Tập Cận Bình
phát động cuộc chiến phe phái để sinh tồn
Katsuji Nakazawa
- Nikkei
Asia
Nguyễn
Thị Kim Phụng,
biên dịch - Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/14/tap-can-binh-phat-dong-cuoc-chien-phe-phai-de-sinh-ton/
Ảnh
hưởng của các đảng viên lão thành đằng sau cuộc cải tổ nhân sự bất thường.
Tiếng
súng lệnh đã vang lên, và các thành viên trong phe phái chính trị của nhà lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang chạy đua để sinh tồn về mặt chính trị.
Chính
Chủ tịch Tập đã tạo tiền đề cho cuộc đua này bằng cách thăng chức cho nhiều người
ủng hộ ông lên các chức vụ quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính
phủ, nhiều đến mức phe cánh của ông trở nên phình to, từ đó làm nảy sinh nhu cầu
thỏa hiệp với các thế lực chính trị không thân cận với ông.
“Sự
thỏa hiệp” mà Tập đưa ra cũng phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ đằng sau hậu trường của
những nhân vật lão thành trong đảng và của “thế hệ đỏ thứ hai,” hay con cái của
các nhà lãnh đạo đảng thời cách mạng. Bản thân Tập cũng thuộc thế hệ đỏ thứ
hai, và ông đã vươn lên đến đỉnh cao quyền lực nhờ có sự ủng hộ của con cháu của
những nhà lãnh đạo đảng đầu tiên khác.
Và
sự thỏa hiệp này đã diễn ra dưới hình thức một cuộc cải tổ nhỏ liên quan đến
hai thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng. Thạch Thái Phong và Lý Cán
Kiệt đã đổi việc cho nhau. Thạch đã trở thành người đứng đầu Ban Tổ chức Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách các vấn đề nhân sự, trong khi Lý đảm
nhiệm chức vụ cao nhất của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng.
Lý
Cán Kiệt (trái) và Thạch Thái Phong đã đổi việc cho nhau trong một cuộc cải tổ
nhân sự bí ẩn đang thu hút sự chú ý. © Kyodo
Thay
đổi này được tiết lộ vào ngày 02/04, khi các phương tiện truyền thông chính thức
đưa tin về hoạt động của Thạch và Lý trong vai trò mới của họ.
Với
sự thay đổi này, Lý sẽ tiếp quản một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong
chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan, nhưng lại từ bỏ một công việc có thứ
hạng cao hơn trong đảng.
Tuy
nhiên, theo truyền thống, những người đứng đầu các tổ chức như vậy thường giữ
nguyên vai trò của mình từ đại hội đảng này sang đại hội đảng khác, nên việc
hai thành viên Bộ Chính trị đổi việc cho nhau đã khiến nhiều người ngạc nhiên,
nhất là khi nó diễn ra hai năm rưỡi sau đại hội đảng lần gần đây nhất (đại hội
đảng được tổ chức 5 năm một lần).
Bên
cạnh truyền thống đó, một quy định lâu đời khác, dù không chính thức, của đảng
cũng bị phá vỡ. Quy định ngầm này yêu cầu các lãnh đạo không được đảm nhiệm bất
kỳ chức vụ mới nào nếu đã đến tuổi 68, độ tuổi của Thạch.
Thạch
Thái Phong tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh tiếng, một trường đại học đóng vai
trò quan trọng trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Đại học Thanh Hoa – trường
cũ của Tập, cũng ở Bắc Kinh – và Đại học Bắc Kinh là hai trường đại học hàng đầu
của đất nước.
Thạch
học luật tại Đại học Bắc Kinh vào cuối thập niên 1970. Sau khi tốt nghiệp, ông
bắt đầu làm việc tại Trường Đảng Trung ương, một cơ sở đào tạo quan trọng cho
cán bộ đảng. Ông giữ chức Hiệu phó của trường từ năm 2001 đến năm 2010, thời điểm
mà cựu Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cựu Phó Chủ tịch
Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, cũng như chính Tập đã lần lượt giữ chức Hiệu trưởng
của trường.
Cựu
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái) và cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng. Hai nhân vật
này đến nay vẫn còn ảnh hưởng. (Nguồn ảnh của Akira Kodaka và Kyodo)
Hồ
và Tăng – hai đảng viên có ảnh hưởng và hiện vẫn còn sống – là cấp trên cũ của
Thạch. Thạch cũng thăng tiến qua các cấp bậc dưới thời Tập.
Thạch
có quan hệ tốt với các đảng viên lão thành và thành viên của nhiều phe phái.
Ông cũng có quan hệ với cựu Phó chủ tịch Vương Chấn, người từng giữ chức Hiệu
trưởng Trường Đảng Trung ương vào thập niên 1980. Vương mất năm 1993.
Vương
Chấn là một trong “Bát đại nguyên lão,” một nhóm đảng viên lão thành nắm giữ
quyền lực tối cao trong những năm 1980 và 1990. Ông là một trong những “vị tướng
sáng lập” của Trung Quốc. Ông cũng có quan hệ với người cha quá cố của Tập Cận
Bình, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân.
Hồi
thập niên 1980, Vương đã ưu ái giao cho Thạch Thái Phong trẻ tuổi một vị trí tại
Trường Đảng Trung ương.
Một
nhân vật chủ chốt khác có liên quan đến Thạch và Trường Đảng Trung ương là Lý
Thư Lỗi, người hiện đứng đầu Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, phụ trách tuyên
truyền.
Lý
Thư Lỗi, người hiện đứng đầu Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, là một thần đồng.
Ông vào Đại học Bắc Kinh khi mới 14 tuổi. (Ảnh của Mizuho Miyazaki)
Lý
Thư Lỗi vào Đại học Bắc Kinh khi mới 14 tuổi. Sau khi thần đồng này tốt nghiệp,
ông đến làm việc tại Trường Đảng Trung ương.
Đối
với Thạch, có một lý do chính đáng khiến ông được chọn để nắm quyền chỉ huy Ban
Tổ chức Trung ương Đảng: Ông có quan hệ chặt chẽ với nhiều nhân vật chính trị lớn.
Về
phần Lý Cán Kiệt, người đàn ông 60 tuổi này đã đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương
Đảng kể từ đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 vào năm 2022. Ông là một trong những
ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất, và chí ít thì cho đến nay, ông vẫn được cho là
ngôi sao đang lên trong đảng.
Lý
là thành viên của một số nhóm chính thống trong phe của Tập, trong đó có nhóm Đại
học Thanh Hoa, bao gồm những sinh viên tốt nghiệp trường đại học này.
Người
tiền nhiệm của Lý tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng là Trần Hy, người theo học Đại
học Thanh Hoa cùng thời với Tập. Cả hai đều học ngành kỹ thuật hóa học và là bạn
bè khi còn đi học. Nhiều thập kỷ trôi qua và Tập vẫn rất tin tưởng vào người bạn
đại học của mình.
Đó
là lý do tại sao Trần, 71 tuổi, vẫn giữ chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương
hai năm rưỡi sau khi từ chức thành viên nhóm lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương
Đảng. Trần được cho là đã đóng vai trò trong việc thăng chức cho Lý Cán Kiệt
lên vị trí người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương.
Lý
cũng thuộc về phe môi trường và y tế. Ông theo học vật lý tại Đại học Thanh Hoa
và là chuyên gia về an toàn hạt nhân. Ông từng là người đứng đầu Bộ Bảo vệ Môi
trường và cơ quan kế nhiệm là Bộ Sinh thái và Môi trường. Bảo vệ môi trường là
một trong những mục tiêu chính sách quan trọng của Tập.
Trần
Hy là bạn học ngành kỹ thuật hóa học với Tập tại Đại học Thanh Hoa. Cho đến
nay, Trần vẫn là người bạn thân tín của Tập. © Kyodo
Lý
cũng thuộc phe Sơn Đông. Ông từng giữ chức Tỉnh trưởng và sau đó là Bí thư Tỉnh
ủy – chức vụ cao nhất – của tỉnh này khi dịch COVID-19 hoành hành khắp Trung Quốc.
Sau đó, ông đã được thăng chức vào Bộ Chính trị.
Những
phe phái này có thể cung cấp cho Lý những quan hệ với các thành viên có ảnh hưởng.
Phe môi trường và y tế có các thành viên trong Bộ Chính trị là Trần Cát Ninh,
Bí thư Thành ủy Thượng Hải, và Doãn Lực, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Ngoài ra, Trần
tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, còn Doãn là người gốc Sơn Đông.
Dù
là một ngôi sao đang lên với sự nghiệp lẫy lừng, nhưng Lý Cán Kiệt lại đột
nhiên trở thành người đứng đầu mới của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung
ương, một chức vụ được coi là thấp hơn Ban Tổ chức Trung ương. Đương nhiên, điều
này đã thu hút sự chú ý.
Tập
đáng lẽ phải giành được chiến thắng hoàn toàn về mặt triển khai nhân sự tại Đại
hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10/2022, khi các nhóm chính thống trong
phe Tập ngày càng gia tăng sức mạnh.
Các
nhóm này gồm phe công nghiệp quân sự, cũng như phe Phúc Kiến, Chiết Giang, Đại
học Thanh Hoa, môi trường và y tế, và phe Sơn Đông.
Chỉ
những thành viên của các phe phái chính thống như vậy mới được thăng chức lên
các vị trí chủ chốt, khiến những người có năng lực nhưng không có mạng lưới
quan hệ cá nhân vững chắc rơi vào ngõ cụt trong sự nghiệp.
Bí
thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh. Giống như Lý Cán Kiệt, Trần tốt nghiệp Đại
học Thanh Hoa và là chuyên gia về khoa học môi trường. © Kyodo
Nếu
chính quyền Tập hoàn toàn ổn định và không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề chính
sách nào, họ đã chẳng phải dùng đến một cuộc cải tổ bất thường đến mức gây ra
hàng loạt suy đoán.
Hơn
nữa, chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nắm giữ chìa khóa quyết định số phận
của chính quyền Tập.
Cơ
quan này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa ra đội hình mới của Ban Thường
vụ Bộ Chính trị, dự kiến sẽ được quyết định tại Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ
21 vào năm 2027.
Trong
quá khứ, những quy định về việc thăng chức và giáng chức các quan chức cấp cao
của đảng và chính phủ, được soạn thảo theo sáng kiến của ban này, đã ảnh hưởng
đến vận mệnh của các chính quyền Trung Quốc.
Đây
là lý do tại sao, khi bổ nhiệm các vị trí cao cấp của bộ phận quyền lực này,
các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường dựa vào các quan chức có năng lực
và đáng tin cậy.
Chính
quyền của nhiều quốc gia khác thường cải tổ nội các khi phải đối mặt với vấn đề
làm giảm tỷ lệ ủng hộ của họ. Hãy nghĩ về điều đó như thể các nhà lãnh đạo nhấn
nút thiết lập lại, để cố gắng xoay chuyển vận mệnh của họ.
Khi
cải tổ nội các, các nhà lãnh đạo đôi khi cũng cân nhắc kỹ lưỡng đến nguyện vọng
của các nhóm gần gũi với phe phái của họ. Thông thường, một sự thỏa hiệp về mặt
nhân sự có thể xoa dịu những nhân vật bất đồng quan điểm.
Có
phải đó là những gì Tập đang làm khi yêu cầu Thạch Thái Phong và Lý Cán Kiệt đổi
chỗ cho nhau? Sẽ cần thêm thời gian trước khi có dấu hiệu rõ ràng về việc liệu
Tập có tiến hành thỏa hiệp giữa các phe phái hay không.
Tuy
nhiên, điều mà mọi người đều hiểu ngay lập tức là tiếng súng hiệu lệnh đã vang
lên, và các thành viên trong phe Tập đang chạy đua để sinh tồn.
--------------------------
Katsuji
Nakazawa
là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông
đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng
văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi
Jinping kicks off a factional battle for survival,” Nikkei Asia,
10/04/2025
No comments:
Post a Comment