Tại sao Bắc Kinh lại cứng rắn đáp trả
Trump?
Deng Yuwen (Đặng Duật Văn) - Foreign Policy
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên
dịch | Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/16/tai-sao-bac-kinh-lai-cung-ran-dap-tra-trump/
Các
nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có lòng tự trọng của riêng mình.
Bất
chấp những lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan
lên toàn thế giới, chỉ có Trung Quốc thực sự kiên định đối đầu. Liên minh châu
Âu và Canada cũng đã thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng chỉ có Bắc Kinh mới đáp
trả bằng hai đợt thuế quan trả đũa đối với Mỹ, cùng nhiều biện pháp phi thuế
quan như kiểm soát xuất khẩu, thêm các công ty Mỹ mới vào “danh sách thực thể
không đáng tin cậy” của Trung Quốc, và tiến hành các cuộc điều tra chống độc
quyền. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” chống lại cái
mà họ gọi là chủ nghĩa đơn phương của Washington.
VIDEO
:
Tại
sao Bắc Kinh lại cứng rắn đáp trả Trump?
https://www.youtube.com/watch?v=CJMwQrLa8iE
Bắc
Kinh hiểu rõ rằng hành động này sẽ làm phật lòng Trump. Họ cũng nhận thức được
rằng “chiến đấu đến cùng” có thể khiến thương mại song phương dừng hẳn – mà
trên thực tế chính là phân tách kinh tế. Với mức thuế quan hiện tại gần 150%,
và các miễn trừ chỉ giới hạn ở các mặt hàng thiết yếu hoặc không thể thay thế,
hầu hết các hoạt động thương mại đã không còn khả thi. Trước khi bình thường
hóa ngoại giao, thương mại song phương giữa hai bên chỉ vào khoảng 2 tỷ đô la.
Nếu thương mại ngày nay có thể duy trì ở mức 20% so với trước khi áp thuế, theo
những quy tắc này, thì đó sẽ được cho là một thành công.
Dù
thương mại với Mỹ chỉ chiếm 2,5% GDP của Trung Quốc, thị trường Mỹ vẫn là điểm
đến xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm gần 15% tổng kim ngạch ngoại
thương của nước này. Xung đột lần này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP của
Trung Quốc từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm. Xét đến mục tiêu tăng trưởng 5% mà
Trung Quốc đặt ra cho năm nay, đây sẽ là một cú sốc rất lớn. Nó có thể gây ra một
làn sóng đóng cửa doanh nghiệp và thất nghiệp hàng loạt. Nền kinh tế Trung Quốc
đã chịu nhiều áp lực và đây sẽ là một đòn giáng thêm vào họ.
Hơn
nữa, cuộc chiến thuế quan của Trump có thể gây ra hậu quả địa chính trị nghiêm
trọng cho Trung Quốc. Vì thuế quan là vũ khí được Trump lựa chọn, các quốc gia
khác – đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ hơn ở vùng ngoại vi của Trung Quốc, chẳng
hạn như các nước Đông Nam Á – có thể thấy mình bị buộc phải chọn phe. Hàng hóa
của họ thường bổ sung cho hàng hóa của Mỹ, nhưng lại cạnh tranh với hàng hóa của
Trung Quốc. Khi phải lựa chọn giữa hai gã khổng lồ, nhiều khả năng họ sẽ
nghiêng về Washington. Những quốc gia này, vốn từng phụ thuộc vào Trung Quốc về
mặt kinh tế và Mỹ về an ninh, có thể sẽ dựa vào Mỹ về cả hai mặt, nếu họ không
bị Trump xa lánh.
Vậy
thì tại sao Bắc Kinh lại chọn phản ứng cứng rắn, thay vì giả vờ tuân thủ để tạm
thời xoa dịu Trump? Sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 34%, phản ứng của
Trump cho thấy rõ rằng ông vô cùng tức giận – không chỉ vì hành động trả đũa,
mà còn vì Bắc Kinh đã không chủ động liên lạc để đàm phán trước. Phản ứng nhanh
chóng, đơn phương này đã làm tổn thương lòng tự trọng và quyền lực của ông.
Tuy
nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có lòng tự trọng của riêng mình. Các nhà
lãnh đạo này, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và những người xung quanh ông như
Thủ tướng Lý Cường, lo ngại rằng nếu họ điện đàm với Trump và thuế quan vẫn
không được dỡ bỏ – hoặc nếu Trump yêu cầu những nhượng bộ khắc nghiệt hơn để đổi
lấy việc giảm bớt áp lực (cả hai kịch bản đều có khả năng xảy ra) – thì thẩm
quyền và phẩm giá của chính họ sẽ bị tổn hại.
Đằng
sau cuộc đụng độ của những cái tôi này là một tính toán chiến lược sâu sắc hơn.
Bắc Kinh tin rằng thuế quan của Trump là một nỗ lực có chủ ý, nhằm dồn Trung Quốc
vào chân tường, đẩy nước này vào một vị thế mà họ không thể lùi bước. Theo quan
điểm của Bắc Kinh, quan hệ Mỹ-Trung đã trải qua một sự thay đổi cơ bản kể từ
nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành
ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bất kể ai là ông chủ Nhà Trắng.
Điều này đã đúng dưới thời Trump 1.0, dưới thời Joe Biden, và giờ đây còn đúng
hơn dưới thời Trump 2.0.
Sau
khi Trump phát động cuộc thương chiến đầu tiên vào năm 2018, Bắc Kinh vẫn hy vọng
rằng các cuộc đàm phán và thỏa hiệp có thể duy trì quan hệ ngoại giao và thương
mại bình thường. Hai bên đã đấu tranh và đàm phán, rồi cuối cùng đạt được thỏa
thuận thương mại “Giai đoạn Một.” Nhưng hàng rào thuế quan đã không bao giờ được
bãi bỏ. Dưới thời Biden, Washington còn đi xa hơn, chỉ định Trung Quốc là đối
thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ và củng cố các chính sách kiềm chế của
mình.
Giờ
đây, khi Trump trở lại nắm quyền, ông đã tăng cường áp lực lên gấp đôi. Chỉ hơn
hai tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, ông đã liên tiếp áp hết thuế quan này đến
thuế quan khác. Bắc Kinh xem đây là một sự leo thang mang tính sống còn. Trong
mắt giới lãnh đạo Trung Quốc, không còn gì để chịu đựng thêm và cũng không còn
đường lùi nữa.
Nhận
ra thực tế mới này – rằng quan hệ Mỹ-Trung đã thay đổi căn bản và môi trường
bên ngoài đã trở nên thù địch – Bắc Kinh quyết định thực hiện những điều chỉnh
sâu rộng trong nước, dựa trên các mô hình đã rõ ràng kể từ khi Tập Cận Bình lên
nắm quyền vào năm 2012. Họ tăng cường sự kiểm soát của đảng và thắt chặt giám
sát xã hội. Về mặt kinh tế, họ đang tích cực thúc đẩy nâng cấp công nghiệp,
chuyển sang mô hình “tuần hoàn kép” nhấn mạnh vào nhu cầu trong nước và khả
năng tự cung tự cấp trong các công nghệ và chuỗi cung ứng quan trọng. Trung Quốc
cũng đang mở rộng quan hệ với các thị trường bên thứ ba, đặc biệt là thông qua
Sáng kiến Vành đai và Con đường, để tăng cường hội nhập kinh tế với các nước
phương Nam toàn cầu.
Nhiều
năm cải cách cơ cấu ở Trung Quốc đang bắt đầu mang lại kết quả. Dù tăng trưởng
đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nhưng sự ổn định xã hội và chính trị
phần lớn vẫn được duy trì. Nền kinh tế đã vượt qua được thương chiến và sự kìm
kẹp của Mỹ đối với các công nghệ tiên tiến, chứng tỏ khả năng phục hồi ngày
càng tăng. Sức mạnh công nghệ tổng thể của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng lên.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của DeepSeek đã khơi lại niềm tin vào khả năng Trung
Quốc thu hẹp khoảng cách về trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn so với Mỹ.
Đồng
thời, ngành quốc phòng Trung Quốc cũng chứng kiến tăng trưởng bùng nổ. Những tiến
bộ trong công nghệ quân sự và vũ khí đã khiến Bắc Kinh tự tin hơn vào vị thế an
ninh quốc gia của mình.
Một
yếu tố khác đằng sau lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc lần này chính là sự
ủng hộ ngày càng tăng của công chúng – trớ trêu thay, một phần nguyên nhân lại
đến từ Trump. Dư luận Trung Quốc về Trump bị chia rẽ; cả nhóm ủng hộ và nhóm phản
đối ông đều có số lượng lớn.
Nhưng
nhiều người từng ủng hộ Trump đã bị vỡ mộng sau những hành vi gần đây của ông:
Tham vọng bành trướng, việc xích lại gần Nga, chiến thuật cứng rắn đối với
Ukraine, bao gồm cả nỗ lực buộc Kyiv ngừng bắn theo các điều khoản thực dân
kinh tế. Điều này đã làm mất lòng những người hâm mộ Trump trước đây, đặc biệt
là trong giới tự do của Trung Quốc. Ngày nay, những người chỉ trích Trump ở
Trung Quốc có lẽ đông hơn những người ủng hộ ông.
Và
vì Trump hiện đang nhắm mục tiêu trên toàn thế giới bằng các mối đe dọa thuế
quan của mình, tình cảm chống Trump ở Trung Quốc lại càng lan rộng. Bắc Kinh
đang tận dụng sự bất mãn này.
Trong
mắt nhiều người Trung Quốc – được nuôi dưỡng bởi các thông điệp chính thức và nội
dung lan truyền từ những người chỉ trích Trump trên mạng xã hội – Tổng thống Mỹ
là người kiêu ngạo, thiếu hiểu biết và hung hăng. Áp lực thuế quan không ngừng
của ông đối với Trung Quốc khiến nhiều người cảm thấy rằng hành động bắt nạt đã
đi quá xa. Suy cho cùng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ xứng
đáng được tôn trọng.
Ngay
cả những người hoài nghi hoặc thù địch với chính phủ Trung Quốc hiện cũng xem sự
vượt quá giới hạn của Trump là hành động khiêu khích thực sự – và do đó họ chọn
cách im lặng, nếu không muốn nói là âm thầm ủng hộ, phản ứng cứng rắn của Bắc
Kinh. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc, thuế quan của Trump và sự trả
đũa của Trung Quốc đều được hoan nghênh: Với họ, việc phân tách không phải một
mối nguy, mà là sự giải phóng cần thiết.
Bắc
Kinh tin rằng họ đang đứng ở lề phải của lịch sử – bảo vệ thương mại tự do, chủ
nghĩa đa phương và toàn cầu hóa chống lại sự bắt nạt thuế quan của Trump. Họ hiểu
rằng hầu hết các quốc gia, vì lý do thực dụng, sẽ không công khai đứng về phía
họ. Nhưng nhiều quốc gia nhỏ hơn có thể lặng lẽ hoan nghênh sự phản kháng của
Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng điều đó sẽ chuyển hóa thành vốn đạo đức trên trường
quốc tế.
Bắc
Kinh cũng muốn gửi một thông điệp đến Mỹ và thế giới: Họ không phải là một nước
dễ bị bắt nạt. Họ sẽ không bị bắt nạt. Họ thậm chí có thể sử dụng cuộc xung đột
này để bắt đầu các cuộc đàm phán từ một vị thế mạnh hơn. Nếu cuộc chiến kéo dài
và cả hai bên buộc phải nói chuyện, thì việc nâng cao mức độ rủi ro có thể mang
lại cho Bắc Kinh nhiều đòn bẩy hơn.
Tuy
nhiên, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất – khi thương chiến
leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện, thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự
hạn chế. Trong mọi trường hợp, phản ứng của họ cho thấy một tư thế chiến lược mới
đối với Washington: ăn miếng trả miếng. Anh đánh tôi, thì tôi đánh trả – không
hơn, không kém.
------------------------------------
Deng
Yuwen (Đặng Duật Văn) là một nhà văn và học giả người Trung Quốc.
Nguồn: Deng Yuwen (Đặng Duật Văn), “Why Beijing Is Standing Up to Trump,” Foreign Policy, 14/04/2025
No comments:
Post a Comment