Tuesday, April 15, 2025

ÔNG HỒ ĐỨC PHỚC 'HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ' ĐI MỸ, TIẾP THEO LÀ GÌ? (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Ông Hồ Đức Phớc 'hoàn thành nhiệm vụ' đi Mỹ, tiếp theo là gì?

BBC News Tiếng Việt

15 tháng 4 năm 2025  09:52 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c33z11r38eko

 

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đánh giá cao phản ứng của Hà Nội khi cử phái đoàn đàm phán đến Washington một cách nhanh chóng.

 

"Rõ ràng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có một lịch trình cực kỳ dày đặc ở Mỹ và chúng tôi rất vinh dự khi được gặp ông trong chuyến công du này," ông Ted Osius nói với BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại video hôm 12/4.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7290/live/12d47a00-199d-11f0-8a1e-3ff815141b98.jpg.webp

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc là đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến đi đến Mỹ đàm phán về thuế

 

Ông Ted Osius làm đại sứ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017, là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình hàn gắn giữa hai cựu thù. Ông đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập kênh giao thiệp chính thức giữa tổng thống Mỹ và tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một chương mới trong ngoại giao song phương.

 

Hiện ông là chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC).

 

"Chúng tôi đã nói về việc đàm phán với Mỹ và tôi cho rằng việc ông đến Mỹ nhanh chóng để đàm phán là một bước đi khôn ngoan cả về chính trị lẫn kinh tế. Đây là phái đoàn thứ hai chỉ sau Nhật Bản đến Washington sau Ngày Giải phóng - như cách gọi của Tổng thống Trump," ông Osius nói.

 

Ông cũng bày tỏ nỗi lo lắng cho rằng mức thuế 46% có thể phá vỡ mối quan hệ mà nhiều người đã dày công xây dựng suốt 30 năm qua. Nhưng với động thái phản ứng rất nhanh từ phía Việt Nam, ông nghĩ hai nước sẽ tiến triển tốt.

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tự đánh giá là đã "hoàn thành nhiệm vụ" trong tư cách là đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Mỹ để gỡ rối về thuế quan.

 

Ông Hồ Đức Phớc lên đường đến Mỹ từ đêm 5/4, sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo vào ngày 2/4 là sẽ áp thuế đối ứng lên Việt Nam với mức 46%, hiệu lực vào ngày 9/4.

 

Nhưng đến 9/4, mức thuế này đã được hoãn lại, thay vào đó là hạ xuống 10%, áp dụng trong thời gian 90 ngày, để chờ đàm phán.

 

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam đánh giá, với bước đi này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã mở ra "cánh cửa thép" lâu nay đóng chặt và "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao" cho đoàn công tác đặc biệt.

 

Với vai trò đặc phái viên, ông Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick vào ngày 9/4 (giờ Mỹ).

 

Nội dung chính trong thảo luận giữa hai bên là về thuế quan. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam đánh giá với bước đàm phán này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã mở ra "cánh cửa thép" lâu nay đóng chặt, được coi là bước đột phá lớn nhất và là điều khoản quan trọng nhất của hiệp định thương mại song phương.

 

Hiện tại, mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là 10% như hầu hết các quốc gia khác sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn đánh thuế 90 ngày đối với các đối tác thương mại không trả đũa.

 

 

Lịch trình bận rộn

 

Trong cuộc phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt với ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ dành nhiều lời khen cho Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đánh giá rằng ông Phớc khi đến Mỹ đã "chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng xúc tiến các thỏa thuận với Mỹ".

 

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) của ông Osius đã có buổi đón tiếp Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vào ngày 9/4 (giờ Mỹ). Đây sự kiện đồng tổ chức với Phòng Thương mại Hoa Kỳ, quy tụ đại diện từ 40 doanh nghiệp với khoảng 80 đại biểu tham dự.

 

Ông Osius chia sẻ:

 

"Riêng tôi có cuộc tiếp xúc riêng với ngài phó thủ tướng, tôi ngồi kế ông trong hai cuộc họp và ông ấy đã có lời khen ngợi vốn tiếng Việt ít ỏi của tôi, ông ấy thật tử tế."

 

"Tôi có thể nói rằng phó thủ tướng đã rất sẵn sàng và ông có một lập luận cực kỳ thuyết phục trong chuyến đi này về lý do vì sao thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam nên được giảm."

 

"Tôi hy vọng cuộc họp với chính phủ sẽ thành công và tôi có thể nói rằng các cuộc gặp với giới doanh nghiệp đã diễn ra rất, rất tích cực," ông Osius chia sẻ.

