Thấy
gì từ việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị phế truất?
Hồng Hải - Luật
Khoa tạp chí
Apr
14, 2025
https://www.luatkhoa.com/2025/04/thay-gi-tu-viec-tt-han-quoc-yoon-suk-yeol-bi-phe-truat/
Lợi
ích đảng phái khiến tình trạng phân cực chính trị ở Hàn Quốc thêm sâu sắc.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2025/04/Apr-14.png
Nguồn
ảnh: KIM Min-Hee / POOL/AFP; Yonhap News; ABC Iview. Đồ hoạ: Thanh Tường / Luật
Khoa.
Ngày
4/4, Tòa Bảo hiến Hàn Quốc đã ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Quyết định lịch sử này là hệ quả trực tiếp từ việc Tổng thống Yoon đã ban bố
thiết quân luật vào ngày 3/12/2024, gây bất bình trong công chúng và khiến khủng
hoảng lan rộng.
Phán
quyết của Tòa Bảo hiến nhấn mạnh tác động nghiêm trọng từ hành động của ông
Yoon. Chánh án Moon Hyung-bae đã viện dẫn đến việc Tổng thống Yoon cử quân đội
đến Quốc hội vào đêm ngày 3/12 và ra lệnh cho quân đội “lôi” các nhà lập pháp
ra ngoài. Ông Moon cho rằng việc ban bố thiết quân luật và gây sức ép lên
các nghị sĩ là “không thể biện minh được” vì không có “chiến tranh, sự cố, hay
tình trạng khẩn cấp quốc gia”. [1]
Quyết
định của tòa đánh dấu việc ông Yoon chính thức bị cách chức tổng thống. Phán
quyết có hiệu lực ngay lập tức và Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử trong vòng 60
ngày để tìm người thay thế ông.
Có
những vấn đề nào mà chúng ta cần chú ý từ diễn biến chính trị rúng động tại quốc
gia từng được xem là “nền dân chủ kiểu mẫu” và có nền pháp trị
vững mạnh này ở châu Á? [2]
Phân
cực chính trị sâu sắc
Sự
kiện ông Yoon bị cách chức là hệ quả của tình trạng căng thẳng dai dẳng trong
văn hóa chính trị của Hàn Quốc, sự nhạy cảm của các nhà lãnh đạo về quyền lực,
và sự thiếu vắng khả năng lắng nghe nguyện vọng của công chúng. Tại xứ sở kim
chi này, việc ra quyết định được triển khai theo chiều dọc (từ trên xuống) và các chính sách chủ yếu nhằm
dành lợi thế cho các đảng phái. [3]
Trở
lại tháng 12/2024, tuyên bố táo bạo của Tổng thống Yoon về thiết quân luật cho
thấy một phong cách quản trị trong đó quyền hành pháp thường lấn át các chuẩn mực
dân chủ (vốn đề cao hợp tác và đối thoại hơn là ra quyết định “đơn độc”). Tuy
nhiên, điều này không mới mẻ gì vì nó phản ánh di sản lịch sử của sự kiểm soát
tập trung vẫn tồn tại ở Hàn Quốc mặc dù quốc gia Đông Á này đã chuyển sang nền
dân chủ vào năm 1987.
Cụ
thể hơn, việc áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn của Tổng thống Yoon,
dù sau đó đã buộc phải rút lại sau khi các nhà lập pháp bất chấp các lệnh phong
tỏa quân sự để bỏ phiếu bãi bỏ, đã phơi bày sự phụ thuộc của Yoon vào hành động
đơn phương để chống lại phe đối lập. Đáng nói, động thái này “đánh thức những bóng ma của quá khứ bạo
lực, độc tài của đất nước” và cho thấy rằng thiết quân luật không phải đã bị đẩy
lùi vào lịch sử “như hầu hết mọi người vẫn nghĩ”. [4]
Phán
quyết của Tòa án Hiến pháp cũng nêu rõ rằng việc luận tội Yoon căn cứ trên việc
hành động của ông là “sự phản bội nghiêm trọng” (grave betrayal) đối với lòng
tin của công chúng. Tòa cũng nhấn mạnh rằng cách ông huy động quân đội để cản
trở Quốc hội cho thấy rõ Tổng thống ưu tiên các mục tiêu đảng phái hơn là tính toàn vẹn của hiến
pháp. [5]
Xu
hướng quản trị theo kiểu từ trên xuống này còn phức tạp hơn trong môi trường
chính trị đặc thù của Hàn Quốc. Cụ thể, cả những người ủng hộ và những người chỉ
trích Yoon đều “cố thủ” với lập trường chính trị của họ. Tại Hàn Quốc, có cả những
người trước đây lên án việc luận tội là một âm mưu của phe cánh tả và những người
sau này ăn mừng nó như một chiến thắng của nền dân chủ. Theo The
Guardian, điều này minh họa cho cách các cơ chế nhà nước thường được sử dụng
như công cụ để đạt được lợi ích phe phái. [6]
Sâu
xa hơn, sự phân cực trong xã hội Hàn Quốc cũng nói lên rằng nền dân chủ, vốn đề
cao sự đa dạng, đang phải vật lộn để duy trì sự đồng thuận đối với các giá trị
phổ quát. Hàng loạt các cuộc luận tội, các động thái pháp lý, và các cuộc biểu
tình của quần chúng trong bốn tháng qua càng làm trầm trọng thêm nền chính trị
chia rẽ tại Hàn Quốc. Sự đa dạng của các đảng phái và khuynh hướng chính trị
cùng sự khác biệt liên quan đến lợi ích và các mối quan tâm của người dân là điều
rất dễ hiểu trong một quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng chính
trị kéo dài tại Hàn Quốc khiến bức tranh dân chủ tại đây thêm u ám.
Bên
cạnh đó, kể từ sau dân chủ hóa, nền chính trị Hàn Quốc đã bị chia rẽ về mặt ý
thức hệ. Phe bảo thủ ca ngợi những thành tựu của chế độ quân sự trước đây và
cáo buộc những người chỉ trích là ủng hộ Bình Nhưỡng. Trong khi đó, những người
đối lập cấp tiến thì cáo buộc phe bảo thủ là phản dân chủ và chà đạp nhân quyền.
Đến
nay, nhiều tổng thống Hàn Quốc đã lâm vào các tình cảnh tồi tệ: bốn tổng thống bị bỏ tù, một người tự tử
trong quá trình điều tra tham nhũng và ba người đã bị luận tội. [7]
Cuộc
khủng hoảng kéo dài tại Hàn Quốc, các cuộc biểu tình của người dân kéo dài,
cùng tình trạng thiếu hụt lãnh đạo (ông Han Duck-soo đang đảm nhận quyền Tổng
thống Hàn Quốc), đang làm tê liệt hoạt động quản trị và khiến việc ứng phó với
các thách thức bên ngoài trở nên khó khăn hơn.
Hàn
Quốc đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% đối với hàng xuất
khẩu sang Mỹ. Đây là một trong những mức thuế cao nhất mà Mỹ áp dụng lên một đồng
minh an ninh. Nhưng đáng nói là đòn thuế quan này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm
đối với Hàn Quốc khi Seoul đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lãnh đạo
sau nhiều tháng bất ổn chính trị. Nguy hiểm hơn, tê liệt chính trị cũng có thể
trở nên nghiêm trọng khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều
Tiên. [8]
Bên
cạnh đó, khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc còn báo hiệu một vấn đề có tính cấu
trúc sâu sắc hơn, đó là một nhóm tinh hoa chính trị đã quen thuộc với việc tận dụng quyền lực để giải quyết vấn
đề thay vì thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi. [9]
Do
đó, việc luận tội Yoon và phán quyết của Tòa Bảo hiến có lẽ là lời nhắc nhở
nghiêm khắc nhất về một nền văn hóa chính trị vẫn đang vật lộn với sự cân bằng
giữa quyền kiểm soát có thẩm quyền và trách nhiệm giải trình dân chủ, nơi lợi
ích đảng phái thường quyết định việc sử dụng thẩm quyền của nhà nước.
***
Nhìn
chung, việc luận tội và quyết định của tòa bộc lộ thực tế là nền văn hóa chính
trị của Hàn Quốc vẫn thiên về việc ra quyết định theo kiểu từ trên xuống. Hơn nữa,
quyền lực vẫn tập trung vào nhánh hành pháp với tổng thống nắm giữ quyền lực tập
trung. Đồng thời, ở quốc gia này, quyền lực nhà nước được sử dụng để đạt được lợi
ích đảng phái hơn là được dùng để làm lợi cho người dân.
Việc
ông Yoon bị luận tội cho thấy sự phân cực chính trị sâu sắc ở Hàn Quốc và tình
trạng này có thể tiếp tục. Vai trò của Hàn Quốc như thành trì dân chủ ở Đông Á
có thể bị xói mòn nghiêm trọng nếu các nhà lãnh đạo nước này không có những cải
cách mạnh mẽ.
----------------
Chú
thích
1.
Seo,
Y., Bae, G., Valerio, M., & Yeung, J. (2025, April 4). South Korea’s
impeached president is removed from office, four months after declaring martial
law. CNN. https://edition.cnn.com/2025/04/03/asia/yoon-impeachment-verdict-south-korea-intl-hnk/index.html
2.
Hutagalung,
S. (2025, January 15). Can Korea’s democracy survive Yoon’s shadow? Asia
News Network. https://asianews.network/can-koreas-democracy-survive-yoons-shadow/
3.
Kim,
J., & Eom, T. Y. (2025, April 4). South Korea Faces Post-Impeachment Era of
Turmoil and Resilience. Asia Pacific Foundation of Canada. https://www.asiapacific.ca/publication/south-korea-faces-post-impeachment-era-turmoil-and
4.
Mackenzie,
J. (2025, April 4). South Korea's president has been removed from power: What
happens now? BBC. https://www.bbc.com/news/articles/cz01mjv0v0go
5.
Lee,
M. Y. (2025, April 4). South Korean court removes president from office, says
he violated duties. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2025/04/03/south-korea-president-removed-martial-law/
6.
Fulton,
A. (2025, April 4). Celebrations as president’s impeachment is upheld – as it
happened. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/live/2025/apr/04/yoon-suk-yeol-south-korea-president-impeachment-verdict-live-updates-blog
7.
Campbell,
C. (2025, April 4). South Korea’s Impeachment Saga Ends. But Its Troubles Are
Far From Over. Time. https://time.com/7274736/south-korea-constitutional-court-confirms-impeachment-president-yoon-suk-yeol/
8.
Kim,
C. (2025, April 9). Trade war pressures South Korea to cut rates faster and
deeper. Reuters. https://www.reuters.com/markets/rates-bonds/trade-war-pressures-south-korea-cut-rates-faster-deeper-2025-04-08/
9.
Xem
[8].
--------------------------------
Đọc
thêm:
Vi
hiến khi sửa Hiến pháp: Một tiền lệ xấu cho ‘kỷ nguyên vươn mình’
Chủ
nghĩa hiện thực trong chính sách nhân quyền - Kỳ 2: Đài Loan
Toàn
cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM
No comments:
Post a Comment