụng lịch sử bảo hộ mậu dịch Mỹ như thế nào để chứng tỏ rằng cuối cùng những điều cấm kỵ về chủ nghĩa bảo hộ trong nhiều năm trước đã làm cho người ta không biết đến toàn bộ truyền thống bảo hộ của Mỹ đã tạo nên sức mạnh kinh tế của Mỹ.

 

Điểm thứ hai, đó là khía cạnh hoài niệm của Donald Trump, vốn thích so sánh mình với nhiều tổng thống khác. Tôi tin rằng việc chọn tổng thống McKinley không phải là vô tình. Không những đây là một vị tổng thống theo chủ nghĩa bảo hộ mà còn là một người có tham vọng đế quốc. Và do vậy, điều đó giúp Donald Trump, ở một hình thức nào đó, biện minh cho những tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình, đối với kênh đào Panama, hay quần đảo Groenland ngày nay. »

 

 

Smoot – Hawley Act và cuộc Đại Khủng Hoảng

 

Nhưng có lẽ ông Trump cũng quên rằng, thuế hải quan đã từng nhấn chìm nước Mỹ vào một trong những thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước : Khủng hoảng kinh tế 1930 do « Smoot-Hawley Tariff Act » gây ra, đưa nước Mỹ vào thời kỳ Đại Suy Thoái.

 

Ngược dòng thời gian, Hoa Kỳ trong những năm 1920 có nền kinh tế khá thịnh vượng. Đó là « những năm 20 sôi động », tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng cao và ngành công nghiệp phát triển mạnh. Duy chỉ có một lĩnh vực có nhiều dấu hiệu suy yếu : Nông nghiệp.

 

Theo giải thích của ông Sebastien Jean, giáo sư kinh tế tại CNAM, cộng tác viên cho Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), với trang HuffingtonPost, « ngành nông nghiệp Mỹ trong suốt những năm 1920 cho thấy có dấu hiệu trì trệ do giá cả sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu ngành bởi sự biến động của những năm tháng chiến tranh. Trước đó là quãng thời gian mà ngành nông nghiệp Mỹ phát triển đáng kể, chủ yếu là vì phải nuôi sống châu Âu, đang trong cảnh chiến tranh (Đệ nhất thế chiến). Nhưng khi chiến tranh kết thúc, châu Âu đã lấy lại sản xuất và ngành nông nghiệp của họ rơi vào tình trạng dư thừa sản xuất kéo dài. »

 

Giới nông gia Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Để ứng phó, Quốc Hội Mỹ năm 1922 thông qua luật Fordney – McCumber, lần đầu tiên tăng thuế hải quan, nhưng chỉ giới hạn ở hàng công nghiệp. Ông Herbert Hoover, thuộc đảng Cộng Hòa, khi vận động tranh cử đã dùng lại ý tưởng được hậu thuẫn bởi những người vận động hành lang cho các nhà sản xuất nông nghiệp, cho rằng nông dân đang chịu thiệt thòi do cạnh tranh quốc tế. Ông đề nghị áp thuế hải quan đối với nông sản nhập khẩu ngay khi đắc cử năm 1929.

 

Dưới sự thôi thúc từ hai nghị sĩ đảng Cộng Hòa là Willis Hawley và Reed Smoot, Quốc Hội Lưỡng Viện đã đồng thuận về mức thuế trung bình là 40% nhắm vào khoảng 20 nghìn loại hàng hóa nhập khẩu, nhưng không chỉ đối với nông sản mà mở rộng sang cả sản phẩm công nghiệp. Quyết định này của chính quyền Hoover đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong và ngoài nước.

 

Bất chấp thư ngỏ tập thể của hơn 1.000 kinh tế gia, cảnh báo rằng « việc thông qua các biện pháp bảo hộ này sẽ là một sai lầm », có thể dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao cho người tiêu thụ, và mức sống của người dân bị sụt giảm, cũng như là sự phản đối từ khoảng 20 chính phủ các nước, dự luật Smoot – Hawley vẫn được thông qua vào đầu năm 1930.

 

 

Đại chiến thương mại thế giới và làn sóng bảo hộ mậu dịch

 

Đáng chú ý là văn bản luật này ra đời vào một thời điểm khá nhạy cảm : Vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ, « ngày thứ Năm đen tối » 24/10/1929, đã bắt đầu cho thấy có những tác động đầu tiên đối với nền kinh tế Mỹ : Nhà xưởng lần lượt đóng cửa khiến hàng triệu người dân Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp.

 

Không những ngành nông nghiệp Mỹ chẳng hưởng được lợi gì từ thuế hải quan, mà chính sách bảo hộ của Mỹ đã châm ngòi cho cơn sốt bảo hộ mậu dịch. Các đối tác thương mại của Washington tăng cường trả đũa với nhiều chiến lược khác nhau, từ tăng thuế hải quan, tẩy chay, hay áp đặt hạn ngạch (quota) nhập khẩu hàng Mỹ.

 

Cuộc chiến thương mại này đã làm chao đảo nền kinh tế thế giới, các hoạt động trao đổi thương mại sụt giảm đến hơn 40%. Tuy nhiên, ông Eric Monnet, kinh tế gia, giáo sư sử học tại EHESS, và trường Kinh tế Paris, trên trang Economie Alternative, trích dẫn một nghiên cứu xa xưa do BarryEichengreen và Douglas A. Irwin thực hiện, nêu lên một chi tiết thú vị là cuộc chiến bảo hộ này không chỉ đáp trả Mỹ mà còn thúc đẩy các nước đi theo con đường bảo hộ giống như Mỹ.

 

Chỉ có điều, như ghi nhận từ Bertrand Blancheton, chuyên gia về lịch sử kinh tế thế giới, đại học Bordeaux, khi trả lời kênh truyền hình France 24, trong cuộc đọ sức này, và với việc bùng phát cơn sốt bảo hộ, tất cả các bên đều bị thiệt do tăng trưởng thế giới bị chững lại : « Chính quyền Hoover nghĩ rằng các nước khác sẽ không phản ứng, nhưng họ đã có những hành động trả đũa thương mại. Cuộc chiến thương mại thực sự này đã dẫn đến tình trạng gần như tự cung tự cấp cho đến khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra. »

 

Đạo luật Smoot-Hawley, một « đạo luật kinh tế ngu xuẩn », theo như chỉ trích từ Henry Ford, nhà sáng lập thương hiệu ô tô nổi tiếng tại Mỹ, đã làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ 1929 thêm trầm trọng. Chính sách bảo hộ này của Mỹ được cho là một trong những tác nhân chính gây ra cuộc Đại Suy Thoái, góp phần thúc đẩy một cuộc suy thoái mới le lói xuất hiện thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, kéo dài hàng thập kỷ.

 

 

Trump Act và sự tương đồng với các chính sách cuối thế kỷ XIX

 

Theo giải thích của nhà sử học Jean-Baptiste Velut, trường đại học Sorbonne Nouvelle ,với trang HuffingtonPost, « đạo luật này đã có những tác động tàn phá. Bởi vì, thông qua các tác động gián tiếp, nhiều cường quốc khác, đến phiên họ, đã khép cửa thị trường của mình. Và dần dần từng chút một, kinh tế và thương mại thế giới đã bị mất đến 2/3 giá trị của mình ».

 

Một số sử gia thậm chí còn tin rằng, « Smoot – Hawley Tariff Act » đã góp sức cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa Đức Quốc xã, dẫn đến Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy nhiên, nhà sử học Jean-Baptiste Velut, trên đài France Culture, cho rằng đây vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi:

« Một số nghiên cứu cho thấy rằng về cơ bản, khủng hoảng tài chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới. Nhiều nghiên cứu khác quả thực chỉ ra rằng thuế quan rất cao đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về khủng hoảng. Điều thú vị là đạo luật Smoot – Hawley đã trở thành một dạng tội đồ trong lịch sử kinh tế nước Mỹ và dưới góc độ biểu tượng, đạo luật này đã ám ảnh các cuộc tranh luận về tự do mậu dịch và nền ngoại giao Mỹ. »

 

Dù vậy, sử gia về kinh tế Mỹ, Bertrand Blancheton, trả lời France 24, cũng tỏ ra cẩn trọng khi so sánh những gì diễn ra năm 1930 với tình hình hiện nay.

 

« Tốt hơn là nên so sánh những gì chúng ta đang trải qua hiện nay với cuối thế kỷ XIX, từ năm 1880 đến năm 1914. Vào thời kỳ đó, Mỹ có những chính sách thương mại rất tinh vi và phân biệt đối xử. Ý tưởng là nhắm vào một quốc gia, sản phẩm cụ thể và đàm phán. Trong lịch sử kinh tế đương đại, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, có những thời điểm mà người ta tự do hóa và lúc khác họ siết chặt chính sách thương mại bằng cách tái lập thuế hải quan. Nhìn chung, đó là những kỳ kéo dài trong khoảng từ 30 đến 40 năm mỗi lần như thế. »

 

 

Trump có sẽ cùng cảnh ngộ như Hoover ?

 

Các mức thuế quan mới mà Donald Trump đưa ra, được cho là sẽ mở ra một « thời kỳ hoàng kim » cho nước Mỹ, nhưng lại có nguy cơ khiến các hộ gia đình Mỹ sẽ phải trả giá đắt. Một thăm dò do hãng tin Anh Reuters/Ipsos thực hiện cho thấy, 70% số người Mỹ được hỏi nghĩ rằng tăng thuế hải quan sẽ dẫn đến tăng giá thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng hiện nay.

Trong những năm 1930, tổng thống Hoover đã phải trả giá cho chính sách thuế quan. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1932, vì không thể hóa giải được những tác động của cuộc khủng hoảng, tổng thống Cộng Hòa đã bị ứng viên Dân chủ Franklin D. Roosevelt đánh bại nặng nề.