 

Vào các ngày 8 và 9/4, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Mỹ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có các cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Đảng Cộng hòa – bang Tennesse), Thượng nghị sĩ Steve Daines (Đảng Cộng hòa- bang Montana) và đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp Mỹ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/730/cpsprodpb/446b/live/689d6230-199d-11f0-8a1e-3ff815141b98.jpg.webp

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent

 

Vào hôm 9/4, ông đã gặp Bộ trưởng Tài chính Scott K.H. Bessent và gặp Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, cũng như Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.

 

Ngoài cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX và Apple vào ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam).

 

Các cuộc gặp bên lề với các doanh nghiệp, theo ông Osius, cũng rất quan trọng, vì giới kinh doanh đang xem xét một số thỏa thuận đầu tư đáng kể.

 

"Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong mối quan hệ giữa hai nước," ông nói.

 

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng Việt Nam và Mỹ liên tục và nhất quán có những chuyến thăm các cấp để thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Chẳng hạn, trước đó, ngày 13/3, đặc phái viên của Thủ tướng là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đến Washington và chứng kiến một loạt thỏa thuận với tổng trị giá hơn 4 tỷ đô la liên quan đến việc Việt Nam nhập khẩu năng lượng, nhằm duy trì sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/fe33/live/b4921330-199c-11f0-b1b3-7358f8d35a35.jpg.webp

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, vào ngày 18/3/2025

 

Sau đó, Mỹ đã có phái đoàn với đại diện hơn 60 doanh nghiệp đến Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Apple, Boeing, Intel, Pacifico Energy, Meta…

 

Đó là hoạt động thường niên do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức và Chủ tịch Osius nói với BBC rằng các đoàn doanh nghiệp Mỹ đã có dịp gặp các lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều bộ trưởng.

 

"Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu rất tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam về mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, cũng như sẵn sàng đưa ra những quyết định quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh giữa hai nước."

 

Ông Osius nói thêm rằng, sau các cuộc gặp đó, Việt Nam đã đưa ra quyết định hạ một số mức thuế ngay trước khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan của mình.

 

 

Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm

 

Trước khi ông Phớc đến Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump vào đêm 4/4, nói rằng Việt Nam sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%.

 

Viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump cũng thông báo việc ông Tô Lâm, trong cuộc điện đàm, đã khẳng định việc sẵn sàng giảm thuế xuống 0%. Ông Trump khẳng định đã có một cuộc điện đàm "rất hiệu quả" với ông Tô Lâm.

 

Ông Osius đánh giá cao phản ứng của ông Tô Lâm khi đã có cuộc điện đàm rất nhanh với ông Trump sau thông báo áp thuế.

 

"Theo tôi, đó là một cuộc gọi tích cực và hiệu quả. Tôi tin rằng đây cũng là cuộc gọi đầu tiên từ một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ sau ngày 2/4."

 

"Và ngay sau cuộc điện đàm là chuyến thăm được chuẩn bị kỹ lưỡng và diễn ra rất nhanh chóng của phó thủ tướng với tư cách là đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng với một đội ngũ rất mạnh, được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đàm phán, ký kết và thúc đẩy các thỏa thuận," ông nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/730/cpsprodpb/7b3f/live/78225080-199d-11f0-a455-cf1d5f751d2f.jpg.webp

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick

 

Trong thời gian giữ chức đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Osius đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục - nơi vốn dĩ chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, trong khi theo cách nhìn của phía Mỹ, ông Trọng chỉ là một lãnh đạo đảng.

 

Điều này đã diễn ra sau khi ông Osius được các quan chức cấp cao tại Hà Nội gợi ý và thuyết phục nhiều lần về việc tại sao tổng thống Mỹ cần có cuộc tiếp đón chính thức đối với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Osius đã thuật lại quá trình mà phía Hà Nội thuyết phục ông và ông trở về Mỹ thuyết phục lại các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao về vấn đề này trong cuốn sách Không gì là không thể của ông.

 

Chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm thay đổi hẳn cách giao thiệp giữa lãnh đạo hai nước, được nhiều nhà quan sát coi là sự thừa nhận từ phía Mỹ về tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu đảng này.

 

Kể từ đó, dù là tổng thống thuộc phe Cộng hòa hay Dân chủ, Mỹ về cơ bản đã tiếp tục duy trì kênh giao thiệp này.

 

Chẳng hạn, vào tháng 3/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khoảng sáu tháng sau, ông Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của ông Trọng và ông Trọng là người đón tiếp.

 

Nhân dịp đó, ông Trọng cùng ông Biden đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên mức ngoại giao cao nhất.

 

Nói với BBC News Tiếng Việt, ông Osius khẳng định chuyến thăm năm 2015 của ông Trọng là một cột mốc quan trọng bởi trong hệ thống chính trị của Mỹ - người đứng đầu đảng không đồng nghĩa với người đứng đầu quốc gia và thường thì người đồng cấp sẽ đón tiếp nhau: nguyên thủ quốc gia gặp nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đảng gặp lãnh đạo đảng.

 

"Chúng tôi đã có thể thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa hai hệ thống và tôi đã phải nỗ lực thuyết phục chính quyền Obama mời vị tổng bí thư đến Nhà Trắng. Tôi rất vui khi chuyến đi thành công, điều đó cho thấy Mỹ tôn trọng sự khác biệt về mặt chính trị giữa hai nước và giúp cho quan hệ song phương ngày càng phát triển".

 

 

Tương lai về thuế sẽ ra sao?

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0538/live/2b3fa3c0-19a3-11f0-b1b3-7358f8d35a35.jpg.webp

 

Dù Mỹ đang hoãn áp thuế nhưng không có gì chắc chắn về việc mức thuế đối ứng 46% sẽ không tái áp dụng lại cho Việt Nam, nhất là khi cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã nói rằng đề nghị của Việt Nam về việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ không đủ để chính quyền Mỹ dỡ bỏ các mức thuế mới, vì điều đó không giải quyết được tình trạng thâm hụt thương mại khi mà Việt Nam bán 15 đô la hàng cho Mỹ thì chỉ mua lại có 1 đô la.

 

Sau khi ông Phớc "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" (đánh giá của Chính phủ Việt Nam) thì trách nhiệm nặng nề lúc này được đặt lên vai Chính phủ Việt Nam.

 

Chính phủ Việt Nam vào ngày 11/4 đã thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ, do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn.

 

Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 30% GDP và việc Mỹ áp thuế lên Việt Nam được xem là đòn giáng nặng nề vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Việt Nam.

 

Dù Mỹ đã tạm hoãn thuế cho Việt Nam nhưng việc Mỹ và Trung Quốc "ăn miếng trả miếng" sẽ khiến Việt Nam tiến thoái lưỡng nan.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 6/4, ông Navarro đã nói rằng "về cơ bản thì Việt Nam là một thuộc địa của Trung Quốc" và Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng của Trung Quốc để lách thuế.

 

Ông Navarro còn cáo buộc Việt Nam duy trì nhiều rào cản phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ và cho biết một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thực chất là sản phẩm của Trung Quốc.

 

Tỷ lệ hàng hóa trung chuyển hoặc sản xuất tại Việt Nam để lách thuế Mỹ áp lên Trung Quốc thực chất rất khó đánh giá chính xác, nhưng các nghiên cứu thương mại chi tiết cho thấy con số này dao động trong khoảng 7% đến 16%, chứ không phải một phần ba như Navarro tuyên bố.

 

Dù vậy, với căng thẳng Mỹ-Trung, Việt Nam với đường lối "ngoại giao cây tre" khi đi dây giữa hai cường quốc có thể sẽ bị thử thách.

 

Một trong những biện pháp để Việt Nam duy trì làm ăn với Mỹ là tuyên bố sẵn sàng "xử lý nghiêm" hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ thông qua lãnh thổ của mình và sẽ siết chặt kiểm soát đối với các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm sang Trung Quốc, theo Reuters.

 

 --------------------------------

Tin liên quan

·         

Đòn thuế của ông Trump gây thương tổn cho các ngành hàng nào của Việt Nam?

4 tháng 4 năm 2025

·         

Dự án golf Hưng Yên của Tập đoàn Trump: Còn giá trị trong đàm phán thuế quan?

14 tháng 4 năm 2025

·         

Nhân viên Samsung đứng ngồi không yên trước thuế quan Trump áp lên Việt Nam

13 tháng 4 năm 2025

·         

Ông Tập Cận Bình đi Việt Nam: cơ hội giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng 'đừng quá thân mật'

13 tháng 4 năm 2025

·         

Mỹ và Trung Quốc thương chiến leo thang: Hà Nội xích lại gần Bắc Kinh?

9 tháng 4 năm 2025

·         

Giá giày Nike từ Việt Nam qua Mỹ sẽ tăng?

6 tháng 4 năm 2025

 

 




No comments: