Tại sao quân bài của
Tập lại mạnh hơn Trump?
Gideon Rachman
- Financial Times
19/04/2025
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/19/tai-sao-quan-bai-cua-tap-lai-manh-hon-trump/
Nhà
Trắng đã tính toán sai cán cân quyền lực trong cuộc chiến thuế quan với Trung
Quốc.
Nếu
thấy nghi ngờ, hãy cứ viết hoa. “KHÔNG AI ‘thoát tội’” – Donald Trump nhấn mạnh
vào Chủ nhật ngày 12/04 – trong một lời giải thích khó hiểu cho thông báo trước
đó, rằng Mỹ sẽ miễn thuế cho điện thoại thông minh và đồ điện tử tiêu dùng. Bản
thân sự miễn trừ này đã là một thay đổi đối với chính sách một tuần trước đó,
khi Mỹ công bố mức thuế “đối ứng” 145% dành cho tất cả hàng hóa từ Trung Quốc –
một sự gia tăng đáng kể so với mức thuế được công bố vài ngày trước nữa. Liệu bạn
có hiểu nổi không?
Một
người quan sát bình thường có thể nghĩ rằng tất cả những thay đổi đột ngột
trong chính sách thuế quan là bằng chứng cho sự hỗn loạn ở Nhà Trắng. Nhưng những
người hâm mộ Trump lại nghĩ khác. Bill Ackman, một nhà tài chính, ca ngợi rằng
sự đảo ngược chính sách đột ngột trước đó “đã được thực hiện một cách xuất sắc…
Đúng sách giáo khoa, chuẩn Nghệ thuật Đàm phán.”
Những
người ủng hộ nhiệt thành nhất của Tổng thống vẫn tiếp tục khẳng định rằng ông
là một chiến lược gia bậc thầy. Và bất kỳ ai tin vào điều ngược lại có nguy cơ
bị cáo buộc mắc Hội chứng Rối loạn Trump (Trump Derangement Syndrome, TDS).
Thật
không may là tôi vẫn bị TDS. (Vaccine đã bị cấm rồi mà.)
Trong
tâm trí đang lên cơn sốt của tôi, Trump nắm trong tay quân bài yếu hơn nhiều so
với những gì ông nghĩ trong ván bài thuế quan mà ông đang chơi với Trung Quốc.
Trump càng mất nhiều thời gian để chấp nhận điều này một cách dứt khoát – thì
ông và nước Mỹ càng có nguy cơ mất mát nhiều hơn.
Giả
định ban đầu của Trump và các chiến binh thương mại của ông là Trung Quốc sẽ tự
động ở thế bất lợi trong một cuộc xung đột về thuế quan. Scott Bessent, Bộ trưởng
Tài chính Mỹ, lập luận rằng Trung Quốc đang “chơi với một đôi hai… Chúng ta xuất
khẩu sang họ một phần năm những gì họ xuất khẩu sang chúng ta, nên đó là một
ván bài thua đối với họ.”
Những
sai sót trong logic của Trump và Bessent đã được giải thích rõ ràng trong một bài viết gần đây của
Adam Posen trên Foreign Affairs. Như Posen chỉ ra, việc Trung Quốc
xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn hẳn so với chiều ngược lại thực ra là một lợi thế
cho họ – chứ không phải điểm yếu.
Người
Mỹ không mua sản phẩm từ Trung Quốc vì mục đích từ thiện. Người Mỹ muốn những mặt
hàng mà Trung Quốc sản xuất. Vì vậy, nếu những sản phẩm đó đột nhiên trở nên đắt
đỏ – hoặc biến mất hoàn toàn khỏi các kệ hàng – thì người Mỹ sẽ phải chịu thiệt.
Ý
nghĩa của nỗi lo về điện thoại thông minh là Trump cuối cùng đã phải thừa nhận
một điều mà ông vẫn luôn phủ nhận – thuế quan do người nhập khẩu trả chứ không
phải người xuất khẩu.
Hơn
một nửa số điện thoại thông minh đang được bán ra ở Mỹ là iPhone và 80% trong số
đó được sản xuất tại Trung Quốc. Người Mỹ sẽ phàn nàn dữ dội nếu giá của chúng
tăng gấp đôi. “Ngày giải phóng” không có nghĩa là giải phóng khỏi điện thoại
thông minh.
Điện
thoại và thiết bị máy tính là những ứng viên rõ ràng nhất cho việc xuống thang.
Nhưng chúng không phải là những ví dụ duy nhất. Trump sẽ phải hy vọng rằng mùa
hè này không quá nóng vì khoảng 80% máy điều hòa không khí trên thế giới được sản
xuất tại Trung Quốc; cùng với ba phần tư số quạt điện mà Mỹ nhập khẩu. Hơn nữa,
Nhà Trắng chắc chắn sẽ muốn chiến tranh thương mại kết thúc vào Giáng Sinh vì
75% búp bê và xe đạp mà Mỹ nhập khẩu cũng được sản xuất tại Trung Quốc.
Tất
cả những thứ này có thể được sản xuất tại Mỹ không? Có chứ. Nhưng sẽ rất mất thời
gian để xây dựng các nhà máy mới và sản phẩm cuối cùng sẽ còn đắt hơn.
Trump
ghét những tít báo bất lợi và luôn muốn chúng biến mất. Vậy nên, thay vì chịu đựng
nỗi đau của tình trạng thiếu hụt và lạm phát, nhiều khả năng, ông sẽ thêm ngày
càng nhiều mặt hàng vào danh sách hàng hóa được miễn thuế.
Trong
hoàn cảnh đó, Trung Quốc có thể lựa chọn chơi trò chờ đợi. Nhưng nếu Bắc Kinh
quyết định trở nên “xấu tính,” thì họ có một số công cụ thực sự mạnh mẽ mà họ
có thể triển khai. Trung Quốc sản xuất gần 50% các thành phần được sử dụng
trong thuốc kháng sinh mà người Mỹ phụ thuộc vào. Máy bay F35, xương sống của
Không quân Mỹ, đòi hỏi các thành phần đất hiếm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người
Trung Quốc cũng là chủ sở hữu nước ngoài lớn thứ hai của trái phiếu kho bạc Mỹ
– đây là một lợi thế quan trọng vào thời điểm thị trường đang căng thẳng.
Ngay
cả khi chính quyền Trump có thể tìm ra một loại hàng nhập khẩu mà không ai ở Mỹ
muốn mua, thì điều này cũng khó có thể gây ra thiệt hại mang tính thay đổi cục
diện cho Trung Quốc.
Thị
trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 14% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Joerg
Wuttke, cựu Giám đốc Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh, lập luận rằng thuế
quan của Mỹ “gây bất tiện, nhưng sẽ không gây đe dọa cho nền kinh tế Trung Quốc…
Đây là một nền kinh tế trị giá 14-15 nghìn tỷ đô la và kim ngạch xuất khẩu sang
Mỹ là 550 tỷ đô la”.
Nhà
Trắng đã liên tục gợi ý một cách đáng thương rằng Chủ tịch Tập Cận Bình nên nhấc
điện thoại lên và gọi cho họ. Nhưng với việc Trump đang rút lui một cách vội
vã, thì chẳng có động lực nào để nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nói chuyện – chứ
đừng nói đến việc cầu xin lòng thương xót.
Một
hệ thống độc tài – do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ – có lẽ cũng
được chuẩn bị tốt hơn để chịu đựng một giai đoạn khó khăn về chính trị và kinh
tế so với Mỹ, nơi tình trạng hỗn loạn kinh tế có thể nhanh chóng chuyển thành
áp lực chính trị.
Tập
hoàn toàn có thể phạm phải những sai lầm tồi tệ của riêng mình. Cách Trung Quốc
xử lý đại dịch COVID-19 đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã
chuẩn bị cho cuộc thương chiến với người Mỹ suốt một thời gian dài – và đã suy
nghĩ kỹ về các lựa chọn của họ. Ngược lại, Nhà Trắng vẫn đang vừa đi vừa dò đường.
Trump
đã tự “chia” cho mình một ván bài thua. Không sớm thì muộn, ông cũng sẽ phải bỏ
cuộc. Quả đúng là sách giáo khoa “Nghệ thuật Đàm phán”!
No comments:
Post a Comment