 

Chỉ còn 18 tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng Hòa cũng phần nào lo lắng vì đảng này chiếm đa số sít sao ở Thượng Viện và Hạ Viện. Vào lúc thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới hoảng loạn, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định lập trường, không thay đổi chính sách thuế quan nặng nề.

 

Thứ Tư 02/04, khi thông báo áp mức thuế mới chống lại nhiều nước, Donald Trump đã tuyên bố rằng Đại Khủng Hoảng những năm 1930 có lẽ sẽ không xảy ra nếu như việc áp thuế quan vẫn được tiếp tục. « Vào năm 1929, mọi việc đã kết thúc đột ngột cùng với cuộc Đại suy Thoái, và điều đó có lẽ sẽ không bao giờ diễn ra nếu như họ vẫn trung thành với chính sách thuế quan, lịch sử đã có thể rất khác ! »

 

Hơn 90 năm sau ngày ban hành luật Smoot – Hawley, liệu rằng lịch sử có sẽ tái diễn ?

 

 

                                               *****

Thuế "đối ứng" của Mỹ: Liên Âu sẽ công bố các biện pháp đáp trả đầu tuần tới

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 13:11  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 13:49

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250410-thu%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%91i-%E1%BB%A9ng-donald-trump-l%C3%B9i-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-do-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc 

 

Phải chăng do hơn 10 ngàn tỷ đô la chứng khoán tại Wall Street đã bốc hơi trong vài ngày, do áp lực của các doanh nhân và công luận Hoa Kỳ mà tổng thống Donald Trump chùn tay một tuần lễ tuyên chiến với toàn cầu về thương mại ? Hay chủ nhân Nhà Trắng nay mới nhận thấy nước Mỹ là nạn nhân đầu tiên của «biện pháp thuế đối ứng » mà ông đã rầm rộ loan báo hôm 02/04/2025 trong khuôn khổ kế hoạch gọi là « Ngày Giải Phóng » ?

 

HÌNH :

Một nhà giao dịch chứng khoán tại thị trường New York sau khi Nhà Trắng thông báo tạm ngừng áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày, Hoa Kỳ, ngày 09/04/2025. REUTERS - Brendan McDermid

 

Mới 24 giờ trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt còn khẳng định tổng thống Mỹ sẽ « không bao giờ nhượng bộ », nhưng chiều qua 09/04 gặp gỡ báo chí cùng với bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent bà khẳng định đổi ý là một nước cờ đã được chuẩn bị từ trước, là « chiến thuật » để Hoa Kỳ bắt các đối tác thương mại phải đàm phán. Mọi người còn nhớ chính ông Bessent tuần trước đã khuyên thế giới « bình tĩnh » đàm phán với Hoa Kỳ.

 

Về phần tổng thống Donald Trump, hôm 09/04/2025, chỉ vài giờ sau khi hàng của toàn thế giới bán sang Mỹ bắt đầu bị tăng thuế từ 10 đến 50 %, ông đã nói đến một sự « linh động » cần thiết để thích nghi với tình hình và loan báo tạm hoãn áp dụng đòn thuế quan này trong 90 ngày.

 

 

Trump thua giới tài chính 1-0

 

Mỹ để ngỏ cánh cửa đàm phán nhưng hàng của Trung Quốc thì vẫn bị phạt nặng, chịu mức thuế lên đến 125 %.

 

Truyền thông quốc tế cho rằng « Donald Trump lùi bước », thậm chí là  « nhượng bộ » khi thấy chính sách của ông phản tác dụng. Báo tài chính Anh Financial hôm 10/04/2025 chạy tựa trên trang nhất : « Donald Trump thua giới tài chính 1-0 »

 

Chứng khoán Mỹ đã mất giá mạnh từ cả tuần qua. Trong hai ngày 02 và 03/04/2025, hơn 6.000 tỷ đô la trị giá chứng khoán của các tập đoàn Mỹ bị xóa sổ. Tài sản của các nhà tỷ phú luôn sát cánh với Donald Trump từ khi ông còn đang vận động tranh cử bị « bào mỏng » hàng trăm tỷ đô la trong chưa đầy một tuần lễ. Chủ nhân các quỹ đầu tư lớn nhất tại Hoa Kỳ như Larry Fink (BlackRock), Bill Ackman (Pershing Square Holdings) hay Elon Musk (chủ nhân của những nhãn hiệu Tesla và SpaceX) đã cảnh cáo Trump đang « đi lầm đường » và kêu gọi ông dừng tay lại.

 

Các tập đoàn ngân hàng như JP Morgan và cả ngân hàng trung ương Mỹ cũng đồng loạt báo động về nguy cơ kinh tế Hoa Kỳ suy thoái vì « Thuế đối ứng sẽ tàn phá » tăng trưởng của Hoa Kỳ, nhất là khi Washington dường như « không tính tới khả năng phần còn lại của thế giới sẽ phản công ».  

 

Cùng lúc, tất cả các học viện kinh tế, các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ, của phương Tây, kể cả những tiếng nói chống đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đều xem « chiến lược » thương mại của Nhà Trắng là « sai lầm nghiêm trọng » nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ 80 năm qua.

 

Nhà nghiên cứu Mary E. Lovely, Viện Peterson Institute for International Economics, từng nêu lên câu hỏi khi chính quyền Mỹ áp thuế lên các quốc gia như « Bangladesh (37 %) Việt Nam (46 %), Trung Quốc (104 %), thì người dân Hoa Kỳ sẽ mua quần áo ở đâu ? Châu Mỹ Latinh bị đánh thuế 10 % liệu có đủ sức cung cấp hàng may mặc cho thị trường của Hoa Kỳ ? Thời  kỳ Vàng Son phải chăng có nghĩa là dân Mỹ phải tự may quần áo, tự chế tạo ra điện thoại ? Người Mỹ trong thế giới vàng son đó có đủ tiền để mua hàng tự nước Mỹ sản xuất ra hay không ? » 

 

 

Sức ép của công luận trong nước

Do vậy truyền thông quốc tế (ngày 10/04/2025) cho rằng tổng thống Trump đã đột ngột thay đổi chiến thuật chỉ vài giờ khi kế hoạch « Giải Phóng » nước Mỹ có hiệu lực trước hết là do « áp lực quá lớn ở trong nước », khi mà chiến tranh thương mại ông khai mào lại« đánh vào túi tiền của các hộ gia đình Mỹ ».

 

Song « khó khăn của các doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ » chỉ là phần nổi của tảng băng. Chính trong thông báo hôm 09/04/2025 Donald Trump nhìn nhận « ông theo dõi sát diễn tiến tình hình trên thị trường » nên đã « có một sự uyển chuyển » trong đường lối lãnh đạo đất nước.

 

 

Mỹ lo thiếu tiền mặt

Hoa Kỳ hiện là quốc gia mang nợ « lớn nhất thế giới », với hơn 30.000 tỷ đô la và phải liên tục đi vay tín dụng để đài thọ cho mức sống « trên khả năng thực sự » của mình. Có điều chính sách thương mại và kinh tế của chính quyền Trump khiến các nhà đầu tư quốc tế ngờ vực. Sự ngờ vực đó phác họa ra viễn cảnh nền kinh tế số 1 toàn cầu bị « thiếu hụt thanh khoản » tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 sau vụ ngân hàng Lehman Brothers vỡ nợ.

 

Lãi suất của tín dụng mà Mỹ phải đi vay đã liên tục tăng thêm trong những tuần qua. Thậm chí đầu giờ phiên giao dịch 09/04/2025, lãi suất tín dụng dài hạn (10 năm) Hoa Kỳ phải đi vay đã suýt chạm ngưỡng 5 % …

 

Do vậy giới trong ngành coi đây mới là động lực chích thúc đẩy tổng thống Trump « tạm lùi bước ».

 

 

Chiến tranh thương mại chưa kết thúc

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng tổng thống Mỹ đã từ bỏ chính sách bảo hộ, bằng chứng rõ rệt nhất là Washington vẫn « quyết liệt » thách thức Bắc Kinh.

 

Không có chuyện Nhà Trắng « khai tử » chiến tranh thương mại và để chìm vào quên lãng « Ngày Giải Phóng » nước Mỹ khỏi hàng nhập khẩu của nước ngoài. Donald Trump và các cố vấn thân cận nhất của ông vẫn tin vào chiến thuật gây áp lực tối đa để bắt cả thế giới phải đàm phán. Có điều, không chắc là những tuyên bố tự mãn và những lời lẽ khiếm nhã của tổng thống Hoa Kỳ về những quốc gia đang hối hả tìm đến Washington để thương lượng sẽ cho phép nhanh chóng đem lại những kết quả như Donald Trump mong muốn.  

 

 

                                               *****

 

Thuế "đối ứng" của Mỹ: Liên Âu sẽ công bố các biện pháp đáp trả đầu tuần tới

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 13:11  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 13:49

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250410-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-thu%E1%BA%BF-quan-m%E1%BB%B9-trung-kh%C3%B3-l%C3%B2ng-bu%E1%BB%99c-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BA%A1i-gia-nh%C6%B0-apple-chuy%E1%BB%83n-nh%C3%A0-m%C3%A1y-v%E1%BB%81-hoa-k%E1%BB%B3

 

Chính sách tăng thuế quan của chính quyền Donald Trump có mục tiêu chính là giảm tình trạng nhập siêu nặng nề của nước Mỹ. Thúc đẩy công ty Mỹ và nước ngoài đặt cơ sở sản xuất chính tại Mỹ là điều mà tổng thống Trump liên tục quảng bá, coi như chỉ dấu thành công chủ yếu. Liệu áp lực cực mạnh về thuế có giúp Trump đạt kết quả? Trường hợp của Apple, một trong 7 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, cho thấy đây là điều bất khả trong ngắn hạn và trung hạn.

 

HÌNH :

Một cửa hàng bán sản phẩm của Apple tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp năm 2019. AP - Andy Wong

 

Apple là biểu tượng cho sự thành công của nước Mỹ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vừa qua, với tổng giá trị cổ phiếu ước tính 4.000 tỉ đô la, đứng đầu thế giới tính đến đầu năm 2025. Sản phẩm tiêu biểu của Apple là điện thoại cầm tay iPhone, chiếm khoảng một nửa doanh thu của tập đoàn, và hơn một phần ba iPhone được bán tại Mỹ. Xây dựng các nhà máy sản xuất iPhone, với thành tố chính là các chip bán dẫn, ngay tại thị trường chủ yếu của iPhone, với không ít người thoạt nhìn có vẻ như là một ý tưởng ít nhiều có lý. 

 

 

Không khí sợ hãi và những tuyên bố hùa theo Trump

 

Đưa sản xuất chip bán dẫn về nước Mỹ, để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, cùng với các mặt hàng được coi là chiến lược khác như thép hay nhôm, là điều mà tổng thống Trump liên tục đòi hỏi. Sau khi Trump trở lại cầm quyền, Apple loan báo kế hoạch đầu tư 500 tỉ đô la để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Giữa tháng 2/2025, chính tổng thống Trump, sau một cuộc gặp với Tim Cook, tổng giám đốc Apple, đã hồ hởi hoan nghênh kế hoạch đầu tư  của tập đoàn tại Cupertino, với hàng trăm tỉ đô la trong vòng 4 năm, cho phép tạo thêm 20.000 việc làm.

 

Hiện tại chưa rõ tập đoàn Apple sẽ đầu tư 500 tỉ đô la cụ thể vào những lĩnh vực nào. Sơ bộ Apple dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy tại Houston. Theo Les Echos, từ đây đến năm tới, cùng với đối tác Foxconn, tại cơ sở này, tập đoàn Mỹ sẽ lắp ráp các hệ điều hành máy chủ phụ trách bảo mật cho hệ thống trí tuệ nhân tạo mới của Apple (Apple Intelligence). Cho đến nay, các bán thành phẩm cơ bản này vẫn được sản xuất ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là, theo Bloomberg, trên thực tế bộ phận cốt lõi, tức các bộ phận vi xử lý, vẫn sẽ được sản xuất tại Đài Loan.

 

Theo nhà phân tích Daniel Ives của công ty dịch vụ tài chính Wedbush, có trụ sở tại Los Angeles, được truyền thông Pháp trích dẫn, chính sách tăng thuế đơn phương mang tính trừng phạt và gây áp lực của ông Trump, khiến hàng hóa nhập khẩu từ châu Á trở nên đắt đỏ hơn, sẽ chỉ tạo ra « một bầu không khí sợ hãi và mất phương hướng chưa từng thấy từ 25 năm nay », có nguy cơ kéo lùi lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ nói chung một thập niên, chứ không thể mang lại hiệu quả là buộc các tập đoàn đưa cơ sở sản xuất về Mỹ.

 

 

Nhu cầu khổng lồ về nhân lực chất lượng cao

 

Một trong các lý do chính được đưa ra là, trên thực tế, nhân công đủ năng lực tham gia vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghệ cao này hiện tại đang tập trung ở châu Á, và việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp cho ngành này trên đất Mỹ sẽ phải mất từ 4 đến 5 năm. Chưa kể đến sự vắng mặt của các nhà thầu phụ trong lĩnh vực này trên đất Mỹ.

 

Nhân lực chất lượng cao là thách thức lớn nhất. Theo giáo sư Michael Moats, Đại học Missouri về Khoa học và Công nghệ (Missouri University of Science and Technology), nhìn chung, để có thể đưa được ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn về nước, Mỹ cần đến 300.000 kỹ sư từ nay đến 2030.

 

Giáo sư Michael Moats, đứng đầu phân khoa về khoa học và kỹ sư ngành vật liệu, của đại học Missouri, trong một bài viết trên The Conversation, cho biết trường ông vừa khởi động một khóa đào tạo chuyên về chế tạo chip bán dẫn đa ngành từ mùa thu năm ngoái. Một số trường đại học cũng đang bắt đầu lập các khóa đào tạo chế tạo chíp bán dẫn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt hiện nay.

 

 

Trump có thể triệt hạ chính sách thúc đẩy chip của lưỡng đảng

 

Vấn đề sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ vượt quá khuôn khổ kinh doanh của một đại tập đoàn như Apple. Đông đảo chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực này hiểu rằng việc lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt hàng chip bán dẫn chiến lược đang ngày càng là điều cực kỳ nguy hiểm đối với an ninh của nước Mỹ nói chung. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, ông Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc Hội trong việc thông qua một đạo luật về đầu tư vào lĩnh vực vi mạch (Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors (CHIPS) and Science Act) hồi 2022. Thách thức lớn hiện nay, theo giáo sư Đại học Missouri, là tổng thống Trump đã bắt đầu tấn công vào chính đạo luật thúc đẩy sản xuất vi mạch tại Mỹ của chính quyền tiền nhiệm.

 

Số phận của đạo luật này sẽ ra sao dưới thời Donald Trump là câu hỏi để ngỏ. Tính bất định về chính sách này đang đè nặng lên tương lai của ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ nói chung, và tương lai của Apple nói riêng.

 

 

Chuyển cơ sở khỏi Trung Quốc : Những nỗ lực bất thành trước đây của Apple

 

Chuyên gia công ty dịch vụ tài chính Wedbush nhấn mạnh tổ chức được một ngành công nghiệp hoàn chỉnh tại Mỹ trong lĩnh vực này có thể ví như « leo lên đỉnh Everest », một công việc dài hơi, không đơn thuần chỉ nằm ở các nỗ lực cách tân, đột phá về công nghệ mang tính thời điểm. Sự tương phản là rõ rệt, giữa một bên là chính quyền Trump hy vọng đạt được kết quả với « liệu pháp sốc » mang hiệu ứng tức thời, bên kia là những cái giá về kinh tế và tính toán chiến lược kéo dài cả thập niên, đặc biệt là đối với Trí tuệ Nhân tạo (IA), thành phần cốt lõi của các sản phẩm công nghệ cao.

 

Báo Le Monde, trong bài tổng hợp « L’iPhone, victime collatérale des droits de douane de Donald Trump » (iPhone, nạn nhân dây chuyền của chính sách thuế quan của Trump) ghi nhận, bất chấp các điều chỉnh về chính sách của Apple từ nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump (2017 – 2021) để tránh mức thuế hải quan rất cao đánh vào hàng từ Trung Quốc, bốn phần năm sản phẩm iPhone của tập đoàn Mỹ vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Một phần iPhone hiện tại được sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, nhưng năng lực sản xuất còn xa mới đáp ứng được nhu cầu. 

 

 

Các tập đoàn giữa hai làn đạn và nguy cơ mất cả chì lẫn chài

 

Cuộc chiến tranh thuế quan, với cái đích chủ yếu là Trung Quốc, của tổng thống Trump kể từ ngày 03/04, đã gây tổn thất nặng nề cho 7 tập đoàn lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, đứng đầu là Apple. Trong vòng gần một tuần lễ, cổ phiếu của Apple sụt 14%, của tập đoàn Meta sụt hơn 5%, Nvidia hơn 3%...

 

Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple đứng giữa hai làn đạn. Trong lúc đòn thuế quan của chính quyền Mỹ khiến Apple điêu đứng, theo một số chuyên gia, như kinh tế gia Aurélien Duthoit, chuyên ngành công nghệ thông tin, việc Apple hay Nvidia đưa ra hàng loạt tuyên bố mang « tính xoa dịu » tổng thống Trump, để tránh các đòn trừng phạt, có thể lợi bất cập hại cho đương sự. Không kể hiệu ứng gây ảo tưởng, tuyên bố của Apple hay Nvidia có thể dẫn đến các hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc, làm tổn tại đến vị thế của các tập đoàn Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

 

Trang mạng Pháp BFMTV dẫn lại nhận định của chuyên gia Daniel Ives, theo đó cuộc chiến thuế quan do tổng thống Trump phát động có thể là đòn đánh khốc liệt giáng vào các tập đoàn đã làm nên thành công của nước Mỹ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vừa qua, và Trung Quốc là bên hưởng lợi chính. Khách hàng Trung Quốc có thể sẽ ngả hẳn về phía các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như BYD, Huawei, Alibaba hay Tencent, thừa cơ Apple và các tập đoàn Mỹ gặp khó, để độc chiếm thị trường. Chính sách võ biền, hung bạo, thiên về các giải pháp ngắn hạn của chính quyền Trump, nôn nóng muốn triệt hạ Trung Quốc, có thể tạo bàn đạp giúp Bắc Kinh vươn lên vị trí số một. Các biểu tượng thành công của nước Mỹ như Apple có thể mất cả chì lẫn chài.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Tiêu điểm

Thuế quan toàn cầu : Trump có làm tái hiện thảm họa kinh tế tương tự năm 1930 ?

 

Tạp chí Kinh tế

Trung Quốc tự tin hơn để lao vào cuộc chiến thuế quan với Mỹ

 

ĐIỂM BÁO

Thuế quan : Donald Trump làm cho nước Mỹ hay Trung Quốc vĩ đại trở lại ?

 

 

                                                       *****

Thuế « đối ứng » của Mỹ với hơn 60 nước có hiệu lực, Trung Quốc đáp trả với mức thuế 84%

Thu Hằng|Phan Minh|Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 11:49  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 15:35

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250409-thu%E1%BA%BF-104-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-thu%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%91i-%E1%BB%A9ng-v%E1%BB%9Bi-h%C6%A1n-60-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-hi%E1%BB%87u-l%E1%BB%B1c

 

Kể từ 4 giờ sáng (giờ GMT) hôm nay, 09/04/2025, các biện pháp thuế đối ứng được tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 02/04 chính thức có hiệu lực đối với hơn 60 quốc gia. Khoảng 70 nước đang đàm phán với chính phủ Mỹ, trong đó có Việt Nam, để được giảm thuế.

 

HÌNH :

Một kho lưu trữ nhôm ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 26/09/2012. Reuters

 

Riêng Trung Quốc bị đánh thuế thêm 50% và như vậy hiện chịu mức thuế lên tới 104%. Hôm nay, Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 84% (thay vì 34% như dự kiến ban đầu) đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, có hiệu lực từ ngày 10/04, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng đề nghị « đối thoại công bằng » với Washington để giải quyết bất đồng thương mại.

 

Thông tín viên RFI Clea Broadhurst tại Bắc Kinh cho biết thêm :

 

« Điện thoại thông minh, máy tính, pin lithium, đồ chơi và máy trò chơi điện tử chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, ngoài ra còn có ốc vít, nồi hơi và nhiều sản phẩm khác nữa. Câu hỏi thực sự hiện nay là bên nào sẽ nhân nhượng trước ? Trung Quốc khẳng định là sẽ chống đến cùng điều mà họ gọi là hành vi "bắt nạt" của Hoa Kỳ. Và căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ kéo dài.

 

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai nước tiếp tục chiến lược đánh thuế bổ sung ? Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, làm tăng chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm hoạt động thương mại bị chậm lại. Nguy cơ suy thoái là rất rõ và các thị trường đang lo lắng phản ứng. Một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ và nông nghiệp đang trên tuyến đầu. Do đó, vẫn có thể làm giảm căng thẳng. Các thỏa thuận một phần hoặc nhượng bộ lẫn nhau về một số vấn đề có thể dẫn đến việc giảm dần thuế quan. Nhưng một kịch bản khác đang xuất hiện, đó là sự tách biệt lâu dài giữa các nền kinh tế, với việc di dời các cơ sở sản xuất, với việc ban hành các quy chuẩn khác biệt. Đó sẽ là một sự rạn nứt sâu sắc, có thể gây ra hệ quả quy mô toàn cầu. Hiện giờ, cuộc đọ sức tiếp diễn. »

 

 

Thuế quan : Mỹ muốn tái cân bằng cán cân thương mại

Các biện pháp thuế quan cứng rắn được tổng thống Trump ban hành là nhằm tái cân bằng thương mại với các đối tác và « để mang việc làm và nhà máy trở lại Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington, « tiến trình đó sẽ mất thời gian. Mục đích trên hết có lẽ là chính trị, để cho cử tri và thế giới thấy ai là chủ. Chính quyền Hoa Kỳ cho biết có hơn 70 quốc gia đang đề nghị đàm phán và Washington không ấn định thời hạn cho các cuộc đàm phán này ».

 

 

Phó thủ tướng Việt Nam và bộ trưởng Tài Chính Mỹ thảo luận về thuế quan

Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc theo dự kiến gặp bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent vào hôm nay, 09/04/2025 và sẽ gặp giám đốc điều hành của Boeing, SpaceX và Apple trong tuần này.

 

Theo Reuters, những cuộc gặp này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Việt Nam để thuyết phục chính quyền Trump xét lại quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

 

Trước đó, Hà Nội đã kêu gọi Washington hoãn việc áp thuế đối ứng trong 45 ngày. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm cho biết sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận với mức thuế 0%. Điều này cho thấy quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc tìm kiếm một giải pháp. Mặc dù Việt Nam đã có một số nhượng bộ, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn và chưa thể đạt được một thỏa thuận ngay lập tức.

 

Về phần mình, tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn hôm nay cũng kêu gọi khối các nước Đông Nam Á hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực nhằm đối phó với việc Hoa Kỳ tăng thuế quan. Mười quốc gia thành viên ASEAN, phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đòn thuế mới này.

 

 

Thuế quan : Những xích mích đầu tiên trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa

Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiên định lập trường, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán, trong nội bộ nhóm cộng sự của Trump bắt đầu có những dấu hiệu bất đồng.

 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :

 

« Đầu tiên là những thành viên thân cận nhất của chính phủ, như bộ trưởng Thương Mại Howard Lutnick, luôn sẵn sàng bảo vệ tất cả những gì tổng thống nói hay bộ trưởng Tài Chính Scott Bessent. Có những  người giải thích đây là một chiến thuật đàm phán để có được những thỏa thuận thương mại tốt nhất, theo từng bước, như cách giải thích của Đại diện Thương mại Jamieson Greer ở Thượng Viện.

 

Rồi còn có lý thuyết gia, kiến trúc sư trưởng, đó là cố vấn kinh tế Peter Navarro, trung thành với Trump đến mức đã phải ở tù nhiều tháng vì đã từ chối trả lời lệnh triệu tập của ủy ban đặc biệt về vụ bạo loạn 06/01/2021, ủy ban hiện không còn tồn tại. Ông thường xuyên trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia tên là Ron Vara, nhân vật mà theo ông Navarro chỉ là bịa ra, để đùa giỡn, được đặt tên bằng cách đảo chữ của chính tên ông.

 

Nhưng Peter Navarro còn bị gọi là kẻ ngốc và bị gán cho nhiều tính từ khác để diễn đạt cùng ý tưởng với một người thân cận khác của Donald Trump, đó là nhà doanh nghiệp, tỷ phú Elon Musk. Quả thực, hãng xe điện Tesla của ông có nguy cơ hứng đòn nặng nề bởi các mức thuế bổ sung đánh vào lĩnh vực này.

 

Về mặt nguyên tắc, Elon Musk chủ trương tự do mậu dịch như lập trường của nhiều nghị sĩ khác của đảng Cộng Hòa, chẳng hạn như Rand Paul hay Ted Cruz... Họ chỉ mong là tổng thống rồi cũng sẽ nhận ra lẽ phải. »

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

HOA KỲ - THUẾ QUAN

Bị Trump dọa áp thêm mức thuế 50%, Trung Quốc tuyên bố “sẽ chống đến cùng”

 

PHÂN TÍCH

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thật sự khai diễn

 

 

 

                                                    *****

 

Thuế "đối ứng" của Mỹ: Liên Âu sẽ công bố các biện pháp đáp trả đầu tuần tới

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 13:11  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 13:49

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250409-thu%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%91i-%E1%BB%A9ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-li%C3%AAn-%C3%A2u-s%E1%BA%BD-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-c%C3%A1c-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3-%C4%91%E1%BA%A7u-tu%E1%BA%A7n-t%E1%BB%9Bi 

 

Đối với Liên Hiệp Châu Âu, mức thuế mới do tổng thống Mỹ ban hành và có hiệu lực hôm nay, 09/04/2025, ước tính sẽ tác động đến tổng cộng hơn 380 tỷ euro hàng hóa sản xuất trong khu vực. Khối 27 nước cho biết sẽ công bố các biện pháp đáp trả vào đầu tuần tới, thứ Hai 14/04. Nhưng theo AFP, danh sách các sản phẩm Mỹ mà châu Âu dự định áp thêm 25% thuế, không có rượu bourbon.

 

HÌNH :

Một xưởng chế biến nhôm tấm tại Đức, ngày 17/03/2025. TOBIAS SCHWARZ / AFP

 

Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, được xem là có quan hệ rất gần gũi với Donald Trump, hôm qua thông báo bà sẽ đến Washington ngày 17/04. Còn tại Đức, cường quốc kinh tế hàng đầu của khối, những đòn thuế quan mới của tổng thống Trump là một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ.

 

Thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin giải thích :

 

« 160 tỷ euro, đây là toàn bộ giá trị hàng hóa Đức xuất khẩu sang Mỹ năm 2024. Trong vòng 10 năm, Hoa Kỳ đã soán ngôi Trung Quốc, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Berlin. Giống như Pháp, Đức mong muốn châu Âu đáp trả mạnh mẽ các mức thuế quan do Washington áp đặt. Chính phủ sắp mãn nhiệm, thủ tướng Olaf Scholz, cùng với bộ trưởng Kinh Tế đã có những tuyên bố cứng rắn.  

 

Ông Robert Habeck, thuộc đảng Xanh, hôm thứ Hai, 07/4, phát biểu tại Luxembourg : "Chẳng ai được lợi gì nếu như vòng xoáy tăng thuế thương mại tiếp diễn. Để tránh điều đó, châu Âu nên đoàn kết."

 

Robert Habeck không muốn loại trừ các biện pháp trả đũa nhắm vào những tập đoàn công nghệ số của Mỹ như Google hay Amazon. Theo một Viện Kinh tế, xuất khẩu của Đức sang Mỹ có nguy cơ sụt giảm mất 15% và điều này có thể gây tổn hại cho tăng trưởng của Đức, vốn dĩ đã rất yếu.

 

Đối với chính phủ Đức tương lai, những thông báo này đến không đúng lúc. Những lĩnh vực hàng đầu của Đức như hóa học hay máy móc công cụ sẽ bị tác động mạnh. Riêng đối ngành sản xuất ô tô, phải hứng lấy 25% thuế quan, cao gấp 10 lần so với trước, đây thực sự là một trận động đất.

 

Chủ tịch liên đoàn các hãng xe Đức, Hidegard Muller, nói : "Chúng ta phải phản ứng cứng rắn, nhưng cũng nên có những đề xuất để đàm phán. Chúng tôi hoan nghênh đề nghị của Ủy Ban Châu Âu về việc xóa bỏ các mức thuế quan giữa Mỹ và Liên Âu."

 

Cứ 8 xe xuất khẩu thì có 1 chiếc là sang Mỹ. Thị trường quan trọng này đang bị đe dọa vào lúc việc bán sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. »

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THUẾ QUAN - TRUNG QUỐC TRẢ ĐŨA MỸ

Chiến tranh thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, chứng khoán thế giới tiếp tục giảm mạnh

 

MỸ - THUẾ QUAN - CHỨNG KHOÁN

Mỹ tấn công thương mại toàn cầu: Thị trường chứng khoán thế giới hoảng loạn

 

HOA KỲ - THUẾ QUAN

Tổng thống Mỹ tuyên chiến thương mại với thế giới, tấn công mạnh vào châu Á và EU

 

 

 

 



No comments: